Vatican - Vào lúc 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã chủ sự Kinh chiều Một lễ trọng Đức Maria là Thân mẫu Thiên Chúa tại đền thờ thánh Phêrô. Vừa sau khi xướng kinh, thay cho bài thánh thi, cộng đoàn đã hát kinh Te Deum tạ ơn Chúa. Kế đó, sau ba thánh vịnh, đức Bênêđictô XVI đã có bài giảng, mà chúng tôi xin trích dịch những đoạn chính.

Đức Thánh Cha trong buổi hát kinh Te Deum chiều 31/12/2006
Đức Thánh Cha trong buổi hát kinh Te Deum chiều 31/12/2006
Chúng ta tề tựu trong đền thờ này để tạ ơn Chúa vào dịp cuối năm và hát kinh Te Deum Tôi xin hết lòng cám ơn anh chị em đã đến hợp ý với tôi trong giây phút đầy ý nghĩa này. Vào buổi chiều ngày 31 tháng chạp, có hai viễn tượng trùng hợp với nhau: một bên gắn với sự kết thúc năm dân sự; bên kia là lễ phụng vụ kính Đức Maria thân mẫu Thiên Chúa, kết thúc tuần bát nhật lễ Giáng sinh. Biến cố thứ nhất chung cho hết mọi người; biến cố thứ hai riêng cho các tín hữu. Sự trùng hợp hai biến cố mang lại cho buổi kinh chiều hôm này một đặc điểm độc đáo, trong một khung cảnh thiêng liêng mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ.

Đề tài thứ nhất liên quan đến chiều kích của “thời gian”. Vào những giờ cuối của năm dương lịch, chúng ta chứng kiến sự lặp lại vài nghi thức dân gian, và trong thời nay thường mang dấu vết của sự tiêu khiển để thoát khỏi thực tại, kiểu như để xua đuổi những tà ma và để cầu may. Cộng đoàn Kitô hữu cần có thái độ khác. Vào những giờ phút này, Giáo hội được mời hãy sống những tâm tình của Mẹ Maria. Cùng với Mẹ, Giáo hội được mời hãy cắm mắt nhìn Hài nhi Giêsu, là mặt trời mới mọc lên cho nhân loại, và nhờ ánh sáng của Người soi chiếu, Giáo hội được thúc giục hãy dâng lên Chúa “những nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những nỗi sầu và lo âu của những con người thời nay, cách riêng của những người nghèo và những người đau khổ” (Hiến chế Gaudium et spes, số 1).

Như vậy có hai lối đánh giá khác nhau về thời gian: một thứ xét về lượng, một thứ xét về phẩm. Một bên là chu kỳ mặt trời với những vận chuyển của nó. Bên kia là điều mà thánh Phaolô gọi là “thời gian viên mãn” (Gl 4,4), nghĩa là tột điểm của lịch sử vũ trụ và lịch sử nhân loại, khi mà Con Thiên Chúa sinh ra đời. Thời kỳ hứa hẹn đã sung mãn, và lúc sự cưu mang của Đức Maria đã đến tận điểm, thì “đất đã sinh ra hoa trái” theo lời của thánh vịnh (66,7). Việc xuất hiện của Chúa Cứu thế, đã được các ngôn sứ loan báo trước, là một biến cố quan trọng nhất của toàn thể lịch sử, xét về phẩm chất, vì nó mang lại một ý nghĩa đầy đủ và tận cùng. Không phải là những yếu tố lịch sử xã hội đã định đoạt chương trình của Thiên Chúa; trái lại, chính biến cố Nhập Thể đã chất đầy giá trị và ý nghĩa cho lịch sử. Chúng ta có thể khẳng định điều này, kể cả hậu nghiệm sau hai ngàn năm, sau khi đã hiểu biết tất cả cuộc đời Chúa Giêsu cho đến cuộc Tử nạn và Phục sinh. Chúng ta là những chứng nhân của ánh vinh quang và sự khiêm tốn của Người, của giá trị vô biên của việc Người đến với chúng ta và của việc Thiên Chúa tôn trọng con người và lịch sử nhân loại. Thiên Chúa không chất đầy thời gian từ sự trút đổ “bên ngoài”, nhưng là từ “bên trong”, khi trở nên một hạt giống bé nhỏ để dẫn đưa nhân loại tới chỗ chín vàng. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã muốn một thời gian lâu dài để chuẩn bị từ ông Abraham đến đức Giêsu Kitô, và sau khi Đức Mesia đến thì lịch sử chưa kết thúc nhưng cứ tiếp tục trôi chảy, bề ngoài xem ra đều đều, nhưng kỳ thực, lịch sử đã được Thiên Chúa viếng thăm và quy hướng đến việc Quang lâm vào tận cùng thời gian.

Đức Maria là một biểu tượng của tất cả những điều vừa nói. Khi chú giải đoạn văn Galat 4,4, ông Origène nhận xét rằng Đức Kitô không phải sinh ra qua một phụ nữ nhưng là bởi một phụ nữ. Nếu Đức Kitô chỉ sinh “qua” một phụ nữ thì Người sẽ không phải là con người thật. Đức Kitô vừa là Con Thiên Chúa, lại vừa là con người: một ngôi vị Thiên Chúa đã hoàn toàn thâu nhận bản tính con người. Người là Con Thiên Chúa vì sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời; và cũng là người con sinh ra bởi một phụ nữ. Vì thế người thân mẫu của đức Giêsu được gọi đích đáng rằng thân mẫu của Thiên Chúa. Chúng ta kêu cầu Người “thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Vào dịp cuối năm chúng ta xin Mẹ chuyển cầu cho thành phố Roma, cho nước Italia, cho châu Âu, cho toàn thế giới. Chúng ta ký thác cho Ngưòi cách riêng những hoàn cảnh mà chỉ cho ân sủng Chúa mới làm được, đó là hoà bình, công lý. “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được”. Chúng ta xin Mẹ cầu cho chúng ta được lòng tin trưởng thành, đức tin trong suốt, tinh tuyền, khiêm tốn như Mẹ, đồng thời đức tin can trường, đầy hy vọng và hăng say, chứ không thúc thủ buông xuôi; một đức tin thuận theo ý Chúa, chắc chắn rằng Thiên Chúa luôn luôn không muốn gì khác hơn là tình thương và sự sống.