1. Bộ Ngoại Giao Lithuania triệu tập Sứ Thần Tòa Thánh để phản đối nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô

Lithuania, thành viên đa số theo Công Giáo của Liên Hiệp Âu Châu, đã triệu tập nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican tại nước này sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói với giới trẻ Nga hãy nhớ rằng họ là những người thừa kế của “đế quốc Nga vĩ đại”.

Để đáp lại những nhận xét ngẫu hứng mà Đức Phanxicô đưa ra hôm thứ Sáu trong một bài phát biểu trực tiếp qua video với giới trẻ Công Giáo tụ tập tại St. Petersburg, Bộ Ngoại giao Lithuania đã mời Sứ thần Tòa thánh đến “nói chuyện” sau khi tổng giám mục trở về sau kỳ nghỉ, Ông Gabrielius Landsbergis, Bộ Trưởng Ngoại Giao Lithuania cho biết hôm Thứ Tư.

Vatican hôm thứ Ba cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô không có ý định ca ngợi chủ nghĩa đế quốc Nga trong bài phát biểu, trong đó ngài cũng ca ngợi các hoàng đế Nga Peter Đại đế và Catherine II, những người đã mở rộng đế chế Nga.

Các lãnh thổ của Lithuania và Ba Lan đã bị Catherine II sáp nhập vào đế quốc Nga vào thế kỷ 18. Các quốc gia này ly khai sau Thế chiến thứ nhất, sau hai cuộc nổi dậy chống đế quốc ở thế kỷ 19 bị đàn áp dã man.

Vatican cho biết ý định của Đức Phanxicô là “bảo tồn và phát huy tất cả những gì tích cực trong di sản văn hóa và tinh thần vĩ đại của Nga”.

Ukraine, từng là một phần của đế chế này, cho biết những bình luận này là “vô cùng đáng tiếc”. Điện Cẩm Linh cho biết họ “rất hài lòng” trước những nhận định của Đức Thánh Cha.

Lithuania, một quốc gia có 2,8 triệu dân, trong đó 75% là người Công Giáo Rôma, là nước chỉ trích mạnh mẽ Nga và ủng hộ Ukraine ở cả Liên minh Âu Châu và NATO.

Giáo Hội Công Giáo vẫn được tôn kính ở nước này vì lập trường chống Cộng, ủng hộ độc lập khi bị Liên Xô sáp nhập. Trong thời gian này, Vatican giữ đại diện ngoại giao của Lithuania tại Tòa thánh vì Vatican không công nhận việc sáp nhập Lithuania vào Liên Xô.

Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ trước đám đông ước tính khoảng 100 nghìn người ở Lithuania khi ngài đến thăm vào năm 2018.

Trong cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Mạc Tư Khoa, trước khi chúc lành bế mạc, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Đừng bao giờ quên di sản của các bạn. Các bạn là người thừa kế của nước Nga vĩ đại. Nước Nga vĩ đại của các vị thánh, của các vị vua, nước Nga vĩ đại của Peter Đại đế, của Nữ Hoàng Catherine II, đế quốc Nga vĩ đại được vun đắp với biết bao văn hóa và nhân văn. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Các bạn là người thừa kế của Nước Nga vĩ đại, hãy tiến lên. Và cảm ơn. Cảm ơn vì cách sống của các bạn, vì cách các bạn trở thành người Nga”.

Khó khăn là cả hai triều đại Peter Đại đế, Nữ Hoàng Catherine II đều cổ vũ cho chủ nghĩa đế quốc, và cả hai triều đại này đều là các triều đại bắt bớ người Công Giáo tàn tệ; và cả hai nhân vật đều khét tiếng độc ác và hoang dâm vô độ.


Source:Reuters
2. Tuyên bố của phòng báo chí về những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô với một số giới trẻ Công Giáo Nga

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, đã cho biết như sau:

“Trong những lời chào hỏi ứng khẩu dành cho một số thanh niên Công Giáo Nga trong những ngày gần đây, như đã thấy rõ trong bối cảnh ngài phát biểu những lời ấy, Đức Thánh Cha có ý khuyến khích giới trẻ bảo tồn và phát huy tất cả những gì tích cực trong nền văn hóa vĩ đại và tâm linh Nga, và chắc chắn không đề cao luận lý đế quốc và các nhân vật được trích dẫn để chỉ ra một số giai đoạn lịch sử tham khảo. “

Dưới đây là những lời của Đức Thánh Cha được ghi lại từ video:

“Đừng bao giờ quên di sản của các bạn. Các bạn là người thừa kế của nước Nga vĩ đại. Nước Nga vĩ đại của các vị thánh, của các vị vua, nước Nga vĩ đại của Peter Đại đế, của Nữ Hoàng Catherine II, đế quốc Nga vĩ đại được vun đắp với biết bao văn hóa và nhân văn. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Các bạn là người thừa kế của Nước Nga vĩ đại, hãy tiến lên. Và cảm ơn. Cảm ơn vì cách sống của các bạn, vì cách các bạn trở thành người Nga”.


Source:Sismografo

3. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk bày tỏ sự đau đớn và âu lo trước những nhận xét của Đức Thánh Cha

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương vừa đưa ra tuyên bố sau đây liên quan đến cuộc thảo luận chung quanh một số tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Thật đau đớn và lo lắng khi chúng tôi biết được những lời được tường trình của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ trực tuyến với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023 tại St. Petersburg. Chúng tôi hy vọng rằng những lời này của Đức Thánh Cha được nói ra một cách ứng khẩu, không có bất kỳ nỗ lực đánh giá lịch sử nào, chứ đừng nói đến việc ủng hộ tham vọng đế quốc của Nga. Tuy nhiên, chúng tôi chia sẻ nỗi đau lớn mà những lời ấy đã gây ra, không chỉ giữa các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và tín hữu của Giáo cộng đoàn tôi, mà còn giữa các giáo phái và tổ chức tôn giáo khác. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thức được sự thất vọng sâu sắc mà những lời ấy đã gây ra cho xã hội.

Những lời về “nước Nga vĩ đại của Peter Đại Đế I, Nữ hoàng Catherine II, như các đế chế vĩ đại, khai sáng - một đất nước có nền văn hóa vĩ đại và lòng nhân đạo vĩ đại” - là ví dụ tồi tệ nhất về chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga. Có nguy cơ là những lời này có thể bị coi là ủng hộ chính chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc đã gây ra cuộc chiến ở Ukraine ngày nay - một cuộc chiến mang lại cái chết và sự hủy diệt cho người dân chúng ta mỗi ngày.

Những ví dụ do Đức Thánh Cha đưa ra thực sự mâu thuẫn với giáo huấn của ngài về hòa bình, vì ngài luôn lên án mọi hình thức biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc trong thế giới hiện đại và cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng thời nhấn mạnh rằng đó là nguyên nhân của “chiến tranh thế giới thứ ba” đang diễn ra cục bộ.

Với tư cách là một Giáo hội, chúng tôi muốn tuyên bố rằng trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, những tuyên bố như vậy truyền cảm hứng cho những tham vọng thuộc địa mới của quốc gia xâm lược, mặc dù cách thức “là người Nga” như thế đáng bị lên án một cách dứt khoát.

Để tránh bất kỳ sự thao túng nào về các ý định, bối cảnh và các tuyên bố được cho là của Đức Thánh Cha, chúng tôi chờ đợi sự làm rõ tình huống này từ Tòa Thánh.

Giáo Hội Công Giáo-Hy Lạp Ukraine, cùng với mọi công dân của đất nước chúng tôi, lên án ý thức hệ “thế giới Nga” và toàn bộ cách thức tội ác “là người Nga” như thế. Chúng tôi hy vọng Đức Thánh Cha sẽ nghe thấy tiếng nói của chúng tôi.

Trong một vài ngày nữa, các giám mục của Giáo cộng đoàn ta sẽ cùng nhau đến Rôma để tham dự Thượng hội đồng thường niên của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine. Chúng tôi sẽ có cơ hội được gặp Đức Thánh Cha và đích thân truyền đạt cho Ngài những nghi ngờ và nỗi đau của người dân Ukraine, tin tưởng vào sự chăm sóc hiền phụ dành cho họ.


Source:UGCC

4. Thông cáo báo chí từ Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine

Liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine theo sau những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine đã ra tuyên bố sau đây. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Kyiv, ngày 28 tháng 8 năm 2023

Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine đã nhận xét rằng sau cuộc tương tác viễn liên của Đức Thánh Cha Phanxicô với giới trẻ Công Giáo Liên bang Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, đã có các cuộc thảo luận trên các phương tiện truyền thông Ukraine và quốc tế về một số nhận xét nhất định của Đức Thánh Cha trong sự kiện đó. Đặc biệt, theo một số cách giải thích, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đã khuyến khích giới trẻ Công Giáo Nga lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử Nga nổi tiếng với những ý tưởng và hành động theo chủ nghĩa đế quốc và bành trướng đã tác động tiêu cực đến các dân tộc lân cận, bao gồm cả người dân Ukraine.

Đại diện Giáo hoàng này kiên quyết bác bỏ những cách giải thích nói trên, vì Đức Thánh Cha Phanxicô chưa bao giờ tán thành các quan niệm đế quốc. Ngược lại, Đức Thánh Cha là người phản đối và phê phán kịch liệt mọi hình thức chủ nghĩa đế quốc, thực dân ở mọi dân tộc và mọi hoàn cảnh. Những lời của Đức Thánh Cha nói vào ngày 25 tháng 8 phải được hiểu trong cùng bối cảnh này.


Source:nunciaturekyiv.org