Đối Thoại Do-Thái Kitô-Giáo Cần Nhậy Cảm

Hy vọng Lời Cầu Nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ là cơ may để tiến sâu hơn.

Thành Vatican, 11 tháng Tư, 2008 (Zenit.org).- Nội dung mới của Lời Cầu Nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh cho người Do Thái của Sách Lễ 1962 đã có nhiều “cải tiến quan trọng” đối với văn bản nguyên thủy, nhưng vẫn đụng tới những vấn đề nhậy cảm đối với người Do Thái. Một chức sắc Vatican phụ trách liên lạc với người Do Thái nhận định như vậy.

Trong số báo L’Osservatore Romano ấn bản Thứ Năm vừa qua, Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Hoàng phụ trách Liên Lạc Tôn Giáo với Do Thái, đã đề cập tới phản ứng của người Do Thái đối với Lời Cầu Nguyện mới.

Ngài cho hay trước nay vẫn có vấn để phản ứng, phần lớn có tính cách “xúc cảm”. “Giờ đây, không nên vội vàng hạ thấp các phản ứng trên vì xét cho cùng chúng chỉ do tính quá nhậy cảm mà ra. Ngay đối với những người bạn Do Thái trong nhiều năm vốn can dự vào các cuộc đối thoại sâu sắc với người Kitô hữu, cái ký ức tập thể về việc cưỡng ép giáo lý và trở lại vẫn còn rất sống động”

Đức Hồng Y Kasper cũng nhìn nhận rằng: “Nhiều người Do Thái coi việc giảng đạo cho người Do Thái là một đe dọa đối với chính hiện tồn của họ; có lúc họ đã ví việc đó như một Cuộc Diệt Chủng (Shoa) bằng phương tiện khác mà thôi. Cho nên, cần phải hết sức nhậy cảm trong các liên hệ Do Thái và Kitô giáo”.

Vị giáo phẩm này giải thích: “Lời Cầu Nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh cho người Do Thái có một lịch sử khá dài. Công thức mới dành cho lời cầu nguyện này để dùng trong hình thức ngoại thường của Nghi Lễ Rôma, tức Sách Lễ năm 1962, được chính Đức Bênêđictô soạn thảo quả là hợp thời vì trước đây một số cách dùng chữ vốn bị người Do Thái coi là súc phạm và chính người Công Giáo cũng coi là gây mích lòng”.

Dị Biệt

Đức Hồng Y nói thêm rằng công thức mới chỉ được dùng cho các cộng đoàn cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ năm 1962, “nói tới Chúa Giêsu như là Đấng Được Xức Dầu và là sự cứu rỗi của mọi người, do đó, của cả người Do Thái nữa. Nhiều người cho rằng câu khẳng định ấy mới có đây và không thân thiện chút nào đối với người Do Thái. Nhưng thực ra nó đặt căn bản trên toàn bộ Tân Ước, như thư thứ nhất gửi Timôtê 2:4 đã nói, và nó vẫn cho thấy sự dị biệt căn bản mà ai cũng rõ vốn hiện hữu giữa người Kitô giáo và Do Thái giáo.

“Trong quá khứ, đức tin vào Chúa Kitô, điều vốn dị biệt hóa người Kitô giáo với người Do Thái giáo, thường bị biến dạng thành ‘ngôn từ khinh miệt’ (language of contempt), nói theo Jules Isaac, với tất cả mọi thứ hậu quả nghiêm trọng từ đó dẫn khởi ra. Nếu ngày nay, chúng ta cam kết kính trọng nhau, thì việc này phải đặt căn bản trên sự kiện này là ta phải hỗ tương nhìn nhận sự dự biệt giữa chúng ta với nhau.

“Vì lẽ đó, chúng ta không mong người Do Thái nhất trí với nội dung Kitô học của Lời Cầu Nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh, mà đúng hơn, ta mong họ kính trọng điều chúng ta cầu nguyện trong tư cách Kitô hữu, theo đức tin của chúng ta, cũng như chúng ta vốn kính trọng phương thức cầu nguyện của họ. Trong viễn tượng này, cả hai bên đều cần học hỏi nhau”.

Đức Hồng Y Kasper cũng cho hay: “sự hiểu lầm trước việc sửa lại Lời Cầu Nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh là một dấu chỉ cho thấy trách vụ đối thoại Do Thái và Kitô giáo vẫn còn nặng nề xiết bao. Vì thế, các phản ứng giận dữ mới nổi lên gần đây phải là dịp để nói rõ và đi sâu hơn vào các căn bản và mục tiêu của cuộc đối thoại này.

“Bằng cách này, nếu ta biết khởi diễn một cuộc thâm hậu hóa đối thoại, thì những căng thẳng mới phát sinh, cuối cùng, sẽ mang lại kết quả tích cực. Người ta luôn phải ý thức rằng cuộc đối thoại giữa người Kitô giáo và Do Thái giáo, do bản chất của nó, sẽ vẫn còn khó khăn và mỏng dòn và nó đòi hỏi một mức độ nhậy cảm thật cao của cả hai bên”.