Gần đến Phục sinh rồi, nhưng có lẽ đây là Phục sinh buồn nhất của nhân loại vì Tin Mừng Phục sinh sẽ không được loan báo trong cộng đoàn giáo xứ nơi quy tụ mọi người. Ai nấy ở tại nhà của mình, là cộng đồng căn bản, là Hội Thánh tại gia để cử hành và lắng nghe công bố Tin Mừng.

Sẽ không có nghi thức thắp lửa đêm vọng Phục sinh, sẽ không có bài ca Công bố Tin Mừng Phục sinh, sẽ không có nghi thức cầm nến lung linh sáng trong tay lặp lại lời tuyên hứa ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, sẽ không có rửa tội cho những thành viên mới của cộng đoàn. Tất cả sẽ diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ.

Chính trong những bối cảnh u buồn như thế, Giáo hội Úc châu nói riêng và Giáo hội hoàn vũ nói chung đón nhận một tin vui: Đức Hồng Y George Pell được phục hồi danh dự, bản án oan sai mà người ta áp đặt lên ngài cách đây gần 5 năm nay được được Tòa án tối cao Liên bang Úc Châu tuyên bố tha bổng và trả tự do.

Ngài là một giáo sĩ 78 tuổi, một chức sắc cấp cao của Giáo hội hoàn vũ là nạn nhân của những trò vu khống nhằm bôi nhọ, thóa mạ uy tín của ngài và Giáo hội, sau hơn 1 năm trong tù cách bất công thì nay cuối cùng công lý cũng được thực hiện. Chúng ta ai cũng xúc động trước tin này, chúng ta nên Tạ ơn Chúa và chia sẻ với nhau niềm vui vĩ đại này.

Xin chúc mừng và chia vui cùng Giáo hội Úc châu. Chúng ta chúc mừng và chia sẻ niềm vui cùng nhau vì công lý chiến thắng, vì danh dự và uy tín của ngài, và qua đó là uy tín và danh dự của Giáo hội, được phục hồi. Với tất cả mọi người tín hữu thì đây đúng là một tin mừng Vọng Phục sinh, một tin vui đến trước ngay cả khi chúng ta chưa tưởng niệm, cử hành cuộc thương khó của Đức Giêsu.

Đúng là trong những khủng hoảng, vẫn có những hy vọng, đúng là trong những nỗi buồn vẫn có những niềm vui mà ta phải khôn ngoan biết tìm ra và khơi lên. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng có thể biến sự dữ ra sự lành, có thể lấy điều thiện ra từ điều ác, có thể uốn một đường cong thành con đường thẳng.

Trong những ngày đang bị cô lập vì Covid-19 ta vẫn có thể thấy có những cách thế khác nhau để liên kết, hiệp nhất cùng nhau. Câu chuyện sau đây về một Cụ già gần 90 tuổi trong giáo xứ của tôi là một thí dụ.

Tôi thật xúc động sau khi nói chuyện và nghe biết tâm tình của Bà. Là một phụ nữ về hưu, thế giới sinh hoạt của Bà giờ gói gọn trong bốn bức tường của một căn hộ chung cư dành cho những người cao tuổi. Ngày ngày quanh quẩn trong căn phòng một giường ngủ, một gian bếp nhỏ, một phòng tắm, một chiếc bàn ăn, một tivi và một điện thoại bàn.

Mọi sinh hoạt cá nhân gói gọn trong căn phòng ấy từ chuyện ăn uống, bếp núc, làm việc... Thi thoảng mới có con cháu hay người thân đến thăm. Lịch sinh hoạt cá nhân của Bà là một lịch cố định không thay đổi ngày này qua ngày khác, tuần này, tháng nọ cứ như thế mà thi hành.

Thế giới của người già là vậy. Tivi là bạn, tivi được bật hầu như suốt cả ngày. Bà thao tác, sử dụng rành rẽ chiếc remote control vì chẳng ngày nào mà Bà không cầm đến nó. Bà lướt qua đủ các chương trình trên chiếc tivi, tin tức, dự báo thời tiết, các talk show, phim ảnh...

Ngày ngày Bà ngồi trong chiếc ghế bành cũ kỹ, cặp kính cận trễ xuống, tỉ mỉ, miệt mài với công việc đan móc. Sản phẩm Bà làm ra là những đôi tất nhỏ xíu cho em bé mới sinh, những chiếc áo len hay những tấm khăn quàng cổ đan bằng len.

Để tiêu khiển, giết thời gian Bà ngồi đó, trong chiếc ghế bành mà đối diện là chiếc tivi. Sản phẩm Bà làm ra là để được trao tặng chứ không bán. Bà cho những ai có nhu cầu cần đến những sản phẩm ‘home made’ của Bà. Chúng tuy nhỏ nhưng vĩ đại trong tình yêu và sự chân thành.

Còn nữa, chiếc điện thoại bàn là vật dụng Bà cần nhất để liên lạc với thế giới bên ngoài. Lâu lâu Bà gọi điện thoại hỏi thăm con cháu, Bà dùng điện thoại để đặt hàng từ siêu thị thực phẩm, để gọi cho bác sĩ trao đổi thắc mắc về các loại thuốc phải uống...

Nhưng trong những ngày này, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, Bà dùng chiếc điện thoại ấy nhiều hơn. Tạm gác lại công việc đan móc, Bà tra trong sổ điện thoại của mình, trong niên giám điện thoại của thành phố, để tìm ra số của những người Bà quen biết nhưng ít liên lạc lâu nay để gọi mà thăm hỏi.

Trí não của Bà trong giai đoạn này dường như hoạt động mạnh hơn. Bà lục tìm trong trí để nhớ đến những người thân quen và gọi cho họ. Qua những cú điện thoại ấy Bà thể hiện một sự ân cần chăm sóc đặc biệt dành cho người bên kia đầu dây. Bà thể hiện sự quan tâm lo lắng của Bà dành cho họ và cũng là để biết đến tin tức của họ qua những cuộc điện đàm như thế.

Tôi cũng vinh dự có tên trong danh sách của Bà. Bà gọi đến cho tôi và bằng giọng khàn khàn khó nghe của một người cao tuổi. Bà trao đổi với tôi bằng những câu hỏi rất đỗi bình thường: Cha có khỏe không? Cha đang làm gì? Cha có sợ con virus covid-19 không? Cha có buồn không?...

Chúng tôi trao đổi những thông tin mà mình biết, an ủi và động viên nhau cố gắng lạc quan và hy vọng trong những ngày đối diện với dịch bệnh kinh khủng này.

Và bỗng nhiên câu chuyện đột ngột chuyển hướng một cách bất ngờ. Bà hào hứng khoe với tôi: hôm nay tôi đã gọi cho gần 10 người, cốt chỉ để nói rằng tôi quan tâm đến họ, tôi yêu mến họ và cầu mong mọi sự an lành sẽ đến với họ trong cơn đại dịch nguy hiểm này.

Bà còn hào hứng kể rằng từ đầu tuần đến giờ ngày nào Bà cũng làm như thế. Giọng Bà cao hứng, nhịp điệu vui tươi, dồn dập hơn hẳn: “Cứ nhớ đến ai là tôi gọi, tôi còn truy tìm số của những người quen nay đã chuyển đi xa để gọi mà nối lại tình thân”. Bà cho rằng đây là lúc chúng ta thật sự gần gũi nhau, thật sự lo lắng, quan tâm đến nhau. Dịch bệnh virus Covid-19 đem chúng ta sát lại với nhau, giúp chúng ta nảy sinh nhiều sáng kiến, nhiều cách khác nhau để gần gũi, để thể hiện sự ân cần, quan tâm đến nhau.

Dĩ nhiên câu chuyện của Bà không có gì mới. Chúng ta ai mà chẳng làm vậy trong những ngày này, khi mà đang bị cô lập để tự bảo vệ mình và không phát tán con virus Covid-19. Điện thoại, message, facebook, email là những phương tiện giúp chúng ta liên lạc gần gũi với nhau trong những ngày này.

Nhưng tâm tình và tấm lòng của môt Bà Cụ già tròm trèm 90 làm tôi phải suy nghĩ bởi lâu nay ít nhiều chúng ta sống trong thế giới của riêng mình. Công việc xong, chúng ta lại chúi mặt vào iphone, ipad để chơi game, để lướt facebook, facetime hay message hoặc tivi...

Chúng ta sống chung trong một mái nhà, nhưng ít nhiều có thể nói tâm hồn và tấm lòng của ta thì như không gần gũi, thuộc về và cận kề với nhau. Giờ là lúc ta nhận ra rằng thế giới này là thế giới đại đồng, là một gia đình đích thực mà mọi phần tử có trách nhiệm liên đới với nhau. Giờ là lúc mà chúng ta xích lại gần nhau trong tinh thần, để thể hiện tình yêu, sự quan tâm, lo lắng, ân cần dành cho nhau.

Có những điều tưởng rất đỗi bình thường mà ngày ngày chúng ta đang có, nhưng một mai khi chúng biến mất đi chúng ta mới cảm thấy luyến tiếc, xót xa. Có những thứ tình cảm chúng ta không mua được bằng tiền bạc, của cải hay vật chất, được hào phóng ban tặng cho chúng ta cách nhưng không nhưng tiếc thay chúng ta lại không trân trọng hay yêu quý đủ, để rồi có ngày chúng ta sẽ đấm ngực than trách biết vậy, giá mà...

Thi sĩ nổi tiếng của Ấn Độ Kahli Gibran sáng tác hai câu thơ mà Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã dịch sang Việt ngữ: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Quá đúng trong bối cảnh này bởi sự yêu thương là thứ tình cảm lớn nhất, nó làm cho con người gần nhau hơn. Yêu thương sẽ tạo nên hạnh phúc, và do đó, các mối quan hệ xã hội sẽ xích lại gần với nhau hơn. Yêu thương sẽ tạo ra sự ân cần quan tâm đến nhau, chia sẻ, lắng nghe nhau nhiều nhiều hơn.

Tôi có đang biết xem cuộc sống của tôi như một món quà mà tình yêu thương là chìa khóa mở ra hộp quà ấy. Hay tôi có đang biết xem tình yêu thương là chìa khóa để mở các “món quà” đang có mặt xung quanh tôi?

Cần lắm một kiểu sống quan tâm, ân cần, chia sẻ. Cần lắm một kiểu sống mở rộng, liên đới chân tình. Có lạc quan quá không khi nói nhờ con virus Covid-19 mà ta nhận ra thực sự và chính xác mình đang thiếu cái gì? Phải chăng đang có những “lỗ hổng” trong quan hệ của ta với mọi người xung quanh và nhất là với Chúa?

Ai đó đã nói: “thà thắp lên một ngọn nến còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng đêm”. Đúng. Phải làm gì đó, phải thắp lên một ngọn nến hy vọng trong những ngày này thay vì ngồi than thở, buồn chán.

Rev. Louis Nguyen, Yorkton, Canada.