Tòa Thánh vừa công bố Lá thư đề ngày 8 tháng 9, 2023 của Đức Giáo Hoàng gửi Giáo Hội Việt Nam nói vị thế và chức vụ của Vị Đại Diện Thường Trú của ngài tại Việt Nam theo thỏa thuận gần đây giữa chính phủ Việt Nam và Tòa Thánh. Sau đây là nguyên văn lá thư dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Kính thưa các Giám mục, linh mục, tu sĩ và tín hữu của dân Chúa tại Việt Nam: xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa ở cùng tất cả anh chị em. Chúng ta hãy vui mừng tạ ơn Thiên Chúa, vì tình yêu Thiên Chúa là vĩnh cửu và thành tín đến muôn đời. [1]

Tôi mong muốn gửi cho anh chị em lá thư này nhân dịp thông qua Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tòa thánh về vị thế của Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam. Đức tin của Giáo Hội Công Giáo ở nước anh chị em đã được sinh ra và lớn lên qua nhiều thế hệ bắt nguồn từ điều răn: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22: 37-38). Thật vậy, tình yêu là thước đo của đức tin, và đức tin là linh hồn của tình yêu, không bao giờ quên rằng tình yêu dành cho Thiên Chúa và người lân cận là hai mặt của một đồng xu. [2]

Như một dấu hiệu của mối quan hệ tốt đẹp đã được đánh dấu trong những năm gần đây, cùng với hy vọng rằng Đại diện Giáo hoàng sẽ là cầu nối để thúc đẩy mối quan hệ hỗ tương, tôi vui mừng được chào đón Ngài Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong chuyến thăm chính thức Vatican vào ngày 27 tháng 7 vừa qua. Cuộc gặp gỡ này có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình tăng cường quan hệ giữa Tòa thánh và Việt Nam. Về người dân Việt Nam, Thánh Gioan Phaolô II nhận xét rằng mọi người đều biết và đánh giá cao lòng can đảm của anh chị em trong công việc, sự kiên trì trước khó khăn, ý thức về gia đình và các nhân đức tự nhiên khác được anh chị em làm chứng. [3]

Trên cơ sở sự tin cậy lẫn nhau từng bước được xây dựng trong nhiều năm qua, được củng cố bởi các chuyến thăm hàng năm của Phái đoàn Tòa Thánh và các cuộc họp của Nhóm làm việc chung Việt Nam-Tòa Thánh, cả hai bên đã có thể cùng nhau tiến lên phía trước, và sẽ có thể tiến bộ hơn nữa, thừa nhận các hội tụ và tôn trọng sự khác biệt. Hơn nữa, những bên tham gia có thể cùng nhau bước đi, lắng nghe nhau và đạt đến sự hiểu biết lẫn nhau. Mặc dù mỗi bên có hậu cảnh và kinh nghiệm sống khác nhau, nhưng điều đó không ngăn cản họ cùng nhau tìm kiếm con đường tốt nhất hướng tới lợi ích của người dân Việt Nam và Giáo hội.

Nhắc lại lời mô tả trong Thư gửi Diognetus, một bản văn của thế kỷ thứ hai sau Chúa Kitô, các Kitô hữu, những người ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, được đánh dấu bằng việc thực hành bác ái, thực thi Tin Mừng trong lòng quốc gia và đồng hành cùng quốc gia trong nỗ lực hướng tới sự phát triển cân bằng kinh tế và xã hội. Do đó, các tín hữu Công Giáo, bằng cách xây dựng Giáo hội thông qua sự hợp tác mục vụ chung, và bằng việc thấm nhuần đời sống hằng ngày với sứ điệp Tin Mừng, sống theo căn tính riêng của mình là những Kitô hữu tốt và những công dân tốt. Về vấn đề này, các tín hữu Công Giáo có thể thúc đẩy đối thoại và mang lại niềm hy vọng cho đất nước bất cứ khi nào những điều kiện thuận lợi cho việc thực thi quyền tự do tôn giáo được thực thi.

Anh chị em là con cái của Giáo hội và đồng thời là công dân của Việt Nam, như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nhắc lại vào năm 2009 khi phát biểu với các Giám mục Việt Nam: “Giáo hội mời gọi tất cả các thành viên của mình trung thành cam kết xây dựng một xã hội công bằng, hỗ trợ và bình đẳng”. Ý định của Giáo Hội chắc chắn không phải là thay thế các nhà lãnh đạo chính phủ; Giáo Hội chỉ mong muốn có thể đóng một vai trò chính đáng trong đời sống quốc gia, phục vụ toàn thể nhân dân, trên tinh thần đối thoại và cộng tác tôn trọng”. [4]

Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thực hành bác ái cụ thể, nghĩa là việc cương quyết ủng hộ những người đàn ông và đàn bà, một việc vốn được thực hiện vào dịp Phục sinh và qua Giáo hội, được liên tục làm cho hiện diện trong suốt lịch sử, vì “ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh, các Kitô hữu… được mời gọi lắng nghe tiếng kêu của người nghèo”. [5] Tinh thần này luôn làm sinh động cộng đồng Công Giáo ở đất nước anh chị em và khiến cộng đồng này đưa ra những đóng góp tích cực và ý nghĩa trong việc phục vụ người dân, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19. Thật vậy, Giáo hội tại Việt Nam, với sự khuyến khích của mỗi Giám mục và của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã chứng tỏ mình là men trong xã hội, đồng hành cùng xã hội trong sự phát triển và góp phần vào sự tiến bộ của xã hội như những tín hữu trung thành, có trách nhiệm và đáng tin cậy.

Các Giám mục của anh chị em đã nhắc lại tất cả những điều này trong Thư Mục vụ ban hành năm nay, tập trung vào việc thúc đẩy sự tham gia vào đời sống cộng đồng thông qua tình yêu thương lẫn nhau, sự lắng nghe chân thành và các hành vi bác ái, cũng được thể hiện đối với những người không cùng đức tin và trong việc chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất và cần thiết nhất.

Anh chị em Việt Nam thân mến, các tín hữu Công Giáo, luôn sẵn sàng đáp ứng một cách hữu hiệu các nhu cầu hàng ngày của người khác và tham gia xây dựng công ích trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của đất nước, được kêu gọi thực hiện lời dạy của Chúa Giêsu làm “ánh sáng thế gian và muối đất” và “hãy để ánh sáng của chúng chiếu tỏa trước người khác để họ có thể nhìn thấy những việc lành của chúng và tôn vinh Cha của chúng trên trời” (Mt 5:16).

Sáu mươi năm trước, khi phát biểu trước toàn thế giới để kêu gọi một nỗ lực chung cho hòa bình, Thánh Gioan XXIII đã viết: “Chúng tôi hy vọng rằng, bằng cách thiết lập liên lạc với nhau và bằng chính sách đàm phán, các quốc gia sẽ đạt được sự nhìn nhận tốt hơn các mối dây tự nhiên ràng buộc họ với nhau như những người đàn ông và đàn bà. Chúng tôi cũng hy vọng rằng họ sẽ nhận thức một cách công bằng hơn một trong những nhiệm vụ cốt yếu xuất phát từ bản chất chung của chúng ta: đó là tình yêu, chứ không phải sự sợ hãi, phải thống trị các mối quan hệ giữa các cá nhân và giữa các quốc gia. Đặc điểm cơ bản của tình yêu là nó thu hút những người đàn ông và đàn bà đến với nhau mọi cách thế, hợp nhất một cách chân thành trong mối liên kết giữa tâm trí và vật chất; và đây là sự kết hợp mà từ đó có thể tuôn chảy vô số phước lành”. [6]

Tôi cầu xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn anh chị em, để trong cuộc sống và trong mối quan hệ của anh chị em với Chính quyền dân sự và với mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc hay văn hóa, anh chị em có thể biết cách làm chứng cho tình yêu và lòng bác ái của Chúa Giêsu Kitô, vì vinh quang của Thiên Chúa.

Khi kết thúc Bức thư huynh đệ này, tôi hy vọng rằng anh chị em, các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân thân mến, sẽ can đảm noi gương Chúa Kitô. Xin Đức Mẹ La Vang đồng hành cùng anh chị em và qua lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, xin Cha nhân lành chúng ta ban phúc lành và ban dồi dào ân sủng cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, cũng như cho Đất nước và nhân dân Việt Nam thân yêu.

FRANCISCUS

Từ Vatican, ngày 8 tháng 9 năm 2023,
Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria

[1] Xem Kinh Truyền Tin, ngày 10 tháng 11 năm 2013

[2] Xem Kinh Truyền Tin, ngày 26 tháng 10 năm 2014

[3] Xem Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn trên đài phát thanh với nhân dân Việt Nam, ngày 10 tháng 5 năm 1984.

[4] Đức Bênêđíctô XVI, Diễn văn với các Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, chuyến thăm Ad limina, 27 tháng 6 năm 2009.

[5] Niềm Vui Tin Mừng, 191.

[6] Gioan XXIII, Hòa bình trên thế giới, 129.