Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của ngài, dựa theo Bản Tiếng Anh của Tòa Thánh:
Thưa qúy đại sứ, qúy bà và qúy ông,
Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay là một truyền thống chào mừng cho phép tôi, trong niềm vui kéo dài của mùa Giáng Sinh, được ngỏ cùng qúy vị các lời chúc tốt đẹp nhất của bản thân tôi nhân dịp Năm Mới vừa bắt đầu và để bày tỏ sự gần gũi và thân ái của tôi đối với nhân dân được qúy vị đại diện. Tôi xin cám ơn Vị Niên Trưởng Ngoại Giao Đoàn, Ngài Armindo Fernandes do Espírito Santo Vieira, Đại Sứ Angola, vì những lời chúc mừng đáng kính nhân danh toàn thể Ngoại Giao Đoàn bên cạnh Tòa Thánh. Tôi xin ngỏ lời chào mừng đặc biệt tới các vị Đại Sứ không thường trú, mà con số đã gia tăng tiếp theo việc thiết lập liên hệ ngoại giao vào tháng 5 năm ngoái với Cộng Hòa Liên Bang Miến Điện. Tôi cũng chào mừng con số ngày một gia tăng các vị Đại Sứ thường trú ở Rôma, mà hiện nay bao gồm Đại Sứ Cộng Hòa Nam Phi. Một cách đặc biệt tôi muốn được tưởng niệm cố Đại Sứ Colombia, Guillermo León Escobar-Herrán, người vừa qua đời ít ngày trước Lễ Giáng Sinh. Tôi xin cám ơn toàn thể qúy vị về việc tiếp tục có những tiếp xúc hữu ích với Phủ Quốc Vụ Khanh và các Bộ Sở khác của Giáo Triều Rôma; điều này chứng tỏ sự lưu ý của cộng đồng quốc tế đối với sứ vụ của Tòa Thánh và công việc của Giáo Hội Công Giáo tại xứ sở liên hệ của qúy vị. Đó cũng là bối cảnh cho các hoạt động kết ước của Tòa Thánh, các hoạt động, vào năm ngoái, bao gồm việc, hồi tháng Hai, ký kết Thoả Ước Khung với Cộng Hòa Congo, và hồi tháng Tám, ký kết Thoả Ước giữa Phủ Quốc Vụ Khanh và Chính Phủ Liên Bang Nga cho phép các người có hộ chiếu ngoại giao được du hành không cần thị thực.
Trong các liên hệ của mình với các nhà cầm quyền dân sự, Tòa Thánh chỉ tìm cách cổ vũ phúc lợi tinh thần và vật chất của con người nhân bản và theo đuổi ích chung. Các Chuyến Tông Du mà tôi đã thực hiện trong năm qua tại Ai Cập, Bồ Đào Nha, Colombia, Miến Điện và Bangladesh là để nói lên quan tâm này. Tôi tới Bồ Đào Nha như một người hành hương nhân dịp kỷ niệm một trăm năm các lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, để cử hành việc phong hiển thánh cho các trẻ mục đồng Jacinta và Francisco Marto. Ở đấy, tôi đã mục kích đức tin phấn khởi và vui tươi mà Trinh Nữ Maria đã làm phát sinh nơi nhiều người hành hương tụ tập nhau nhân dịp này. Ở Ai Cập, Miến Điện và Bangladesh cũng thế, tôi đã được gặp các cộng đồng Kitô hữu địa phương, những cộng đồng, dù ít, nhưng được đánh giá cao nhờ các đóng góp của họ vào sự phát triển và sự sống chung huynh đệ tại các nước này. Lẽ dĩ nhiên, tôi cũng đã có những cuộc gặp gỡ với các vị đại diện các tôn giáo khác, như một dấu chỉ cho thấy các khác biệt của chúng ta không phải là một trở ngại cho các cuộc đối thoại, mà đúng hơn là nguồn đầy sinh lực khuyến khích chúng ta trong ý muốn chung hiểu biết sự thật và thực hành công lý. Cuối cùng, ở Colombia, tôi muốn chúc phúc cho các cố gắng và lòng can đảm của dân tộc qúy yêu ấy, nổi bật về ý nguyện sống động được hưởng hòa bình sau hơn một nửa thế kỷ tranh chấp nội bộ.
Thưa qúy đại sứ,
Năm nay đánh dấu một trăm năm ngày kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất, một cuộc tranh chấp đã thay đổi bộ mặt Âu Châu và toàn thế giới với việc xuất hiện nhiều nhà nước mới thay thế cho các đế quốc xưa. Từ các đống tro tàn của cuộc Đại Chiến, chúng ta có thể học được hai bài học, những bài học, mà buồn thay, nhân loại đã không nắm được ngay lúc đó, đến nỗi, chỉ trong 20 năm, đã dẫn đến một cuộc tranh chấp mới và tàn hại hơn nhiều. Bài học thứ nhất là chiến thắng không bao giờ có nghĩa làm nhục kẻ thù bại trận. Hòa bình không được xây dựng trên sự khoe khoang quyền lực kẻ chiến thắng trên kẻ chiến bại. Các hành vi gây hấn tương lai không thể bị trì hoãn bởi định luật sợ sệt, mà đúng hơn bởi sức mạnh của lý trí bình thản, một lý trí khuyến khích đối thoại và hiểu biết lẫn nhau như phương thế giải quyết các dị biệt (1). Điều này dẫn tới bài học thứ hai: hòa bình được củng cố khi các quốc gia có thể thảo luận các vấn đề trong các điều kiện bình đẳng. Điều này, cách nay đúng một trăm năm, đã được nắm vững bởi nguyên Tổng Thống Hiệp Chúng Quốc, Woodrow Wilson, người đã đề xuất việc thiết lập ra Hội Quốc Liên nhằm mục đích cổ vũ việc hỗ tương bảo đảm quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho mọi quốc gia, lớn nhỏ như nhau. Việc này đặt để căn bản lý thuyết cho một nền ngoại giao đa phương, một nền ngoại giao, dần dần, với thời gian, tạo được một vai trò và một ảnh hưởng gia tăng trong cộng đồng quốc tế như một toàn thể.
Giống mọi mối liên hệ nhân bản, mối liên hệ giữa các quốc gia “cũng phải được hoà hợp theo các mệnh lệnh của chân lý, công lý, sẵn sàng hợp tác, và tự do” (2). Điều này hàm nghĩa “nguyên tắc: mọi quốc gia đều do bản chất được bình đẳng về phẩm giá” (3), cũng như việc thừa nhận các quyền lợi của nhau và việc chu toàn các nghĩa vụ liên hệ (4). Tiền đề căn bản của phương thức này là việc thừa nhận phẩm giá của con người nhân bản, vì việc coi thường và khinh miệt phẩm giá này sẽ sản sinh ra nhiều hành vi man rợ từng làm phẫn nộ lương tâm nhân loại (5). Thực vậy, như Bản Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền từng quả quyết, “việc thừa nhận phẩm giá cố hữu và các quyền bình đẳng và bất khả chuyển nhượng của mọi thành viên trong gia đình nhân loại chính là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới” (6).
Tôi muốn dành cuộc gặp gỡ hôm nay của chúng ta cho văn kiện quan trọng trên, 70 năm sau khi nó được sự chấp thuận vào ngày 10 tháng 12 năm 1948 của Đại Hội Đồng Liên HIệp Quốc. Đối với Tòa Thánh, nói đến các nhân quyền, trước hết, là tái khẳng định tính trung tâm của con người nhân bản, vốn được Thiên Chúa ước muốn và tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Người. Chính Chúa Giêsu, khi chữa người phong cùi, phục hồi thị lực cho người mù, nói chuyện với viên chủ quán, cứu sống người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình và yêu cầu để người du khách bị thương được săn sóc, đã khiến chúng ta hiểu rõ rằng mọi hữu thể nhân bản, bất kể điều kiện thể lý, tâm linh hay xã hội của họ, đều đáng được tôn trọng và ân cần. Theo viễn tượng Kitô Giáo, có một tương quan đầy ý nghĩa giữa sứ điệp Tin Mừng và việc thừa nhận các nhân quyền trong tinh thần của những vị soạn thảo Bản Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền.
Các nhân quyền ấy được đặt tiền đề trên bản chất mà nhân loại có chung với nhau một cách khách quan. Chúng đã được công bố nhằm loại bỏ mọi rào cản vốn chia rẽ gia đình nhân loại và cổ vũ điều được học thuyết xã hội của Giáo Hội gọi là Phát Triển Con Người Toàn Diện, vì nó bao hàm sự cổ vũ “việc phát triển mỗi con người và toàn bộ con người… và cả nhân loại như một toàn thể” (7). Mặt khác, một cái nhìn thu hẹp về con người nhân bản mở đường cho việc phát triển bất công, bất bình đẳng và tha hóa xã hội.
Tuy nhiên ta cần ghi nhận rằng trong các năm qua, nhất là sau các rối loạn xã hội của thập niên 1960, việc giải thích một số quyền đã từ từ thay đổi, với việc bao gồm một số “quyền mới” thường chống đối lẫn nhau. Việc này không luôn giúp việc cổ vũ các mối liên hệ thân hữu giữa các quốc gia (8), vì người ta đã thúc đẩy các ý niệm nhân quyền gây tranh cãi rất xa lạ đối với nền văn hóa của nhiều quốc gia; các quốc gia này cảm thấy họ không được tôn trọng trong các truyền thống xã hội và văn hóa của họ, trái lại bị làm ngơ trước các nhu cầu thực sự mà họ đang phải đương đầu. Nghịch lý phần nào là việc có nguy cơ này: nhân danh chính các nhân quyền, ta sẽ thấy xuất hiện các hình thức thực dân ý thức hệ thời hiện đại của những nước mạnh và giầu có hơn, gây thiệt hại cho những nước nghèo hơn và dễ bị thương tổn nhất. Cùng một lúc, ta nên nhớ rằng truyền thống của các dân tộc cá thể không thể được nêu ra làm cớ cho sự coi thường việc tôn trọng thích đáng các quyền lợi căn bản được Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền công bố.
Sau 70 năm, thật đau lòng nhìn thấy không biết bao nhiêu quyền căn bản tiếp tục bị vi phạm hiện nay. Quyền đầu tiên trong số các quyền này là quyền của mọi con người được sống, được tự do và được an toàn bản thân (9). Không phải chỉ có chiến tranh hay bạo lực là vi phạm các quyền này. Trong thời đại ta, có những phương tiện tinh tế hơn thế: trước hết, tôi nghĩ đến các trẻ em vô tội bị vứt bỏ ngay từ lúc chưa được sinh ra, không được ai muốn đôi khi chỉ vì bị bệnh hay dị hình, hay do kết quả của lòng vị kỷ người lớn. Tôi nghĩ đến các vị cao niên, những người bị đẩy qua một bên, đặc biệt khi ốm đau và bị coi như gánh nặng. Tôi nghĩ đến các phụ nữ liên tiếp chịu bạo lực và áp chế, ngay trong gia đình họ. Tôi cũng nghĩ đến các nạn nhân của nạn buôn người, một tệ nạn vi phạm việc ngăn cấm mọi hình thức nô lệ. Biết bao nhiêu người, nhất là những ai trốn chạy nghèo đói và chiến tranh, đang trở thành mồi cho thứ thương mãi do các cá nhân vô lương tâm thực hành?
Bảo vệ quyền sống và sự toàn vẹn thể lý cũng có nghĩa bảo đảm quyền có sức khỏe của các cá nhân và gia đình của họ. Ngày nay, quyền này đã mặc lấy nhiều hệ luận vượt quá các ý định nguyên thủy của Bản Hiến Chương Qốc Tế Nhân Quyền, là bản hiến chương tìm cách khẳng định quyền của mọi cá nhân được lãnh nhận việc chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết (10). Về phương diện này, tôi hy vọng các cố gắng sẽ được đưa ra tại các diễn đàn quốc tế thích đáng để làm dễ, trước hết, việc mọi người được hưởng sự chăm sóc và điều trị y khoa. Điều quan trọng là kết hợp các lực lượng nhằm thực thi các chính sách để bảo đảm với phí tổn phải chăng việc cung cấp các thuốc men chủ yếu đối với việc sống còn của những người cần đến, mà không quên các lãnh vực tìm tòi và phát triển các cách điều trị, dù không sinh lời về tài chánh, nhưng cốt yếu cho việc cứu các sinh mạng con người.
Bảo vệ quyền sống cũng bao hàm việc tích cực mưu cầu hòa bình, được phổ quát thừa nhận như là một trong các giá trị tối cao cần được tìm kiếm và bảo vệ. Thế nhưng, các tranh chấp nghiêm trọng tại địa phương đang tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Các cố gắng tập thể của cộng đồng quốc tế, các hoạt động nhân đạo của các tổ chức quốc tế và những lời kêu gọi liên lỉ cho hoà bình phát xuất từ các lãnh thổ đang bị tàn phá bởi bạo lực hình như càng ngày càng kém hữu hiệu hơn trước cái luận lý học xấu xa của chiến tranh. Ta không thể để cho hoạt cảnh này làm giảm ý nguyện của chúng ta và các cố gắng của chúng ta cho hòa bình. Vì không có hòa bình, ta không thể đạt được việc phát triển con người toàn diện.
Giải giới tòan diện và phát triển toàn diện đan kết qua lại với nhau. Thực thế, mưu cầu hòa bình như một điều kiện tiên quyết để phát triển đòi phải đấu tranh chống các bất công và tận diệt, một cách bất bạo động, các nguyên nhân gây bất hòa vốn dẫn tới chiến tranh. Việc lan tràn vũ khí rõ ràng đang làm gia trọng các tình thế tranh chấp và đem lại nhiều thiệt hại nhân mạng và vật chất khổng lồ sẽ phá hoại việc phát triển và việc mưu cầu hòa bình lâu dài. Thành quả lịch sử đạt được vào năm ngoái với việc chấp thuận Hiệp Ước Ngăn Cấm Các Vũ Khí Hạch Nhân khi kết thúc Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về việc thương thảo một phương thế để ngăn cấm vũ khí hạch nhân, cho thấy ý nguyện hòa bình quả tiếp tục sống động biết chừng nào. Việc cổ vũ nền văn hóa hòa bình để phát triển toàn diện kêu gọi ta phải không ngừng cố gắng để giải giới và giảm thiểu việc phải sử dụng lực lượng vũ trang để giải quyết các vụ việc quốc tế. Do đó, tôi muốn khuyến khích một cuộc tranh luận thanh thản và sâu rộng về chủ đề này, một cuộc tranh luận sẽ tránh được việc phân cực cộng đồng quốc tế về vấn đề nhậy cảm này. Mọi cố gắng trong hướng đi này, dù nhỏ bé ra sao, vẫn đại diện cho một bước tiến quan trọng đối với nhân loại.
Về phần mình, Tòa Thánh đã ký kết và phê chuẩn, nhân danh cho cả Thị Quốc Vatican, Hiệp Ước Ngăn Cấm Các Vũ Khí Hạch Nhân. Tòa Thánh làm thế vì tin, như lời Thánh Gioan XXIII đã nói trong Pacem in Terris, rằng “công lý, lẽ phải, và việc thừa nhận nhân phẩm không ngừng kêu gào việc chấm dứt cuộc chạy đua vũ khí. Việc tích lũy vũ khí từng được thực hiện tại nhiều quốc gia phải được giảm thiểu cùng khắp và cùng một lúc bởi các bên liên hệ. Các vũ khí hạch nhân phại bị ngăn cấm” (11). Thực thế, cho dù “khó có thể tin rằng ai đó lại dám nhận trách nhiệm khởi diễn việc tàn sát và hủy diệt kinh hoàng mà chiến tranh có thể mang theo với nó, không ai chối cãi được rằng tai họa lớn lao này có thể bị khởi diễn một cách tình cờ và trong một hoàn cảnh không ai đoán trước được” (12).
Do đó, Tòa Thánh nhắc lại xác tín của mình rằng “bất cứ cuộc tranh luận nào có thể diễn ra giữa các quốc gia phải được giải quyết bởi thương thảo và hiệp ước, chứ không bởi việc sử dụng vũ khí” (13). Việc không ngừng sản xuất các loại vũ khí ngày một tiến bộ hơn và “tinh tế” hơn, và việc kéo dài nhiều cuộc tranh chấp, điều mà tôi vốn gọi là “thế chiến thứ ba được đánh từng mảng”, dẫn chúng ta tới việc tái khẳng định câu tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Gioan rằng “thời nay, thời huênh hoang có nguyên tử lực, điều không hợp lý chút nào là chủ trương cho rằng chiến tranh là phương thế thích đáng để sửa sai việc vi phạm công lý… Tuy nhiên, chúng ta hy vọng rằng nhờ thiết lập được việc tiếp xúc với nhau và nhờ một chính sách thương thảo, các quốc gia sẽ tiến tới chỗ thừa nhận nhiều hơn các sợi dây tự nhiên nối kết họ với nhau như những con người. Chúng ta cũng hy vọng rằng họ sẽ tiến tới chỗ hiểu một cách hợp tình hợp lý hơn một trong các nghĩa vụ chính phát sinh từ bản chất chung: là tình yêu, chứ không phải hận thù, phải thống trị các mối liên hệ giữa các cá nhân và giữa các quốc gia. Đặc điểm chính của tình yêu là nó lôi kéo người ta lại với nhau bằng đủ mọi cách, thành thực hợp nhất với nhau bằng các mối dây tâm trí và thể chất; và đây chính là sự hợp nhất từ đó phát sinh ra man vàn ơn phúc” (14).
Về phương diện này, điều cực kỳ quan trọng là hỗ trợ mọi cố gắng đối thoại ở bán đảo Triều Tiên, nhằm tìm ra những phương cách mới mẻ để vượt qua các tranh luận hiện thời, gia tăng sự tín cậy lẫn nhau và bảo đảm một tương lai hòa bình cho nhân dân Triều Tiên và toàn thế giới.
Điều cũng quan trọng đối với các sáng kiến hòa bình khác nhau nhằm giúp Syria tiếp tục, trong một bầu khí xây dựng tin tưởng nhiều hơn giữa các bên, để cuộc tranh chấp lâu dài từng gây nên những đau khổ vô chừng cuối cùng có thể tiến tới chỗ kết thúc. Chúng ta cùng hy vọng rằng sau rất nhiều huỷ diệt như thế, nay đã đến thời để tái thiết. Thế nhưng, hơn cả việc tái thiết các cơ cấu vật chất, điều cần là tái thiết các tâm hồn, tái lập cái khung tin tưởng lẫn nhau, vốn là điều kiện tiên quyết có tính chủ yếu đối với sự hưng thịnh của bất cứ xã hội nào. Do đó, điều cần là cổ vũ các điều kiện luật pháp, chính trị và an ninh giúp tái lập đời sống xã hội để mọi công dân, bất kể thống thuộc nào về sắc tộc và tôn giáo, có thể tham gia việc phát triển đất nước. Về phương diện này, điều sinh tử là các nhóm thiểu số tôn giáo phải được che chở, kể cả các Kitô hữu, những người trong nhiều thế kỷ vốn tích cực góp phần vào lịch sử Syria.
Điều cũng quan trọng là nhiều người tị nạn vốn đã được tạm trú và an trú tại các nước láng giềng, nhất là tại Giócđăng, Li Băng và Thổ Nhĩ Kỳ, nên được phép hồi hương. Cam kết và cố gắng của các nước này trong tình thế khó khăn hiện nay đáng được sự đánh giá cao và hỗ trợ của toàn thể cộng đồng quốc tế; cộng đồng này cũng được kêu gọi tạo nên các điều kiện để hồi hương người tị nạn Syria. Cố gắng này phải cụ thể khởi đầu với Li Băng, để xứ sở thân yêu này có thể tiếp tục là một “sứ điệp” tôn trọng và sống chung, và là một mẫu gương để bắt chước, cho toàn vùng và toàn thế giới.
Ý nguyện đối thoại cũng cần thiết tại Iraq thân yêu, để giúp các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau của họ tái khám phá con đường hòa giải và chung sống cùng hợp tác hòa bình. Đó cũng là trường hợp ở Yemen và nhiều nơi khác trong vùng, và ở Afghanistan.
Tôi đặc biệt nghĩ đến người Do Thái và người Palestine, sau các căng thẳng của mấy tuần lễ vừa qua. Trong khi nói lên nỗi đau buồn của mình trước sự tử vong trong các cuộc chạm trán gần đây, Tòa Thánh lặp lại lời kêu gọi khẩn thiết của mình rằng mọi sáng kiến cần được cẩn thận cân nhắc để tránh mọi thù nghịch gia tăng, và các lời kêu gọi, phù hợp với các Nghị Quyết liên hệ của Liên Hiệp Quốc, cùng nhau cam kết tôn trọng hiện trạng của Giêrusalem, một thành phố thánh thiêng đối với các Kitô hữu, người Do Thái Giáo và người Hồi Giáo. Bẩy mươi năm chống đối nhau khiến cho giải pháp chính trị khẩn thiết hơn bao giờ hết nhằm cho phép sự hiện diện ở trong vùng của hai quốc gia độc lập bên trong các biên giới được quốc tế thừa nhận. Bất kể các khó khăn, ý muốn sẵn sàng dấn thân đối thoại và tái tục các cuộc thương thảo luôn là cách thế rõ ràng nhất để cuối cùng đạt được cuộc chung sống hòa bình giữa hai dân tộc.
Cũng trong các bối cảnh quốc gia, việc cởi mở và sẵn sàng gặp nhau là điều chủ yếu. Tôi đặc biệt nghĩ đến Venezuela, nơi đang kinh qua cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo càng ngày càng bi đát và vô tiền khoáng hậu. Trong khi thúc giục một giải đáp tức khắc đối với các nhu cầu hàng đầu của nhân dân, Tòa Thánh bày tỏ niềm hy vọng này là cần thiết lập các điều kiện để các cuộc bầu cử dự tính cho năm nay có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện hữu, và giúp người dân nhìn về tương lai một cách thanh thản mới mẻ.
Cộng đồng quôc trế cũng không thể làm ngơ nỗi đau khổ tại nhiều nơi ở lục địa Phi Châu, nhất là tại Nam Suđăng, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Somalia, Nigeria và Cộng Hòa Trung Phi, nơi quyền sống đang bị đe dọa bởi việc khai thác bừa bãi các tài nguyên, chủ nghĩa khủng bố, việc lan tràn các nhóm vũ trang và các tranh chấp kéo dài. Ngỡ ngàng trước cảnh bạo lực này là điều không đủ. Đúng hơn, mọi người, trong hoàn cảnh của mình, nên tích cực làm việc để tận diệt các nguyên nhân gây ra khốn cùng và xây các cây cầu huynh đệ, vốn là tiền đề nền tảng của việc phát triển con người chân chính.
Một cam kết chung để tái thiết các cây cầu cũng là điều khẩn thiết tại Ukraine. Năm vừa kết thúc đã phải gặt lấy nhiều nạn nhân mới trong cuộc tranh chấp vốn đang gây sầu khổ cho xứ sở, tiếp tục đem lại đau thương lớn lao cho dân chúng, nhất là các gia đình sống tại các khu vực bị chiến tranh tàn phá và mất mát nhiều người thân yêu, thường là người cao niên và trẻ em.
Tôi muốn dành ý nghĩ đặc biệt cho các gia đình. Quyền được thành lập một gia đình, hiểu như một “đơn vị tự nhiên và nền tảng của xã hội… có quyền được hưởng sự che chở của xã hội và nhà nước” (15) và được thừa nhận bởi Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948. Bất hạnh thay, sự thật, đặc biệt tại Tây Phương, là gia đình bị coi như một định chế lỗi thời. Ngày nay, các mối liên hệ thoáng qua được ưa thích hơn sự ổn định của một dự án sống chung dứt khoát. Nhưng một căn nhà xây trên đống cát gồm các liên hệ mỏng manh và hay thay đổi thì không thể đứng vững được. Thay vào đó, điều cần là một tảng đá để xây nền vững chãi. Và tảng đá này chính là sự hiệp thông tình yêu trung thành và bất khả tiêu vốn nối kết người đàn ông và người đàn bà, một sự hiệp thông vốn có vẻ đẹp chân phương và đơn giản, một đặc tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm và một vai trò tự nhiên trong trật tự xã hội (16). Do đó, tôi coi là khẩn thiết việc các chính sách chân chính cần được chấp thuận để hỗ trợ các gia đình, mà trên đó, tương lai và việc phát triển của quốc gia tùy thuộc vào. Không có điều này, ta không thể tạo lập được các xã hội có khả năng giải quyết các thách đố tương lai. Việc coi thường các gia đình còn có một hậu quả bi đát khác, đặc biệt hiện diện tại một số nơi trên thế giới, đó là việc giảm sinh suất. Chúng ta quả đang kinh qua một mùa đông dân số thực sự! Đây là một dấu chỉ các xã hội đang lao đao vì việc đương đầu với các thách đố của hiện tại và do đó trở nên sợ sệt hơn đối với tương lai, kết quả là họ tự đóng kín vào chính họ.
Đồng thời, chúng ta không thể quên được tình huống các gia đình bị phân cách vì nghèo đói, chiến tranh và di dân. Chúng ta rất thường thấy bằng chính mắt mình thảm kịch các trẻ em, không người đi theo, phải vượt biên giới giữa nam và bắc thế giới, và thường trở thành nạn nhân của nạn buôn người.
Ngày nay, người ta đang nói nhiều tới người di dân và việc di dân, đôi lúc chỉ để khuấy lên những nỗi sợ nguyên sơ. Ta không nên quên rằng di dân luôn luôn diễn ra. Trong truyền thống Do Thái Giáo và Kitô Giáo, lịch sử cứu rỗi, chủ yếu, là lịch sử di dân. Ta cũng đừng quên tự do đi lại, chẳng hạn, khả năng rời bỏ xứ sở mình và trở về đó, là một nhân quyền căn bản (17). Như thế, cần phải bỏ kiểu nói quen thuộc và bắt đầu với việc xem xét chủ yếu này là chúng ta đang xử lý với những con người.
Đó là điều tôi tìm cách lặp lại trong thông điệp của tôi nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới cử hành ngày một tháng một vừa rồi mà chủ đề năm nay là “Người Di Dân và Tị Nạn: Những Người Nam Nữ Tìm Kiếm Hòa Bình”. Trong khi thừa nhận không phải ai ai cũng luôn được hướng dẫn bởi các ý định tốt nhất, ta không nên quên rằng đa số người di dân thích ở lại quê hương của họ hơn. Thay vào đó, họ thấy mình “vì kỳ thị, bách hại, nghèo đói và môi trường xuống dốc, buộc” phải rời bỏ nó ra đi… “Chào đón người khác đòi phải dấn thân cụ thể, một mạng lưới trợ giúp và thiện chí, lưu tâm cẩn tắc và đầy thiện cảm, quản lý có trách nhiệm các tình thế mới và phức tạp mà đôi khi làm cho nhiều vấn đề hiện có trở thành trầm trọng thêm, ấy là chưa nói tới các tài nguyên luôn luôn hạn hữu. Bằng cách thực hành khôn ngoan, các nhà lãnh đạo chính phủ nên đưa ra các biện pháp thực tế để chào đón, cổ vũ, che chở, hội nhập và ‘trong các giới hạn được phép nhờ hiểu đúng ích chung, cho phép [họ] trở nên thành phần của mô xã hội mới’ (Pacem in Terris, 57). Các nhà lãnh đạo có một trách nhiệm rõ ràng đối với các cộng đồng của họ, mà họ phải bảo đảm các quyền lợi hợp pháp và việc phát triển hoà hợp, kẻo họ trở thành như nhà xây dựng hấp tấp tính toán sai lầm và không hoàn tất được tòa nhà mà họ đã bắt đầu xây dựng” (xem Lc 14:28-30) (18).
Một lần nữa, tôi muốn cám ơn các nhà cầm quyền các quốc gia không chừa một cố gắng nào trong các năm qua nhằm trợ giúp nhiều di dân đặt chân lên biên giới của họ. Trước nhất, tôi nghĩ đến các cố gắng của một số quốc gia ở Á Châu, Phi châu và Mỹ Châu từng chào đón và trợ giúp nhiều người. Tôi trân trọng các kỷ niệm sống động về cuộc gặp gỡ tại Dhaka với một số thành viên của dân tộc Rohingya, và tôi xin lặp lại các tình cảm biết ơn của tôi đối với các nhà cầm quyền Bangladesh vì sự trợ giúp đối với những người này trên lãnh thổ riêng của họ.
Tôi cũng muốn bày lòng biết ơn đặc biệt của tôi với nước Ý, là nước, trong các năm qua, đã biểu lộ một tấm lòng cởi mở và rộng lượng và đưa ra nhiều điển hình tích cực của việc hội nhập. Tôi hy vọng rằng các khó khăn mà nước này đang kinh qua trong các năm gần đây và các hậu quả của chúng vẫn còn đang thấm thía, sẽ không dẫn tới các hình thức bác bỏ và ngăn cản, mà đúng hơn, dẫn tới việc tái khám phá ra các gốc gác và truyền thống vốn nuôi dưỡng lịch sử phong phú của quốc gia và tạo nên kho tàng vô giá cung hiến cho toàn thế giới. Tôi cũng xin bày tỏ việc tôi đánh giá cao các cố gắng của các quốc gia Âu Châu khác, đặc biệt Hy Lạp và Đức Quốc. Ta cũng đừng quên nhiều người tị nạn và di dân tìm cách đặt chân lên Âu Châu vì họ biết rằng ở đấy họ sẽ tìm được hòa bình và an ninh, những điều vốn là hoa trái của một diễn trình lâu dài phát sinh từ các lý tưởng của các Bậc Cha Già Sáng Lập ra dự án Âu Châu sau Thế Chiến Thứ Hai. Âu Châu nên tự hào về di sản này, đặt cơ sở trên một số nguyên tắc và viễn kiến về con người bắt nguồn từ lịch sử hàng ngàn năm của nó, được gợi hứng bởi quan niệm Kitô Giáo về con người nhân bản. Việc các di dân đặt chân đến nên thúc đẩy Âu Châu tái khám phá ra gia tài văn hóa và tôn giáo của mình, để, với một ý thức đổi mới về các giá trị, trên đó, lục địa từng được xây dựng, nó có thể giữ cho truyền thống của nó được sống động trong khi vẫn tiếp tục là nơi chào đón, sứ giả của hòa bình và phát triển.
Năm ngoái, các chính phủ, các tổ chức quốc tế và xã hội dân sự đã dấn thân vào các cuộc thảo luận về các nguyên tắc, các ưu tiên nền tảng và các phương thế thích hợp nhất để đáp ứng các phong trào di dân, tình huống kéo dài của người tị nạn. Sau Tuyên Ngôn New York năm 2016 về Người Tị Nạn và Di Dân, Liên Hiệp Quốc đã khởi diễn nhiều cuộc chuẩn bị quan trọng để chấp thuận hai Thỏa Thuận Hoàn Cầu về người tị nạn và việc di dân an toàn, có trật tự và thường xuyên.
Tòa Thánh tin tưởng rằng các cố gắng trên, với các cuộc thương thảo bắt đầu nay mai, sẽ dẫn tới các kết quả xứng đáng với một cộng đồng thế giới càng ngày càng trở nên độc lập hơn và đặt cơ sở trên các nguyên tắc liên đới và trợ giúp lẫn nhau. Trong tình thế quốc tế hiện thời, các phương cách và phương thế không thiếu để bảo đảm cho mọi người nam nữ trên trái đất được hưởng các điều kiện sống xứng đáng với con người nhân bản.
Trong Thông Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay, tôi đã đề nghị 4 “cột mốc” hành động sau đây: chào đón, bảo vệ, cổ vũ và hội nhập (19). Tôi muốn đặc biệt dừng lại ở cột mốc cuối cùng, vốn gây ra nhiều chủ trương đối nghịch tùy theo cách lượng giá, kinh nghiệm, quan tâm và xác tín khác nhau. Hội nhập là một “diễn trình hai chiều”, bao hàm các quyền lợi và nghĩa vụ hỗ tương. Những người chào đón được kêu gọi cổ vũ việc phát triển con người toàn diện, trong khi những người được chào đón nhất thiết phải sống theo các qui định của nước đón tiếp mình, với việc tôn trọng bản sắc và các giá trị của họ. Các diễn trình hội nhập phải luôn giữ việc bảo vệ và thăng tiến con người, nhất là những người dễ bị thương tổn, ở tâm điểm các qui định nhằm điều hướng các khía cạnh khác nhau của đời sống chính trị và xã hội.
Tòa Thánh không có ý định pha mình vào các quyết định thuộc thẩm quyền các quốc gia, là các định chế, dưới sự soi sáng của các hoàn cảnh chính trị, xã hội và kinh tế liên hệ, và các khả năng lẫn khả thể tiếp nhận và hội nhập của họ, có trách nhiệm hàng đầu trong việc chấp nhận các người mới đến. Tuy thế, Tòa Thánh coi mình có vai trò phải kêu gọi các nguyên tắc nhân đạo và huynh đệ vốn nằm ở nền tảng mọi xã hội gắn bó và hoà hợp. Về phương diện này, hành động tương tác của Tòa Thánh với các cộng đồng tôn giáo, trên bình diện định chế và hiệp hội, không nên bị quên lãng, vì các cơ sở này có thể đóng một vai trò hỗ trợ có giá trị trong việc trợ giúp và bảo vệ, trong việc làm môi giới xã hội và văn hóa, và trong việc tạo yên ổn và hội nhập.
Trong số các nhân quyền mà tôi muốn nhắc đến hôm nay có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tôn giáo (20). Điều đáng buồn mà ai cũng biết là quyền tự do tôn giáo thường bị coi thường, và tôn giáo rất hay trở thành một là dịp để người ta biện minh về ý thức hệ các hình thức cực đoan mới hai là làm cớ cho việc đẩy các tín hữu ra bên lề xã hội, nếu không muốn nói là bị bách hại thẳng thừng. Điều kiện để xây dựng các xã hội có tính bao gồm là việc bao hàm toàn diện con người nhân bản, để họ cảm thấy mình được thực sự chấp nhận khi được thừa nhận và chấp nhận trong mọi chiều kích vốn tạo nên bản sắc họ, kể cả chiều kích tôn giáo.
Cuối cùng, tôi muốn nhắc đến sự quan trọng của quyền có việc làm. Không thể có hòa bình hay phát triển nếu các cá nhân không được dành cho cơ hội đích thân đóng góp bằng chính sức lao động của mình vào việc phát triển ích chung. Đáng tiếc thay, tại nhiều nơi trên thế giới, nhân dụng vẫn là điều hiếm có. Đôi khi, ít có cơ hội tìm ra việc làm, nhất là đối với giới trẻ. Đôi khi, việc làm rất dễ mất không những do các chu kỳ kinh tế thay đổi, mà còn do sự gia tăng việc sử dụng các kỹ thuật và dụng cụ mỗi ngày một hoàn hảo và chính xác hơn nhằm thay thế các con người nhân bản. Một mặt, chúng ta nhận thấy có sự phân phối không công bằng các cơ hội nhân dụng, trong khi mặt khác, khuynh hướng đòi hỏi các nhân công phải làm việc với một nhịp độ khẩn cấp hơn. Các đòi hỏi của lợi nhuận, do việc hoàn cầu hóa chỉ thị, đã dẫn tới việc giảm thiểu từ từ thời giờ và ngày nghỉ, kết quả một chiều kích nền tảng của đời sống đã mất đi, tức chiều kích nghỉ ngơi, vốn có mục đích phục hồi con người không chỉ về phương diện thể lý mà cả về phương diện tâm linh nữa. Chính Thiên Chúa cũng đã nghỉ ngơi vào ngày thứ Bẩy; Người chúc phúc và thánh hóa ngày này “vì vào ngày đó, Người nghỉ mọi công việc Người đã thực hiện trong việc sáng thế” (St 2:3). Trong sự luân phiên làm việc và nghỉ ngơi, con người nhân bản tham dự vào việc “thánh hóa thì giờ” do Thiên Chúa đặt để và thăng hoa việc làm của họ, cứu nó khỏi cảnh liên tục bị lặp lại và lề thói buồn nản hàng ngày.
Một nguyên cớ khiến ta quan ngại đặc biệt là các dữ kiện công bố gần đây bởi Cơ Quan Lao Động Quốc Tế liên quan tới việc gia tăng các lao công trẻ em và là nạn nhân của các hình thức nô lệ mới. Tai họa nhân dụng thiếu niên tiếp tục làm tổn thương một cách trầm trọng sự phát triển thể lý và tâm lý người trẻ, cướp mất của họ niềm vui trẻ thơ và gặt lấy thật nhiều nạn nhân vô tội. Chúng ta không thể nghĩ đến việc đặt kế hoạch cho một tương lai tốt đẹp hơn hoặc hy vọng xây dựng được các xã hội có tính bao gồm nhiều hơn, nếu ta cứ tiếp tục duy trì các mô thức kinh tế chỉ nhằm lợi nhuận và khai thác những người dễ bị thương tổn hơn cả, như các trẻ em chẳng hạn. Diệt trừ các nguyên nhân cơ cấu của tai họa này nên là ưu tiên của các chính phủ và các tổ chức quốc tế, là các định chế được mời gọi tăng cường các cố gắng chấp thuận các chiến lược toàn bộ và các chính sách có phối hợp nhằm kết liễu hình thức lao động trẻ em dưới mọi hình thức của nó.
Thưa Qúy Đại Sứ, Qúy Bà và Qúy Ông,
Khi nhắc lại một số quyền trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế năm 1948, tôi không có ý bỏ sót một trong các khía cạnh quan trọng của nó, đó là, việc thừa nhận rằng mọi cá nhân cũng có các nghĩa vụ đối với cộng đồng, để “thỏa mãn các đòi hòi chính đáng của luân lý, của trật tự công cộng và của phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ” (21). Việc chính đáng kêu gọi tới quyền lợi của mỗi con người nhân bản phải xem xét tới sự kiện này là mọi cá nhân đều là thành phần của một cơ chế lớn hơn. Giống mọi cơ thể con người, các xã hội của ta cũng hưởng được một sức khỏe tốt nếu mỗi chi thể đều thực hiện phần đóng góp của mình với ý thức để phục vụ ích chung.
Trong các nghĩa vụ đặc biệt cấp bách ngày nay, có nghĩa vụ chăm sóc trái đất của ta. Chúng ta biết rằng thiên nhiên có thể hung dữ, thậm chí vượt khỏi trách nhiệm con người. Chúng ta đã thấy điều đó trong năm qua với những trận động đất làm rung chuyển nhiều nơi trên trái đất, nhất là những cuộc động đất gần đây ở Mễ Tây Cơ và ở Iran, với số nạn nhân khá cao và với các trận bão kinh hoàng tàn phá nhiều nước vùng Caribbean, đụng đến cả Hiệp Chúng Quốc, và gần đây hơn, cả Phi Luật Tân nữa. Dù thế, ta vẫn không nên hạ thấp sự quan trọng trong trách nhiệm của ta phải tương tác với thiên nhiên. Các thay đổi khí hậu, với các vụ gia tăng nhiệt độ hoàn cầu và các hậu quả tàn hại của chúng, cũng là hậu quả hành động của con người. Do đó, ta cần cố gắng chung trong việc nhận lấy trách nhiệm để lại cho các thế hệ đang đến một thế giới tươi đẹp và đáng sống hơn, và làm việc, dưới sự soi dẫn của các cam kết đã được thỏa thuận tại Paris năm 2015, để giảm thiểu việc thải các chất khí gây hại cho bầu khí quyển và sức khỏe của con người.
Tinh thần cần để hướng dẫn các cá nhân và quốc gia trong cố gắng trên có thể so sánh với tinh thần của những người xây dựng các nhà thờ chính tòa thời Trung Cổ vốn điểm xuất cho phong cảnh Âu Châu. Những tòa nhà đồ sộ này cho thấy sự quan trọng của mỗi cá nhân tham gia một công trình vượt mọi giới hạn của thời gian. Các người xây dựng các nhà thờ chính tòa biết rằng họ không được thấy công trình của họ hoàn thành. Thế nhưng họ vẫn làm việc chăm chỉ vì biết rằng họ là thành phần của một dự án được để lại cho con cháu họ vui hưởng. Những con cháu này, đến lượt chúng, sẽ điểm tô và mở rộng dự án này cho con cháu của chúng. Mỗi người đàn ông và đàn bà trên thế giới này, nhất là những người có trách nhiệm trong chính phủ, đều được mời gọi vun sới cùng một tinh thần phục vụ và liên đới liên thế hệ, và bằng cách này, trở thành dấu chỉ hy vọng cho thế giới nhiễu nhương của chúng ta.
Với các ý nghĩ trên, tôi xin lặp lại với mỗi qúy vị, với gia đình qúy vị và nhân dân qúy vị các nguyện chúc tốt đẹp nhất trong lời cầu nguyện của tôi được hưởng một năm đầy tràn niềm vui, hy vọng và bằng an. Xin cám ơn qúy vị.
_____________
[1] Xem Đức Gioan XXIII, Thông Điệp Pacem in Terris, 11 tháng Tư, 1963, 90.
[2] Ibid., 80.
[3] Ibid., 86.
[4] Ibid., 91.
[5] Xem Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền , 10 tháng Mười Hai, 1948.
[6] Ibid. Lời Nói Đầu.
[7] Đức Phaolô VI, Thông Điệp Populorum Progressio, 26 tháng Ba, 1967, 14.
[8] Xem Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Phần Nói Đầu.
[9] Cf. ibid., Điều 3.
[10] Cf. ibid., Điều 25.
[11] Pacem in Terris, 112.
[12] Ibid., 111.
[13] Ibid., 126.
[14] Ibid., 127 và 129.
[15] Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Điều 16.
[16] Xem Đức Phaolô VI, Diễn Văn ở Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin, Nadarét, 5 tháng 1, 1964.
[17] Xem Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, điều 13.
[18] Đức Phanxicô, Thông Điệp Ngày Hòa Bình Thế giới 2018, 13 tháng Mười Một, 2017, 1.
[19] Ibid., 4.
[20] Xem Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Điều 18.
[21] Ibid., Điều 29.