Theo Đức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Vũ Hiệp Nhất Kitô Giáo, mỗi khi những người Kitô hữu cầu nguyện cùng nhau, làm chứng cho Tin Mừng và giúp đỡ những người thiếu thốn, họ đang thăng tiến hiệp nhất Kitô Giáo.

Trong cuốn “Cẩm Nang Đại Kết Thiêng Liêng”, Đức Hồng Y Walter Kasper nhận định rằng các buổi cầu nguyện chung và học hỏi Thánh Kinh, tham dự các biến cố lớn của các tôn giáo và hoạt động chung cho hòa bình và công lý là các thành phần của “đại kết thiêng liêng”.

Cuốn “Cẩm Nang Đại Kết Thiêng Liêng” phiên bản Anh Ngữ đã được phát hành sau Lễ Giáng Sinh và phiên bản Ý ngữ sẽ được phát hành trong tuần lễ 18-25 là tuần Cầu Nguyện Cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Trong phần lời nói đầu của cuốn Cẩm Nang, Đức Hồng Y cho biết đây là kết quả của một cuộc thảo luận bởi các thành viên của Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Vũ Hiệp Nhất Kitô Giáo tập trung vào nhu cầu cầu nguyện và hoán cải để tìm kiếm hiệp nhất.

Cuốn sách tập trung vào những chỉ dẫn về những gì các Đức Giám Mục, các linh mục và anh chị em giáo dân có thể làm để thăng tiến hiệp nhất trong khi các cuộc thảo luận Thần Học đang tiếp diễn để vượt qua những chia rẽ trong các hệ phái Kitô Giáo.

Cầu nguyện là đáp trả đầu tiên của các Kitô hữu.

“Điều có ý nghĩa là Đức Giêsu đã không chủ yếu bày tỏ ước vọng hiệp nhất trong một giáo huấn hay trong một giới răn cho các môn đệ, nhưng trong một lời cầu nguyện lên Chúa Cha”.

Hoán cải là trọng tâm trong cuộc tìm kiếm hiệp nhất Kitô Giáo. Mỗi cá nhân và các cộng đoàn Kitô hữu cần phải nhìn lại những thái độ họ đã giữ hay đang giữ góp phần vào việc gây ra chia rẽ trái ngược với ý muốn của Chúa Kitô mong các môn đệ Ngài nên một.

“Thánh Thần kêu gọi các Kitô hữu đặt mình trước mặt Thiên Chúa, để nhận ra khuyết điểm của họ, xưng thú tội lỗi và xin tha thứ”.

Một trong những đề nghị cụ thể là trong Mùa Chay, các tín hữu Kitô tập hợp với nhau “cho một buổi lễ chung dựa trên các bài đọc Thánh Kinh về sự tha thứ và lòng thương xót để chuẩn bị cho việc xưng tội cá nhân và nhận ơn xá giải theo các nghi thức riêng của các giáo hội”.

Cẩm nang cũng thúc giục những chú ý đặc biệt đến những người trẻ là những người thừa hưởng “gánh nặng chia rẽ trong quá khứ”

“Điều tối quan trọng là những Kitô hữu trẻ có được cơ hội kết bạn với các Kitô hữu thuộc các truyền thống khác, được đọc Thánh Kinh và cầu nguyện với họ để gia tăng hiểu biết và sự đánh giá cao hồng ân hiệp nhất”.

Đức Hồng Y cũng khích lệ các Đức Giám Mục và các linh mục chú ý đến những đôi vợ chồng thuộc các truyền thống khác nhau, không chỉ ở những khó khăn họ phải đương đầu trong việc giữ các thực hành đạo khác nhau, nhưng còn ở khía cạnh tích cực là điều này có thể làm cho các truyền thống khác nhau xích lại gần nhau.

Những đề nghị cụ thể khác bao gồm:
  • Dự phần vào việc phiên dịch Thánh Kinh và hoạch định các chương trình học hỏi Thánh Kinh
  • Tưởng niệm hàng năm các Kitô hữu đã tử đạo vì đức tin hay vì muốn truyền bá Tin Mừng.
  • Các buổi cầu nguyện chung để Tạ Ơn cũng như các buổi lễ cầu nguyện cho những ai hy sinh vì đất nước.
  • Các buổi cầu nguyện đại kết xác nhận lời hứa rửa tội diễn ra trong Mùa Phục Sinh và gần ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa.
  • Tổ chức chung hoạt cảnh Giáng Sinh.
  • Các buổi gặp gỡ thường xuyên giữa các Đức Giám Mục và các thừa tác viên khác của các truyền thống để cầu nguyện và thông báo cho nhau về các biến cố chính và các đề án.
  • Các cộng đoàn dòng tu đón tiếp những người muốn có đời sống thiêng liêng sâu hơn và tổ chức các buổi mạn đàm giữa các cộng đoàn của các truyền thống khác như Coptic, Syrian, Armenian và Chính Thống Giáo Hy Lạp.