1. Lần đầu tiên Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine xác nhận đã phá hủy vũ khí Nga ngay trên đất Nga trong cuộc tấn công xuyên biên giới

Hôm thứ Ba, 21 Tháng Mười Một, Roman Starovoyt, Thống đốc khu vực Kursk của Nga, đã cáo buộc quân Ukraine tấn công xuyên biên giới phá hoại hai radar của quân Nga tại thị trấn Dmitriyev của vùng Kursk. Cuộc tấn công được tin là đã diễn ra vào sáng thứ Bẩy, 18 Tháng Mười Một. Báo cáo này mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của ông ta cho rằng cuộc tấn công không gây thiệt hại gì về vật chất và nhân mạng.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba 21 Tháng Mười Một, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, xác nhận Ukraine quả có tấn công vào hai radar của Nga ở khu vực Kursk.

“Tại khu vực Kursk của Nga, lực lượng Ukraine đã tấn công hai radar của đối phương là Nebo 55Zh6 và Gamma-S1E.”

“Vào sáng sớm ngày 18 tháng 11, gần Dmitriyev của vùng Kursk, chúng tôi đã phát hiện một vị trí radar của đối phương vừa được triển khia. Hai trạm radar đắt tiền của Nga, Nebo 55Zh6 và có lẽ là Gamma-S1E, đã bị tấn công và bị phá hủy”,

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã từng xác nhận các cuộc tấn công vào bán đảo Crimea. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, Ukraine xác nhận một cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Hôm 30 Tháng Tám, Thống đốc khu vực Pskov của Nga, Mikhail Vedernikov, đã cáo buộc Ukraine tấn công bằng máy bay không người lái phá hủy 4 máy bay Ilyushin 76. Đáp lại cáo buộc này Yusov nói “Chúng tôi không xác nhận cũng không phủ nhận.”

2. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo Nga có thể gây rối tại Balkan

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO đang xem xét việc tăng quân thường xuyên hơn ở phía Tây Balkan để kiểm soát căng thẳng trong khu vực.

Ông nói với các phóng viên trong chuyến thăm Kosovo: “Chúng tôi hiện đang xem xét liệu có nên tăng quân thường xuyên hơn hay không để bảo đảm rằng điều này không vượt khỏi tầm kiểm soát và tạo ra một cuộc xung đột bạo lực mới ở Kosovo hoặc khu vực rộng lớn hơn”.

Sau bạo lực mới xảy ra giữa các nhóm sắc tộc ở Kosovo hồi tháng 9, NATO đã triệu tập lực lượng dự bị. Phái đoàn KFOR khu vực của NATO, hoạt động từ năm 1999, bao gồm hơn 4.500 binh sĩ từ 27 quốc gia.

3. Báo cáo cho thấy chiến tranh giữa Nga và NATO là không thể tránh khỏi

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO in 'Race Against Time' to Prepare for Russia War: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy NATO 'Chạy đua với thời gian' để chuẩn bị cho chiến tranh với Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một báo cáo mới cảnh báo NATO phải có đủ khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh lớn với Nga trong vòng 5 đến 9 năm tới để ngăn chặn Mạc Tư Khoa “có cơ hội” mở rộng cuộc chiến không có hồi kết với Ukraine, thành một cuộc đối đầu rộng hơn với liên minh phương Tây.

Theo báo cáo, vừa được công bố, do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, gọi tắt là DGAP, soạn thảo, NATO có nguy cơ “tụt hậu” so với Nga, bất chấp cuộc xâm lược vào Ukraine đã và đang gây ra những hậu quả thảm khốc cho Mạc Tư Khoa. Các tác giả Christian Mölling và Torben Schütz nhấn mạnh rằng Nga “là mối đe dọa lớn nhất và cấp bách nhất đối với các nước NATO”.

Báo cáo cho biết liên minh này đang trong một “cuộc chạy đua với thời gian”.

“Một khi giao tranh khốc liệt ở Ukraine kết thúc, chế độ ở Mạc Tư Khoa có thể cần ít nhất từ 6 đến 10 năm để tái thiết lực lượng vũ trang của mình. Trong khung thời gian đó, Đức và NATO phải cho phép lực lượng vũ trang của họ có khả năng ngăn chặn và, nếu cần thiết, trực tiếp chiến đấu chống lại Nga. Chỉ khi đó họ mới có thể giảm nguy cơ một cuộc chiến khác nổ ra ở Âu Châu.”

“Nếu Mạc Tư Khoa chuẩn bị sẵn sàng lực lượng vũ trang chỉ sau 6 năm, NATO sẽ ngày càng khó có thể bắt kịp”.

Putin và các quan chức hàng đầu của ông ta đã nhiều lần coi cuộc xâm lược Ukraine của họ là một cuộc chiến chống lại “tập thể phương Tây”, một cuộc tấn công phủ đầu vào một khối do Mỹ đứng đầu có ý định đàn áp và chia cắt Nga.

Cho đến nay, nền hòa bình không dễ dàng giữa NATO và Nga vẫn được duy trì. Ngay cả khi vũ khí của NATO nghiền nát các đơn vị của Nga ở Ukraine, Mạc Tư Khoa không tham gia vào các hoạt động nào khác ngoài việc đe dọa hạt nhân. Với sự giúp đỡ của Liên minh Âu Châu, NATO đang mở rộng tới nhiều biên giới hơn với Nga, và hạn chế dần các lựa chọn chiến lược của Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, cả hai bên cho đến nay vẫn chỉ tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh, thay vì nóng.

Oleg Ignatov, nhà phân tích cao cấp của tổ chức nghiên cứu về Nga tại Crisis Group, nói với Newsweek: “Bất kể người Nga nói gì, họ không thực sự nghĩ rằng đây là một cuộc chiến chống lại NATO”. “Họ không muốn cuộc xung đột này. Họ chỉ muốn chiếm Ukraine trong 3 ngày. Và tôi tin rằng tất cả các mối đe dọa hạt nhân của họ đều là tín hiệu để NATO không can thiệp trực tiếp”.

Nói về một cuộc đụng độ tiềm tàng giữa Nga và khối phương Tây, Ignatov nói: “Đó sẽ là một cơn ác mộng. Cả NATO và Nga đều đã làm mọi cách để ngăn chặn xung đột trực tiếp kể từ khi bắt đầu cuộc chiến này.”

Nga cho đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu ở Ukraine. Những gì được cho là một chiến dịch chớp nhoáng thể hiện sự tàn nhẫn và ưu thế chiến lược của Mạc Tư Khoa đã chứng tỏ là một bãi lầy tốn kém. Cuộc chiến không hồi kết đã gây ra thương vong cho hàng trăm nghìn người Nga, cô lập Điện Cẩm Linh về kinh tế và chính trị, đồng thời khiến các đối phương phương Tây của Mạc Tư Khoa bừng tỉnh sau nhiều thập kỷ thờ ơ.

Quân đội Nga đã bị tổn thất nặng nề và những hạn chế trong nỗ lực hiện đại hóa kéo dài hàng thập kỷ của Mạc Tư Khoa đã được phơi bày rõ ràng với thế giới. Tuy nhiên, các tác giả của DGAP cho biết, loài gấu Nga vẫn chưa bị cắt móng.

Họ viết: “Ngay cả sau gần hai năm tham chiến ở Ukraine, khả năng chiến tranh của Nga vẫn lớn hơn những gì ấn tượng hiện tại cho thấy”. “Lực lượng trên bộ của Nga chịu tổn thất lớn nhất về nhân lực và trang thiết bị; lực lượng này sẽ tiêu biểu cho nỗ lực phục hồi chính. Lực lượng không quân cũng mất đi nhân sự có trình độ. Nhưng, tổn thất về vật chất là tương đối nhỏ (khoảng 10 đến 15%). Đồng thời, cả hai lực lượng này đều đã chứng tỏ được khả năng thích ứng của mình.”

“Hải quân Nga đã chịu tổn thất nặng nề đối với Hạm đội Hắc Hải, nhưng các hạm đội Baltic, Thái Bình Dương và phương Bắc vẫn tiếp tục sẵn sàng được sử dụng. Cả lực lượng hỏa tiễn chiến lược cũng như lực lượng mạng và không gian có thể vẫn còn nguyên vẹn.”

Những người sống sót sau cuộc tàn sát trên chiến trường Ukraine sẽ tỏ ra có giá trị đối với lực lượng tái thiết của Nga. Andrus Merilo, chỉ huy Lữ đoàn 1 Estonia, nói với Newsweek hồi đầu năm nay rằng các chỉ huy tiểu đoàn và lữ đoàn tương lai của Nga sẽ “có nhiều kinh nghiệm hơn chúng tôi. Họ đã học được cách kết thúc cuộc chiến bằng nỗi đau, máu và đau khổ. Nhưng họ đã học được.”

Putin không có dấu hiệu rút lui khỏi canh bạc Ukraine của mình, và hai thập kỷ cầm quyền độc tài của ông đã để lại rất ít sự phản đối chính trị hợp pháp trong biên giới Nga. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt đã không thể làm sụp đổ nền kinh tế Nga.

Báo cáo của DGAP cho biết: “Nga đang sử dụng doanh thu từ xuất khẩu dầu khí để biến ngành công nghiệp vũ khí của mình thành ngành công nghiệp chiến tranh”. “Nó đã thúc đẩy sản lượng ở một số phần và giữ chân những người lao động quan trọng ở lại sản xuất. Đồng thời, nước này đã tìm cách lách các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các thành phần được coi là quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh. Ngoài ra, Nga còn nhập khẩu vũ khí và đạn dược từ các nước đồng minh như Iran và Bắc Hàn”.

“Nga phải đối mặt với ít thách thức lớn hơn phương Tây về khả năng phục hồi của xã hội. Chế độ đàn áp một cách thô bạo mọi sự xuất hiện của xã hội dân sự. Sự sẵn lòng của xã hội chấp nhận sự mất mát về nhân mạng rõ ràng là rất lớn, vì cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Nga thiệt mạng hơn 300.000 người, chưa kể những người bị thương.”

Ukraine và các đối tác phương Tây đang ở trong một cuộc chiến lâu dài, và – theo các tác giả của báo cáo GDAP – công việc chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo nên bắt đầu ngay bây giờ.

Các tác giả viết: “Lịch trình thực hiện các kế hoạch này có thể được thiết lập rõ ràng: Nó được xác định theo thời gian mà các lực lượng vũ trang Nga cần để phục hồi, nghĩa là từ 6 đến 10 năm sau khi kết thúc giao tranh cường độ cao ở Ukraine”.

“NATO phải hoàn thành việc tái định vị của mình ít nhất một năm trước khi Nga đạt được năng lực chiến tranh. Điều này sẽ mang lại cho Điện Cẩm Linh cơ hội kịp thời nhận ra rằng cơ hội để Nga tấn công thành công NATO vẫn chưa mở ra. Với thời gian phục hồi của Nga, NATO do đó phải đạt được khả năng chiến tranh trong vòng 5 đến 9 năm để có thể ngăn chặn Nga tham chiến.”

Báo cáo lập luận rằng tốc độ là điều cốt yếu, đồng thời gợi ý rằng khả năng răn đe là chìa khóa cho tư duy chiến lược của Nga. Các tác giả viết: “Trước khi Nga bắt tay vào quá trình tái thiết, NATO cần phải có khả năng răn đe. Bất kỳ đội quân hoặc hệ thống nào mà các nước NATO triển khai sau khi Nga đã bắt đầu tái thiết lực lượng sẽ không ảnh hưởng đến những cân nhắc của Mạc Tư Khoa. Nga sẽ đánh giá thấp khả năng sẵn sàng chiến đấu của NATO và có thể bị cám dỗ để bắt đầu một cuộc chiến khác”.

NATO đã được huy động để đối phó với mối đe dọa tiềm tàng mới từ Nga kể từ khi quân đội Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Xe tăng, pháo và thậm chí cả chiến đấu cơ do NATO tài trợ đã sẵn sàng hoạt động chống lại lực lượng Nga, điều này được cho là không thể trong những năm tháng dẫn đến cuộc xâm lược đang diễn ra.

Phần Lan đã gia nhập liên minh, bổ sung thêm 833 dặm nữa vào biên giới liên minh với Nga, trong khi Thụy Điển cũng đang trong tiến trình gia nhập. Theo nhận định của một số nhà lãnh đạo đồng minh, Biển Baltic – qua đó nhiều hạm đội hải quân và thương mại quan trọng nhất của Nga tiếp cận thế giới giờ đây giống như một “Hồ NATO”

Nhưng liên minh này cũng chậm chạp trong việc đồng ý gửi vũ khí tiên tiến nhất của mình tới Ukraine và đang nỗ lực mở rộng cơ sở công nghiệp-quân sự để cạnh tranh với cỗ máy chiến tranh của Nga. Đặc biệt, việc sản xuất đạn pháo đã nổi lên như một điểm yếu tiềm tàng của phương Tây, khi các quốc gia đồng minh không thể đáp ứng nhu cầu pháo binh của Ukraine.

Nhìn chung, hầu hết các quốc gia NATO vẫn không đạt được mục tiêu đã thống nhất vào năm 2014 là chi 2% GDP cho quân đội của họ trong vòng 10 năm. Trong số những quốc gia vẫn đang nỗ lực để đạt được ngưỡng này có các quốc gia chủ chốt như Đức, Pháp và Ý.

Mặc dù viện trợ dành cho Ukraine vẫn được công chúng ủng hộ trên toàn NATO, nhưng tất cả các quốc gia đang phải vật lộn với những căng thẳng kinh tế toàn cầu và khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khiến việc mở rộng chi tiêu quân sự lớn trở nên nhạy cảm về mặt chính trị.

Báo cáo của DGAP cho rằng thuốc giải độc là lập kế hoạch dài hạn. Các tác giả cho biết: “Nếu giả định rằng NATO vẫn còn một thập kỷ nữa để có thể ngăn chặn Nga, thì nỗ lực cần thiết sẽ trở nên dễ hiểu hơn về mặt chính trị”.

“Gánh nặng đối với ngân sách công được dàn trải theo các điều khoản của một số chính phủ. Việc xây dựng cơ cấu lực lượng và mua sắm có thể được tiếp tục theo kế hoạch. Ngành công nghiệp quốc phòng có thể duy trì kế hoạch sản xuất của mình. Các nước NATO cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để xây dựng hệ thống phòng thủ tổng thể của mình.”

Các tác giả đề nghị NATO nên “kiếm thời gian” bằng cách thúc đẩy Ukraine giành chiến thắng và làm suy thoái quân đội Nga ở mức tối đa, đồng thời tích hợp Ukraine vào các cơ cấu và ngành công nghiệp phòng thủ của Liên Hiệp Âu Châu-NATO.

Họ nói thêm rằng Âu Châu phải đảm nhận vai trò “cân bằng” hơn trong nỗ lực của Mỹ đối với Ukraine, đồng thời thắt chặt các biện pháp trừng phạt để “cản trở hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế chiến tranh của Nga”.

4. Phản ứng của Điện Cẩm Linh trước nguy cơ lệnh cấm nhập khẩu kim cương vào Liên Hiệp Âu Châu

Hôm thứ Hai, đối mặt với nguy cơ bị Liên minh Âu Châu cấm nhập khẩu kim cương từ Nga, Điện Cẩm Linh cho biết các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu có xu hướng tạo ra “hiệu ứng boomerang” đối với những người áp dụng chúng.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã bình luận về đề xuất cấm nhập khẩu kim cương của Liên Hiệp Âu Châu từ Nga như một phần của gói trừng phạt mới chống lại Mạc Tư Khoa liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Nga là nước sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới tính theo khối lượng. Peskov nói với các phóng viên rằng động thái này đã được dự đoán từ lâu nhưng có khả năng phản tác dụng.

“Theo quy luật, hóa ra hiệu ứng boomerang được kích hoạt một phần: lợi ích của chính người Âu Châu bị ảnh hưởng. Cho đến nay, chúng tôi đã tìm được cách giảm thiểu hậu quả tiêu cực của các lệnh trừng phạt”, ông ta nói.

Các nguồn tin ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu cho biết tuần trước đề xuất đang được thảo luận là cấm nhập khẩu kim cương trực tiếp từ Nga từ ngày 1 Tháng Giêng và từ tháng 3 sẽ thực hiện cơ chế truy nguyên nguồn gốc nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu đá quý của Nga được chế biến ở nước thứ ba.

5. Nga mất 7.500 quân trong một tuần do xung đột quân sự

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 7,500 Troops in One Week as Military Struggles”, nghĩa là “Nga mất 7.500 quân trong một tuần khi quân đội nước này cố gắng chống đỡ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Số tử sĩ của Nga ở Ukraine được tường trình đã vượt qua con số 319.000 khi cuộc chiến ở Ukraine sắp chạm mốc 21 tháng.

Kherson đã trở thành tâm điểm trong cuộc phản công của Ukraine khi các chiến binh của nước này đã đóng quân ở bờ đông sông Dnipro bị Nga tạm chiếm.

Tỉnh Kherson là một trong bốn vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập vào tháng 9 năm 2022 sau cái mà phương Tây gọi là cuộc trưng cầu dân ý giả tạo. Ukraine coi cuộc tấn công ở các vùng của Kherson bị Nga tạm chiếm là cơ hội để tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga và có khả năng biến Crimea trở thành một trò chơi chiến lược lớn hơn trong tình thế bế tắc hiện nay.

Những tiến bộ tích cực là rất ít trong cuộc phản công hiện nay ở các khu vực như Donetsk và Zaporizhzhia, hai trong số các vùng lãnh thổ khác cùng với Luhansk đã bị Nga sáp nhập vào năm ngoái.

Ngày 17/11, Thủy quân lục chiến Ukraine đăng trên Facebook rằng lực lượng Nga đã mất gần 3.500 binh sĩ, trong đó có hơn 1.200 người thiệt mạng cùng hàng chục khí tài quân sự, trong các trận chiến trên sông Dnipro.

“Là kết quả của các hành động được lên kế hoạch trước nhằm ngăn chặn cuộc xâm lược vũ trang quy mô lớn của Liên bang Nga, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã thực hiện một loạt hành động thành công ở tả ngạn sông Dnipro theo hướng Kherson.” họ nói.

Tính chung các tổn thất ở thị trấn Avdiivka, khu vực chung quanh thành phố Bakhmut, và phía bắc thành phố Melitopol, quân Nga đã có thêm 7.500 tử sĩ chỉ riêng trong tuần qua.

Nhưng khi mùa đông sắp đến gần và thời tiết khắc nghiệt dự kiến sẽ có tác động tương tự đến các cuộc giao tranh trên mặt đất của Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cảnh báo rằng Nga sẽ tăng cường nỗ lực quân sự để tận dụng lợi thế của Ukraine “đã mệt mỏi”.

“Khi mùa đông đến gần, Nga sẽ có nhiều nỗ lực hơn nhằm thực hiện các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn”, ông Zelenskiy nói trong bài phát biểu buổi tối hôm thứ Bảy.

Ông nói thêm: “Điều quan trọng là tất cả chúng ta ở Ukraine phải hoạt động hiệu quả 100%. “Bất chấp mọi khó khăn. Bất chấp mọi mệt mỏi. Bất chấp mọi nỗ lực nhằm làm suy yếu Ukraine.”

6. Nga chỉ trích Phần Lan về quyết định đóng cửa biên giới

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Hai cho biết họ đã gửi khiếu nại chính thức tới đại sứ Phần Lan tại Mạc Tư Khoa về việc Helsinki đóng cửa bốn cửa khẩu biên giới rất nhộn nhịp với Nga, một bước đi mà họ cho rằng đã ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người ở cả hai nước.

Phần Lan hôm thứ Bảy đã đóng cửa các cửa khẩu khi nước này tìm cách ngăn chặn dòng người xin tị nạn mà họ cho là do Mạc Tư Khoa gây ra, đó là một cáo buộc mà Nga đã bác bỏ.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng quyết định của Phần Lan là “vội vàng” và vi phạm quyền và lợi ích của hàng chục nghìn người dân ở cả hai bên biên giới chung của hai nước.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, cũng bác bỏ cáo buộc của Phần Lan rằng Nga đang cố tình đẩy người di cư bất hợp pháp về phía biên giới và nói rằng lực lượng biên phòng Nga đang tuân theo mọi chỉ dẫn.

7. Nga ra lệnh truy nã Jamala, ca sĩ đoạt giải Eurovision của Ukraine

Ký giả Veronika Melkozerova của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Russia puts Ukrainian Eurovision winner Jamala on wanted list”, nghĩa là “Nga đưa Jamala, ca sĩ đoạt giải Eurovision của Ukraine vào danh sách truy nã”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Susana Jamaladinova, một người Ukraine gốc Crimea Tatar, được biết đến với nghệ danh là Jamala, hiện nằm trong danh sách truy nã của Nga, các hãng thông tấn nhà nước RIA và TASS đưa tin hôm thứ Hai.

Các cơ quan truyền thông nhà nước Nga đưa tin Bộ Nội vụ cáo buộc nữ ca sĩ đoạt giải Eurovision 40 tuổi đã làm mất uy tín của quân đội Mạc Tư Khoa. Trang này cho biết Mạc Tư Khoa đã đưa Jamala vào danh sách truy nã từ tháng 10 và đến tháng 11, ca sĩ này đã bị tòa án Nga bắt giữ vắng mặt.

Jamala, một nhà phê bình lớn tiếng về việc Nga xâm lược bán đảo Crimea quê hương của cô vào năm 2014 và cuộc xâm lược Ukraine vào năm 2022, đã giành chiến thắng trong Cuộc thi Eurovision năm 2016 với bài hát “1944”, nói về việc trục xuất và thanh lọc sắc tộc khoảng 200.000 người Tatars ở Crimea do bọn cầm quyền Liên Xô thực hiện vào tháng 5 năm 1944.

Jamala, người hiện đang tham gia chuyến lưu diễn gây quỹ và nâng cao nhận thức về tình hình Ukraine ở Úc, đã phản ứng với tin tức này bằng cách đăng một câu chuyện trên Instagram về cô ấy đang hát bên ngoài Nhà hát Opera Sydney, kèm theo biểu tượng cảm xúc ở lòng bàn tay.

Báo chí tại Úc đã bày tỏ sự kinh ngạc tột độ trước diễn biến này. Nga lấy tư cách gì để truy nã một người không phải là người Nga về tội nói xấu làm mất uy tín của quân đội Mạc Tư Khoa. Luật đó cùng lắm chỉ có thể áp dụng cho người Nga. Phải chăng Putin hoang tưởng đang xem tất cả thế giới này đều là lãnh thổ của cái gọi là thế giới Nga.

8. Ukraine sa thải hai quan chức phòng thủ mạng cao cấp

Hôm thứ Hai, Ukraine đã sa thải hai quan chức phòng thủ mạng cao cấp, một quan chức chính phủ cho biết, khi các công tố viên công bố một cuộc điều tra về cáo buộc tham ô trong cơ quan an ninh mạng của chính phủ.

Quan chức cao cấp nội các Taras Melnychuk cho biết rằng ông Yuuri Shchyhol, nhà lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Thông tin và Truyền thông Đặc biệt Nhà nước Ukraine, và cấp phó của ông, Viktor Zhora, đã bị chính phủ sa thải.

Shchyhol viết trên Facebook rằng anh tin tưởng mình có thể chứng minh mình vô tội, Interfax Ukraine đưa tin. Không có bình luận ngay lập tức từ Zhora.

Ukraine đã tăng cường nỗ lực hạn chế tham nhũng khi theo đuổi việc trở thành thành viên của Liên Hiệp Âu Châu, điều này khiến cuộc chiến chống tham nhũng trở thành điều kiện tiên quyết để bắt đầu các cuộc đàm phán.

9. Phòng không phương Tây đang biến Kyiv thành một nơi an toàn hiếm hoi ở Ukraine

Ký giả Veronika Melkozerova của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Western air defenses turn Kyiv into a rare safe spot in war-torn Ukraine”, nghĩa là “Phòng không phương Tây biến Kyiv thành nơi an toàn hiếm hoi ở Ukraine bị chiến tranh tàn phá”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Inna Kozich, một chuyên gia truyền thông đến từ Kyiv, vẫn khóc khi nhớ lại những tuần đầu tiên khi Nga bao vây thủ đô Ukraine vào năm ngoái.

“Có lúc tôi và các con phải ngủ ngoài hành lang suốt ba tuần. Tôi chuẩn bị đi ngủ, không chắc ngày hôm sau tất cả chúng tôi có thức dậy hay không”, Kozich nói.

Nhưng lực lượng phòng không hiện đang bảo vệ thủ đô khiến cô cảm thấy ở Kyiv an toàn hơn bất kỳ nơi nào khác ở Ukraine - đến mức cô sợ phải mạo hiểm ra ngoài thành phố.

“Tôi thậm chí còn ngại đưa các con đi nghỉ hè vì tôi biết các vùng khác không có lực lượng phòng không mạnh như chúng tôi hiện nay. Và tôi cảm thấy vô cùng đau đớn cho người Ukraine ở các khu vực khác, những người vẫn bị buộc phải sống dưới sự bắn phá hàng ngày của Nga”, Kozich nói.

Khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyệt vọng đã kêu gọi phương Tây đóng cửa bầu trời Ukraine đối với hàng không và hỏa tiễn của Nga. Điều đó đã không xảy ra, nhưng các đồng minh của Ukraine đã đều đặn gửi một số hệ thống phòng không tốt nhất của họ tới để giúp bảo vệ các thành phố của đất nước, và đặc biệt là Kyiv.

Khi chiến tranh nổ ra, Kyiv dựa vào các hệ thống chống hỏa tiễn tầm trung S-300 và Buk M1 từ thời Liên Xô – đó là một vấn đề vì hỏa tiễn thay thế phần lớn do Nga sản xuất.

Những lực lượng phòng thủ đó hiện đã được tăng cường bởi các hệ thống Gepard tầm ngắn của Đức và Phòng không tầm ngắn Avenger của Mỹ để hạ gục máy bay không người lái và hỏa tiễn hành trình. Ở tầm trung, Ukraine đang sử dụng máy bay MIM-23 Hawk của Mỹ do Raytheon sản xuất; NASAMS, được phát triển bởi Raytheon và Kongsberg của Na Uy; và IRIS-T SLM của Đức. Hệ thống phòng thủ tầm xa được cung cấp bởi Patriot PAC-3 của Mỹ và Eurosam SAMP/T do Pháp và Ý cung cấp.

Thượng Tướng Serhiy Popko, Thống Đốc Biệt khu Thủ đô Kyiv, nói với POLITICO rằng lực lượng phòng không Ukraine đã cho thấy họ có khả năng tích hợp các hệ thống hiện đại với hệ thống của Liên Xô.

“Chúng tôi tiếp tục mong đợi sự hỗ trợ từ các đồng minh và đối tác. Chúng tôi cần phòng không nhiều hơn. Phong phú hơn. Và không chỉ đối với thủ đô mà còn đối với mọi thành phố của Ukraine. Mỗi tổ hợp hỏa tiễn phòng không đều quý như vàng”, Popko nói.

Sau khi Ukraine lần đầu tiên đưa Patriot vào thử nghiệm, các cuộc tấn công thủ đô không thành công của Nga trong hơn 20 ngày vào tháng 5, đã khiến người dân Kyiv lần đầu tiên cảm thấy tương đối an toàn.

Kozich nói: “Chúng tôi đang chờ đợi những khẩu đội patriot như manna từ thiên đường. “Thật là nhẹ nhõm biết bao.”

Chẳng bao lâu, người dân từ các khu vực khác, nơi phòng không chưa được mạnh bằng, bắt đầu di chuyển đến Kyiv và khu vực xung quanh, mặc dù nơi đây vẫn thường xuyên bị tấn công. Cuối tuần này, Nga đã tung ra hàng loạt máy bay không người lái tấn công Kyiv, hầu hết đều bị bắn hạ.

“Các bạn, sự chính xác của các bạn, theo đúng nghĩa đen là sự sống cho Ukraine,” Zelenskiy nói trong một bài phát biểu trước công chúng vào cuối tuần. “Khi mùa đông đến gần, Nga sẽ có nhiều nỗ lực hơn nhằm thực hiện các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn. Điều quan trọng là tất cả chúng ta ở Ukraine phải hoạt động hiệu quả một trăm phần trăm.”

Các thành phố của Ukraine đã trở thành xuồng cứu sinh cho những người chạy trốn khỏi các cuộc tấn công của Nga. Kyiv và khu vực xung quanh hiện có gần 600.000 người phải di dời từ các vùng khác của Ukraine, Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hiệp Quốc ước tính vào tháng 9. Các thành phố lớn khác cũng đang chứng kiến làn sóng người tị nạn nội địa, với khoảng nửa triệu người hiện đang trú ẩn ở các khu vực Dnipropetrovsk và Kharkiv.

“Giai đoạn di cư nội địa tích cực đầu tiên bắt đầu ngay sau khi vùng Kyiv được giải phóng. Những người từ các thành phố nơi đang diễn ra các hoạt động thù địch đang đến vào thời điểm đó. Sau đó, khi các khẩu đội phòng không Patriot đến, người dân từ Dnipro, Zaporizhzhia bắt đầu tích cực di chuyển và tìm kiếm nhà ở trong khu vực Kyiv, giải thích điều này là do Kyiv được bảo vệ và có ít hỏa tiễn bay đến đây hơn so với thành phố của họ”, Oleksandr Zhytiuk, một nhà môi giới bất động sản địa phương cho biết..

“Người Ukraine từ nước ngoài cũng bắt đầu quay trở lại sau tháng 5 này, khi người Nga pháo kích vào chúng tôi gần như hàng ngày, chứng tỏ tính hiệu quả của phòng không. Ngày nay mọi người tin rằng ở Kyiv đã bình yên hơn”, ông nói thêm.

Điều đó đã khiến giá bất động sản ở địa phương tăng vọt sau khi sụp đổ trong những tháng đầu chiến tranh.

Trước cuộc xâm lược toàn diện, khoảng 3,9 triệu người sống ở thủ đô Ukraine. Tuy nhiên, đến mùa xuân năm 2022, 1,9 triệu người đã bỏ trốn, Denys Sudilkovsky, giám đốc thương hiệu và kinh doanh của LUN, một nền tảng bất động sản trực tuyến, cho biết. Hầu hết bây giờ đã trở lại.

Sudilkovsky nói: “Hồi đó không có gì lạ khi tìm thấy những lời đề nghị cho thuê căn nhà ở Kyiv với chi phí gần như không đáng bao nhiêu”.

Theo dữ liệu của LUN, giá cho thuê gần như đã trở lại mức trước khi xảy ra cuộc xâm lược vào năm 2022.

“Việc quay trở lại của người dân chậm lại khi người Nga bắt đầu pháo kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Tuy nhiên, mùa đông năm 2022-2023 cho thấy Kyiv có khả năng bảo vệ bầu trời của mình bằng các hệ thống phòng không hiện đại của phương Tây, và từ mùa xuân năm 2023, chúng tôi bắt đầu nhận thấy nhu cầu về nhà cho thuê dài hạn ở Kyiv tăng thêm.” Sudilkovsky nói.

Nhưng thủ đô không hoàn toàn an toàn - như các cuộc tấn công cuối tuần này đã cho thấy. Popko cho biết còi báo động không kích vẫn hú gần như hàng ngày và các quan chức Ukraine kêu gọi người dân thận trọng.

“Với việc bổ sung các hệ thống phòng không, mức độ bảo vệ thủ đô khỏi các cuộc tấn công trên không đã trở nên tốt hơn. Nhưng tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi nhắc lại rằng cách phòng thủ tốt nhất là đi đến nơi trú ẩn khi có cảnh báo trên không. Kinh nghiệm cay đắng chứng minh rằng ngay cả những hỏa tiễn bị bắn hạ cũng mang theo mối đe dọa chết người do có nhiều mảnh vỡ”, ông nói.

Trong khi người dân ở Kyiv cảm thấy an toàn hơn thì người dân ở các khu vực phía đông và phía nam Ukraine vẫn đang phải hứng chịu các đợt pháo kích hàng ngày. Người Nga đang tấn công Odesa và cảng chiến lược của nó, cũng như các khu vực Kherson, Donetsk và Zaporizhzhia.

“Tôi vẫn nhớ âm thanh tôi nghe thấy khi chiếc Patriot của chúng tôi bắn hạ hỏa tiễn Kinzhal siêu thanh đầu tiên của Nga vào mùa hè này. Sau đó tôi biết người Nga bắn gì vào chúng tôi thì lực lượng phòng không của chúng tôi sẽ bắn hạ nó. Tuy nhiên, các thành phố khác vẫn không thể cho phép có cảm giác xa hoa như tôi”, Kozich nói và cho biết thêm cô vẫn sợ phải rời thành phố để về quê.

Chính phủ Ukraine đã kêu gọi các đồng minh của mình cung cấp thêm lực lượng phòng không để bảo vệ các thành phố khác.

“Bầu trời Ukraine, các thành phố và làng mạc của Ukraine càng được bảo vệ bao nhiêu thì người dân của chúng tôi càng có nhiều cơ hội tham gia hoạt động kinh tế, sản xuất, cùng những thứ khác, cho các ngành công nghiệp quốc phòng”, Tổng thống Zelenskiy nói trong một tuyên bố video.

Tổng thống Ukraine cũng cho biết Kyiv muốn hợp tác sản xuất vũ khí với các đối tác và hy vọng các đồng minh sẽ gửi thêm hệ thống phòng không vào cuối năm nay để chống lại các cuộc tấn công dự kiến vào mùa đông của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

“Người Nga rất quỷ quyệt và đe dọa dân thường bằng hỏa tiễn khủng bố là một trong những chiến lược của họ. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ việc pháo kích vào dân thường và cơ sở hạ tầng. Vì vậy, chúng tôi phải chắc chắn rằng mình có thứ gì đó để bảo vệ người dân của mình”, Kozich nói.

10. Thảm họa nhân khẩu học của Nga vì cuộc xâm lược của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Desperate Scramble To Stave Off Demographic Catastrophe”, nghĩa là “Cố gắng hốt hoảng tuyệt vọng của Nga để ngăn chặn thảm họa nhân khẩu học.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong những tuần gần đây, Nga đã có những động thái thúc đẩy áp dụng một số biện pháp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng do cuộc chiến của Putin ở Ukraine gây ra.

Valery Seleznyov, một thành viên của Duma Quốc gia Nga, tuần trước đã đề xuất thả những phụ nữ bị kết án về tội nhẹ ra khỏi nhà tù để họ có thể thụ thai. Gần đây cũng có những nỗ lực nhằm hạn chế việc phá thai, hiện nay phá thai là hợp pháp và được phổ biến rộng rãi ở Nga.

“ Nga thực sự có vấn đề về nhân khẩu học”, nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, cho biết vào ngày 12 tháng 11 khi ông kêu gọi lệnh cấm phá thai trên toàn quốc.

“Nga là một đất nước rộng lớn nhưng lại không có đủ người. Thậm chí đó là chưa kể đến nền kinh tế…Chúng ta thực sự cần nhiều người hơn, điều này là hiển nhiên, mọi người đều thừa nhận điều đó,” Thượng Phụ Kirill nói.

Trong cuộc gặp gỡ với các thành viên nội các của ông vào ngày 3 tháng 11, Putin cho biết Nga đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng về phá thai.

Theo các nhà chức trách, trong những tháng gần đây, các phòng khám tư nhân ở các vùng của Nga - bao gồm vùng Chelyabinsk ở vùng núi Ural và ở Tatarstan ở miền trung nước Nga - đã ngừng cung cấp dịch vụ phá thai. Động thái này cũng đang được xem xét ở khu vực Kaliningrad của Nga.

Các nhà chức trách cũng bắt đầu hạn chế quyền tiếp cận thuốc phá thai và thuốc tránh thai khẩn cấp trong bối cảnh nhu cầu tăng cao sau khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Theo Nikolay Bespalov, giám đốc phát triển của công ty phân tích RNC Pharma, vào năm 2022, doanh số bán thuốc phá thai đã tăng 60%.

Nga trong nhiều thập kỷ đã trải qua tình trạng suy giảm dân số và điều này dường như trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra, với tỷ lệ thương vong cao và đàn ông chạy trốn khỏi đất nước để tránh bị bắt đi chiến đấu.

Theo Statista, tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2023, ước tính có 146,45 triệu người đang cư trú trên lãnh thổ Nga, giảm khoảng 530.000 người so với năm trước.

Người ta ước tính dân số Nga sẽ giảm xuống còn khoảng 132 triệu người trong hai thập kỷ tới. Liên Hiệp Quốc đã dự đoán rằng trong trường hợp xấu nhất, vào đầu thế kỷ tới, dân số Nga có thể giảm gần một nửa xuống còn 83 triệu người.

Thành viên Duma Quốc gia Sultan Khamzaev đã đề xuất trong một kháng cáo hồi đầu tháng này với Tatyana Golikova, phó thủ tướng Nga về chính sách xã hội, lao động, y tế và lương hưu, rằng chính quyền nên đưa ra các khoản thanh toán cho những phụ nữ Nga từ chối phá thai.

Khamzaev nói: “Nhà nước phải có chức năng bảo vệ bà mẹ và nếu một phụ nữ đã quyết định phá thai, thì cách hiệu quả nhất để cứu đứa trẻ là giao nó cho nhà nước chăm sóc”.

[