1. Hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật và Lễ Giáng Sinh năm nay

Đêm Giáng Sinh năm nay cũng là Chúa nhật thứ tư Mùa Vọng. Điều đó có nghĩa là các tín hữu phải tham dự hai Thánh lễ để chu toàn các nghĩa vụ Chúa Nhật và Lễ Giáng Sinh.

Trong một tình huống “tương đối hiếm gặp” xảy ra lần cuối vào năm 2017, Đêm Giáng Sinh năm nay rơi vào Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng như năm 2017.

Bởi vì người Công Giáo buộc phải tham dự Thánh lễ Chúa nhật và các ngày lễ buộc, nên một số người đã hỏi liệu Thánh lễ chiều Chúa nhật vào đêm Giáng Sinh có chu toàn cả nghĩa vụ Thánh lễ Chúa nhật lẫn nghĩa vụ Thánh lễ ngày Giáng Sinh hay không.

Ủy ban Phụng tự của Giám mục Hoa Kỳ cho biết các tín hữu phải tham dự hai Thánh lễ để chu toàn nghĩa vụ Thánh lễ Chúa nhật và Lễ Giáng Sinh.

Kể từ giữa thế kỷ 20, Giáo hội đã cho phép người Công Giáo tham dự các Thánh lễ vọng vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc như “một sự thuận tiện cho nhiều tín hữu”.

“Hầu hết các luật sư giáo luật đều tuân theo Tông hiến Christus Dominus của Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành ngày 6 Tháng Giêng năm 1953, quy định 4 giờ chiều là thời gian sớm nhất khi các Thánh lễ vọng có thể được cử hành”

Điều này có nghĩa là nghĩa vụ Chúa Nhật ngày 24 tháng 12 có thể được hoàn thành vào Chúa Nhật, hoặc bất cứ lúc nào sau 4 giờ chiều ngày 23 tháng 12; và nghĩa vụ Thánh Lễ Giáng Sinh có thể được hoàn thành vào ngày 25 Tháng Mười Hai, Thứ Hai, bất kỳ lúc nào sau 4 giờ chiều ngày 24 tháng 12.

Trong trường hợp có hai ngày buộc liên tục, như vào dịp Giáng Sinh năm nay, “quan điểm phổ biến của nhiều luật sư giáo luật là mỗi nghĩa vụ phải được hoàn thành bằng một Thánh lễ riêng biệt,” các giám mục cho biết.

“Như vậy, khi các nghĩa vụ liên tiếp diễn ra vào Thứ Bảy-Chúa Nhật hoặc Chúa Nhật-Thứ Hai, các tín hữu phải tham dự Thánh lễ hai lần để thực hiện hai nghĩa vụ riêng biệt”.

Theo các giám mục, câu hỏi liệu những nghĩa vụ như vậy có thể được thực hiện trong một Thánh lễ hay không đã được các giám mục nêu ra trước đây trong cái được gọi là dubium, trong đó “câu trả lời là không được bởi Thánh Bộ Giáo sĩ và được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục chấp thuận vào năm 1970. “

Các giám mục cho biết: “Ý định của Giáo hội trong việc mở rộng khả năng đáp ứng các nghĩa vụ Thánh lễ thông qua Thánh lễ Vọng, là nhằm mục đích giúp việc thực hiện các nghĩa vụ dễ dàng hơn, chưa bao giờ được hình dung như một lỗ hổng pháp lý, và do đó, các nghĩa vụ riêng biệt vẫn còn”.

Các giám mục nhấn mạnh rằng các ngài hy vọng rằng người Công Giáo “nuôi dưỡng lòng yêu mến Phụng vụ Thánh và mong muốn cử hành các ngày thánh một cách trọn vẹn nhất có thể”.

Các Giám Mục cũng lưu ý rằng các mục tử có thể miễn trừ cho các cá nhân hoặc gia đình “vì một lý do chính đáng và tuân theo bất kỳ quy định nào do giám mục giáo phận đặt ra”.

“Đồng thời, các giám mục giáo phận có thể xem xét hoàn cảnh khu vực của các ngài và ban hành các miễn trừ hoặc giảm nhẹ chung, đồng thời cho phép các mục tử đưa ra phán quyết trong các trường hợp cá nhân”.

2. Các Kitô hữu Úc châu: Tây phương hủy hoại môi trường sống

Chủ tịch Hiệp hội các Phụ nữ Công Giáo tại Quần đảo Bougainville, bên Úc châu, bà Helen Hakena, tố giác rằng: “Tây phương đang phá hủy môi trường sống của chúng tôi”.

Trong một tuyên ngôn được tổ chức bác ái Missio Aachen, bên Đức phổ biến, hôm 17 tháng Mười Hai vừa qua, bà Hakena, mới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP28 ở Dubai trở về, than phiền rằng: “Tại Hội nghị Thượng đỉnh này, tiếng nói của chúng tôi đã không được lắng nghe! Các dân tộc ở Nam bán cầu ít can dự vào những nguyên nhân gây ra sự thay đổi khí hậu, ít sử dụng điện, những họ là những người phải chịu đau khổ nhiều nhất vì sự ham hố và lối sống duy tiêu thụ của phần lớn thế giới. Kỹ nghệ khai thác quặng mỏ đưa tới sự phá hủy môi trường sống và cả lối sống truyền thống của dân chúng tại quê hương chúng tôi”.

Bà Hakena cũng nhận định rằng các tiến trình được Hội nghị COP28 đề ra không đi tới dân thường. Nó chỉ bảo đảm sự thịnh vượng cho một số ít công ty và các chính trị gia, trong khi chúng ta cần một sự thịnh vượng cho mỗi người”.

Bà Chủ tịch Hiệp hội các Phụ nữ ở Quần đảo Bougainville, bên Papua Tân Guinea cũng là người đối tác của tổ chức Missio ở Aachen. Bà cho biết những người tị nạn vì khí hậu ở quê hương bà phải đi định cư nơi khác do mực nước biển dâng cao hơn. Ngoài thiên nhiên, hậu quả của tình trạng này cũng đưa tới sự phá hủy các cộng đoàn xã hội và văn hóa.

3. Sứ điệp Giáng Sinh của Ủy ban Công lý và Hòa bình tại Thánh địa

Trong hai tháng gần đây, số trẻ em bị giết chết tại Gaza nhiều hơn tổng số các trẻ em bị giết trong các cuộc chiến thế giới trong hai năm qua.

Trên đây là nhận xét của Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh địa, trong Sứ điệp Giáng Sinh công bố hôm 17 tháng Mười Hai vừa qua tại Giêrusalem.

Ủy ban cũng khẳng định rằng: “Giáng Sinh là lễ rất vui mừng. Đó cũng là lúc ý thức về đau khổ của các anh chị em trên thế giới và tại đây, quanh chúng ta. Sau khi chứng kiến hơn 70 ngày chiến tranh, năm nay tại Thánh địa, chúng ta đến gần hang đá máng cỏ ở Bethlehem với con tim tan nát”.

Chiến tranh đã gây ảnh hưởng kinh khủng trên toàn thể một thế hệ con cháu chúng ta, đang sống trong lo sợ hằng ngày cho bản thân và gia đình họ. 85% dân chúng tại Gaza phải di tản, và ngày nay họ chẳng có nơi trú ngụ, phải liên tục di động.

Sứ điệp cũng đặc biệt nhắc đến vụ hai mẹ con tín hữu Công Giáo ở giáo xứ Thánh Gia bị lính bắn tỉa của Israel bắn chết, hôm 16 tháng Mười Hai, và bảy người khác bị thương. “Chúng tôi khóc than vì bao nhiêu nhân mạng bị mất đi, và lo sợ cho những người bị thương ít có cơ hội và phương tiện được săn sóc chữa trị, chúng tôi lo âu cho những người không có nhà cửa”.

Ủy ban Công lý Hòa bình cũng nhắc đến Bethlehem và miền Cisjordani, nơi có những cuộc đột kích của quân đội Israel, làm cho nhiều người chết và những vụ bắt bớ hàng loạt. Tại đó, việc phong tỏa lãnh thổ đã làm cho nhiều người bị mất công ăn việc làm, với các gia đình khó tìm được những gì để ăn. Các buổi liên hoan Giáng Sinh bị bãi bỏ để liên đới với những người đang đau khổ vì chiến tranh. Chúng ta được khích lệ tập trung vào ý nghĩa sâu xa nhất của Giáng Sinh.

Từ những điều trên đây, Ủy ban Công lý và Hòa bình của các vị lãnh đạo Công Giáo tại Thánh địa nói rằng: “Chúng tôi kêu gọi tất cả những người đang mừng lễ Giáng Sinh trên thế giới hãy cầu nguyện với chúng tôi, hãy cầu nguyện cho hòa bình tại Bethlehem, ở Gaza, và trên toàn Thánh địa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho bạo lực chấm dứt và mọi tù nhân được trả tự do. Chúng ta hãy cầu nguyện cho một cuộc ngưng chiến trường kỳ và cho bình minh một thời kỳ đối thoại, thay vì đàn áp, cho công lý và thay vì những giải pháp áp đặt, sống chung thay vì mơ ước loại trừ nhau. Chúng tôi khẩn xin những người đang cầm quyền hãy góp phần chấm dứt một cuộc xung đột đã kéo dài từ hơn một thế kỷ, giúp mở ra một hành trình tiến về một nền hòa bình công chính, dựa trên bình đẳng, để cuộc chiến này là cuộc chiến tranh cuối cùng và con cháu chúng ta, sau cùng có thể làm chứng về hy vọng”.