*Thứ Tư Lễ Tro - Mở đầu Mùa Chay Thánh*

+ Nguồn gốc :

Việc xức tro có nguồn gốc từ thực hành thống hối công khai, một nghi thức bắt buộc dành cho các tín hữu phạm lỗi nặng hoặc làm gương xấu trước khi họ được chính thức tái hoà nhập cộng đoàn vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, họ được xá tội và được phép rước lễ trở lại vì trước đó họ bị cấm.

Một trong những thực hành thống hối công khai này là xức tro trên đầu. Cử chỉ này thịnh hành ở Roma từ thế kỷ IV và dần dần lan ra các xứ Kitô giáo, rồi nhiều tín hữu tự nguyện xức tro trên đầu để biểu lộ ý muốn thống hối. Chính các Đức Giáo Hoàng cũng đã chấp nhận nghi thức này và vào thế kỷ XI thì các ngài đã kết hợp việc thống hối này với việc bắt đầu Mùa Chay, do đó mà có tên gọi Thứ Tư Lễ Tro và thực hành xức tro.

Là bụi đất, hình ảnh của tội lỗi và sự mong manh của con người, là những gì còn lại của thân xác sau khi ngọn lửa sự sống vụt tắt đi (x. St 3,19; 18,27), tro rắc trên đầu mà ngày nay người ta xức trên trán biểu lộ sự thống hối và tang chế (x. Is 58,5; 61,3; Gr 6,26). Chính vì thống hối dưới bụi tro và áo mặc áo vải thô mà dân thành Ninivê nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa (x. Gn 3).

+Linh đạo Mùa Chay

Là thời gian hoán cải dành cho hối nhân, trong những thế kỷ đầu tiên, Mùa Chay cũng là thời gian chuẩn bị cho các dự tòng chịu phép rửa để được gia nhập cộng đoàn Kitô giáo vào đêm Phục Sinh, sau khi giữ chay và tiết chế trong suốt thời gian này cũng như miệt mài cầu nguyện.

Như thế, khi khuyên nhủ các tội nhân công khai hối cải, Giáo Hội cũng khích lệ toàn thể cộng đoàn thống hối, và khi nhắn gởi với các dự tòng, Giáo Hội cũng chuẩn bị cho mọi tín hữu sống lại ân sủng phép rửa của chính mình.

Khi chuẩn bị cho mọi người gặp gỡ Thiên Chúa, đối với các tín hữu, Mùa Chay đã trở thành một hành trình tiến về Thiên Chúa, một con đường vòng băng qua hoang mạc, một cuộc chiến đấu với những cám dỗ trong đời sống. Giáo Hội đề nghị chúng ta sống trọn vẹn cuộc sống Kitô hữu của chúng ta một cách nồng nhiệt hơn trong suốt mấy tuần hướng về ngày lễ Phục Sinh.

Như đoàn dân của Môisen lang thang nhiều năm dài trước khi vào Đất Hứa, chúng ta cũng khám phá ra rằng hành trình tiến về Thiên Chúa, con đường tiến về Nước Trời của chúng ta không phải là không gặp khó khăn, chướng ngại, thụt lùi, đôi khi có phản kháng nữa; thế nhưng Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện để mang lại cho ta hy vọng và niềm tin. Khi kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô vẫn luôn trung thành với Chúa Cha trong thử thách cuối cùng, chúng ta sống kinh nghiệm cuộc vượt qua tiến về Chúa Cha qua sự sống và cái chết, chúng ta dần tiến về mầu nhiệm của Đức Kitô để hiệp thông vào đó một cách sâu xa hết sức có thể.

Làm thế nào để diễn dịch cách cụ thể cuộc hành huơng tiến về với Thiên Chúa mà mỗi Kitô hữu được mời gọi trong suốt thời gian Mùa Chay này? Đã có câu trả lời được lặp đi lặp lại qua các bản văn phụng vụ ngày Chúa Nhật (và những ngày khác) trong thời gian chuẩn bị cho biến cố Phục Sinh: các bài đọc Tin Mừng cũng như Kinh Tiền Tụng đã dành ưu tiên cho bộ ba này: cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ.

+ Cầu nguyện

Là khoảng không ngút mắt nơi không có sự sống, hoang mạc mà dân của Giao Ước cũ và chính Đức Kitô đã đi qua đưa chúng ta đến yếu tính của đời sống, dẫn chúng ta gặp gỡ với Hữu Thể độc nhất, cội nguồn cho hiện hữu của chúng ta: Thiên Chúa. Là nơi chốn gợi lên sự vô cùng của Thiên Chúa, chính trong hoang mạc mà Charles de Foucauld đã tận hiến hoàn toàn cho Ngài qua lời cầu nguyện. Như thế, hoang mạc và Mùa Chay là nơi chốn và thời gian để gặp gỡ Chúa trong lời cầu nguyện.

Qua lời cầu nguyện, đời sống chúng ta hướng về Thiên Chúa, chúng ta để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn mình theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá để trở nên sẵn sàng cho Đức Kitô và cho anh em. Cầu nguyện là “lương thực hằng ngày” nuôi sống chúng ta bằng tình yêu của Thiên Chúa, không có nó tâm hồn chúng ta có nguy cơ xa rời ý muốn của Chúa Cha.

Theo gương các dự tòng vào những thế kỷ đầu tiên đã toàn tâm toàn ý cầu nguyện cách quảng đại và thực tâm, theo gương Đức Kitô lui vào trong cô tịch của hoang mạc Giuđa, chúng ta hãy biến Mùa Chay thành một thời gian gặp gỡ Chúa, chiêm niệm và tạ ơn, ngợi ca Danh Thánh Chúa và biến đổi tâm hồn.

+ Chia sẻ

Ngay từ thế kỷ II, việc ăn chay đã có khuynh hướng chia sẻ như là một phương tiện giúp đỡ những ai đang túng thiếu để chúng ta có thể tiến đến gần Thiên Chúa hơn. Thánh Cyprianô thành Carthage vào thế kỷ III cũng đã để lại những dòng chữ rất thuyết phục về chủ đề này: “Những người giàu có và dư dật… bạn sẽ trở nên vàng ròng khi tinh luyện mình qua các công việc vì đức công bình và làm bố thí… Hãy xem trong Tin Mừng, một bà goá nghèo đã đi vào trong lời dạy của Thiên Chúa khi bà bố thí giữa lúc thất vọng và túng bấn. Bà ném vào trong thùng tiền hai đồng xu cuối cùng. Chúa đã lưu ý và nhấn mạnh về tấm lòng quảng đại của bà và nói: “Bà goá này đã dâng cho Thiên Chúa nhiều hơn mọi người khác”… Đức Giêsu Kitô muốn chúng ta hiểu rằng của bố thí của chúng ta sẽ đến với chính Thiên Chúa và rằng những ai bố thí thì đẹp lòng Chúa”.

Chia sẻ cũng là tình yêu tha nhân, nhìn nhận người khác như đồng loại của mình, nhận ra Đức Kitô trong những người anh em hèn mọn nhất. Đây là biểu hiện tình yêu Thiên Chúa của chúng ta và không thể được diễn dịch đơn thuần chỉ bằng một phong trào cứu trợ hay phong trào đoàn kết nào đó. Qua sự thiếu thốn và chia sẻ, chúng ta đáp ứng được giới răn kép của tình yêu: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi và yêu tha nhân như chính mình”.
(*) Trích bài viết của Jean Luc Muller – Dịch : Lm Nguyễn Minh Chính

Người Là Tro Bụi
( Hãy Thức tỉnh và Xám hối )
*Thực ngàn năm trước như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh, Chúa khiến con người trở về bụi đất. Ngài phán :” Hãy trở về gốc ! Hỡi con người !
(Tv.89)
Ôi Lạy Chúa ! Con chỉ là tạo vật,
Chúa dựng con từ đất bụi tro,
Ban con đời sống hạnh phúc tự do,
Nhưng con đã quay đầu phản nghịch Chúa.

Ôi Lạy Chúa ! Đời con lưu lạc,
Ham danh lợi và mê mải phù vân,
Hồn quay cuồng rời rã tấm thâ
Đi đi mãi càng chìm trong vô vọng.

Ôi Lạy Chúa ! Suốt đời con phiêu bạt,
Sống dật dờ của một kiếp phù du,
Hồn đớn đau trong thân xác ngục tù,
Lang thang mãi càng xa rời Thiên phúc.

Ôi Lạy Chúa ! Cho hồn con bừng tỉnh,
Biết ăn năn và thống hối chân tình,
Như kẻ chết được diễm phúc hồi sinh.
Trong cứu độ nơi tình yêu Thiên Chúa.

Ôi Lạy Chúa ! Cho lòng con đón nhận,
Một tín điều suy gẫm cả cuộc đời :
‘Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi,
Rồi sẽ phải trở về cùng bụi tro.’


+ Những truyền thống và tập tục Mùa Chay +

Vài sự kiện về thương khó Chúa Giêsu:

- Nơi vườn Cây Dầu, khi một môn đệ chém đứt tai tên đầy tớ thượng tế, Chúa ngăn cấm và chữa lành cho anh ta.

- Sau khi Phêrô chối Chúa 3 lần, gà liền gáy như lời Chúa tiên báo, Người ngước mắt nhìn Phêrô. Ông đã hối hận ra ngoài khóc lóc thảm thiết.

- Nơi sân xử án, Chúa bị quân lính đánh nát mình và lột áo, khoác cho Ngài áo đỏ cùng vòng gai nhọn đâm vào đầu làm vương miện, rồi quỳ nhạo báng là tâu vua Do Thái.

- Trên đường vác thập giá lên núi Sọ, trước hết Đức Mẹ đã gặp Chúa để an ủi và chia sẻ đau thương với Chúa. Như chúng ta biết trên đường truyền giáo của Chúa Mẹ luôn có mặt san sẻ buồn vui.

- Chúa đã kiết sức sau những trận hành hạ thân xác nên ngã gục. Quân lính sợ Ngài không thể đến nơi hành hinh, nên bắt một người tên là Simon vác đỡ Chúa.

- Nhìn mặt Chúa máu chảy lai làng rất thương tâm, bà Veronica không sợ hãi đã can đảm tiến đến lau mặt cho Chúa.

- Chúa đã dừng lại an ủi các phụ nữ đi theo khóc lóc và thành Jerusalem sẽ bị hủy diệt sau này.

- Một lần nữa trước khi đóng đinh, quân lính lại lột áo chia nhau và bốc thăm áo trong vì may liền không chía cắt được.

- Trước lúc sinh thì, Chúa đã trao Gioan đại diện nhân loại cho Đức Mẹ. Ngài đã nói: "Thưa Bà! Đây là con Bà! ' Rồi nói với Gioan: "Đây là Mẹ anh!"

- Lúc Chúa bị treo trên thập giá đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài.

- Một trong 2 tử tội gần bên Chúa đã xin nhớ đến mình.Chúa hứa với anh "Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."

+ Lưu truyền tập tục Mùa Chay:

- Phủ các tượng trong Thánh đường bằng vải tím 2 tuần cuối Mùa Chay.

- Làm phép lá và sử dụng, nhắc lại việc dân chúng cầm lá dừa tung hô rước Chúa vào Jerusalem. Nhưng tùy theo nhu cầu thực vật quốc gia, có thể thay bằng lá ô-liu hay dương liễu.

- Nghi thức Rửa chân, ghi nhơ bài học khiêm nhường xưa Chúa rửa chân cho 12 tông đồ trong buổi tiệc ly.

- Làm phép Nến:

Lễ Tro cũng gọi là lễ Nến vì có nghi thức làm phép Nến bên ngoài trước khi rước vào trong Thánh đường. Vị chủ tế đọc khi làm phép Nến:

"Lạy Chúa là nguồn ánh sáng thật và là Đấng tạo thành ánh sáng. Chúa đã chỉ cho cụ vì Si-mê-on nhận ra Đức Ki-tô chính là ánh sáng soi đường cho dân ngoại. Chúng con tha thiết nài xin Chúa ban phúc lành mà thánh hoá những cây nến này. Xin nhận lời dân Chúa đang tụ họp, miệng ca mừng Thánh Danh, tay cầm đèn cháy sáng: Ước gì chúng con luôn thẳng đường ngay lối tiến đến cùng Đức Ki-tô là ánh sáng chẳng bao giờ tàn lụi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời."

- Ngắm đàng Thánh Giá và Xưng tội.

Luật buộc kiêng giữ trong Mùa Chay:

- Ăn chay thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh.
Luật buộc từ 18 đến 60 tuổi, chỉ ăn no 1 bữa.

- Kiêng thịt thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh.
Luật buộc từ 14 trở lên.

Đinh văn Tiến Hùng- Tổng hợp