Tạp chí Crux, ngày 24 tháng 1 năm 2024, tường trình rằng sau khi cảnh báo chỉ vài ngày trước về “nhiều bước lùi” trong mối quan hệ Công Giáo-Do Thái do những phản ứng trái ngược nhau trước cuộc chiến của Israel với Hamas, Giáo sĩ trưởng của Rome đã sử dụng một cuộc phỏng vấn mới để bày tỏ “sự thất vọng lớn” với cách thức Vatican đã phản ứng với cuộc khủng hoảng ở Gaza.



Giáo sĩ Riccardo di Segni cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 22 tháng 1 với tờ báo Ý Il Giornale: “Cộng đồng Do Thái, và không chỉ có cộng đồng này, rất thất vọng, đúng vậy”.

“Thật là thất vọng lớn,” di Segni nói. “Tôi hy vọng mọi người hiểu và cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết.”

Là một bác sĩ y khoa chuyên về X quang được đào tạo, Di Segni, 74 tuổi, đã giữ chức vụ Giáo sĩ trưởng của Rome từ năm 2001, đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ Công Giáo-Do Thái.

Vào ngày 17 tháng 1, Di Segni đã phát biểu tại một biến cố ở Đại học Gregorianô do Dòng Tên tài trợ ở Rome, đánh dấu ngày thứ 35 thường niên phát triển cuộc đối thoại giữa người Công Giáo và người Do Thái do Hội đồng Giám mục Ý tài trợ, và được tổ chức hàng năm vào đêm trước của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo.

Nhân dịp đó, Di Segni phàn nàn về một “thần học thoái trào và sự hiểu lầm đáng kể về tình hình” kể từ cuộc tấn công lén lút của Hamas vào ngày 7 tháng 10 nhằm vào Israel, đồng thời khẳng định rằng “đã có nhiều bước lùi trong cuộc đối thoại và cần phải nối lại chủ đề xuyên suốt của cuộc thảo luận."

Đặc biệt, Di Segni phản đối điều mà ông mô tả là “một mớ hỗn độn các tuyên bố chính trị và tôn giáo khiến chúng tôi bối rối và bị xúc phạm”, không chỉ phát xuất từ Vatican mà còn từ các nguồn khác của giáo hội, bao gồm cả Thượng phụ Latinh của Giêrusalem và một nhóm đại kết gồm các Thượng phụ và các vị đứng đầu các Giáo hội tại Giêrusalem.

Lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ trì một ngày cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình ở Trung Đông ngay sau khi chiến tranh bùng nổ ở Gaza, Di Segni đã thẳng thắn nói với những người đồng cấp Công Giáo của mình rằng “các bạn không có độc quyền về hòa bình”.

Ông nói: “Mọi người đều muốn hòa bình, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào loại hòa bình nào. Bất cứ ai làm điều ác đều phải bị đánh bại, như đã xảy ra với Đức Quốc xã vào năm 1945. Các bạn không thể chỉ chấp nhận ý tưởng rằng chiến tranh, bản thân nó, là một thất bại cho tất cả mọi người,” ông nói, trích dẫn một câu hay nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Di Segni nói, ý tưởng về một cuộc chiến tranh chính đáng “không cho phép mọi thứ, nhưng các bạn không thể đặt ngang hàng với người bị lạm dụng đáng kinh ngạc và người đang cố gắng loại bỏ nguồn gốc và sự lặp lại của hành vi lạm dụng đó”.

Trong cùng một biến cố, phó chủ tịch Liên minh các Cộng đồng Do Thái ở Ý, một luật sư có trụ sở tại Turin tên là Giulio Disegni, đã bác bỏ điều mà ông gọi là “sự tương đương không thể có được do giáo hoàng đề xuất giữa người tấn công và người phản ứng”.

Ông nói: “Có một chủ nghĩa bài Do Thái đang lan rộng, và một số khái niệm nhất định được những người ủng hộ Giáo Hội phát biểu một cách không chính xác sẽ gây ra thiệt hại và nguy hiểm”.

Trong cuộc phỏng vấn mới với Il Giornale, Di Segni bày tỏ hy vọng rằng những lời chỉ trích gần đây của ông đối với Vatican và Giáo Hội Công Giáo sẽ bắt đầu một cuộc đàm luận.

Ông nói: “Đối thoại luôn là một chặng đường trở ngại, với những khoảnh khắc khó khăn và vấn đề phải vượt qua.

Ông cho hay: “Đối với tôi, thế giới Kitô giáo dường như bị chia rẽ. Tôi hy vọng rằng khiếu nại của tôi sẽ thu hút được một cuộc thảo luận. Những chia rẽ này có thể được khắc phục nhưng sẽ mất thời gian.”

Di Segni cũng nói rằng nhiều người Do Thái ở Ý đang cân nhắc lại việc tham gia Ngày tưởng niệm 27 tháng 1 hàng năm của đất nước, một lễ kỷ niệm Holocaust [diệt chủng] hàng năm, vì một số nhà hoạt động đang tổ chức các cuộc phản biểu tình chỉ trích cuộc chiến của Israel.

Chương trình phản đối đó bao gồm một cuộc tuần hành qua các đường phố ở Rome do cộng đồng Palestine của thành phố tổ chức, để tố cáo những gì các nhà tổ chức mô tả là “nạn diệt chủng mà người dân Palestine đang phải gánh chịu”.

Các nhà tổ chức, trong một tuyên bố, cho rằng Ngày tưởng nhớ chính thức diễn ra “với cái giá phải trả là xác của hơn 25,000 người thiệt mạng và hơn 62,000 người bị thương, đấm ngực ăn năn cho các nạn nhân của một cuộc diệt chủng đã xảy ra rồi trong khi tỏ ra thờ ơ và đồng lõa đối với một cuộc diệt chủng đang diễn ra hiện nay.”

Người phát ngôn của cộng đồng người Do Thái ở Ý đã so sánh các xu hướng hình thành Holocaust với lực lượng dân quân Hồi giáo đương thời.

Ông nói “Sự thù hận và ưu thế chủng tộc thời bấy giờ đã tạo ra Holocaust. Ngày nay, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo tạo ra chủ nghĩa khủng bố lan tới cả châu Âu”.