Chúa Nhật V Mùa Thường Niên, C

Ðược Chúa kêu gọi

(Is 6,1-2a.3-8; Lc 5,1-11)

Lắng nghe lời Chúa và thấu hiểu được lời Người mời gọi, không phải là một chuyện đơn giản dễ dàng. Câu chuyện về mẻ lưới lạ lùng của các môn đệ đã quá quen thuộc đối với chúng ta, đến nỗi rất khó lòng đánh động được sự chú ý của chúng ta nữa ! Nhưng nếu chúng ta bình tâm suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ khám phá thấy rằng trọng tâm của vấn đề không phải là mẻ cá lạ lùng, nhưng là sự kêu gọi những môn đệ đầu tiên, tương tự như sự kêu gọi tiên tri I-sai-a được đề cập tới trong bài đọc Sách Thánh Cựu Ước. Vậy vấn đề trọng yếu ở đây là : Ơn Kêu Gọi - được Chúa kêu gọi và sự đáp trả của con người !

Ðiều trước tiên được bài Tin Mừng hôm nay nêu lên là : Ơn kêu gọi sẽ không thể xảy ra, nếu người ta không đến gặp gỡ, không đến trình diện, không chạy đến với Ðức Kitô. Những người Do-thái xưa kia đã làm điều đó, họ đã hứng thú về điều đó : Ðám đông đã lũ lượt chạy theo Người ! Chắc chắn là đại đa số chạy theo Ðức Kitô, muốn tiếp cận và gặp gỡ Ðức Giêsu là do tò mò. Nhưng chính sự tò mò đó là vận may cho họ, để được Ðức Kitô kêu gọi.

Việc tự trình diện hay tiếp cận với Ðức Giêsu cũng rất cần thiết đối với chúng ta. Nếu cả sự tò mò đối với sứ điệp của Ðức Kitô mà chúng ta cũng không có, thì chúng ta rất khó lòng nghe được tiếng Người kêu gọi. Ai luôn luôn chỉ đặt trọn tâm trí vào sự đời, thì sẽ không tìm gặp được Ðức Kitô; ai không biết lắng nghe và suy gẫm lời Người, thì không thể hiểu được sự đòi hỏi của Người; ai tự cho mình đã biết hết mọi sự rồi, thì không thể hiểu được lời Người có sức mạnh giải phóng, và qua đó mang lại hạnh phúc như thế nào. Vậy việc tự trình diện hay tiếp cận với Ðức Giêsu là điều kiện để hiểu được Tin Mừng cứu độ của Ðức Kitô. Dù rằng Người không còn gặp gỡ trực tiếp chúng ta nữa, nhưng Người vẫn sống; Người vẫn sống giữa cộng đoàn của Người, và Người nói qua sự rao giảng của cộng đoàn của Người. Và một khi người ta biết tự tìm đến với Ðức Giêsu, Người sẽ đề nghị với họ : Hãy can đảm thực hiện một điều không bình thường !

Ðó cũng chính là điều bài Tin Mừng đề cập tới : Ơn kêu gọi có nghĩa là một lời đề nghị, một lời kêu mời, dám dấn thân cho một điều không bình thường. Thật vậy, việc Phêrô đã thả lưới bắt cá giữa ban ngày là một điều có thể nói được rằng, hoàn toàn ngược lại với sự tính toán nhân loại bình thường và ngược lại với kinh nghiệm nghề nghiệp của ông. Nhưng Phêrô đã dám can đảm chấp nhận sự thách đố, để có thể hiểu được rằng ngoài tất cả những suy luận và tính toán nhân loại, còn có một điều gì khác : Sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa !

Dám can đảm chấp nhận điều khác thường, cũng được đề nghị cho chúng ta nữa. Vâng, nếu trong khi gặp gỡ Ðức Giêsu mà chúng ta không dám vượt lên trên biên giới của sự suy đoán và tính toán nhân loại, thì chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được Người. Tất cả những ai khi nghe sứ điệp Tin Mừng Ðức Giêsu mà không đem liên kết với thực tại Thiên Chúa, thì sẽ dễ dàng coi những chuẩn độ và biện pháp khác là chắc chắn và hợp lý hơn; sẽ dễ dàng tìm đủ lý do để thoái thác và tự biện minh cho mình hơn là can đảm đứng về phía sự thật, khi họ buộc phải hy sinh ít nhiều. Ðối với những người như thế, bao giờ cũng :

chỉ muốn nhận, chứ không muốn cho đi;

lấy sự hưởng thụ là quan trọng hơn là sự hy sinh từ bỏ;

và rất có thể sẽ coi sự liêm chính, tình yêu thương, sự trung tín là những điều vô nghĩa, bởi vì đối với họ họ, giá trị và cứu cạnh cuộc đời không vượt ra khỏi biên giới những điều cụ thể trước mắt.

Dám can đảm chấp nhận một điều ngoại thường, cũng có nghĩa là can đảm chấp nhận những hậu quả không thể tránh được, một khi người ta đã tin tưởng nhìn nhận những thực tại Thiên Chúa do Ðức Giêsu mang tới. Ðược thế, cuộc đời Ðức Giêsu sẽ trở thành chuẩn độ cho một tình đồng loại chân chính, tức : Sống cho người khác bằng một đức ái không giới hạn và không thối chí bỏ cuộc, một khi phải đối mặt với hy sinh và thách đố. Dĩ nhiên, chúng ta sống và hành động như thế, bởi vì đó là thánh ý Thiên Chúa, Ðấng luôn yêu thương và trung tín với chúng ta vượt sang mãi bên kia sự chết !

Ðứng trước một Thiên Chúa như thế và trước Ðức Kitô - Ðấng Ðược Xức Dầu của Người, chỉ còn một điều duy nhất, là : Nhìn nhận tội lỗi của mình !

Ðiều đó cũng đã được bài Tin Mừng hôm nay làm nổi bật qua thái độ của Phêrô. Vâng, khi Phêrô ý thức được rằng ông, một phàm nhân, đang trực diện Thiên Chúa tối cao qua dấu chỉ quyền năng của Ðức Giêsu, ông đã lập tức quì gối và đầy lòng khiêm tốn thưa : « Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là một kẻ tội lỗi ! »

Nhìn nhận tội lỗi cũng được áp dụng cho cả chúng ta nữa. Những ai khi đối diện với sự gần gủi của Thiên Chúa, mà không nhìn thấy được tội lỗi của mình và xưng thú chúng, thì vẫn còn tự giam hãm trong chính mình. Những ai vẫn luôn bám chặt lấy ý muốn và tư duy của mình, chứ không đủ can đảm từ bỏ chúng vì ý muốn và tư duy của Thiên Chúa, thì không thể giải thoát mình ra khỏi những ràng buộc với chính mình và sẽ không bao giờ hiểu được lời kêu gọi của Thiên Chúa.

Nhìn nhân tội lỗi, đó là phản ứng hợp lý đầu tiên. Nó dẫn đưa chúng ta thoát ra khỏi « cái tôi » chủ quan hẹp hòi của mình, hầu chúng ta có thể nghe được lời mời gọi của Ðức Giêsu và những đòi hỏi của nó. Ở đâu bước đầu tiên đó được khởi sự, thì ở đó sự trọng yếu có tính cách quyết định cũng sẽ được thực hiện : Sự bước theo Chúa !

Ðó cũng chính là trọng điểm của bài Tin Mừng hôm nay : « Từ nay con sẽ là người chài lưới người ! » Những ai khi đứng Chúa mà thành tâm cảm nhận được rằng mình được kêu gọi, mặc dù mình là kẻ yếu đối; được lãnh nhận mọi ơn phúc, mặc dù mình quá bất xứng để được hầu cận bên Chúa, thì những người đó không còn con đường nào khác hơn là : Bước theo Chúa ! Ðó chính lá thái độ và cách cư xử của các môn đệ đầu tiên : « Họ cho thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự và theo Người ! »

« Theo Chúa » cũng là bổn phận của chúng ta. Theo Chúa, đó chính là thực sự đáp lại tiếng mời gọi của Người. Nhưng điều đó có nghĩa là sống như Người đã sống, tức sống :

trong một tình yêu biết cho đi tất cả;

trong một sự trung tín bền vững cho đến cùng;

trong một sự liêm khiết không hề biết đến quanh co gian dối;

và sau cùng, sống trong một sự tin tưởng chắc chắn được dựa trên lời hứa của Ðức Giêsu : « Ðừng sợ ! »

Bởi vì Thiên Chúa hiện diện trong Ðức Giêsu, sự gần gủi và sức mạnh của Người được biểu lộ trong một cuộc sống không cùng !

Nói tóm lại, lời Thiên Chúa được nhắn gửi đến mỗi người chúng ta hôm nay, là : Hãy nhớ lại ơn gọi của mình như những người đã được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, và lời nhắc nhủ : Hãy thực sự sống xứng đáng với ơn gọi làm kitô hữu, làm con Thiên Chúa của mình ! Amen