1. Đức Hồng Y Koch cảnh giác tín hữu Đức đừng quá hy vọng cải tổ

Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, cảnh giác Giáo hội Công giáo tại Đức đừng quá hy vọng sẽ có các cuộc cải tổ, đặc biệt là vấn đề truyền chức thánh cho phụ nữ hoặc bãi bỏ luật độc thân linh mục.

Đức Hồng Y Koch người Thụy Sĩ. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho Nhật báo “Kurier”, Người đưa tin, số ra ngày 18 tháng Ba vừa qua, tại Áo. Ngài nói: “Điều chắc chắn là Đức Giáo hoàng không khơi lên những hy vọng như vậy. Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn luôn nói rõ ràng ngài đi đâu. Khi Giáo hội tại Đức trình bày những mong đợi của mình qua dự án cải tổ với Tiến trình Công nghị, họ phải tự hỏi: nếu những mong đợi ấy không được đáp ứng thì làm sao vượt thắng chúng?”.

Đức Hồng Y Koch nhắc đến lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho “Dân Chúa lữ hành tại Đức”, hồi năm 2019, vào đầu tiến trình “Tiến trình Công nghị”, trong đó ngài nhắc nhở rằng nghĩa vụ đầu tiên của Giáo hội là loan báo Tin mừng, công bố đức tin. Khi điều này không chiếm chỗ đứng trung tâm, thì sẽ mất mát điều gì đó và Giáo hội phải tự mình xem xét xem sự mất mát ấy là gì”.

Đức Hồng Y Koch thấy điều cấp thiết hơn so với các vấn đề nội bộ của Giáo hội, đó là Giáo hội tại Âu châu ngày càng mất ảnh hưởng về mặt xã hội và văn hóa. Điều này ta thấy rõ trong những diễn biến mới đây tại tại Pháp, với vụ Quốc hội đưa việc phá thai vào hiến pháp quốc gia, như một nhân quyền và sắp tới đây sẽ thông qua luật cho phép trợ tử, giúp kết liễu mạng sống của người bệnh, người già theo lời yêu cầu của đương sự. Tình trạng đó cho thấy rõ “sự dấn thân bênh vực sự sống, kể cả ở giai đoạn đầu tiên và kết thúc không phải là trách nhiệm riêng của Giáo hội Công giáo, nhưng đó là gia sản của Âu châu. Khi quyền sống bị đặt lại vấn đề đến độ điều ngược lại được đưa vào hiến pháp một nước, thì những căn cội văn minh của Âu châu bị tấn công. Tất cả mọi người Âu châu thức tỉnh cần sát cánh với nhau”.

Bênh vực Đức Thánh Cha

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Koch cũng bênh vực Đức Thánh Cha trước những lời phê bình vì những câu nói của ngài về chiến tranh Ukraine, khi ngài dùng cụm từ “trương cờ trắng” để nói về sự cần thiết phải thương thuyết để chấm dứt chiến tranh. Đức Hồng Y nói: “khi xét toàn thể những điều Đức Thánh Cha nói về chiến tranh Ukraine, ta thấy Đức Giáo hoàng luôn nói về Ukraine bị áp bức. Vì thế, người ta không thể nói ngài phò Nga, đúng hơn ngài đứng về phía các nạn nhân”.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẵn sàng làm trung gian: “Ai muốn làm trung gian, thì phải để cửa mở [đối với hai phe], cả khi có thể bị giải thích sai lầm”. Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha trả lời cụ thể cho câu hỏi do ký giả đưa ra về việc “trương cờ trắng” và nói phải “có can đảm ‘trương cờ trắng’. Ngài cũng bày tỏ đau khổ lớn lao, vì “chiến tranh kéo dài và gia tăng thêm nhiều nạn nhân”, vì thế ngài tự hỏi làm thế nào chiến tranh có thể chấm dứt.

2. Dự luật Hương Cảng đe dọa ấn tín tòa giải tội

Người Công giáo ở Hương Cảng đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc và nghiêm trọng” về một dự luật có thể đe dọa tính toàn vẹn của ấn tín tòa giải tội.

Luật đề xuất sẽ yêu cầu tất cả công dân phải báo cáo người khác “đã, đang hoặc sắp phạm” một tội hình sự.

Trong tuyên bố ngày 13/3, một nhóm nhà hoạt động đã chỉ ra: “Tiết lộ thông tin cho cảnh sát hoặc đối mặt với án tù 14 năm. “Việc ép buộc một linh mục tiết lộ những gì đã nói trong Bí tích Giải tội, trái với ý muốn và lương tâm của họ và hoàn toàn vi phạm quyền riêng tư của cá nhân xưng tội, là vi phạm hoàn toàn Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và như vậy là hoàn toàn vi phạm. không thể chấp nhận được và phải bị lên án bởi những người có lương tâm thuộc mọi tôn giáo và không tôn giáo trên toàn thế giới.”

3. Đức Hồng Y Ambongo: “Fiducia supplicans” gây khó khăn đối với Phi châu

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng giám mục Kinshasa, Congo, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar, tái phê bình Tuyên ngôn Fiducia supplicans, Lòng tín thác khẩn cầu, về việc chúc lành cho các cặp đồng phái, và gọi đây là một vấn đề thực sự đối với Phi châu, một sự “thực dân hóa văn hóa của Tây phương”.

Đức Hồng Y Besungu, cũng là thành viên Hội đồng chín Hồng Y Cố vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài truyền hình Công giáo KTO của Công giáo ở Paris, thủ đô Paris, truyền đi hôm 18 tháng Ba vừa qua. Đức Hồng Y đã nhiều lần phê bình Tuyên ngôn này, do Bộ Giáo lý đức tin công bố, ngày 18 tháng Mười Hai năm ngoái, 2023. Sau khi văn kiện này được phổ biến, Đức Hồng Y đã bay về Roma gặp Đức Thánh Cha để trình bày những khó khăn và trình bày những phản ứng của các Hội đồng Giám mục của 57 nước ở Phi châu.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài KTO, Đức Hồng Y cho biết tuyên ngôn chúc lành cho các cặp đồng phái đã tạo nên một làn sóng bức xúc và sự hiểu lầm, cũng như bất an nơi các tín hữu và các mục tử. Đức Hồng Y Ambongo tóm tắt lập trường của Công giáo Phi châu và nói rằng: “Chúng tôi, các giám mục Phi châu thấy rằng chúc lành cho những kết hợp đồng tính luyến ái và các cặp đồng phái là điều không thích hợp. Vì trong bối cảnh chúng tôi, nó tạo nên hoang mang rối loạn, trực tiếp trái ngược với các quy luật của xã hội Phi châu”.

Đức Hồng Y Tổng giám mục Giáo phận Kinshasa nói thêm rằng: Ngôn ngữ mà Tuyên ngôn Fiducia supplicans rất tinh tế mà người dân thường không thể hiểu. Mỗi giám mục tự do quyết định cho giáo phận của mình việc cho phép chúc lành cho các cặp đồng phái hay không, nhưng “các Hội đồng Giám mục Phi châu cùng quyết định không chúc lành cho các cặp đồng phái”