Sự bùng phát dịch bệnh coronavirus, có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã đặt các mạng xã hội trước một thách đố lớn trong đó các thông tin sai lệch và những giả thuyết hoang tưởng về các âm mưu kinh khủng, đang gây hoảng loạn cho xã hội.

Các mạng xã hội lớn thực sự đang bị biến thành những địa bàn tung ra các thông tin sai sự thật, đầy ác ý và gây sợ hãi cho xã hội. Trước tình trạng lây lan quá nhanh của virus này, trong các ngày qua, các mạng xã hội đã đóng vai trò chủ đạo trong việc tung ra các giả thuyết, chẳng hạn như cho rằng virus chết người này là một vũ khí sinh học do các phòng thí nghiệm của Trung Quốc tạo ra và đường phố Vũ Hán tràn ngập hàng ngàn xác chết.

Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này con số tử vong tại Hoa Lục đã vượt quá 600 người, và hơn 31,000 người bị nhiễm bệnh tại tất cả 34 tỉnh và đặc khu cấp tỉnh của Trung Quốc. Phần lớn các ca tử vong cho đến nay đều là người cao tuổi và đã có những bệnh khác trong người, gọi chung là có tiền sử bệnh án, và rất hiếm xảy ra nơi trẻ con. Trẻ em và người cao tuổi đều có hệ miễn dịch tương đối kém. Tại sao dịch bệnh này lại có vẻ “chừa” trẻ em ra? Trả lời cho câu hỏi đó, trên các mạng xã hội không thiếu những giả thuyết cho rằng Trung Quốc đã biến đổi gen của một số loại virus corona, thành một loại coronavirus mới chỉ gây tử vong cho người cao tuổi nhằm “giải quyết dứt điểm” những người già thường được xem là gánh nặng cho xã hội. Có người còn cho rằng đó là một thứ vũ khí sinh học của Trung Quốc với ý định ban đầu là đánh vào Mỹ, nơi có đến 40% mắc bệnh béo phì, tức là có một dạng tiền sử bệnh án phù hợp để virus gây tử vong. 82% dân Mỹ lại sống ở các thành thị, là môi trường virus rất dễ lây lan. Lý do nó đang hoành hành tại Trung Quốc là vì một tai nạn ngoài ý muốn, khiến cho nước này bất ngờ không khống chế được.

Sau khi lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán được công bố, những người nước ngoài đang có mặt trong thành phố này đều mong mỏi thoát được cái ổ dịch này càng sớm càng tốt. Hành động vô tiền khoáng hậu, là cách ly cả một thành phố hàng chục triệu dân như thế, đã được cho là một âm mưu của phía Trung Quốc, nhằm khéo léo trục xuất toàn bộ những người nước ngoài đang có mặt trong thành phố này, và ngăn cản những người khác đến đó ngõ hầu có thể bảo vệ các dấu vết của một thứ vũ khí sinh học chết người.

Tất cả những điều này có lẽ chỉ là các giả thuyết hoang tưởng. Bọn cầm quyền tại Vũ Hán, theo thói quen đã trở thành nền nếp tư duy của cộng sản, đã che giấu thông tin hơn một tháng trời trong khi đương đầu với dịch bệnh một cách quờ quạng, bừa bãi, khiến cho sự lây nhiễm lan rộng. Sau đó, chúng lại cố tình che giấu số lượng các trường hợp nhiễm bệnh, dẫn đến sự bùng phát căn bệnh trong khu vực đô thị, nơi người dân không được cảnh báo để đề phòng một cách thích hợp. Câu chuyện có lẽ chỉ có như thế thôi.

Nhiều Hội Đồng Giám Mục và cá nhân các vị Giám Mục trên thế giới đã trấn an anh chị em giáo dân.

“Trong bối cảnh đầy các tin giả, đầy những lời đồn đại gây hoang mang như thế, người Công Giáo không nên sợ hãi mà thay vào đó nên quan tâm đến bản thân và những người khác, kể cả bằng phương tiện cầu nguyện.” Đức Cha Broderick Soncuaco Pabillo, Giám Mục Phụ Tá của Manila đã hô hào như trên.

Trong một thông điệp được công bố hôm 5 tháng Hai trên phương tiện truyền thông xã hội, Đức Cha Pabillo, chủ tịch Ủy ban Giáo dân của Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân, gọi tắt là CBCP, lưu ý rằng “Chúng ta phải quan tâm đến tình hình hiện nay, nhưng không nhất thiết phải sợ hãi, không nhất thiết phải cảm thấy bất lực. Các thông tin thích hợp, kịp thời và chính xác là cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Tin tức sai lạc vừa có thể gây hoảng loạn và mặt khác nó cũng có thể tạo ra sự lơ là mất cảnh giác.”

Đức Cha Pabillo thừa nhận rằng tình hình là rất nghiêm trọng, nhưng các bước đã được đưa ra nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.

“Trên thực tế, chúng ta không chỉ cần biết những tin xấu mà còn cả những tin tốt, và những tin tốt như thế cũng rất nhiều. Thật vậy, điều quan trọng là phải có các thông tin về các sáng kiến được đưa ra để thể hiện tình liên đới và sự quan tâm đến tất cả mọi người.”

Đức Cha Pabillo cũng kêu gọi các Kitô hữu bày tỏ tình liên đới của mình qua cầu nguyện. “Suốt dòng lịch sử, chúng ta đã thấy rằng bao nhiêu dịch bệnh đã bị chặn đứng không chỉ nhờ các phương tiện y tế mà còn nhờ những lời cầu nguyện và những hành động bác ái to lớn”.