ĐGM phó Thaddeus Ma Daqin cuả Thượng Hải chắc đang thất vọng vì đã không được nhìn thấy cái bắt tay giữa Đức Giáo Hoàng và chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngài đã ước ao có cái bắt tay thân hữu ấy như là một dấu hiệu tan băng giữa Vatican và Trung Quốc.

"Tôi mong muốn cái bắt tay của họ," Ngài viết. "Nếu hai nhà lãnh đạo có ảnh hưởng và nổi bật trên thế giới này, thực sự có một cái bắt tay thân thiện, thì không chỉ tôi, một người đàn ông nhỏ ở chân đồi Sheshan, ngoại ô Thượng Hải, cảm thấy vui xướng, mà sẽ là toàn thể thế giới".

Lộ trình công du cuả hai người đã chồng chéo lên nhau, nhưng không hề có cuộc gặp gỡ vì ông Tập Cận Bình cố tình tránh né, theo lời cuà bà Jane Perlez, đoàn trưởng nhóm phóng viên báo 'The New York Times' có nhiệm vụ theo dõi chuyến công du cuả ông Tập.

"Ông ấy cố gắng kéo dài thời gian dạo phố ở Seattle nhưng không phải là vì lý do có tình cảm với thành phố ấy" bà viết.

"(Cái lý do không nói ra là) tại Washington, một nhà lãnh đạo nổi tiếng hơn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sẽ đọc thông điệp trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ vào sáng thứ Năm. Nhóm cố vấn của ông Tập muốn chắc chắn rằng DGH Phanxicô, được gọi là một vị Giáo Hoàng "siêu sao", phải rời thủ đô trước khi ông Tập hạ cánh xuống Washington DC, tức là mãi tới 05:00g chiều ngày hôm ấy."

"Một thời gian gấp rút như thế đã không cho phép nhà lãnh đạo Trung Quốc đủ thời gian để chuẩn bị cho một chương trình làm việc 'tế nhị' với Tổng thống Obama trong bữa ăn tối tại toà Bạch Cung. Các phụ tá cuả ông Tập cho biết các cuộc thảo luận có nhiều căng thẳng cao độ về nhiều vấn đề hàng đầu giữa hai nước, ví dụ như vấn đề an ninh trên Mạng," bà Jane Perlez viết.

Trước đó vào mùa xuân, khi Trung Quốc lên kế hoạch cho chuyến đi của ông Tập tới Washington, một số quan chức cuả Trung Quốc đã thăm dò khả năng trong đó ông Tập có thể đọc một thông điệp trước Quốc hội được không, đó là một vinh dự rất cao, mới dành cho ông Shinzo Abe, thủ tướng của Nhật Bản.

Những quan chức đó được trả lời một cách lịch sự rằng - với vị trí của Trung Quốc là một đối thủ hơn là một người bạn - thì điều đó không thiết thực.

"Chắc chắn ông Tập và các trợ lý của ông đã theo dõi chặt chẽ buổi nói chuyên cuả Đức Giáo Hoàng ở Quốc hội, và sự đón tiếp ở đó ra sao," bà Jane Perlez viết.

Mặc dù ông Tập cố tình giữ một khoảng cách giữa mình với Đức Giáo Hoàng, nhưng các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Vatican hiện nay thì tương đối ấm hơn so với quá khứ.

Cả hai vị đã được bầu cùng một lúc, vào tháng ba năm 2013. "Tôi đã gửi thư cho Chủ Tịch Tập Cận Bình khi ông ta được bầu, ba ngày sau tôi", DGH đã nói như vậy. "Và ông ta đã trả lời cho tôi."

DGH cũng có nhiều cử chỉ hoà nhã khác. Và do đó khi Ngài bay qua Hàn Quốc (năm ngoái,) Ngài được Trung Quốc cho phép sử dụng không phận, một dấu hiệu thiện chí của ông Tập.

Đức Thánh Cha cũng đã bày tỏ lòng mong muốn được đến thăm Trung Quốc, nhưng cho đến nay thì chưa có lời gì từ ông Tập cả.

Việc ông Tập còn tránh né một cuộc gặp gỡ với DGH có lẽ chỉ là vấn đề thể diện.

"Đây là chuyến công du đầu tiên cuả ông Tập kể từ khi Internet trở nên khá mạnh mẽ ở Trung Quốc" là lời cuả giáo sư Zhan Jiang, dậy môn Báo Chí ở phân khoa Ngoại Giao cuả đại học Bắc Kinh.

"Sự phô trương long trọng, quyền lực và tiền bạc là các lo lắng hàng đầu của Trung Quốc," ông cho biết.

Nếu chỉ có như vậy mà thôi thì người ta vẫn còn nhiều hy vọng, bởi vì với đức nhân ái và cử chỉ khiêm nhượng, DGH chắc chắn không cạnh tranh với ông Tập về các hào nhoáng bên ngoài cuả người đời ấy.

Hoặc giả biết đâu ông Tập, sau khi quan sát sự thu hút cuả DTC, đã chẳng khám phá ra một cái chân lý? mà thi hào Rainer Maria Rilke đã noí "càng dùng tình thương mà đãi thì càng được nhiều hơn."