Câu hỏi 90: Tại sao Chúa Giêsu không đơn giản phá hủy sự ác một lần vĩnh viễn và thiết lập vương quốc trên trái đất?

Câu hỏi này nói lên điều có lẽ là niềm hy vọng của rất nhiều người cùng thời với Chúa Giêsu (xem câu hỏi 33). Trong một số lần, chúng ta đã cho thấy rằng “Thiên Chúa Đấng đối thoại” không hành động cách ép buộc. Cả niềm hy vọng có tính khải huyền về việc tiêu diệt lớn lao “thời đại xấu xa” hiện tại lẫn niềm hy vọng duy dân tộc chiến thắng kẻ thù của mình đều không tương thích với lối hành động của Chúa Giêsu Kitô. Câu hỏi duy nhất người ta có thể hỏi cách hữu ích không phải là Thiên Chúa có thể đã làm những gì mà là Thiên Chúa đã làm những gì trong Chúa Giêsu. Mátthêu nhìn nhận vấn đề Thiên Chúa không hành động khi Chúa Giêsu bị bắt lúc một trong các môn đệ của Chúa Giêsu cắt đứt tay tên nô lệ của thầy cả thượng phẩm: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần” (Mt 26:52-53). Theo mọi Tin Mừng, điều đang diễn ra là ứng nghiệm lời sách thánh tức thánh ý Thiên Chúa.Luca cũng viết thêm: “đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm!” (Lc 22:53b). Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta như các tạo vật của thời gian và không gian. Thánh ý Thiên Chúa là chúng ta dùng thời gian và có không gian để học hỏi một điều duy nhất cần thiết: yêu mến nhau như Chúa Giêsu đã yêu chúng ta.Sức mạnh thần linh duy nhất mà Chúa Giêsu cung ứng cho chúng ta là sức mạnh của tình yêu, Thánh Thần của Người.



Tuy nhiên, câu hỏi cũng nói lên ước muốn sâu xa nhất của mọi cõi lòng nhân bản: công lý được thực hiện. Điều này không y hệt vi6ẹc trả thù hay chiến thắng kẻ thù của ta. Những ai “đói khát sự chính trực” (Mt 5:6) đói và khát Thiên Chúa, Đấng duy nhất thực sự là chính trực. Mối liên hệ “đúng đắn” với Thiên Chúa là điều làm cho mối liên hệ đúng đắn với nhau và với toàn bộ sáng thế thành khả hữu. TRong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thiết lập chính mối liên hệ như thế và do đó đã tiêu diệt sự ác một lần vĩnh viễn. “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9:12). Điều đã được thể hiện nơi Chúa Giêsu vẫn còn cần được thể hiện nơi chúng ta và do đó, Người đã ban cho chúng ta Thánh Thần của Người và Lời của Người để đem chúng ta tới công lý và phán đoán: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4:12-13).

Câu hỏi 91: Làm thế nào con biết Chúa Giêsu đang lắng nghe con? Tại sao có quá nhiều đau khổ trong đời con nếu Chúa Giêsu yêu con đến thế?

Trên đây, chúng tôi đã gợi ý (xem câu hỏi 65) rằng không hề có câu trả lời cho câu hỏi “tại sao?” khi người ta giáp mặt với trải nghiệm bản thân về sự ác. Ở một bình diện, chúng ta đơn giản phải chấp nhận sự kiện này: mỗi người chúng ta đều là một phần tạo nên vũ trụ mầu nhiệm và phức tạp liên tục trải qua các diễn trình thay đổi, cả lớn mạnh lẫn phân hủy. Chúng ta sinh ra và chết đi. Trong đời mình, chúng ta thường giáp mặt với những sức mạnh vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta. Chủ yếu đối với bất cứ mối liên hệ nào với Thiên Chúa cũng đơn giản là việc chấp nhận tính tử sinh của chúng ta. Lạc giáo vĩ đại của nền văn hóa của chúng ta, một nền văn hóa cũng đã gây ra nhiều thiệt hại tâm lý vô lường, là bác bỏ sự chết. Không chấp nhậncác diễn trình bình thường của sống của chết là tự tha hóa mình khỏi thiên nhiên, và do đó khỏi chính bản ngã chúng ta như những tạo vật có thân xác.

Tuy nhiên, ở một bình diện khác, chúng ta không phải chỉ là những người thụ động chịu đựng trong một thế giới vô cảm. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trí khôn và ý chí, khả năng tưởng tượng ra các khả thể mới và tạo chúng thành các thực tại. Thiên Chúa luôn hiện diện trong óc sáng tạo của chúng ta, vì Thiên Chúa sáng tạo qua chúng ta. Không còn hoài nghi gì nữa là Thiên Chúa sống động, tích cực, hiện diện trong đời ta, trong cả các nỗi đau đớn của ta. Chúa Cha biết chúng ta cần gì ngay trước khi chúng ta cầu xin (Mt 6: 32). Chúa Con luôn lắng nghe và lưu tâm vì Người vốn bước đi cùng một nẻo đường và biết rõ chúng ta cảm nhận ra sao (Dt 4:15). Chúa Thánh Thần luôn khuyến khích và hướng dẫn chúng ta hướng tới sự viên mãn của tình yêu như có tính sáng tạo, giao ước, và tự hiến. Như thế, khi cầu nguyện, chúng ta không cầu nguyện để kéo sự chú ý của Thiên Chúa. Đúng hơn, chúng ta cầu nguyện để chúng ta có khả năng nghe được điều Thiên Chúa đang nói với chúng ta. Đó là một trong những điều Thiên Chúa đang nói với chúng ta hết lần này đến lần nọ: “...Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:3bc).

Câu hỏi 92: Trong việc cầu nguyện của chúng ta, có phải lúc nào chúng ta cũng phải đến với Chúa Cha qua Chúa Con hay chúng ta có thể cầu nguyện trực tiếp với Chúa Cha?

Lời cầu nguyện của Kitô hữu luôn luôn nên có tính Ba Ngôi. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho ta bản tính tam vị của một Thiên Chúa. Tôi thấy truyền thống của Chính thống giáo luôn cầu nguyện với Chúa Cha qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần là có nền tảng Kinh Thánh hơn cả. Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể cầu nguyện lúc thì với Chúa Cha, lúc thì với Chúa Con và lúc thì với Chúa Thánh Thần, tùy ý thích bản thân của mỗi người. Nhưng những lời cầu nguyện như thế không bao giờ nên quên rằng Ba Vị đều hợp nhất vô cùng chặt chẽ trong một sự sống thân linh duy nhất. Tin Mừng Gioan đặc biệt nói mạnh về khía cạnh này: “Chúa Cha và Thầy là một” (10:30). “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha... Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?” (14:9b.10a).

Diễn từ tại bữa tối cuối cùng trong Tin Mừng Gioan (các chương 13-17) tập chú vào hành động qua lại bên trong Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần và vào việc cư ngụ hỗ tương của cùng sự sống tam vị trong chúng ta, và sự cư ngụ của chúng ta trong sự sống tam vị. Trong truyền thống Chính Thống sau này, Ba Ngôi được tưởng tượng như đang múa nhẩy trong một vòng tròn. Chúng ta được mời gọi tham gia cuộc múa nhẩy, tham gia vào vòng ôm yêu thương năng động và hỗ tương vốn là sự sống Thiên Chúa. Thiên Chúa mời chúng ta vào và do đó, “thần hóa” chúng ta nghĩa là làm cho sự sống Thiên Chúa thành sự sống của chúng ta. Thiên Chúa mời chúng ta vào không phải để tan hòa chúng ta vào sự sống thần linh, nhưng biến đổi chúng ta bằng sức mạnh của tình yêu sáng tạo, giao ước và tự hiến để chúng ta đạt tới sự viên mãn của bản thể ta như những ngôi vị nhân bản. Thiên Chúa khẳng định căn tính, phẩm giá và sự toàn vẹn bản vị của chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta là những ngôi vị nhân bản được làm cho sống động trọn vẹn, nói theo dẫn giải thông sáng và đẹp đẽ của Thánh Irênê. Ơn phúc Thiên Chúa ban cho chúng ta là Chúa Thánh Thần (Lc 11:13). Bất cứ điều gì khác chúng ta có thể cần hay muốn cầu xin cho có, ơn phúc này cuối cùng là ơn phúc không thể thiếu mà chúng ta phải cầu xin cho có. Chúng ta cầu xin Chúa Cha qua Chúa Con ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần. Với Chúa Thánh Thần này, ngay lúc này, chúng ta đã có thể bước đi trong sự sống mới (Rm 6:4) như sáng thế mới (Gl 6:15; 2Cr 5:17). “Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17:3). Sự sống đời đời đã bắt đầu rồi khi chúng ta, nhờ đức tin và lời cầu nguyện, chúng ta được gia nhập sự sống Ba Ngôi của Thiên Chúa.

Câu hỏi 93: Làm thế nào con biết Thiên Chúa muốn gì cho con?

Trong phiên bản Mátthêu về Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (6:10b). Chính Chúa Giêsu (nhưng chỉ trong Mátthêu) đã nhắc lại những chữ này tại Vườn Diêtsimani: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (26:42b). Đối với Mátthêu, Chúa Giêsu không những là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng công bố và dạy dỗ người ta về thánh ý Thiên Chúa; Người còn hiện thân nó từ lúc chịu phép rửa bằng nước cho đến lúc chịu phép rửa bằng máu. Là một Kitô hữu, tôi chỉ có thể biết thánh ý Thiên Chúa nếu tôi tiếp nhận ơn phúc của Thánh Thần Người trong phép rửa và tìm cách hiện thân Thánh Thần này bằng cách theo chân Chúa Giêsu lên đường trong các điều kiện cụ thể và chuyên biệt của đời sống tôi. Tìm cách bắt chước các hành động Chúa Giêsu một cách chỉ lưu ý tới nghĩa đen là ngu xuẩn và hời hợt. Tôi phải nắm được Thánh Thần Người và để Thánh Thần này sống động trở lại trong bối cảnh hoàn cảnh sống độc đáo của tôi.

Ba điều nên nói về thánh ý Thiên Chúa. Thứ nhất, thánh ý Thiên Chúa, cuối cùng, là một mầu nhiệm giấu ẩn trong ý định và quyền năng của Thiên Chúa. Ngay Chúa Giêsu cũng phải tìm kiếm và khám phá ra thánh ý này qua các trải nghiệm cụ thể của đời sống Người. Cho đến tận cuộc đời Người, Chúa Giêsu vẫn không hoàn toàn chắc chắn về nó, như cảnh trong vườn Diệtsimani đã cho thấy, nhưng Người hoàn toàn chắc chắn điều này: Người có thể tín thác thánh ý này “để giữ trọn đức công chính” (3:15c). Thứ hai, ý định của Thiên Chúa được mạc khải trong phục sinh. Điều Thiên Chúa muốn cho toàn thể sáng thế và cho từng hữu thể nhân bản là sự sống viên mãn, là mỗi người chúng ta trở nên chúng ta một cách trọn vẹn qua việc kết hợp với chính sự sống thần linh. Thứ ba, Thiên Chúa tạo dựng nên mỗi con người như một ơn phúc độc đáo từ bàn tay Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta phải khám phá ra việc phải sống ý định của Thiên Chúa cách cụ thể và chuyên biệt ra sao. Ở đây, chúng ta cần biện phân các thần khí;để ôm lấy Thần Khí Thiên Chúa và xua đuổi thần khí sự ác. “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9:29b). Mục đích của Linh Thao của Thánh Inhaxiô là dìm chúng ta trong Thần Khí Thiên Chúa một cách sâu xa đến nỗi mọi điều khác trên mặt đất chỉ có thể hiểu được và lượng giá được dưới ánh sáng của Thần Khí này. Biết được thánh ý Thiên Chúa là một diễn trình biện phân sẽ kéo dài cho đến chết. Nhưng một điều rõ ràng là Thiên Chúa luôn đòi nơi chúng ta điều Người đã đòi nơi Chúa Giêsu: chúng ta mãi trung thành với các lựa chọn chân chính mà chúng ta đã đưa ra.

Câu 94: Thiên Chúa muốn chúng ta được tự do ra sao? Ngày nay, há không có quá nhiều nhấn mạnh tới việc làm bất cứ điều con muốn hay sao?

Trong nền văn hóa Hoa Kỳ, tự do thường được đi kèm với chủ nghĩa duy cá nhân tràn lan, và điều này thật bất hạnh. Tự do đích thực không lấy mình làm trung tâm, không chỉ tập chú vào các quyền lợi và lựa chọn cá nhân của tôi đến loại bỏ quyền lợi và nhu cầu của người khác. Cũng không đủ khi nói rằng tôi nhìn nhận cùng những điều này cho các cá nhân khác. Điều này dẫn đến ý niệm coi xã hội chỉ như một khế ước tối đa hóa tự do cá nhân và tối thiểu hóa nghĩa vụ xã hội. Điều này làm ngơ sự kiện, là con cái Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, chúng ta vốn thuộc về nhau. Tự do đích thực luôn có tính tương quan, như nó vốn hiện hữu trong sự sống ba ngôi của Thiên Chúa. Không ai trong chúng ta được tự do, nếu một trong các anh chị em của chúng ta bị nô dịch.

Phong trào hiện thời dưới tên “thần học giải phóng”, vốn bắt đầu trong thập niên 1960 ở Châu Mỹ La Tinh, quan tâm tới việc nhấn mạnh mối nối kết thân thiết giữa đức tin Kitô giáo của chúng ta với các thực tại xã hội,chính trị, và kinh tế thời ta. Thần học giải phóng không cho mình là một nền thần học giữa các nền thần học khác, mà là cách duy nhất làm thần học. Tham chiếu hàng đầu là Kinh Thánh. Do đó, trải nghiệm xuất hành trở thành tập chú chính vì nó nói lên 3 yếu tố không thể thiếu: tự do khỏi áp bức quá khứ (ách nô lệ tại Ai Cập); lãnh trách nhiệm hiện tại trong tư cách cộng đồng mới được thiết lập sống cho mối liên hệ với Thiên Chúa và với nhau (giao ước chủ yếu được diễn tả trong mười giới răn: tự do cho tương lai như tương lai của Thiên Chúa (một cộng đồng của hy vọng được biểu tượng bằng lãnh thổ như sự ứng nghiệm của lời Thiên Chúa hứa).

Lịch sử Israel là lịch sử của một dân tộc đấu tranh để mãi trung thành với Thiên Chúa và với nhau. Các tiên tri đặc biệt phê phán các thất bại trong trách nhiệm xã hội: đối với người nghèo, quả phụ, cô nhi, người xa lạ như tượng trưng cho những người dễ bị thương tổn và đán áp nhất.Họ tượng trưng cho thất bại của Israel, không sống đúng giao ước. Áp bức người nghèo là bác bỏ Thiên Chúa của Israel. Chúa Giêsu đến từ bên trong truyền thống đó và công bố rằng vương quốc Thiên Chúa đang đến đặc biệt cho người nghèo và người bị áp bức (xem các câu hỏi 32-33). Các giải thích cá nhân chủ nghĩa về Kinh Thánh nào làm ngơ các quan tâm xã hội của Môsê và của Chúa Giêsu đều thuận tiện cho những ai muốn duy trì nguyên trạng nghèo đói và áp bức, nhưng họ cũng bác bỏ “tự do của vinh quang con cái Thiên Chúa” (Rm 8:21b). Như thế, tự do không phải là giấy phép được làm bất cứ điều gì tôi muốn. Tự do là trách nhiệm vinh quang để chăm sóc và nuôi dưỡng người khác, và đặc biệt người nghèo, người bị hất hủi, bị nhục mạ và khinh thị giữa chúng ta. Nếu chúng ta làm thế, chúng ta khỏi cần phải quan tâm nhiều đến việc bảo vệ “Các tự do” của chúng ta nữa.

Câu hỏi 95: Ngày nay, chúng ta nghe nói khá nhiều đến các vấn đề của phụ nữ. Phong trào duy nữ có tính Kitô giáo hay không?

Có hàng loạt các phong trào duy nữ, và do đó, ta phải cẩn thận khi dùng các phạm trù này. Có một số nhà duy nữ bác bỏ Kitô giáo như là quá tộc trưởng (patriarchal) và bài phụ nữ. Có những nhà duy nữa khác cảm thấy Kitô giáo có trong mình nhiều hạt giống tự cứu chuộc mình khỏi ctính tộc trường và các xu hướng bài phụ nữ. Tôi tự kể tôi vào lớp người sau. Nếu một người duy nữ nào đó, bất kể là nam hay nữ, nhưng tin vào sự bình đẳng trọn vẹn của đàn ông và đàn bà và làm việc để biến sự bình đẳng này thành một thực tại trong mọi cơ cấu xã hội, bất kể là dân sự hay tôn giáo, thì tôi sẵn sàng gọi mình là một người duy nữ. Vấn đề là là vấn đề về nhân tính trọn vẹn, và như tôi đã thường xuyên nhấn mạnh trước đây, không điều nhân bản nào lại xa lạ đối với một Kitô giáo chân chính.

Theo nghĩa đã mô tả, mặc dù hạn tứ đã lỗi thời, tôi vẫn xin nói rằng bằng lời nói và việc làm của Người, Chúa Giêsu tự cho thấy Người là một nhà duy nữ (xem câu hỏi 25). Người có những quan điểm rất tích cực về phụ nữ và giao tiếp với họ cách công khai, thậm chí còn mời gọi một số họ thành môn đệ của Người (xem câu hỏi 50). Người sử dụng hình ảnh mẹ để nói về Thiên Chúa, Đấng mà Người gọi là Bố (Abba) (xem câu hỏi 36). Trong tất cả việc này, Người hết sức động đáo đối thời Người.Với một sự tự do gây ngạc nhiên, Người thách thức các cơ cấu và thực hành nặng tính tộc trưởng cố thủ vốn chống đối phụ nữ. Người cung cấp viễn kiến về một loại cộng đồng mới, một cách mới để lập tương quan vượt quá các chia rẽ và áp bức giữa người giầu và người nghèo, nô lệ và tự do, nam và nữ.

Trưng dẫn một công thức rửa tội tiên khởi, Thánh Phaolô chứng tỏ rằng các Kitô hữu tiên khởi hiểu điều này: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3:28). Các chia rẽ dựa vào chủng tộc, giai cấp hay giới tính đều đã bị vượt quá bởi tính nên một của chúng ta trong Chúa Kitô nhờ phép rửa. Bi thảm thay, các chia rẽ ấy đã trở lại gây bệnh dịch cho Kitô giáo từ thời tiên khởi cho tới tận ngày nay. Không có ai bị áp bức như một người đàn bà da mầu nghèo. Bà bị áp bức vì giai cấp, vì giới tính và vì chủng tộc của bà. Nếu bà không được tự do, thì không ai trong chúng ta được tự do. Phong trào duy nữ có tính Kitô giáo hay không? Tôi xin đề xuất điều này: chúng ta không phải là Kitô hữu nếu chúng ta không duy nữ cùng một cách như Chúa Giêsu, nghĩa là, nếu chúng ta không thực sự tin vào sự bình đẳng trọn vẹn giữa đàn bà và đàn ông và nếu chúng ta không làm tất cả những gì có thể để làm cho sự bình đẳng này thành một thực tại trong xã hội đương thời của chúng ta.