Phú quí sinh lễ nghĩa

“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” (Lc 16: 13)

Chúa Cứu Thế minh định với các môn đồ của Ngài rằng các ông phải quyết định chọn một trong hai, hoặc là phụng tự (làm tôi) Thiên Chúa hai là phụng tự tiền của.

Tiền của (mammon) là ma quỉ, kẻ đối lập với Thiên Chúa. Chỉ có kẻ điên mới phụng tự ma quỉ! Thế nhưng ở thế gian này, đa số người ta đã chọn ma quỉ để phụng tự.

Tiền của là phương tiện trao đổi giữa con người với con người; nó chỉ là những tờ giấy có một giá trị tương đối nào đó, được dùng để giao dịch trong tương quan xã hội loài người. Vì thế, tiền của là đầy tớ tốt phục vụ con người, chứ không phải là ông chủ của con người. Kinh Thánh Tân Ước cho thấy lòng yêu mê tiền của là gốc rễ của mọi tai họa.

Cha ông chúng ta đã cho rằng, “Có tiền mua tiên cũng được”, nghĩa là tiền của là vạn năng, là phép mầu, là “sức bật của tuổi trẻ” v.v… Với nó, chúng ta mua cái gì cũng được! Ông Racine nói: “Không tiền không tớ.” Nói cách khác, có tiền thì ta mới có đầy tớ hầu hạ, phục dịch mình. “Phú quí sinh lễ nghĩa” là vậy. Nhà nghèo, không tiền như tình cảnh thi sĩ Trần Tế Xương thì thật là bi đát thảm thê.

Văn hào Nga Léon Tolstoi viết: “Tiền bạc chỉ tượng trưng một hình thức nô lệ mới thay cho thứ nô lệ xưa.” Bởi lẽ đó, chúng ta phải tỉnh thức để không bao giờ trở thành những kẻ làm nô lệ cho/của tiền bạc.

Chúng ta hãy phụng tự Thiên Chúa, vì Người là “Mục Tử chăn dắt con, con chẳng thiếu thốn gì; trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho con nằm nghỉ.” (Tv 23:1)