1. Linh mục Chính Thống Giáo cáo buộc Thượng Phụ Kirill báng bổ Đức Mẹ

Cha Ioann Koval, một linh mục Chính Thống Giáo, hiện đang coi sóc một giáo xứ Chính Thống Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi bị Thượng Phụ Kirill huyền chức vì chống lại cuộc xâm lược Ukraine của Putin, đã cáo buộc rằng Thượng Phụ Kirill đang báng bổ Đức Mẹ khi cho rằng gần đây ông đã tìm thấy một bức ảnh Đức Mẹ, như một dấu chỉ rằng Đức Mẹ đứng về phía người Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.

Ngài bày tỏ nỗi buồn diễn biến này, và than thở rằng Chính Thống Giáo Nga đang tự hạ giá mình xuống thành một thế lực chính trị hiếu chiến, gieo rắc oán thù, và lạc xa khỏi sứ mệnh loan báo Tin Mừng.

Tưởng cũng nên nhắc lại là đầu tuần này, trong bối cảnh Putin quyết định tiếp tục cầm quyền thêm 6 năm nữa, Thượng Phụ Kirill tuyên bố đã tìm thấy ảnh tượng Đức Mẹ Kazan, bị mất cách đây một thế kỷ

Thượng phụ Kyril, nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, hôm 4 Tháng Mười Một, cho biết ngài đã tìm thấy biểu tượng kỳ diệu của Đức Mẹ Kazan, bị thất lạc gần 120 năm trước.

“Đây có thể coi là một sự kiện lịch sử. Chúng ta đang nhìn thấy trước mắt bản gốc của bức ảnh kỳ diệu về Đức Mẹ Kazan, mà Pozharski và Minin đã cầu nguyện, và đã cứu nhân dân chúng ta khỏi sự can thiệp của nước ngoài và hậu quả của nó”, ông nói, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thống nhất Quốc gia ở Nga.

Thượng Phụ Kirill nhấn mạnh rằng “hình ảnh này là thánh địa quốc gia của chúng ta”.

Thượng Phụ Kirill nhấn mạnh rằng các chuyên gia đã khẳng định bức ảnh được trưng bày trong nhà thờ chính xác là bức ảnh đã lưu lạc. Tuy nhiên, ông không giải thích bức ảnh này đã được tìm lại như thế nào.

Số phận của bức ảnh này đã trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử Nga: theo truyền thống, bức ảnh được một bé gái mười tuổi tìm thấy trong đống tro tàn ở Kazan sau một trận hỏa hoạn tàn khốc thiêu rụi thành phố vào thế kỷ 16, và trở thành một trong những hình ảnh được tôn kính nhất của Chính thống giáo Nga.

Giáo chủ Chính thống Nga đã công bố phát hiện này nhân Ngày Thống nhất Quốc gia Nga, ngày được tổ chức để kỷ niệm chiến thắng của lực lượng dân quân nhân dân do Kuzmá Minin và Dmitri Pozharski chỉ huy trước lực lượng xâm lược Ba Lan vào năm 1612.

Câu chuyện kể rằng Pozharski vào thành phố với biểu tượng trên tay, vì vậy Sa hoàng Alexei Mikhailovich đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Đức Mẹ Kazan.

Vào năm 1904, bức ảnh đã bị đánh cắp và được cho là đã bị đốt cháy, nhưng theo nhiều giả thuyết khác nhau, bức ảnh đã tránh được số phận này và có thể nằm trong một tu viện ở Siberia, trong một bộ sưu tập tư nhân ở Hoa Kỳ hoặc thậm chí ở Vatican.

Theo Chính thống giáo Nga, sự biến mất của bức ảnh đã đặt ra một lời nguyền lên đất nước dẫn đến sự sụp đổ của đế chế Nga, sự kết thúc của sa hoàng, cuộc cách mạng Bolshevik và cuộc nội chiến đẫm máu sau đó.

Hôm thứ Bảy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao giải thưởng tổng thống cho nhà lãnh đạo Chính thống giáo, người nổi bật vì ủng hộ tuyệt đối cuộc chiến ở Ukraine và các chính sách của Điện Cẩm Linh, vì “đóng góp của ông trong việc củng cố sự thống nhất của đất nước Nga vào năm 2023”.

2. Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cổ võ gia tăng trợ giúp người tị nạn Palestine

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, kêu gọi tăng cường sự hỗ trợ các phương tiện hoạt động cho tổ chức Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine, nhất là đứng trước tình trạng nhân đạo thê thảm tại Gaza hiện nay.

Đức Tổng Giám Mục Caccia bày tỏ lập trường trên đây, trong bài tham luận hôm 06 tháng Mười Một vừa qua, tại Ủy ban Thứ tư của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, bàn về đề tài: Cơ quan Liên Hiệp Quốc cứu trợ người tị nạn Palestine ở Trung Đông, gọi tắt là Unrwa. Đức Tổng Giám Mục tố giác sự leo thang bạo lực chưa từng có hiện nay tại Israel và Palestine, tạo nên mức độ đáng lên án. Ngài lập lại sự kết án của Tòa Thánh chống lại cuộc tấn công khủng bố ngày 07 tháng Mười vừa rồi của lực lượng Hamas và các nhóm võ trang khác chống dân chúng Israel, đồng thời bày tỏ quan tâm về tình trạng nhân đạo thảm khốc tại Gaza.

Vị đại diện Tòa Thánh nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật, ngày 05 tháng Mười Một vừa qua, rằng: “Tôi van xin quý vị hãy dừng lại: hãy ngưng sử dụng võ khí. Tôi hy vọng con đường sẽ được theo đuổi để tuyệt đối tránh sự leo thang xung đột, để những người bị thương có thể được giải cứu và nhân dân Gaza có thể được giúp đỡ, nơi mà tình hình nhân đạo cực kỳ nghiêm trọng. Cần trả tự do ngay cho các con tin”.

Đức Tổng Giám Mục Caccia cũng nói rằng: “Tòa Thánh khích lệ hoạt động của tổ chức Unrwa, rất là quan trọng trong việc thăng tiến sự phát triển nhân bản và cung cấp các dịch vụ nhân đạo cho người tị nạn Palestine, đồng thời cũng là một nguồn hy vọng về tương lai hòa bình có thể có được”. Ngài cũng bày tỏ lo âu vì sự cách quãng giữa các dịch vụ cần thực hiện và ngân khoản đóng góp tự nguyện của các nước cho tổ chức Unrwa.

Và Đức Tổng Giám Mục Caccia kết luận với sự nhấn mạnh nhu cầu cần có một nền hòa bình công chính, đáp ứng những đòi hỏi hợp pháp của người Palestine cũng như Israel.