Ngày 12 tháng 3 năm 2024, tạp chí The Pillar tường trình rằng Vatican đã đưa ra lời giải thích khẩn cấp hôm thứ Bảy, sau khi Đức Phanxicô kêu gọi người Ukraine “can đảm treo cờ trắng” trong đoạn trích từ một cuộc phỏng vấn trên truyền hình sắp tới, gây ra phản ứng dữ dội từ các quan chức Ukraine và các nhà lãnh đạo Công Giáo.



Nhưng trong khi toán báo chí của Vatican cố gắng xoa dịu những người chỉ trích ngài – và nhấn mạnh vào sự gần gũi của ngài với người dân Ukraine – thì các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Ukraine nói rằng ngài đang rơi vào tay cơ quan tuyên truyền của Nga.

Ta biết, ngày 9 tháng 3, Đài phát thanh Télévision Suisse đã công bố các đoạn trong cuộc phỏng vấn đặc biệt với Đức Giáo Hoàng sắp được công bố, trong đó ngài thảo luận về một loạt vấn đề. Trong một phần được xem trước, Đức Phanxicô đã được hỏi về các xung đột hoàn cầu và hy vọng của ngài về hòa bình.

Đức Giáo Hoàng trả lời: “Tôi tin rằng người mạnh mẽ hơn là người nhìn thấy được tình hình, nghĩ đến người dân, có lòng can đảm treo cờ trắng để đàm phán”.

Đức Phanxicô nói, “Chẳng hạn như ngày nay, trong cuộc chiến ở Ukraine, có rất nhiều người muốn làm trung gian hòa giải, phải không? Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn. Đừng xấu hổ khi đàm phán trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.

Những nhận xét này đã gây ra một cơn bão giận dữ ở Ukraine và xa hơn nữa, với nhiều người Công Giáo giải thích những nhận xét của Đức Giáo Hoàng như một sự khuyến khích người dân Ukraine chấp nhận một hình thức đầu hàng nào đó trước Nga, nhằm chấm dứt xung đột.

Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022 và đã phạm nhiều tội ác chiến tranh trong quá trình chiến tranh.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng cuối tuần, giám đốc báo chí Vatican Matteo Bruni đã đưa ra một tuyên bố hôm thứ Bảy nhằm cố gắng làm sáng tỏ những lời của Đức Giáo Hoàng, nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô thường xuyên nói về Ukraine như một quốc gia “tử đạo” khi đối mặt với cuộc xâm lược và khẳng định sự quan tâm của ngài đối với người dân Ukraine.

Bruni nhấn mạnh rằng khi sử dụng hình ảnh “lá cờ trắng” Đức Phanxicô không có ý ám chỉ người Ukraine nên đầu hàng Nga để có hòa bình.

Thay vào đó, Bruni nói, Đức Giáo Hoàng “chọn hình ảnh do người phỏng vấn đề xuất, để ám chỉ sự chấm dứt thù địch, một thỏa thuận ngừng bắn đạt được với sự can đảm của đàm phán”.

Bruni nói hôm thứ Bảy, sau đó trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô đã nói rõ rằng “các cuộc đàm phán không bao giờ là sự đầu hàng”.

Cuộc phỏng vấn đầy đủ sẽ được phát sóng vào cuối tháng này. Nhưng trong khi đó, những nỗ lực của Vatican nhằm bối cảnh hóa những bình luận của Đức Giáo Hoàng đã không làm dịu được những lời chỉ trích từ các nhà ngoại giao Ukraine và các nhà lãnh đạo Công Giáo.

Thượng Hội đồng Thường trực của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine đã đưa ra một tuyên bố vào cuối tuần qua thừa nhận rằng cuộc phỏng vấn đầy đủ vẫn chưa được phát sóng và rằng “việc đề cập đến 'cờ trắng' trong cuộc phỏng vấn là một lời kêu gọi đàm phán chứ không phải sự đầu hàng của Ukraine.”

Các nhà lãnh đạo Giáo hội Ukraine cho biết “Trong cuộc đàm đạo, Đức Giáo Hoàng không chỉ nói về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine mà còn về cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Như ngài đã làm nhiều lần, Đức Phanxicô kêu gọi giải quyết các cuộc xung đột vũ trang bằng thương lượng”.

Nhưng trong khi thừa nhận phản ứng của Vatican, các giám mục cho biết họ “không muốn suy gẫm về tuyên bố của Đức Giáo Hoàng mà dựa trên quan điểm của các nạn nhân trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga”.

“Người Ukraine không thể đầu hàng vì đầu hàng đồng nghĩa với cái chết. Ý định của Putin và Nga rất rõ ràng và minh nhiên. Mục đích không phải của một cá nhân: 70% dân số Nga ủng hộ cuộc chiến diệt chủng chống lại Ukraine, Thượng phụ Kirill và Giáo hội Chính thống Nga cũng vậy. Tuyên bố của Thượng Hội đồng cho biết các mục tiêu đã bày tỏ được thể hiện rõ ràng bằng các hành động cụ thể.

Đề cập đến khái niệm “Russkiy mir” của tổng thống Nga, một hệ tư tưởng về một “nước Nga vĩ đại hơn” được Giáo hội Chính thống quốc gia ủng hộ, các giám mục Ukraine lưu ý rằng “Trong tâm trí của Putin, không có thứ gì như Ukraine, lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa Ukraine và đời sống giáo hội Ukraine độc lập. Mọi vấn đề của Ukraine đều là những cấu trúc ý thức hệ, có thể bị xóa bỏ. Ukraine không phải là một thực tại mà chỉ là một ‘ý thức hệ’. Theo Putin, hệ tư tưởng về bản sắc Ukraine là ‘Đức Quốc xã’”.

“Tội ác chiến tranh ở Bucha, Irpin, Borodianka, Izium và ở những nơi khác bị lực lượng Nga chiếm đóng đã minh họa cho người Ukraine (và cho tất cả những người có thiện chí) mục đích rõ ràng của cuộc chiến này: loại bỏ Ukraine và người Ukraine.”

“Điều đáng nói là mọi sự chiếm đóng của Nga trên lãnh thổ Ukraine đều dẫn đến việc tiêu diệt Giáo Hội Công Giáo Ukraine, bất cứ Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập nào, đồng thời đàn áp các tôn giáo khác cũng như tất cả các tổ chức và biểu hiện văn hóa không ủng hộ quyền bá chủ của Nga”, thượng hội đồng nói thế, và nhấn mạnh rằng “Lịch sử gần đây đã chứng minh rằng với Putin sẽ không có cuộc đàm phán thực sự nào cả”.

Thượng Hội đồng kết luận, “Bất chấp những đề xuất về nhu cầu đàm phán đến từ đại diện của các quốc gia khác nhau, bao gồm cả chính Đức Giáo Hoàng, người Ukraine sẽ tiếp tục bảo vệ tự do và phẩm giá để đạt được một nền hòa bình công bằng. Họ tin vào tự do và phẩm giá con người do Thiên Chúa ban tặng. Họ tin vào sự thật, sự thật của Chúa. Họ tin chắc rằng sự thật của Thiên Chúa sẽ chiến thắng”.

Bình luận “cờ trắng” của Đức Phanxicô là bình luận mới nhất trong một loạt các can thiệp của Vatican sau cuộc xâm lược của Nga.

Trong sáng kiến cao cấp nhất, đặc phái viên hòa bình cá nhân của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, đã đến thăm nơi mà Vatican coi là bốn trung tâm ra quyết định chính của cuộc chiến: Kyiv, Moscow, Washington và Bắc Kinh.

Vào ngày 28 tháng 12 năm ngoái, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố ông đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng để bày tỏ “lòng biết ơn vì lời chúc Giáng sinh của ngài tới Ukraine và người dân Ukraine, vì những lời chúc hòa bình của ngài – hòa bình chính đáng cho tất cả chúng ta,” và ông rất “biết ơn Vatican vì đã hỗ trợ công việc của chúng tôi.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công khai xác nhận sự tham gia của ngài trong việc trao đổi tù nhân chiến tranh, cho thấy rằng ngài đã chuyển các danh sách do chính quyền Ukraine lập cho các quan chức Nga thông qua đại sứ quán Nga bên cạnh Tòa thánh.

Nhưng những sáng kiến hòa bình gần đây của Đức Giáo Hoàng đã được theo sau bởi những sự can thiệp khác gây tranh cãi hơn của Vatican.

Vào năm 2022, Vatican đã mời một phụ nữ Nga và Ukraine sống ở Ý tham gia Đường Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành – với cả hai người phụ nữ đều giơ cao cây thánh giá tại Trạm Thánh Giá thứ 13.

Trong khi các viên chức Vatican cho biết cử chỉ này nhằm mục đích kêu gọi hòa bình, thì nó được giải thích rộng rãi ở Ukraine là mang lại sự tương đương về mặt đạo đức cho một lực lượng xâm lược và một dân tộc bị áp bức.

Đồng thời, Đức Phanxicô cũng khiến Mạc Tư Khoa tức giận, sau khi ngài công khai tiết lộ rằng ngài đã chỉ trích Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill trong một cuộc họp video riêng, nói với vị này là đừng trở thành “chàng trai giúp lễ của Putin”.

Nhưng trong nỗ lực giữ cho Tòa thánh luôn sẵn sàng hoạt động như một kênh trung lập cho các cuộc đàm phán hòa bình, Đức Phanxicô cũng tỏ ra lưỡng lự trước những điều đúng và sai tuyệt đối của cuộc xung đột, gọi cuộc xâm lược của Nga là “vô nghĩa, đáng ghê tởm và phạm thượng” và nói về “những hành động dã man, quái đản” của quân đội Nga, đồng thời nói rằng “thật sai lầm khi nghĩ rằng đây là một bộ phim cao bồi có kẻ tốt và kẻ xấu”.

Sự thất vọng liên tục của người Ukraine đối với những cử chỉ của Tòa thánh và những lời nói của Đức Phanxicô được phản ảnh qua việc mức độ tin tưởng vào giáo hoàng của người dân trong nước giảm mạnh - từ 45% vào năm 2020 - khi người Ukraine coi Đức Phanxicô là nhà lãnh đạo tôn giáo đáng tin cậy nhất thế giới - xuống còn 3.1% vào Tháng 5 năm 2023, theo Trung tâm Razumkov, tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Ukraine.

Dữ kiện của Razumkov cho thấy hơn một nửa số người Ukraine (59%) hiện có quan điểm tiêu cực về lập trường của Đức Phanxicô về hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine, tin rằng ngài đánh đồng nỗi đau khổ của người Ukraine với nỗi đau khổ của người Nga.

Những bình luận “cờ trắng” của Đức Phanxicô có thể sẽ làm rất ít để gia tăng niềm tin vào các mục tiêu ngoại giao của Đức Phanxicô, hoặc sự cảm thông bản thân của ngài với người dân Ukraine vì, ngay cả với những cải chính sau đó của Vatican, chúng vẫn tỏ ra ủng hộ việc Ukraine phải cởi mở đối với việc chấp nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ và con người của Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ đòi lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, thậm chí bao gồm cả Crimea, nơi nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ năm 2014 và, không giống như bốn khu vực được sáp nhập vào thứ Sáu, từ lâu được coi là một phần lãnh thổ của Nga trước khi Liên Xô tan rã.

Đối với nhiều chuyên gia Ukraine, những bình luận của Đức Phanxicô– và cách thức chúng được trình bày – dường như phù hợp với câu chuyện của Nga coi cuộc xâm lược là hợp lý và Ukraine không thể thắng được.

Taras Antoshevskyi, giám đốc Cơ quan Thông tin Tôn giáo Ukraine nói với The Pillar hôm thứ Bảy: “Tôi chú ý cẩn thận đến một số sắc thái bộc lộ nhất định của những cuộc phỏng vấn như vậy”.

Antoshevskyi đặt câu hỏi tại sao “các cuộc phỏng vấn về các sự kiện quan trọng như cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine lại bị trì hoãn đáng kể”, lưu ý rằng “bản chất diễn biến của những sự kiện này đòi hỏi phải bình luận kịp thời, tuy nhiên các cuộc phỏng vấn được thực hiện vào tháng 2, thảo luận về các sự kiện cụ thể trong cuộc chiến, lại được trình bày trong Tháng Ba, giữa những diễn biến mới ở mặt trận.”

“Thật đáng buồn,” Antoshevskyi nói, “đây không phải là một trường hợp cá biệt. Việc trình bày các cuộc trò chuyện một cách muộn màng sẽ tạo ra cảm giác bị thao túng và có khả năng bị lạm dụng.”

“Đối với cử tọa Ukraine, thời điểm này không phù hợp với những câu chuyện do các đặc vụ Điện Kremlin tuyên truyền. Những câu chuyện này vẽ nên một bức tranh về một Ukraine đang thua lỗ, sụp đổ. Việc trì hoãn trình bày các cuộc trò chuyện sẽ khuếch đại các chiến thuật thao túng này.”

Theo Antoshevskyi, thời điểm đưa ra những bình luận của Đức Giáo Hoàng “gây ra sự tức giận của người Ukraine, vì nó thúc đẩy nhận thức cho rằng các điều khoản và khuôn khổ của thỏa thuận không phù hợp”. Ông nói với The Pillar “Tất nhiên là phù hợp với những thông điệp được các nhà tuyên truyền của Điện Kremlin phổ biến”.

Antoshevskyi giải thích rằng mục tiêu của Nga là ngăn cản sự ủng hộ của quốc tế dành cho Ukraine “bằng cách vẽ nên bức tranh về một đất nước đang hỗn loạn, lập luận chống lại sự cần thiết của việc cung cấp vũ khí và phòng thủ chống lại tên lửa của Nga”, khi nước này tập hợp lại để thực hiện hành động tấn công tiếp theo.

Antoshevskyi nói: “Do đó, những lời của Đức Giáo Hoàng, ủng hộ ‘cờ trắng’, có thể bị người Ukraine hiểu là lặp lại tiếng nói tuyên truyền của Điện Kremlin”. “Điều này làm suy yếu đáng kể niềm tin vào Giáo hội nói chung. Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì nó nhấn mạnh ảnh hưởng lâu dài của hoạt động tuyên truyền của Nga đằng sau các sáng kiến hòa bình của Vatican.”

Yuriy Pidlisnyy, trưởng khoa khoa học chính trị tại Đại học Công Giáo Ukraine, đồng ý với đánh giá của Antoshevskyi, nói với The Pillar rằng: “Thật đáng tiếc khi ai đó phải giải thích và làm rõ những lời gần đây của Đức Giáo Hoàng lần này - Matteo Bruni.”

“Lời nói cố hữu vốn có ý nghĩa. Khi tôi nghe thấy thuật ngữ 'cờ trắng' được thốt ra trong bối cảnh thời chiến, nó thường có nghĩa là đầu hàng. Pidlisnyy cho biết những từ ngữ như vậy không mang lại cảm giác hy vọng, đặc biệt là đối với người Ukraine, đồng thời chỉ ra rằng “các vụ xả súng, hãm hiếp, trục xuất và diệt chủng” là đặc điểm lịch sử của hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine.

“Do đó, việc Đức Giáo Hoàng sử dụng ngôn ngữ như vậy là cực kỳ thiếu tế nhị, xét đến tầm quan trọng quốc tế của lá cờ trắng.”

“Có lẽ Đức Giáo Hoàng chưa hoàn toàn nắm bắt được điều này,” Pidlisnyy nói, “nhưng những lời nói của ngài, nhấn mạnh cờ trắng và sự thất bại, đặt ngài không đứng về phía những người đau khổ và bị đánh đập, mà đứng về phía những tên cướp trong dụ ngôn về Người Samaritanô nhân hậu.”

Giáo sư nói: “Thế giới nổi lên nhờ những cuộc đàm phán như vậy sẽ là một thế giới được đánh dấu bằng sự hoài nghi hoàn toàn, nơi luật pháp quốc tế cuối cùng đã mất đi hiệu lực của nó. Trong kịch bản này, kẻ mạnh có thể tiến hành các cuộc tấn công và sau đó hợp pháp hóa lợi ích của họ trên bàn đàm phán. Điều này đặt ra những câu hỏi quan trọng về công lý và trách nhiệm giải trình.”

Theo Pidlisnyy, “giống như tất cả các tông đồ, Đức Giáo Hoàng được kêu gọi mang lại đức tin và Tin Mừng, nhưng những tuyên bố như vậy nuôi dưỡng bầu không khí tuyệt vọng hơn là hy vọng”.

Taras Kurylets, nhà nghiên cứu tại Viện Đại kết của Đại học Công Giáo Ukraine, cũng nói với The Pillar rằng những bình luận của Đức Phanxicô, dù cho phép các minh xác của Vatican, tượng trưng cho một hội đồng tuyệt vọng.

Ông nói với The Pillar: “Đức Giáo Hoàng đã không hiểu chúng tôi và vẫn không hiểu được hoàn cảnh của chúng tôi”.

“Có vẻ như ngài tiếp cận giải pháp cho cuộc chiến chống Ukraine từ góc độ của một mục tử tốt bụng: đầu hàng, vì giải pháp thay thế sẽ tồi tệ hơn; bạn đã thua rồi, nên việc kháng cự thêm nữa cũng vô ích và sẽ chỉ dẫn đến nhiều cái chết và sự hủy diệt hơn mà thôi.”

Kurylets nói rằng lời kêu gọi đàm phán của Đức Giáo Hoàng thể hiện sự ngây thơ về mặt ngoại giao: “Bề ngoài, mọi thứ có vẻ bình dị, giống như một câu chuyện cổ tích kết thúc bằng câu ‘và họ sống hạnh phúc mãi mãi’. Tuy nhiên, những hậu quả có thể xảy ra lại hoàn toàn khác”.

Kurylets nói: “Người ta đã thảo luận nhiều về vấn đề này, nhưng dường như cả Đức Giáo Hoàng lẫn nhiều cá nhân trong xã hội phương Tây đều không nắm bắt được nó một cách đầy đủ. Theo thời gian, Liên bang Nga tích lũy sức mạnh, học hỏi từ những sai lầm của mình, xây dựng lại sức mạnh quân sự của mình, nâng nó lên một tầm cao hơn và sự không chắc chắn về nơi nó sẽ tấn công lần thứ hai ngày càng lớn – danh sách này rất dài.”

Kurylets nói: “Theo tôi, người truyền đạt thông tin cho Đức Giáo Hoàng đóng một vai trò quan trọng [trong những bình luận của ngài]. Xem xét vô số sai lầm của Đức Phanxicô về vấn đề Ukraine, có vẻ như cá nhân này là người truyền tải, có thể là một phiên bản loãng hơn của các câu chuyện của Nga. Từ quan điểm của họ, Ukraine đã bị đánh bại rồi”.

Nhưng Kurylets đưa ra một góc nhìn khác về cuộc chiến.

Ông nói: “Chúa có khiếu hài hước. Điều tưởng chừng như vô vọng hôm nay sẽ trở thành chiến thắng vào ngày mai - tất cả chúng ta đều nhớ câu chuyện về Đa-vít và Gô-li-át”

Kurylets nói, “Tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn sống để chứng kiến chiến thắng của Ukraine trong cuộc chiến bất công này và việc thành lập ‘Tòa án Nuremberg’ mới chống lại kẻ xâm lược”.