CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM B: GA 10,11-18

11 Khi ấy Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, 13 vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đàn chiên. 14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, 15 như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

16 Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. 17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được”.




MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Chúa nhật thứ Tư Phục sinh (A,B,C) bao giờ cũng được gọi “Chúa Nhật Chúa Chiên Lành / Đấng Chăn Lành” và bài Tin Mừng bao giờ cũng lấy từ chương 10 thánh Gio-an. Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong phần đầu chương ấy là phần trình bày Đức Giê-su như vị Mục tử đích thật. Có thể chia phần này (cc. 1-21) ra làm 4 phần nhỏ: (1) 10,1-5: dụ ngôn với hai điểm: a) 10,1-3a: cách vào ràn chiên cho thấy đó là kẻ cướp hay mục tử; b) 10,3b-5: tương quan mật thiết giữa chiên và mục tử; (2) 10,6: phản ứng của người Pha-ri-sêu: không hiểu; (3) 10,7-18: thực tại với ba điểm: a) 10,7-10: Đức Giê-su là cửa của đàn chiên; b) 10,11-16: Người là Mục tử nhân lành; c) 10,17-18: Người vì chiên mà hy sinh tính mạng; (4) 10,19-21: phản ứng lẫn lộn của người Do-thái.

Bài suy niệm của chúng ta hôm nay sẽ theo ba chủ điểm: Đức Giê-su là Đấng quy tụ một đoàn chiên vĩ đại (toàn thể nhân loại). Trong đoàn chiên này, Người thương mến mỗi một con như dành riêng tình yêu cho mỗi mình nó. Người yêu mến chiên như yêu mến Cha, và yêu mến đến độ thí mạng vì đoàn chiên.

1. Đoàn chiên vĩ đại của Đức Giê-su

Đoàn chiên nhỏ của Đức Giê-su đã lớn lên và sẽ không ngừng tăng trưởng, chúng ta đã có thể chiêm ngắm cảnh quy tụ những đám đông bao la rồi (như tại quảng trường thánh Phê-rô, những lần Đức Thánh Cha đi kinh lý, suốt lộ trình du hành của hài cốt các thánh nổi tiếng, như thánh nữ Têrêxa Hài đồng chẳng hạn… đó là chưa kể cảnh hàng triệu con người cùng theo dõi thánh lễ, sứ điệp của vị đại diện Chúa Ki-tô trên truyền thanh, truyền hình, mạng Internet…). Tuyên sấm cách vô tình, thượng tế Cai-pha nói: “Thà một người chết thay cho dân !” Và Gio-an sẽ thêm: “Để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mắc khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Suốt bao thế kỷ, đã và đang hội tụ về Đức Giê-su cả một dân, một dân đông đảo vượt quá trí tưởng tượng nếu nghĩ tới cuộc tập hợp kỳ diệu cuối cùng. Cũng chính Gio-an vẽ ra trước cho ta cảnh tượng này trong sách Khải huyền: “Tôi thấy: kìa một đoàn người đông đảo không ai nào đếm nổi, thuộc mọi nước, mọi chi tộc, mọi dân và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên” (7,9) Mát-thêu cũng trình bày một quang cảnh không kém vĩ đại: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (25,31-32). Phaolô thì diễn tả cảnh tập họp này theo kiểu một nhà thần học: “Người cho ta được biết mầu nhiệm ý muốn của Người, theo như điều Người ưa thích mà Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô, để thực hiện kế hoạch khi thời gian tới hồi viên mãn: đó là quy tụ muôn loài trên trời dưới đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1,9-10)

Tuy nhiên, ở đây có một cái gì đó gây lo lắng: mỗi người chúng ta có vị trí nào trong các đoàn lũ khổng lồ đó? Trước hết phải nhớ điều này: dù đã quen nghĩ tới Đức Ki-tô với những từ “Ngài” và “con”, chúng ta phải nỗ lực để nhất trí với chương trình của Thiên Chúa: “Ta muốn có con trong một đoàn dân, Ta yêu mến con trong một tập thể”. Con người là một hữu thể xã hội, sống cùng, sống với. Nên không có vấn đề cứu rỗi cách đơn độc. Hết thảy chúng ta đều đang tham dự vào một cuộc phiêu lưu kỳ diệu: đó là tất cả lịch sử đang hướng về Đức Ki-tô và toàn thể nhân loại sẽ quy tụ quanh Người, Chủ tể của mình, Đấng “đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18).

2. Mỗi con chiên trong đoàn đều được yêu mến

Nhưng nếu thế thì làm gì với hình ảnh rất đẹp: Đức Giê-su vác trên vai một con chiên lạc, một con chiên được Người yêu mến? (x. Lc 15,4-5), Đức Giê-su gõ cửa nhà từng người và vào dùng bữa với ai mở cửa? (x. Kh 3,20). Các hình ảnh này vẫn đúng. Đức Giê-su có hai khả năng mà không một nhà tập hợp nào sẽ có bao giờ cả: là thủ lãnh của đám đông vĩ đại nhất, Người tuy vậy vẫn có thể nối kết với mỗi người trong chúng ta một mối liên hệ cá nhân nhất, thân tình nhất. Để xác nhận điều này, ta có câu nói thân thương trìu mến: “Tôi biết chiên tôi, và chiên của tôi biết tôi”; tôi “gọi tên từng con một”. Là con người của quần chúng, Đức Giê-su vẫn có những tiếp xúc cá nhân hết sức sâu đậm, gây nên bao cuộc đổi đời: với Phê-rô, với Gio-an, với Phao-lô, với Ni-cô-đê-mô, với Ma-đa-lê-na, với Da-kêu và nhiều nữa qua dòng lịch sử… Mỗi người đều được phân biệt và được Đức Giê-su thương mến. Ngoài ra, vì mỗi người là một nhân vị độc đáo, có xác hồn riêng, những tính cách riêng và định mệnh riêng. Nên những cái này cũng sẽ không mất đi khi con người đi vào thế giới của Thiên Chúa. Ý niệm luân hồi đầu thai (một hồn đi qua nhiều xác) và tiểu ngã hòa vào Đại Ngã (như nước sông suối hòa vào biển cả) là hoàn toàn xa lạ với Tin Mừng, với quan niệm nhân vị của Đức Ki-tô.

Thành thử tại sao chúng ta không biết nói với toàn thể thế giới rằng trên trái đất này, chẳng có đứa con nào bị mất, chẳng có một ai phải cô độc? Rằng một dân đang được quy tụ để hiệp nhất lại và mọi người đều được kêu gọi vào đó: “Tôi còn có những chiên khác nữa”. Không đóng cửa chuồng chiên, chẳng bao giờ được nói: “Những con người đó xa Đức Ki-tô rồi”. Trong vĩnh cửu, chúng ta sẽ biết, giữa đám đông dày đặc, ai là kẻ đã rất gần Đức Giê-su.

3. Yêu mến chiên đến chết như yêu mến Cha đến chết

Và để nhấn mạnh hơn nữa mối liên kết giữa mình với đoàn chiên cũng như với từng con chiên, Đức Giê-su so sánh nó với mối liên hệ nối kết Người với Cha Người. Vốn đã từng nói: “Như Cha yêu Thầy, Thầy cũng yêu anh em. Như Cha sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Như Cha ban sự sống cho Thầy, Thầy cũng ban sự sống cho anh em…” Đức Giê-su lần nữa đặt mối hiểu biết giữa Người với Cha như nguồn gốc, như mẫu mực và như đồng đẳng của mối hiểu biết giữa Người với chiên của Người: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha”. Nhân loại và mỗi người còn có thể đòi hỏi gì hơn nữa? Còn dám trình bày Thiên Chúa như một Đấng vô tâm sao?

Sự hiểu biết này đưa đến mến thương, và lòng mến thương đưa đến hành động: hy sinh tính mạng vì đoàn chiên. Việc tự hiến này vừa là một hành vi tự nguyện, vừa là một thái độ vâng phục mệnh lệnh Chúa Cha. Phải chăng có mâu thuẫn giữa hai điều này? Thưa không ! Khi trao ban mạng sống của mình, đúng hơn “phó thác mạng sống” trong một hành vi vừa tự do tuyệt đối (“Mạng sống của tôi, không ai lấy được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”), vừa hoàn toàn vâng phục Chúa Cha (“Đó là lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được”), Đức Giê-su đã bày tỏ ở mức độ hoàn hảo nhất tình yêu của Chúa Cha muốn cứu độ toàn thể nhân loại. “Được đặt ở khởi đầu và kết thúc, Chúa Cha xuất hiện như nguồn mạch và cùng đích cho mọi hoạt động của Đức Giê-su. Tất cả đến từ Người: lệnh truyền chẳng gì khác hơn là sự bày tỏ tình yêu. Cái chết, dưới ngòi bút sống động của Gio-an, được trình bày như một hành vi tuyệt đối tự do trong đó Đức Giê-su hoàn tất lệnh truyền yêu thương của Chúa Cha. Ngay cả trong cái chết, giờ phút mà con người thường bị truất quyền làm chủ mạng sống, Đức Giê-su vẫn làm chủ, vì Người hoàn tất điều mà Thiên Chúa, trong tình yêu, đã muốn để đem sự sống đến cho con người” (A. Marchadour).

Một người Mỹ đi du lịch qua xứ Syrie, đã thấy ba người chăn chiên dẫn bầy mình ăn chung với nhau. Chặp sau, một trong ba người chăn này kêu chiên mình: “Men ah! Men ah!” (Theo tiếng Ả-rập có nghĩa là “Hãy theo ta ! Hãy theo ta !”). Các con chiên của anh này liền tách khỏi bầy và đi theo anh ta lên đồi. Người chăn thứ hai cũng kêu như vậy, và chiên của anh ta liền đi theo anh ta. Du khách Mỹ nói với người chăn còn lại: “Xin anh vui lòng cho tôi mang đồ đạc của anh để tôi kêu như anh kêu, xem các con chiên này có theo tôi hay không”. Xong xuôi, người Mỹ kêu: “Men ah ! Men ah !” nhưng chẳng có con chiên nào nhúc nhích, vì chúng không quen tiếng người lạ. Người Mỹ ngạc nhiên hỏi: “Thế chiên không nghe tiếng ai khác, ngoại trừ anh thôi sao?” Người chăn Syrie trả lời: “Ồ, có chứ ! Những con chiên bị bệnh sẽ đi theo bất cứ ai”.