Tạp chí The Pillar, ngày 3 tháng 4 năm 2024, tường trình rằng Bộ Giáo lý Đức tin sẽ công bố vào tuần tới một tài liệu đã được hứa hẹn từ lâu về phẩm giá con người, với một cuộc họp báo dự kiến vào ngày 8 tháng 4.



Tuyên bố, có tựa đề Dignitas infinita, sẽ được đưa ra tại cuộc họp báo bởi Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, người đứng đầu bộ giáo lý, cùng với Cha Armando Matteo, thư ký giáo lý của bộ và là nhà thần học người Ý.

Trong tháng 12, Đức Hồng Y Fernández từng lên tiếng về tuyên bố mới này, cho thấy nó sẽ ít gây tranh cãi hơn Fiducia supplicans, tuyên bố cuối cùng của Bộ Giáo lý Đức tin, được ban hành vào cuối năm ngoái.

Khi Đức Hồng Y tìm cách làm dịu cuộc tranh cãi về việc tiếp nhận Fiducia, vốn dự liệu việc các linh mục ban phước lành cho những người có quan hệ đồng tính, Fernández đã nói rằng tài liệu sắp tới của Bộ sẽ đề cập đến “không những các vấn đề xã hội mà còn là lời chỉ trích mạnh mẽ các vấn đề đạo đức như phẫu thuật chuyển đổi giới tính, mang thai hộ và ý thức hệ giới tính,” và dự đoán nó sẽ ít gây tranh cãi hơn Fiducia.

Nhưng với tuyên bố được đưa ra để xử lý một chủ đề gây tranh cãi triền miên, bản văn, chính xác, muốn nói gì - và nó có thể sẽ dựa vào những tài liệu gần đây nào của Vatican?

Các bản văn không được công bố

ĐHY Fernández đã nói rằng Dignitas infinita đã trải qua một quá trình tham vấn nghiêm ngặt, với việc xuất bản sau vòng tham vấn cuối cùng gần đây với danh sách đầy đủ các thành viên Hồng Y của Bộ Giáo lý Đức tin sau một số dự thảo trước đó.

Tuy nhiên, các bản văn đã công bố và chưa công bố của bộ phận tín lý có thể đã đưa ra dấu hiệu về những gì Bộ Giáo lý Đức tin dự định nói trong tuyên bố của họ vào tuần tới.

Trong khi một số nhà hoạt động trong và xung quanh Giáo hội đã thúc đẩy các giáo phận tiếp nhận thái độ thế tục đối với tình dục và giới tính, nhiều người đã tìm kiếm sự hướng dẫn từ các hội đồng giám mục địa phương của họ và từ Rome về cách giải quyết các trường hợp cá biệt của những người tự nhận mình là người chuyển giới và yêu cầu hoặc được tiếp cận một số bí tích nhất định hoặc thực hiện một số vai trò trong đời sống giáo hội.

Vào năm 2018, Bộ Giáo lý Đức tin khi đó đã chuẩn bị sẵn một bản văn cho một tài liệu đề cập đến lý thuyết giới tính, điều gọi là các vấn đề chuyển giới và một loạt chủ đề liên quan.

Như The Pillar đã đưa tin trước đây, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cũng đã có tài liệu riêng về các vấn đề tương tự được chuẩn bị và sẵn sàng để công bố. Tuy nhiên, sau khi gửi nó đến Bộ Giáo lý Đức tin để xem xét, bản văn trên thực tế đã bị gác lại theo yêu cầu của Rome, chờ Vatican phát hành cuối cùng về cùng chủ đề.

Trong thời gian tạm thời, một số giáo phận đã ban hành hướng dẫn và chính sách của riêng mình để giải quyết các trường hợp đang chờ đợi hoặc cấp bách ở địa phương.

Mặc dù tuyên bố cuối cùng được ấn định công bố vào tuần tới đã trải qua nhiều vòng tham vấn và sửa đổi, nhưng bản văn này có thể được củng cố mạnh mẽ bởi bản văn năm 2018 chưa được công bố của Bộ Giáo lý Đức tin mà The Pillar có được trước đó, trong đó tuyên bố rằng “giới tính của một người là một thực tại phức tạp, bản sắc của nó bao gồm các yếu tố thể lý, tâm lý và xã hội”.

“Một số [người], bắt đầu từ một cái nhìn sai lầm về con người, muốn tách biệt và thậm chí đối lập các yếu tố khác nhau tạo nên giới tính của một con người. Họ tạo ra sự phân cực giữa khía cạnh thể xác và tâm lý tình dục của con người”, Bộ Giáo lý Đức tin viết vào năm 2018.

Dự thảo năm 2018 đưa ra hướng dẫn về mục vụ bí tích cho những người được xác định là người chuyển giới – một vấn đề được tranh luận nhiều ở một số giáo phận trong những năm gần đây.

Về hôn nhân, bản văn dự thảo năm 2018 giải thích rằng “các mục tử khó có thể thừa nhận ai đó kết hôn khi, theo đánh giá của những người thận trọng và khôn ngoan, chủ nghĩa chuyển đổi giới tính của chủ đề này đủ rõ ràng từ các hành động bên ngoài. Vì chủ nghĩa chuyển đổi giới tính có thể có những mức độ mãnh liệt khác nhau, nên cần phải đánh giá kỹ càng từng tình huống, chẳng hạn để không phủ nhận một cách bất công quyền kết hôn tự nhiên”.

“Một người trải qua một thủ tục phẫu thuật để xác định lại giới tính thì không thể kết hôn một cách hợp pháp; điều này đúng trong cả hai trường hợp cố gắng chuyển đổi từ nữ sang nam và từ nam sang nữ, bởi vì thủ tục phẫu thuật như vậy không làm thay đổi bản sắc giới tính của người đó”, bản văn cho biết thêm như thế.

Thần học Công Giáo xác định rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Và giáo luật đòi hỏi một người phải có khả năng quan hệ tình dục để kết hôn, một điều dường như thông thường là bất khả cả khi một người đã trải qua phẫu thuật “chuyển đổi giới tính” mong muốn sau này kết hôn với một người khác giới.

Về các chức thánh, dự thảo giải thích rằng một người “có những đặc điểm thể lý của một người đàn ông mà về mặt tâm lý, cảm thấy mình là phụ nữ” sẽ không phù hợp để trở thành linh mục, và một phụ nữ được xác định là nam giới “không có khả năng nhận các chức thánh một cách hợp lệ.”

Dự thảo cũng kêu gọi các giám mục phân định, “trên cơ sở từng trường hợp” liệu một người được xác định là chuyển giới có thể trở thành người bảo trợ bí tích rửa tội hoặc thêm sức hay không, một thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường hoặc một giáo lý viên.

Bản văn dự thảo giải thích: “Ngoài việc tuân thủ hoàn toàn giáo huấn của Giáo hội và danh tiếng tốt, việc thực hiện những vai trò này đòi hỏi sự trưởng thành, quân bình và đào tạo phù hợp, cũng như loại trừ bất cứ hình thức gây gương mù nào đối với các tín hữu”.

Về phép rửa tội, bản văn dự thảo của Bộ Giáo lý Đức tin giải thích rằng “một người trưởng thành đã trải qua điều trị tâm lý hoặc nội tiết tố hoặc một thủ tục phẫu thuật để cố gắng xác định lại giới tính, có thể được rửa tội sau khi chuẩn bị thích hợp”.

Tương tự như vậy, bản văn dự thảo đề cập đến Bí tích Thánh Thể bằng cách giải thích rằng “những người trưởng thành đã trải qua một thủ tục phẫu thuật để cố gắng xác định lại giới tính có thể được nhận Bí tích Thánh Thể, trong cùng điều kiện như tất cả các tín hữu khác nếu không có nguy cơ gây tai tiếng”.

Một chú thích cuối trang trong bản văn đề cập đến các phần trong Ecclesia de Sacramentia, tức thông điệp của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Các phần được tham chiếu, 36, 37 và 38, giải thích sự cần thiết của việc rước lễ và xưng tội trong bí tích đối với những người Công Giáo có ý định lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.

Các nghi vấn (Dubia) đã được trả lời

Nhiều chủ đề và vấn đề tương tự cũng đã được giải quyết vào năm ngoái, khi Bộ Giáo lý Đức tin đưa ra câu trả lời cho một số câu hỏi chính thức được đặt ra cho Bộ về vai trò của những người xác định là LGBT trong lễ rửa tội và đám cưới Công Giáo.

Vào tháng 11 năm 2023, bộ đã đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi do Đức Giám Mục José Negri của Brazil đặt ra khi nêu ra các câu hỏi “liên quan đến khả năng tham gia vào các bí tích rửa tội và hôn nhân của những người chuyển giới và những người đồng tính”.

Mặc dù Bộ không định nghĩa thuật ngữ “những người đồng tính”, mà dường như được sử dụng để chỉ những người hình thành mối quan hệ đồng tính, nhưng Bộ đã tóm tắt các câu hỏi như sau:

1. Người chuyển giới có được rửa tội không?
2. Người chuyển giới có thể làm cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu tại lễ rửa tội không?
3. Người chuyển giới có được làm nhân chứng trong đám cưới không?
4. Hai người “đồng cảm” [homoaffective] có thể được kể là cha mẹ của một đứa trẻ cần được rửa tội và được nhận làm con nuôi hoặc được nhận bằng các phương pháp khác như đẻ thuê không?
5. Một người “đồng tính” và sống thử có thể làm cha đỡ đầu cho một người đã được rửa tội không?
6. Người đồng tính sống thử có được làm nhân chứng trong đám cưới không?

Khi trả lời, Bộ Giáo lý Đức tin cho biết rằng một người chuyển giới đã trải qua điều gọi là phẫu thuật chuyển giới có thể lãnh nhận bí tích rửa tội “trong cùng điều kiện như những tín hữu khác, nếu không có tình huống nào có nguy cơ gây ra tai tiếng công khai, hoặc sự mất phương hướng giữa các tín hữu.”

Tài liệu đã bổ sung một loạt các cân nhắc chi tiết, nhằm giải quyết các trường hợp “có những nghi ngờ về hoàn cảnh đạo đức khách quan mà một người thấy mình trong đó, hoặc về các khuynh hướng chủ quan của mình đối với ân sủng”.

Nó nói thêm rằng trẻ em hoặc thanh thiếu niên có “các vấn đề thuộc bản chất chuyển giới” cũng có thể được rửa tội nếu chúng được chuẩn bị tốt và sẵn sàng chịu phép rửa.

Bản thân giáo luật không thiết lập các tiêu chuẩn cụ thể liên quan đến cha mẹ của những đứa trẻ được rửa tội, chỉ quy định rằng thừa tác viên rửa tội phải có “niềm hy vọng vững chắc” rằng một đứa trẻ được rửa tội sẽ được nuôi dạy như một người Công Giáo.

Đã có hướng dẫn nhất quán của Tòa Thánh trong nhiều thập niên, nói rằng việc rửa tội cho một đứa trẻ không được trì hoãn vô thời hạn vì những lo ngại mục vụ về tình trạng cuộc sống của cha mẹ, vì điều này sẽ tước đi phương tiện cứu rỗi của đứa trẻ. Thay vào đó, các mục tử được khuyến khích đảm bảo có người bảo trợ phù hợp cho đứa trẻ.

Trả lời câu hỏi thứ hai, Bộ Giáo lý Đức tin cho biết năm ngoái rằng những người chuyển giới trưởng thành đã trải qua phẫu thuật có thể làm cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu “trong một số điều kiện nhất định”.

Các câu trả lời dubia cho biết, “Tuy nhiên, vì nhiệm vụ này không cấu thành một quyền, nên sự khôn ngoan mục vụ đòi hỏi không được phép thực hiện nếu có nguy cơ gây tai tiếng, hợp pháp hóa quá mức hoặc mất phương hướng trong lĩnh vực giáo dục của cộng đồng giáo hội”.

Về phần mình, giáo luật quy định rằng người đỡ đầu rửa tội, hoặc cha mẹ đỡ đầu, phải là một người Công Giáo đã Thêm sức, “người có đời sống đức tin phù hợp với chức vụ được đảm nhận”.

Bộ cũng cho biết vào năm ngoái rằng giáo luật không cấm người chuyển giới làm nhân chứng tại một đám cưới Công Giáo.

Chuyển sang câu hỏi thứ tư, Bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh rằng phải có niềm hy vọng có cơ sở rằng một đứa trẻ được rửa tội sẽ được giáo dục theo đức tin Công Giáo.

Câu trả lời không đề cập một cách chuyên biệt đến những câu hỏi dường như đã được nêu ra, tức là liệu cả hai người trong một cuộc kết hợp đồng tính luyến ái có nên được coi như “cha mẹ” hay không khi đánh giá các giấy phép cần thiết để rửa tội cho trẻ sơ sinh và khi ghi phép rửa tội vào sổ đăng ký giáo xứ - cả hai câu hỏi này thường được thảo luận giữa các luật sư giáo luật.

Liên quan đến câu hỏi thứ năm, Bộ lưu ý rằng giáo luật đòi hỏi những người bảo trợ rửa tội, hoặc cha mẹ đỡ đầu, phải có năng khiếu đảm nhận vai trò này và có “một đời sống đức tin phù hợp với chức năng được đảm nhận”.

Giải quyết câu hỏi thứ sáu và cũng là câu hỏi cuối cùng, Bộ Giáo lý Đức tin viết: “Không có điều gì trong luật giáo hội phổ quát hiện nay cấm một người sống thử, đồng tính luyến ái làm nhân chứng cho một cuộc hôn nhân”.

Đối thoại và giáo dục

Một bản văn quan trọng khác có thể thấm nhuần tư tưởng và ngôn ngữ của Dignitas infinita có thể là một tài liệu năm 2019 của Bộ Giáo dục Công Giáo, có tựa đề “Người nam và người nữ được Người tạo dựng - Hướng tới con đường đối thoại về vấn đề lý thuyết giới tính trong giáo dục”.

Bản văn đó đề cập đến các xu hướng đang phát triển trong thực hành giáo dục và chương trình giảng dạy “được cho là truyền đạt một quan niệm trung lập về con người và cuộc sống, nhưng trên thực tế phản ảnh một nền nhân học chống lại đức tin và lý trí đúng đắn”.

Bộ giáo dục cho biết: “Sự mất phương hướng liên quan đến nhân học vốn là một đặc điểm phổ biến trong bối cảnh văn hóa của chúng ta chắc chắn đã góp phần gây bất ổn cho gia đình trong tư cách một định chế, mang theo nó xu hướng triệt tiêu các dị biệt giữa đàn ông và đàn bà, trình bầy chúng chỉ đơn thuần như sản phẩm của điều kiện lịch sử và văn hóa.”

Đề cập đến “hệ tư tưởng được đặt tên chung là 'lý thuyết giới tính', vốn "phủ nhận sự khác biệt và tính hỗ tương trong bản chất của người nam và người nữ và hình dung một xã hội không có sự khác biệt về giới tính, từ đó loại bỏ nền tảng nhân học của gia đình," bản văn năm 2019 nói rằng nghị trình này hạ thấp bản sắc và phẩm giá con người thành “sự lựa chọn của cá nhân, một lựa chọn cũng có thể thay đổi theo thời gian”.

Nam và Nữ cho biết: “Tầm nhìn Kitô giáo về nhân học coi tình dục là thành phần cơ bản của nhân cách con người. “Khi mỗi người lớn lên, sự đa dạng như vậy, gắn liền với sự bổ sung cho nhau của hai giới, cho phép đáp ứng triệt để thiết kế của Thiên Chúa tùy theo ơn gọi mà mỗi người được kêu gọi”.

Trích dẫn lời Đức Phanxicô, Bộ giáo dục đã đặt ra khuôn khổ mà vì nó, Giáo hội có thể và nên tìm cách can dự vào cuộc thảo luận rộng rãi hơn về các vấn đề giới tính và phái tính, nhưng không ảnh hưởng đến hoặc giáo huấn của Giáo hội, hoặc phủ nhận trật tự tạo dựng và mệnh lệnh của luật tự nhiên.

“Trong khi các hệ tư tưởng về phái tính đòi hỏi phải đáp ứng, như Đức Phanxicô đã chỉ ra, ‘đối với những gì đôi khi là những khát vọng có thể hiểu được’, thì chúng cũng tìm cách ‘khẳng định mình là tuyệt đối và không thể nghi ngờ, thậm chí ra lệnh cho trẻ em nên được nuôi dạy như thế nào’, và do đó loại trừ đối thoại."

“Tuy nhiên,” bản văn tiếp tục, “công việc khác về phái tính [gender] đã được thực hiện nhằm cố gắng đạt được sự hiểu biết sâu sắc hơn về những cách thức mà sự khác biệt về giới tính giữa nam và nữ được thể hiện trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Chính trong tương quan với loại nghiên cứu này, chúng ta nên cởi mở để lắng nghe, lý luận và đề xuất.”

Chuyên biệt đề cập đến trường phái lập luận đang nổi lên nhằm tìm cách đóng khung phái tính, giới tính sinh học và phát biểu tình dục cá nhân như các khía cạnh của sự tự phát biểu và thành toàn cá nhân, tài liệu năm 2019 đã trình bày lại giáo huấn của Giáo hội để trả lời những gì nó nhấn mạnh, về cơ bản, như một hình thức hiện đại của thuyết ngộ đạo hiện sinh:

Bộ viết: “Lý thuyết phái tính (đặc biệt là ở những hình thức cấp tiến nhất của nó) nói về một quá trình biến chất dần dần, đó là một sự rời xa tự nhiên và hướng tới một lựa chọn tuyệt đối cho quyết định cảm xúc của chủ thể con người”.

“Vấn đề ở đây không nằm ở sự phân biệt giữa hai thuật ngữ [giới tính và phái tính], điều có thể giải thích chính xác mà nằm ở sự tách biệt giới tính khỏi phái tính. Sự tách biệt này là gốc rễ của những khác biệt được đề xuất giữa các “khuynh hướng tình dục” đa dạng, vốn không còn được định nghĩa bởi sự khác biệt về giới tính giữa nam và nữ, và sau đó có thể mang những hình thức khác, chỉ do cá nhân quyết định, người được coi là hoàn toàn tự chủ.”

Bản văn năm 2019 cho biết: “Điều này lên đến tuyệt đỉnh trong việc khẳng định sự giải phóng hoàn toàn của cá nhân khỏi bất cứ định nghĩa giới tính nào được đưa ra một cách tiên thiên và sự biến mất của các phân loại được coi là quá cứng ngắc”.

Bộ kết luận: “Cần phải tái khẳng định nguồn gốc siêu hình của sự khác biệt giới tính, như một sự bác bỏ về mặt nhân học đối với những nỗ lực phủ nhận tính hai mặt nam-nữ của bản chất con người, từ đó gia đình được tạo ra. Việc phủ nhận tính hai mặt này không chỉ xóa bỏ quan niệm coi con người như kết quả của một hành động sáng tạo mà còn tạo ra ý tưởng coi con người như một kiểu trừu tượng “tự chọn cho mình bản chất của mình là gì.”