Tin tức về những cáo buộc về Hồng Y Theodore McCarrick đã lạm dụng tình dục một thiếu niên, đang là một quả bom kinh hoàng cho Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ.

Sau cuộc điều tra sơ khởi, cáo buộc đã được đánh giá là "đáng tin cậy và có chứng minh," và theo lệnh cuả Toà Thánh, HY McCarrick đã ngưng mọi hoạt động mục vụ.

Điều đó có nghĩa gì? và những gì sẽ xảy ra cho HY McCarrick?

Bất kỳ một cáo buộc tình dục nào về một giáo sĩ vẫn là một bi kịch nghiêm trọng, nhưng một cáo buộc về một vị Hồng Y thì trở thành một vụ nổ lớn, dù cho vị đó đã nghỉ hưu, và vụ nổ này có thể gây thảm khốc cho cả hàng giáo sĩ lẫn giáo dân.

Lời cáo buộc chống lại vị Hồng Y là vào năm 1971, Đức Ông McCarrick đã vuốt ve bộ phận sinh dục của một cậu bé 16 tuổi trong phòng mặc áo của Nhà thờ Thánh Patrick ở New York, khi đo một chiếc áo giúp lễ cho cậu. Đ.Ô. McCarrick cũng bị tố cáo là sau đó đã vuốt ve cậu trong nhà vệ sinh cuả phòng chứa đồ lễ cuả nhà thờ ( theo tờ New York Times.)

Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như là Giám mục Metuchen, Tổng Giám mục Newark và sau cùng là Tổng Giám mục (nay đã về hưu) của Washington, DC, HY McCarrick chiếm một vị trí nổi bật trong Giáo hội Hoa Kỳ. Hầu như bất kỳ giáo sĩ nổi tiếng nào của vùng Bờ Biển Miền Đông (East Coast) cũng đều muốn có vinh dự được chụp ảnh bên cạnh một HY McCarrick tươi cười, và ngay cả khi vị HY đã lên đến tuổi 80, ông vẫn là một bộ mặt sáng giá trong Giáo hội Hoa Kỳ.



Trước công chúng, ông là một vị giám mục đáng tin cậy, với những cảnh nhà thờ chật ních lúc ông rao giảng, hoặc với cảnh những căn phòng chen lấn với những nhà tài trợ giàu có khi ông quyên góp, dù thế đã có những tin đồn xoay quanh đời tư cuả ông trong nhiều năm.

Trong những ngày gần đây thì nhiều linh mục đã hé lộ một số tin đồn không tốt cuả HY McCarrick như là "thích xáp lại người khác" (“snuggling,”) và thích khắng khít (insistent affection) với chủng sinh. Các linh mục từng phục vụ quanh ông cũng nhắc lại nhiều ‘tên lóng’ đã được gán cho ông như, "Chú Ted" và thậm chí là “Teddy Bear.” (con gấu xồm)

Một tuyên cáo được ban hành ngày 20 tháng 6 từ Tổng Giáo phận Newark và Giáo phận Metuchen đã xác nhận rằng HY McCarrick đã từng phải đối mặt với một số cáo buộc về hành vi sai trái tình dục với người lớn, và đã được dàn xếp ổn thoả. Điều đó sẽ là một gánh nặng cho việc chống đỡ cho ông, mặc dù ông vẫn tuyên bố mình vô tội.

Sự bất cập giữa hai nhân cách công cộng và cá nhân cuả ông sẽ tạo ra một trường hợp rất khó xử cho Giáo Hội, dù là ở Rome hay ở Hoa Kỳ.

Từng là Tổng giám mục Washington, Hồng Y McCarrick là một người đi tiên phong trong việc phát triển “Hiến chương Dallas năm 2002,” là thiết lập một thủ tục gắt gao để xử lý các cáo buộc về lạm dụng tình dục.

Cuộc cải cách mà ông đã giúp xây dựng, bây giờ trở thành thước đo mà ông sẽ bị đánh giá. Trong thực tế, việc áp dụng các chỉ tiêu đó cho trường hợp của ông, nghiêm nhặt và đầy đủ hay không? sẽ là mức điểm để đánh giá tính toàn vẹn của cuộc cải cách đó.



Theo Giáo Luật (luật Canon,) Đức Giáo Hoàng là người có quyền phán xét các Hồng Y về các vấn đề hình sự (ngay cả những vị đã về hưu). Cho nên Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ủy nhiệm Hồng Y Timothy Dolan của New York tiến hành giai đoạn đầu tiên của cuộc điều tra, và bây giờ đã đạt đến kết luận như trên.

Mỗi khi có một cáo buộc về lạm dụng tình dục với trẻ vị thành niên, thì giáo phận liên quan phải bắt đầu một cuộc "điều tra sơ bộ". Tức là tìm hiểu nếu lời buộc tội đó có "vẻ có thật hay không" hay nói cách khác, là "có đáng tin cậy không".

Tiêu chuẩn về bằng chứng ở giai đoạn này thì rất thấp - chỉ đòi hỏi rằng các cáo buộc không có dấu hiệu sai hoặc phù phiếm. Nhưng những gì mà cuộc điều tra phát hiện ra sẽ là những tài liệu quan trọng cho những bước kế tiếp.

Tại Hoa Kỳ, theo Hiến chương Dallas, sự đánh giá những điều tra thường được tiến hành bởi một hội đồng xét duyệt cuả giáo phận. Hội đồng xét duyệt là một cơ quan bán độc lập gồm các chuyên gia pháp lý, giáo sĩ và cố vấn độc lập do giám mục chỉ định.

Nếu hội đồng xét duyệt kết luận lời cáo buộc “có vẻ thật,” và vị giám mục đồng ý, thì vấn đề này được đưa lên Bộ Giáo Lý Đức Tin ở Rome. Vì trường hợp liên quan đến Hồng Y được dành riêng cho giáo hoàng, vụ Hồng Y McCarrick có thể được chuyển thẳng đến Đức Giáo Hoàng, kèm theo lời bình luận cuả Bộ Giáo Lý Đức Tin (CDF).

Trong những trường hợp liên quan đến các linh mục hoặc các thầy trợ tế, nếu CDF thấy cuộc điều tra sơ bộ cần phải điều tra thêm, thì có thể có những lựa chọn như sau:

Nếu cáo buộc có chứng cớ tốt, nó có thể được đưa trở lại giáo phận, để được xử lý bởi một phiên tòa đạo, hoặc được dàn xếp Ngoại Tụng (dàn xếp để khỏi xử tại toà) (extrajudicial).

Trong các trường hợp không rõ ràng, hoặc gây nhiều tranh cãi hoặc nổi tiếng (high-profile), bộ CDF cũng có thể triệu tập một phiên tòa ở Rome để xử trực tiếp.

Tiếp theo, nếu vị giáo sĩ bị kết tội, Giáo hội có thể áp đặt hình phạt hoàn tục, vĩnh viễn loại khỏi hàng giáo sĩ và các chức vụ, hoặc một hình phạt khác dựa vào yếu tố tuổi tác và sức khỏe cuả đương sự. Dù thế nào chăng nữa, một giáo sĩ phạm tội lạm dụng tình dục sẽ không bao giờ có thể được trao phó cho một chức vụ.

Theo tuyên bố của Tổng giáo phận New York, thì sau cuộc điều tra sơ bộ, Hội đồng xét xử đã phát hiện ra cáo buộc chống lại Hồng Y McCarrick là “đáng tin cậy” và “có chứng minh”.

Với sự công bằng, chúng ta cần lưu ý rằng các tiêu chuẩn đánh giá ở cấp giáo phận thì chỉ là sơ khai cho nên có thể di chuyển vào nhiều lộ trình và tiêu chuẩn khác nhau, tuy nhiên khi đưa lên các toà đạo (canonical) thì các chỉ tiêu trở thành nghiêm ngặt hơn, và quyền bào chữa - là phần thiết yếu của bất kỳ quy trình pháp lý nào - được xác định rõ ràng hơn.

Những việc tiếp theo sẽ cho chúng ta biết hơn về cách mà Rome xác định mức tín nhiệm về các cáo buộc chống lại Hồng Y McCarrick.

Trong trường hợp (rất hiếm hoi) trong đó một tổng giám mục (chứ chưa nói đến chức Hồng Y) bị cáo buộc là lạm dụng tình dục, thì một phiên tòa toàn quyền sẽ được tổ chức tại Tòa án Tông đồ của Bộ Giáo Lý Đức Tin (CDF) ở Rome, tức là tòa án cao nhất cuả Giáo hội. Trong trường hợp Hồng Y McCarrick, nếu việc xử lý sẽ là những dàn xếp Ngoại Tụng (dàn xếp để khỏi xử tại toà) (extrajudicial) ở New York, thì điều này có ý nghiã là Rome đã có những bằng chứng áp đảo, đúng hay sai, về các cáo buộc, không cần phải điều tra thêm.



Điều quan trọng, với bất kỳ hệ thống pháp lý nào, là quy trình pháp lý phải được phép thực hiện cho đến hồi chung cuộc. Do đó là rất quan trọng việc cho phép Hồng Y McCarrick được mọi cơ hội và mọi phương tiện thích hợp để tự bảo vệ mình và khẳng định sự vô tội của mình.



Cũng có thể, ở tuổi 87, Hồng Y McCarrick sẽ không phải đối mặt với những thử thách hay một quá trình ngoài ý muốn.

Trong khi đó, thực tế là Tổng giáo phận Newark và Giáo phận Metuchen đã xác nhận rằng có những khiếu nại và dàn xếp vì những bê bối cuả HY McCarrick trong quá khứ.

Do thế, một câu hỏi quan trọng sẽ được nêu ra chung quanh hoạn lộ của HY McCarrick: Ông đã được giữ các chức vụ quá lâu, và sau đó tiếp tục giữ những chức vụ công cộng sau khi về hưu, phải chăng các nhà chức trách cuả Giáo Hội đã biết về những bê bối này mà vần dung dưỡng cho ông?

Các giáo phận cũ của HY McCarrick đã nhanh chóng khẳng định rằng, trước đây họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên nào cả. Cho tới bây giờ thì mới rõ ràng, và nhận được những cáo buộc đáng tin cậy.

Nhưng một số nhà bình luận đã nêu ra một câu hỏi nhức nhối này: là liệu các bản quyền cuả Giáo hội có cho rằng, miễn là không có nạn nhân trẻ em, thì không phải lo lắng về các công việc và chức vụ của bất cứ ai?

Đây không phải là một câu hỏi có ý bới móc quá khứ, bởi vì nhiều cộng sự viên gần gũi với Hồng Y McCarrick vẫn đang tiếp tục nắm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng trong các giáo phận Mỹ.

Nó có nghiã là liệu những cá nhân đó có biết – mà trong thực tế thì có thể kết luận là họ phải biết - về những hành vi của HY McCarrick, hay ít nhất là biết về những tin đồn dai dẳng về ông ta, và họ, với tư cách là những người có trách nhiệm, đáng lẽ đã phải điều tra, đánh giá và phạt kỷ luật các hành vi sai trái.



Nhiều câu hỏi có thể sẽ được nêu ra về những gì mà họ biết, những gì họ nghe, những gì họ đã làm và khi nào. Nếu không thì người Công Giáo sẽ tự hỏi liệu có sự che dấu nào khác đang ẩn nấp trong bóng tối của vụ bê bối này không.

Những câu hỏi khi nào thì họ đã nghe về những cáo buộc sẽ được đặt ra cho 3 vị Hồng Y liên hệ đến vụ án: HY Dolan, HY Tobin và HY Wuerl. Đặc biệt 2 Hồng Y Tobin và Wuerl, là những người kế vị HY McCarrick, sẽ có thể phải trả lời câu hỏi rằng họ có nghĩ những cáo buộc đó, đã từng phải được dàn xếp, có là quan trọng không, và họ có chút nghi ngại nào khi cho phép HY McCarrick tiếp tục làm việc mục vụ trong lúc về hưu.

Có thể các vị trên sẽ không công khai tất cả mọi chi tiết vì lý do phải để cho toà án xét xử một cách công minh, nhưng ngay với việc ‘không công khai’ ấy thì sẽ có ảnh hưởng đến độ tin cậy của hệ thống phẩm trật của hàng giáo phẩm Hoa Kỳ.

Ngay cả đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng là một thử thách nghiêm trọng. Nhất là sau khi Hồng Y Keith O'Brien, giáo phận St. Andrews và Edinburgh, đã chết vì hổ thẹn và bị lưu đày vì những cáo buộc về hành vi sai trái tình dục.

HY O'Brien không chính thức bị tước mất tước hiệu, nhưng vào tháng 3 năm 2015, ĐGH đã chấp nhận việc từ chức và bãi bỏ các quyền và đặc quyền của một Hồng Y.

Sau khi ngưng mọi trách vụ cuả HY McCarrick, các bước kế tiếp cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được theo dõi và phân tích chặt chẽ.

Theo sau những khó khăn của vụ bê bối lạm dụng tình dục ở Chile, cả Tòa Thánh và các giám mục Mỹ sẽ nhận thức sâu sắc rằng một trường hợp cao cấp cần phải được xử lý rất cẩn thận, để ngăn chặn một vụ bê bối khỏi trở thành một cuộc khủng hoảng.

Một lầm lỗi trong cách xử, dù là rất nhỏ, cũng không được phép.