Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các ký giả một cuộc họp báo trên chuyến bay từ Manila về Rôma. Khi được hỏi về cảm tưởng của ngài về anh chị em giáo dân Phi Luật Tân, Đức Thánh Cha cho biết các cử chỉ của anh chị em đã là điều đánh động ngài nhất. Đức Thánh Cha nói:
“Các cử chỉ! Các cử chỉ làm tôi xúc động. Chúng không phải là những cử chỉ có tính nghi lễ, mà là những cử chỉ tốt lành, những cử chỉ được cảm nhận, những cử chỉ của trái tim. Một số cử chỉ khiến người ta muốn khóc. Trong đó có mọi sự: đức tin, tình yêu, gia đình, lừa gạt, tương lai. Cử chỉ của những người cha nghĩ tới con cái muốn chúng được Đức Giáo Hoàng chúc lành. Không phải một, nhưng có nhiều người cha, nhiều lắm. Họ nghĩ tới con cái mình khi chúng tôi chạy qua trên đường, một cử chỉ mà ở những nơi khác, người ta không thấy, như thể họ muốn nói: đây là trân châu ngọc quí của con, đây là tương lai của con, đây là tình yêu của con, vì nó mà con đáng làm việc, vì nó mà con đáng chịu đau khổ. Một cử chỉ hết sức độc đáo phát sinh từ trái tim.
Cử chỉ thứ hai làm tôi thán phục rất nhiều là lòng nhiệt thành không hề giả dối, niềm vui, niềm hạnh phúc, khả năng của vui mừng. Một trong các người hướng dẫn lễ nghi cho tôi hay là ông thấy phấn khởi rất nhiều vì cho dù dưới cơn mưa, những người phục vụ không bao giờ tắt nụ cười trên gương mặt của họ. Quả là một niềm vui, không hề giả dối. Không phải một nụ cười vẽ vời. Không, không! Đó là một nụ cười tự phát, và đàng sau nụ cười ấy là một cuộc sống bình thường, có đau đớn, có vấn nạn.
Rồi có những cử chỉ của các bà mẹ đem những đứa con đau yếu đến (bệnh hoạn tới). Thực vậy, nói chung, các bà mẹ đã đem chúng tới, nhưng thường các bà mẹ không nâng được con lên cao lắm, chỉ tới đây thôi. Các ông bố làm được, người ta thấy họ làm. Trẻ con la lên ở đây này bố! Rồi nhiều trẻ em khuyết tật, với những khuyết tật khiến người ta có ấn tượng; họ không dấu diếm các em, họ mang các em tới cho Đức Giáo Hoàng để ngài chúc lành cho chúng. Đây là con của con. Mọi bà mẹ đều hành xử như thế. Nhưng chính cung cách họ làm khiến tôi thán phục. Cử chỉ làm mẹ, làm cha, cử chỉ phấn khởi, hân hoan.
Có một từ ngữ khó hiểu vì bị dung tục quá nhiều, bị dùng sai quá nhiều, bị hiểu sai quá nhiều, nhưng là một từ ngữ rất hàm xúc đó là nhẫn nhục (resignation). Người biết cách chịu đau khổ là người có khả năng chỗi dậy.
Hôm qua, tôi rất phấn khởi khi nói chuyện với người cha của Kristel, người thiếu nữ thiện nguyên viên chết tại Tacloban. Ông nói cô ấy chết trong lúc phục vụ, ông tìm lời lẽ làm mình vững mạnh trong hoàn cảnh này, làm mình chấp nhận việc này. Một người biết cách chịu đau khổ, đó là điều tôi thấy và hiểu cử chỉ của ông.
2. Viễn ảnh Đức Thánh Cha sang thăm các Giáo Hội tại Phi Châu
Trả lời một câu hỏi của phóng viên thông tấn xã AFP về triển vọng Đức Thánh Cha sang thăm Phi Châu sau khi đã thăm Á Châu 2 lần, Đức Thánh Cha cho biết:
“Tôi xin trả lời cách giả định thôi nhé. Tôi dự định thăm Cộng Hòa Trung Phi và Uganda, cả hai nước này, trong năm nay. Tôi nghĩ sẽ là vào cuối năm, vì lý do thời tiết. Họ phải tính toán khi nào trời không mưa, khi nào thời tiết không xấu. Chuyến đi này kể là hơi trễ, vì có vấn đề Ebola. Tổ chức những cuộc tụ tập lớn là một trách nhiệm lớn, đặc biệt là vấn đề truyền nhiễm. Nhưng ở hai nước này đến nay đều không có vấn đề. Hai chuyến đi này chỉ mới dự trù, nhưng sẽ diễn ra trong năm nay.”
3. Đáp ứng của các nhà lãnh đạo Hồi Giáo ôn hòa đối với lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng
Một ký giả Ý nhắc lại rằng khi Đức Thánh Cha ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngài đã yêu cầu các nhà lãnh đạo trong thế giới Hồi Giáo, cả chính trị, lẫn tôn giáo và học giả, bày tỏ công khai một thái độ chống lại chủ nghĩa khủng bố khi các hành vi khủng bố xẩy ra. Tuy nhiên, ông nhận xét rằng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha chưa được tầng lớp cao của giới Hồi Giáo ôn hòa hưởng hứng.
Đức Thánh Cha đã bày tỏ hy vọng và sự kiên nhẫn của ngài.
Ngài nói: “Đúng ngày tôi lên đường qua Sri Lanka, tôi đã lặp lại một yêu cầu tương tự trong bài diễn văn với ngoại giao đoàn sáng hôm đó.”
Cũng trong bài diễn văn đó, Đức Thánh Cha lại nói:
“Các vị lãnh đạo tôn giáo, chính trị, các nhà trí thức, đặc biệt là những người Hồi giáo, phải can đảm lên án bất kỳ sự giải thích tôn giáo một cách cực đoan và xuyên tạc chỉ nhắm biện minh cho những hành vi bạo lực”.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Một số trong số họ đã làm một điều gì đó. Tôi nghĩ ta nên dành cho họ thêm thì giờ, vì đối với họ, tình thế không dễ dàng. Và tôi có hy vọng, vì giữa họ, có những người tốt lành. Tôi chắc chắn nó sẽ tới. Tôi muốn nói cùng một điều mà tôi đã lặp lại lúc lên đường.”
4. Đức Thánh Cha sẽ thăm Hoa Kỳ và phong thánh cho Chân Phước Junipero Serra
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha nói là ngài sẽ thăm 3 thành phố tại Hoa Kỳ nhân Đại Hội Gia Đình tại Philadelphia sau đó Ngài sẽ đi thăm New York để nói chuyện tại Liên Hiệp Quốc, và cuối cùng là thăm Hoa Thịnh Đốn.
Ngài có ý định thăm California để phong thánh cho Chân Phước Junipoero Serra, nhưng e ngại sẽ có vấn đề về thời gian. Do đó, Đức Thánh Cha có thể sẽ phong thánh tại Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Hoa Thịnh Đốn vì đây là biến cố có tính cách quốc gia và tại Hoa Thịnh Đốn sẽ có tượng Thánh Junipero tại Điện Capitol nơi đã đặt tượng tổng thống Abraham Lincoln.
Ngài cũng có ý định từ Mỹ vào biên giới Mễ Tây Cơ như là dấu chỉ tình huynh đệ và hỗ trợ cho người di dân. Nhưng nếu đã tới Mễ Tây Cơ thì chương trình sẽ bao gồm luôn việc thăm viếng Đền Thánh Đức Bà Guadalupe và như vậy sẽ cần thêm 3 ngày nữa.
Trong năm nay, Đức Thánh Cha cũng dự trù thăm Ecuador, Bolivia và Paraguay. Có thể,
ngài cũng sẽ đi Chilê, Á Căn Đình và Uruguay.
5. Giáo Hội Chính Thống Giáo Georgia lên án báo Charlie Hebdo gây hận thù tôn giáo.
Những thành viên còn sống của tờ báo Charlie Hebdo đã nhờ các cơ quan ngôn luận tại Pháp giúp tiếp tục tái bản và hôm thứ Tư 14 tháng Giêng đã phát hành với một số lượng lớn gấp 50 lần trước đó là 3 triệu bản, sau đó in thêm thành 5 triệu bản và đang dự trù tăng lên đến 7 triệu bản.
Trong số báo này, tờ báo đã có một biếm họa chỉ trích tiên tri Môhamét của Hồi Giáo nặng nề. Vì thế, hàng loạt những cuộc biểu tình của người Hồi Giáo đã nổ ra trên toàn thế giới. Đặc biệt, nghiêm trọng là tại thủ đô Niamey của Niger, 45 nhà thờ đã bị tấn công và đốt cháy, 10 Kitô hữu đã bị thiệt mạng trong các vụ tấn công.
Trước những diễn biến này, trong thông cáo đưa ra hôm 19 tháng Giêng, Giáo Hội Chính Thống Giáo Georgia đã lên án "những biếm họa xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của người Hồi giáo". Trong khi đó, đại diện Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga cũng cảnh báo chống lại một sự tách biệt sai lầm giữa chủ nghĩa khủng bố và sự phỉ báng tôn giáo.
"Trong khi việc treo cổ và các hình thức khủng bố khác là không thể được biện minh, thì việc phỉ báng Hồi giáo hay bất kỳ giá trị tôn giáo khác cũng phải bị lên án," các thượng phụ của Giáo Hội Chính thống Geogia cho biết như trên trong một tuyên bố đăng trên báo Interfax. 84% dân Georgia là người Chính Thống Giáo và 10% theo Hồi giáo.
Linh mục trưởng Vsevolod Chaplin, chủ tịch Ủy Ban quan hệ xã hội của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nói:
"Hậu quả của những hành động phỉ báng niềm tin người khác chỉ có thể là những thảm họa kinh hoàng không chỉ cho từng quốc gia, nhưng toàn thế giới nói chung".
"Chúng ta cần phải đấu tranh chống khủng bố. Khủng bố là không thể biện minh được, nhưng nó không có nghĩa là chúng ta phải về phe với những kẻ phỉ báng tôn giáo hay xúc phạm các cá nhân”.
6. Nga đóng cửa tu viện Công Giáo tại Crimea và trục xuất các nữ tu
Một tu viện Công Giáo ở thủ đô Simferopol tại bán đảo Crimea đã bị đóng cửa, sau khi cả ba nữ tu sống ở đó đã bị trục xuất.
Dòng Phamxicô Truyền Giáo của Mẹ Maria đã làm việc với những người nghèo ở Simferopol trong vòng suốt 18 năm qua. Nhưng các nữ tu sống trong tu viện là người gốc Ba Lan hay Ukraine. Sau khi sát nhập bán đảo Crimea vào Nga, nhà chức trách đã từ chối gia hạn giấy phép cư trú cho các chị.
Theo luật pháp Nga, các quan chức Crimea đòi các cộng đồng tôn giáo phải đăng ký chính thức với nhà nước. Tuy nhiên, không một tổ chức tôn giáo nào ở Crimea đã được cấp giấy đăng ký chính thức.
7. Chuông ngân vang ở Goa vào thời điểm Đức Giáo Hoàng tuyên thánh cho Chân Phước Joseph Vaz
Hôm thứ Tư 14/01/2014, các nhà thờ Công Giáo ở tiểu bang Goa, Ấn Độ đã rung chuông khi Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh cho Chân Phước Joseph Vaz, một linh mục Công Giáo gốc người Goa, một vị thánh của thủ đô Colombo, Sri Lanka. Đức Tổng Giám mục Filipe Neri Ferrao của Goa và Daman cho biết: "Việc phong thánh cho Chân Phước Joseph Vaz vào ngày 14 tháng Giêng là đỉnh cao của hơn ba thế kỷ mong đợi và thỉnh cầu của một số tín hữu sùng kính ngài từ Goa, Mangalore, Sri Lanka và các nơi khác".
Cha mẹ Chân Phước Joseph Vaz là những người rất mộ đạo sinh sống tại Benaulim thuộc giáo phận Goa, Ấn Độ. Ngài sinh ngày 21 tháng Tư năm 1651, được thụ phong linh mục tại Tổng Giáo phận Goa vào năm 1676. Ngài đã gia nhập một cộng đoàn nhỏ các linh mục Ấn Độ năm 1684 và đã giúp hình thành Dòng Anh Em Thuyết Giảng Thánh Philip Neri. Cha Vaz rất nhạy cảm với hoàn cảnh của những người Công Giáo ở Sri Lanka dưới sự bách hại của người Hà Lan. Ngài đã trá hình thành một người lao động bình thường để sang vùng đất này vào năm 1687 và đặt trụ sở tại Kandy. Ngài đã hoạt động miệt mài trong 24 năm để xây dựng lại Giáo Hội tại Sri Lanka.
Cuộc sống của Chân Phước được đặc trưng bằng lửa tình yêu của Thiên Chúa thiêu đốt trong lòng, một lòng bác ái anh hùng và nỗi khát khao không hề tắt trong lòng cho phần rỗi các linh hồn.
Kiệt quệ vì công việc truyền giáo của mình và bị nhiễm bệnh ,cha Vaz đã qua đời vào ngày 16 tháng Giêng năm 1711, ở Kandy.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong chân phước cho ngài ngày 21 tháng 12 năm 1995 trong chuyến tông du đến Sri Lanka.
Cha Vaz là vị thánh đầu tiên của Sri Lanka và là vị thánh người Ấn độ thứ ba được Vatican tuyên thánh. Đức Tổng Giám mục Ferrao nói: người Goa trên toàn cầu đã chờ đợi với "tinh thần háo hức " Lễ tuyên thánh hôm thứ Tư "như một dấu hiệu của sự hiệp thông thiêng liêng sâu xa của chúng tôi với Giáo Hội quy tụ tại Colombo, chuông được ngân vang vào lúc 9 giờ sáng ngày 14 Tháng 01 trong tất cả các nhà thờ và nhà nguyện của Tổng Giáo Phận của chúng tôi"
8. Các vị lãnh đạo Công Giáo ở Miến Điện hài lòng là Tòa Thánh đã nhìn nhận sự tăng trưởng của Giáo Hội địa phương qua việc bổ nhiệm Hồng Y đầu tiên của Miến Điện
Các vị lãnh đạo Kitô giáo ở Miến Điện nhận thấy rằng việc Đức Tổng Giám Mục Charles Maung Bo, SDB, của Yangon được vinh thăng Hồng Y là sự thừa nhận về tăng trưởng truyền giáo Công Giáo ở đất nước này. Đức Giám Mục Felix Lian Khen Thang của Kalay, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Miến Điện (CBCM), cho biết việc bổ nhiệm của Đức Tổng Giám mục Bo "là đỉnh cao của các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội tại Miến Điện". Đức Tổng Giám mục Bo là một trong số 20 giám mục và tổng giám mục được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm hôm 04 tháng Giêng, những người sẽ được Ngài vinh thăng Hồng Y trong Công nghị Hồng Y vào ngày 14 tháng Hai tới. Đức Giám Mục Thang cho biết "Đức Hồng Y Bo đủ mạnh mẽ để nói lên sự thật, cả về các vấn đề xã hội và tôn giáo, chính trị, về những vấn đề ảnh hưởng đến Giáo Hội".
Việc bổ nhiệm vào Hồng Y đoàn xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với lịch sử của đất nước Miến Điện, đang trong quá trình chuyển đổi dân chủ, sau nhiều năm của chế độ độc tài, vào lúc trước khi diễn ra cuộc bầu cử mới vào mùa thu năm 2015. Ngoài ra, đất nước này đang phải vật lộn với các vấn đề về khoan dung tôn giáo, nhất là đại diện một số nhóm Phật giáo đố với người Hồi giáo sắc tộc Rohingya.
Tại Miến Điện người Công Giáo chỉ chiếm khoảng 1% dân số 51 triệu người, trong đó hầu hết là Phật tử.
9. Giáo Hội tại Ấn lên án vụ ép buộc cải đạo tại tiểu bang Kerela
Những người Ấn Giáo cực đoan ở tiểu bang Kerela của Ấn Độ nói rằng hơn 100 người đã từ bỏ đức tin Kitô giáo và quay lại nguồn gốc Ấn Giáo của họ, trong hai buổi lễ riêng biệt vào ngày 18 tháng Giêng.
Hai buổi lễ này được cho là đã diễn ra tại các thị trấn Elappara và Kayamkulam để chào đón sự trở lại của các thành viên trong 47 gia đình khác nhau. Tuy nhiên, nguồn tin của những người Ấn Giáo cực đoan không tiết lộ danh tính của những người được báo cáo là đã cải đạo.
Kerala được coi là cứ địa của Công Giáo trên đất Ấn.
Hôm 18 tháng 12, Rajeshwar Singh, lãnh đạo của tổ chức Jagran Manch Dharm, nghĩa là “Thức tỉnh đức tin” tuyên bố trên các kênh tin tức truyền hình quốc gia là tổ chức của ông đã quyết định rằng năm 2021 là hạn chót để quét sạch khỏi Ấn Độ tất cả những người Hồi giáo và Kitô giáo.
Singh được nhiều người Ấn ủng hộ về tài chính. Ông ta nói rằng mỗi người Ấn đều phải theo Ấn Giáo. Những ai “bị các nhà thừa sai chiêu dụ lầm đường lạc lối” cần phải “quay về nhà”. Y cho biết cần phải mất 500, 000 rupee tức khoảng 7,875 Mỹ Kim để cải đạo một người Hồi giáo và 200,000 rupee để cải đạo một Kitô hữu. Ông ta giải thích sự chênh lệch là vì người Hồi giáo được cho là khó khăn để cải đạo hơn. Qũy cải đạo của y được tin là đã thu được một số tiền đủ để cải đạo 4,000 người Hồi Giáo.
Hội Đồng Giám Mục Ấn đã lên án bất cứ hình thức ép buộc cải đạo nào trong thông cáo đưa ra hôm thứ Ba 20 tháng Giêng vừa qua.
10. Tình hình nghiêm trọng tại Niger
Lên tiếng sáng 21 tháng Giêng, vào cuối buổi tiếp kiến chung với các tín hữu tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục ở Nội thành Vatican, Đức Thánh Cha nói:
“Anh chị em thân mến, giờ đây tôi muốn mời gọi anh chị em cùng với tôi cầu nguyện cho các nạn nhân những vụ biểu tình trong những ngày qua tại nước Niger yêu quí. Người ta đã có những hành vi tàn bạo với các tín hữu Kitô, với các trẻ em, với các thánh đường. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn hòa giải và hòa bình, để không bao giờ tâm tình tôn giáo trở thành cơ hội bạo động, đàn áp và tàn phá. Không thể gây chiến nhân danh Thiên Chúa! Tôi cầu mong một bầu không khí tôn trọng nhau và sống chung hòa bình được tái lập sớm hết sức vì công ích của mọi người. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ cho dân chúng ở Niger”
Đức Thánh Cha và anh chị em đã cùng đọc kinh Kính Mừng.
Trong hai ngày 17 và 18 tháng Giêng, tại Niger đã xảy ra những vụ biểu tình bạo động để phản đối vụ báo Charlie Hebdo ở Pháp đăng các bức hí họa xúc phạm đến ngôn sứ Mohamet của Hồi giáo. Những người biểu tình đã đốt phá 45 thánh đường, hàng quán và cơ sở của Kitô giáo và ít nhất có 10 người bị thiệt mạng, 50 người bị thương, một số phụ nữ Kitô bị hãm hiếp. Bộ trưởng nội vụ của Niger tố giác sự hiện diện của các nhóm khủng bố Boko Haram trong đoàn người biểu tình ở Zinder, thành phố giáp giới với Nigeria. Hơn 300 tín hữu Kitô phải chạy vào một trại tị nạn để được quân đội bảo vệ, một số khác chạy vào một thánh đường Tin Lành.
Đức Cha Michel Cartatéguy, là Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô Niamey của Niger, cho biết cộng đoàn Kitô tại nước này còn sống trong tình trạng kinh hoàng. Có 12 trên tổng số 14 thánh đường Công Giáo hoàn toàn bị phá hủy và xúc phạm. Các giới chức cảnh sát quân đội phải vất vả lắm mới bảo vệ được nhà thờ chính tòa thủ đô Niamey. Mọi hoạt động của giáo đoàn Công Giáo bị tạm ngưng, các trường học, bệnh xá Công Giáo bị đóng cửa.
11. Nghề làm quan tài bùng nổ tại Peshawar, miền Bắc Pakistan
Đối với các Kitô hữu ở Pakistan, Giáng sinh năm 2014 được ghi dấu bằng những lời cầu nguyện và những khoảnh khắc của tình liên đới với các nạn nhân của vụ thảm sát ở Peshawar, nơi Taliban đã sát hại 149 người trong đó có 132 trẻ em trong một ngôi trường do quân đội quản lý.
Đây chỉ là một trong những vụ tàn sát tập thể của Taliban gây ra tại thành phố này. Một vụ tiêu biểu khác là vụ thảm sát trên một trăm người và làm 130 người bị thương trong một cuộc tấn công tự sát bên ngoài một nhà thờ All Saints một năm trước đó.
Từ năm 2004 đến nay, ít nhất là 50,000 người đã bị Taliban giết chết khiến nghề làm quan tài bùng nổ tại miền này.
Sau vụ tấn công vào một trường học tại đây, chính quyền Pakistan đã ra lệnh treo cổ ít nhất 500 tù nhân Taliban.
12. Các phong trào phò sinh biểu tình chống luật trợ tử và an tử của Pháp
Hôm thứ Tư 21 tháng Giêng, Quốc Hội Pháp đã họp để thông qua luật cho phép các bác sĩ kết thúc mạng sống của các bệnh nhân.
Biến cố này đã làm nổ ra những cuộc biểu tình của các phong trào phò sinh tại Pháp.
Một y tá tham gia trong đoàn biểu tình nói:
"Bạn có thể thay đổi tâm trí của bạn, bạn luôn có những chuyển biến trong cuộc sống. Tôi chăm sóc những người bị bệnh, do đó tôi biết rất rõ rằng từ ngày này sang ngày khác người ta không ở trong cùng một tình trạng tương tự. Tôi tin rằng chúng ta thực sự phải duy trì lệnh cấm giết người này mà trong thực tế chính là để bảo vệ chúng ta. Trợ tử và an tử là độc dược giết chết xã hội. "
Một giáo viên Địa lý nói:
"Trợ tử và an tử có nghĩa là bạn có thể chọn số phận của một người ngược lại ý muốn của họ và đặc biệt là những người không có khả năng thể hiện ý muốn bản thân, có thể là họ còn quá nhỏ, hoặc quá già, hoặc quá đau ốm. Điều đó là không thể. Bạn không thể coi đây là một cơ sở cho xã hội, điều này làm hại cho xã hội."