SAN JUAN, Philippines (UCAN) – Nhân viên quảng cáo là Têrêsa Fernandez để một bức hình Chúa Giêsu Kitô trên bàn làm việc của mình, chung quanh là hình một con lợn đực màu ngọc bích, một con rồng màu xanh, hai quả cam nhỏ và tám tờ tiền đồng.

Người Công giáo 48 tuổi này thực hành phong thuỷ (feng shui), thuật sắp xếp các đồ vật cách hài hoà và cân đối của người Trung Quốc.

“Con lợn tượng trưng cho sự may mắn của năm nay, Năm Hợi”, bắt đầu vào ngày 18-2, Tết Âm lịch, nhân viên quảng cáo này giải thích và thêm rằng con rồng và các vật thể hình tròn cũng được xem là mang đến điều may mắn.

“Số tám cũng là con số may mắn”, bà nói với UCA News trong văn phòng của bà ở thị xã San Juan, miền đông Manila. Fernandez bỏ tám tờ tiền đồng cùng loại trong các túi xách bà mang theo, và bảo đảm đồ đạt được sắp đặt theo đúng chỉ dẫn phong thủy. Đầu giường ngủ không được thẳng hàng với cửa ra vào, gương không được để đối diện với giường ngủ, cầu thang không được đối diện với cửa trước và cần tránh để đồ đạc bừa bộn.

Bà nói: “Các bước này đảm bảo cho tinh khí lưu thông một cách tự do”.

Bà cho biết, khách hàng kinh doanh bất động sản của bà, đặc biệt là người Philippines gốc Trung Quốc, làm theo những chỉ dẫn này.

Kaisa Para Sa Kaunlaran (đoàn kết phát triển), một tổ chức phi chính phủ có 20 năm thúc đẩy người Philippines gốc Trung Quốc hoà nhập xã hội Philippines, ước tích trong số một triệu người gốc Trung Quốc ở Philippines có khoảng 90% sinh tại quốc gia này, trong đó một số là con cháu ba đời hay bốn đời của những người di cư Trung Quốc.

Thậm chí hiện nay, trước Tết Âm lịch còn gọi là Tết của người Trung Quốc, tại các phố buôn bán lớn gần Manila đều có lễ hội phong thủy. Nhận thấy quá nhiều phố buôn bán có các cửa hiệu theo phong thủy, linh mục Aristotle Dy, dòng Tên, mô tả sự thực hành này là “hết sức phổ biến”.

Theo vị Thư ký Hội Tông đồ Công giáo Trung Quốc - Philippines, ở Philippines ước tính “cứ 10 người Philippines thì có khoảng bốn người thực hành một hình thức phong thủy nào đó”. Niên giám Công giáo 2006 của Philippines cho biết có 54 giáo xứ, học viện và hội tuyên uý trực thuộc hội tông đồ này.

Một người Công giáo Philippines nữa thực hành phong thủy là Lorinda Clores, làm nội trợ, luôn giữ các bậc thềm trước nhà sạch sẽ để tinh khí và may mắn có thể vào nhà.

“Không có hại gì trong việc thực hành”, người mẹ 60 tuổi của bốn người con này nói với UCA News và lưu ý rằng giữ nhà sạch sẽ là “điều rất thiết thực”. Giữ nhà cửa sạch sẽ, có thể sẽ “thấy trong người dễ chịu trái với cảm giác khó chịu” ở một nơi dơ bẩn.

Cha Dy giải thích “không có gì sai trái” khi theo “nguyên tắc hài hoà mang tính khoa học” của phong thủy, và ngài lưu ý rằng ngài cũng làm theo những gì ngài xem là “khoa học thực tiễn”. Tuy nhiên, ngài nhắc nhở người dân đừng đặt niềm tin vào phong thủy. Ngài phân tích, phong thủy phổ biến ở một số người Philippines với nhiều lý do giống như giới Công giáo bình dân.

“Người dân chúng tôi tin vào những việc làm mang đến may mắn hay ơn lành, và họ cũng tin vào những việc làm tránh được tai hoạ”, vị linh mục nhận xét và minh chứng rằng người Philippines có phong tục đốt pháo vào đêm giao thừa để xua đuổi những rủi ro của năm cũ, đeo các biểu tượng tôn giáo, và lau chùi các bức tượng để được chữa lành bệnh và may mắn.

Trong khi một số người tìm hiểu phong thủy chỉ “để vui”, ngài nói, “tôi cảm thấy buồn cho những người đặt hết hy vọng vào phong thủy hay bất kỳ việc làm nào như thế”.

Ngài cho biết thêm, những người tin rằng Chúa luôn yêu thương và không bỏ rơi họ, ngay cả khi họ gặp đau khổ, sẽ không cần phong thủy hay những việc làm tương tự. Chẳng hạn, “ở những người Trung Quốc lớn tuổi, người ta thường chọn một ngày “tốt” để lập gia đình hay chuyển đến nhà mới, nhưng nếu tin Thiên Chúa, thì bất cứ ngày nào cũng đều tốt bởi vì mỗi ngày mới đều xuất phát từ nơi Thiên Chúa”.

Đối với vị linh mục người Philippines gốc Trung Quốc, phương pháp tiếp cận phong thủy hữu ích và lý tưởng hơn sẽ là mối quan tâm đến môi trường. Theo ngài, đó là điều cốt lõi của phong thủy. “Chúng ta cần nghiên cứu môi trường, nó tác động đến chúng ta như thế nào, chúng ta tác động đến môi trường như thế nào, và ý thức được sự cân bằng và hài hoà với thiên nhiên”.