Chúa Nhật XVI C ( Lc 10,38-42)

CHIÊM NIỆM VÀ HOẠT ĐỘNG

Trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia, 1999) khi nói về bổn phận phải rao giảng Tin mừng của mọi tín hữu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, gợi lên một cái nhìn mới cho chúng ta: Muốn có một đời sống Kitô hữu đích thực, mọi người cần xác tín rằng : việc truyền giáo (còn gọi là Phúc Âm hóa) vừa là một hoạt động có chiêm niệm (nghĩa là hoạt động đã được chiệm niệm, cầu nguyện và thi hành trong tinh thần cầu nguyện), vừa là một chiêm niệm có hoạt động (nghĩa là không phải chỉ chiêm niệm cầu nguyện suông mà thôi, nhưng là chiêm niệm và cầu nguyện về hoạt động và hướng tới hoạt động (số 23). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng nói vậy nhưng với cách khác: “cầu nguyện thế nào thì sống như vậy” (số 2725).

Phụng vụ các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho ta hiểu thế nào là một người có đời sống tông đồ thực thụ, đời sống chiêm niệm và hoạt động. - Đó là người biết nhìn thấy Chúa trong mọi người, nhận ra và đáp ứng đúng mức nhu cầu của họ. Trong bài đọc 1, sách Sáng Thế ghi lại câu chuyện Đức Chúa đã đến gặp ông Apraham tại cụm sồi Mambrê qua hình ảnh ba người khách lạ. Với lòng hiếu khách, vợ chồng ông và các tôi tớ đã mau mắn ân cần tiếp đãi các vị khách quí : Bà đã lấy ba thúng bột mà nhồi làm bánh. Ông đã lấy sữa chua, sữa tươi và bắt một con bê mềm và ngon làm thịt cho khách dùng; Ong lại còn đứng hầu đang khi khách dùng bữa. Điều này đã làm đẹp lòng Chúa và Ngài đã thưởng ông : “ Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó Xara vợ ông sẽ có một con trai.” (St 18,1-10a) - Trong bài đọc 2, gởi các tín hữu Colosê, thánh Phaolô nói rằng người tông đồ là người biết nhận ra ý Chúa trong công việc bổn phận và sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời mình để chu toàn.Ngài ý thức mình được Thiên Chúa ủy thác, và đã cố gắng trở thành người phục vụ Hội Thánh qua việc hy sinh chịu khổ trong công việc giảng dạy để giúp moi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô (Cl 1,24-28). - Đó là người biết lựa chọn phần tốt nhất mà Thiên Chúa đã dành cho mình, và còn làm điều đẹp ý Chúa nữa.

Chiêm niệm và hoạt động.

Đã có không ít người dựa vào đoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nayđể chứng minh có hai lối sống khác nhau trong cuộc đời người tông đồ : lối sống hoạt động với cuộc sống nhập thế, dấn thân phục vụ con người, nhất là những người nghèo đói khổ đau và lối sống chiêm niệm dành cho những người xuất thế, ẩn dật trong bốn bức tường tu viện, vui với những tiếng hát lời kinh tối sáng. Đối với họ hai lối sống này không chỉ tách biệt nhau mà còn đối lập nhau nữa. Và luôn kèm theo nhận định: đời sống cầu nguyện chiêm niệm luôn quan trọng hơn vì Chúa đã nói rõ : “Em con đã chọn phần tốt nhất”.

Chị em Matta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu, mỗi người mỗi cách. Maria thì giữ chân Chúa bằng việc ngồi bên chân Người với tâm thế lắng nghe. Cô không làm gì, không nói gì, chỉ ngồi nghe. Cô đón tiếp Chúa Giêsu với một phong cách tốt nhất. Matta thì khác, cô giữ chân Chúa bằng những việc bếp núc, ăn uống. Có lẽ Macta ganh tị với em nên khiếu nại với Chúa: "Thưa Thầy, em con để một mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay". Matta trách em, nhưng cũng là một cách kể công và khoe mình quan trọng và có thể coi đó như một lời trách khéo đối với Chúa Giêsu.

Nhưng Chúa từ tốn đáp lại: "Matta, Matta ơi, con lo lắng bận rộn nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy mất ". Chúa đã khen Maria biết chọn phần tốt nhất. Chọn phần tốt nhất không phải là phải chọn làm nhiều, nhưng là biết nghe, hiểu, và làm theo ý Chúa.

Chúa Giêsu đón nhận sự phục vụ của Matta cũng như Người đã từng chấp nhận việc tiếp đón của những người Biệt Phái (Mt 7,36; 11,37; 14,1), đã từng đón nhận việc đón tiếp của Dakêu (Mt 19,5) và đã từng dạy phải đón tiếp các sứ giả Tin Mừng (Mt 9,4; 10,5-9). Nhưng Người đưa ra một bậc thang giá trị cần luôn để ý : người môn đệ đích thực phải coi trọng Lời Chúa trên hết. Vì đó chính là “phần” của họ như Thánh vịnh 119 đã viết “Lạy Chúa, con đã nói : phần của con là tuân giữ Lời ngài ” (c.57). Sống như thế ta sẽ được kể là người xứng đáng cư ngụ trên núi thánh Chúa (Đáp ca TV 14).

Trong tập sách “Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá”, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận kể lại khoảng thời gian bị giam cầm trong tù ngục, ngài quẫn trí hoang mang về công việc tông đồ ngài đang hoạt động bị đình trệ. Lúc này tiếng Chúa đã nói lên từ đáy lòng ngài và chỉ cho ngài biết là cần phân biệt và chọn Chúa, thánh ý Chúa, chứ không phải công việc của Chúa. Ngài đã tìm lại bình an và hoạt động tông đồ giúp ích cho nhiều tù nhân.

Người ta thường giải thích câu nói của Chúa Giêsu như một sự đề cao việc chiêm niệm trên sự hoạt động. Theo cách giải thích này thì Matta tiêu biểu cho đời sống hoạt động và Maria tiêu biểu cho đời sống chiêm niệm. Trên thiên đàng người ta sẽ chẳng còn hoạt động gì nữa mà chỉ còn chiêm ngắm Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc vĩnh cữu vô biên mà thôi. Như thế Maria đã đạt tới cùng đích của đời sống Kitô hữu, cho dù chỉ là trong chốc lát ngắn ngủi giữa cuộc hành hương dưới thế này. "Phần hơn" của cô là ở chỗ đó. Có Chúa rồi, "chiếm hữu" được Chúa rồi thì còn gì hơn nữa.

Trong cuộc sống, hai khía cạnh tâm linh và thể chất liên quan đến nhau, hỗ trợ nhau. Hai khía cạnh ấy của sự sống cần phải được quan tâm một cách điều hòa và quân bình. Cũng tương tự như thế, cần phải có sự điều hòa và quân bình giữa sự cầu nguyện và hành động. Cầu nguyện nhiều mà không cảm thấy có sức mạnh nào thúc đẩy mình đi đến hành động thực tế, thì sự cầu nguyện ấy hẳn nhiên không phải là cầu nguyện đích thực, nghĩa là không thật sự gặp gỡ Thiên Chúa. Rất nhiều Ki-tô hữu hiện nay ở trong tình trạng này. Họ cảm thấy an tâm, tự cho mình là người đạo đức, chỉ vì họ đã dành rất nhiều thì giờ để cầu nguyện. Nhưng sự cầu nguyện của họ chẳng dẫn họ đến hành động để thể hiện cụ thể tình yêu thương mà đáng lẽ họ phải đạt được khi cầu nguyện đích thực. Vì thế, rất nhiều việc đáng lẽ họ nên làm hoặc phải làm, nhưng họ đã không làm.

Tuy nhiên, năng hành động mà không năng cầu nguyện thì ta dễ đi đến chỗ hành động chỉ vì lợi ích riêng của mình, chứ không phải vì Thiên Chúa hay tha nhân. Hành động như thế xét về mặt tâm linh thì không mấy giá trị và ít đem lại lợi ích thiêng liêng. Người hành động nhiều mà không cầu nguyện giống như người hành trình vào một vùng đất lạ, chỉ biết đi tới mà không biết phải lâu lâu dừng lại xem bản đồ để biết mình đang ở đâu, và biết phải đi đường nào để tới nơi mình muốn. Vì thế, có rất nhiều khả năng là họ sẽ lạc đường. Hoặc như người hành trình không biết dừng lại để ăn uống, hay để đổ xăng, hầu tiếp sức cho chính bản thân hoặc tiếp nhiên liệu cho phương tiện di chuyển. Họ sẽ không đủ sức và phương tiện để đi hết cuộc hành trình. Vậy, cầu nguyện và hành động đều rất cần thiết cho đời sống Kitô hữu mà chúng ta cần phải thực hiện một cách quân bình và điều hòa trong cuộc sống.

Điều Ưu Tiên

Đối với Chúa Giêsu, cả hai cách phục vụ, cả hai lối sống của Matta và Maria đều cần thiết và bổ túc cho nhau trong điều kiện đời sống hiện tại ở trần gian. Ðiều Chúa muốn nhắc cho Matta ở đây là: việc cốt yếu nhất đối với người môn đệ là nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Muốn làm gì thì cứ làm; thích làm thật nhiều thì cứ làm cho nhiều nhưng đừng bao giờ vì lo lắng bận rộn công việc mà quên đi Ðấng là trung tâm của đời mình, Đấng mà mình phải vâng nghe và tôn vinh trong mọi sự. Chính Chúa sẽ mang lại cho đời sống và hoạt động của ta ý nghĩa và tính thống nhất cao cả nhất. "Mọi sự thuộc về anh em, còn anh em thuộc về Ðức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa" (1 Cr 3,22-23). Trong nhiều đoạn Phúc âm, Chúa Giêsu cũng nói tới điều quan trọng nhất, cần thiết nhất:"Phúc cho ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 11,28); "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8,21. x.Mt 12, 46-50; Mc 3, 31-35);"Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho" (Mt 6, 25.33).

Tính ưu tiên ở đây không phải là ưu tiên về thời gian (làm cái này trước rồi làm cái kia sau) hay số lượng (làm "việc Chúa" nhiều, làm "việc đời" ít) v.v. nhưng ưu tiên về giá trị. Khi chúng ta làm việc gì, nếu ta tận tình làm việc cho đẹp lòng Chúa, như Chúa muốn, thì ta vẫn đang chọn phần tốt nhất như cô Maria bởi vì ta vẫn đang qui chiếu về Chúa, đang lắng nghe lời Chúa và thi hành thánh ý Chúa về đời mình. Thánh Phaolô dạy: "Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa" (1 Cr 10,31). Hoạt động là tốt, nhưng ai cũng biết hoạt động có thể làm cho ta phân tâm, phân tán, quên mất cái cốt yếu, và hời hợt. Matta đã muốn làm việc phục vụ Chúa nhưng vào một lúc nào đó, cô để cho công việc thu hút đến nỗi hầu như quên mất đối tượng của công việc mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, với Lời Chúa hôm nay, chúng con hiểu rằng không thể có lòng đạo đức nếu không quí trọng những giây phút “ngồi bên Chúa” như cô Maria.

Xin giúp chúng con biết xây dựng cho mình một cuộc sống luôn gắn kết hoạt động với chiêm niệm: một hoạt động có chiêm niệm và một chiêm niệm có hoạt động.

Xin giúp chúng con biết quí trọng việc cầu nguyện tối sáng, siêng năng tham dự Thánh lễ để lòng Tin Cậy Mến nơi chúng con được củng cố và chúng con hăng say hoạt động góp phần vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh.