Khi các bệnh viện trên khắp thế giới đang phải vật lộn để đối phó với dòng bệnh nhân COVID-19, bọn tội phạm trên Internet đang khai thác cuộc khủng hoảng này và đòi các bệnh viện phải trả tiền chuộc. Interpol đã đưa ra lời cảnh báo toàn cầu đối với các tổ chức chăm sóc sức khỏe về các cuộc tấn công ransomware, trong đó bọn tội phạm khoá các hệ thống máy tính của các tổ chức y tế cho đến khi chúng nhận được tiền chuộc.

Đó là tin chính chúng tôi sẽ trình bày trong chương trình này. Tuy nhiên, trước hết, xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi các tin quan trọng liên quan đến tình hình Giáo Hội và thế giới trước đại họa coronavirus.

Tính đến chiều thứ Ba mùng 7 tháng Tư, tử vong toàn thế giới đã lên đến 74,782 người, trong số 1,347,587 trường hợp nhiễm coronavirus. Như thế, trong 24 giờ qua đã có 5,230 người chết và thêm 73,142‬ người nhiễm coronavirus.

Tử vong tại Hoa Kỳ đã vượt qua con số 10,000 người, cụ thể đã lên đến 10,943 người, trong số 367,650 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ qua, 1,255 người đã phải chết oan vì virus Vũ Hán.

Tại New York, đến nay đã có 4,758 người chết. Số người chết nhiều quá, nên các bệnh viện phải bỏ các thi thể vào các bao mầu cam, rồi xếp lớp trên những kệ sắt. Cảnh tượng kinh hoàng này làm rúng động nhiều.

Phản ứng trước những hình ảnh khủng khiếp này, Cha Mark Goring, giám đốc Catholic Charismatic Center tại Houston, Texas, và là một nhà giảng thuyết trong chương trình ‘Food for Life’ của Công Giáo Hoa Kỳ đưa ra một nhận xét quan trọng sau đây.

“Nhiều người nghĩ rằng họ không thể kết thúc thê thảm như những người trong các bao mầu cam kia. Nghĩ như vậy là vô cùng dại dột. Kết thúc bi đát đó có thể xảy ra với bất cứ ai trên thế giới này. Và theo thống kê của các bệnh viện ở Manhattan, trung bình những người chết là những người chỉ mới nhiễm coronavirus trước đó 12 ngày. 12 ngày trước họ OK. 12 sau, họ thành người quá cố. 12 ngày thôi anh chị em. Anh chị em làm được gì trong 12 ngày đó trong tình trạng hoang mang và đau yếu như vậy. Tôi van nài anh chị em những người đang sống không có ân nghĩa với Chúa. Ngay giờ này, ngay hôm nay, tức khắc đứng lên, anh chị em hãy tìm mọi cách để làm hòa cùng Chúa đi.”

Tử vong tại Tây Ban Nha đã lên đến 13,341 người, trong số 136,675 trường hợp nhiễm coronavirus. Số trường hợp tử vong trong 24 giờ qua tại quốc gia này là 700 người. Một tín hiệu đáng mừng là trong 4 ngày liên tiếp số trường hợp nhiễm bệnh mới trong 24 giờ đã sụt giảm.

Tử vong tại Ý đã lên đến 16,523 người, trong số 132,547 trường hợp nhiễm coronavirus, tức là có 636 người chết trong 24 giờ qua.

Tử vong tại Đức đã lên đến 1,810 người, trong số 103,375 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ qua, thiệt hại nhân mạng tại Đức là 226 người, là con số tử vong trong một ngày cao nhất từ trước đến nay.

Tử vong tại Pháp đã lên đến 8,911 người, trong số 98,010 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ qua, có 833 trường hợp tử vong tại Pháp.

Tử vong tại Anh đã lên đến 5,373 người, trong số 51,608 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ qua, có 439 trường hợp tử vong tại Anh. Như vậy, trong 3 ngày liên tiếp, số trường hợp tử vong tại Anh đã sút giảm.

Tử vong tại Úc đã lên đến 46 người, trong số 5,895 trường hợp nhiễm coronavirus. Một tin đáng mừng là với tỷ số tuyệt đối 7/7, Tối Cao Pháp Viện Úc Đại Lợi đã truyền rằng Đức Hồng Y George Pell hoàn toàn vô tội. Tạ ơn Chúa, Alleluia, Alleluia.

Chánh án Tòa án Tối cao Susan Kiefel đã đưa ra phán quyết tại Brisbane, nơi bà cư trú lúc 10 giờ sáng ngày thứ Ba, theo giờ địa phương.

Tòa án Tối cao truyền rằng có một khả năng quá đáng kể là một người vô tội đã bị kết án oan sai vì các bằng chứng đưa ra không xác định được các tội danh bị cáo buộc so với các tiêu chuẩn chứng minh cần thiết.

Bản tóm tắt phán quyết của Tối Cao Pháp Viện nói: “Tối Cao Pháp Viện thấy rằng bồi thẩm đoàn, nếu hành động một cách hợp lý dựa trên toàn bộ các bằng chứng, cần phải có sự nghi ngờ về lời tố cáo của của người nộp đơn liên quan đến từng tội trạng mà Đức Hồng Y đã bị kết án, và truyền rằng các phán quyết bị hủy bỏ và phán quyết sự tha bổng có hiệu lực tức khắc”. Quyết định đầy đủ gồm 26 trang đã được công bố trực tuyến tại đây.

Vì tình hình dịch bệnh, sáu thẩm phán khác vẫn ở nhà trong khi quyết định được tweet và công bố trực tuyến.

Lúc 11:56 phút giờ địa phương, Đức Hồng Y George Pell đã rời nhà tù Barwon tại Geelong, tiểu bang Victoria.

Andrew Bolt, nhà báo chuyên viết xã luận của News Corp, một trong những người bảo vệ nổi bật nhất của Đức Hồng Y Pell, viết trên blog của mình rằng:

Việc giam cầm Đức Hồng Y George Pell đã là một trong những vụ sẩy thai công lý lớn nhất ở đất nước này.

Việc hủy bỏ các phán quyết chống lại Đức Hồng Y Pell, không thể xóa nhòa một lịch sử bị bôi bẩn của chúng ta.

Đức Hồng Y Pell đã bị hủy hoại danh tiếng, sự nghiệp bị tiêu tan, tiền tiết kiệm bị mất và tự do bị đánh cắp trong 404 ngày.

Nhục nhã trên tất cả là những kẻ tham gia vào cuộc săn phù thủy này, và những kẻ say máu trừng phạt những người cố gắng nói lên công lý.

Nhục nhã thay các chính trị gia ngày nay vẫn tweet như thể Đức Hồng Y Pell thực sự có tội.

Nhà báo Andrew Bolt cũng tuyên bố rằng phán quyết của tòa án tối cao đã làm nhục nhã cảnh sát Victoria và tòa án phúc thẩm.

Ông đặc biệt chỉ trích ABC News, là cơ quan truyền thông mà ông khẳng định rằng “đã bách hại Đức Hồng Y Pell trong nhiều năm với những tuyên bố sai lầm và chưa từng bao giờ có xướng ngôn viên nào bày tỏ nghi ngờ về cuộc thập tự chinh này nhằm tiêu diệt Đức Hồng Y”.

Điện tặc tấn công buộc các bệnh viện tại Anh và tại Mỹ trả tiền chuộc

Khi các bệnh viện trên khắp thế giới đang phải vật lộn để đối phó với dòng bệnh nhân COVID-19, bọn tội phạm trên Internet đang khai thác cuộc khủng hoảng này và đòi các bệnh viện phải trả tiền chuộc. Interpol đã đưa ra lời cảnh báo toàn cầu cho các tổ chức chăm sóc sức khỏe về các cuộc tấn công ransomware, trong đó bọn tội phạm khoá các hệ thống máy tính của các tổ chức y tế cho đến khi tiền chuộc được trả.

Interpol đã đưa ra lời cảnh báo này sau khi các cơ quan tình báo của Vương quốc Anh báo cáo về hàng loạt các cuộc tấn công trực tuyến nhắm vào hệ thống Dịch Vụ Y Tế Quốc Gia của Anh, gọi tắt là NHS. Ít nhất 34 bệnh viện tại Anh đã bị tấn công trong tuần qua.

Sau các vụ tấn công này NHS Digital đã ban hành hướng dẫn cho các dịch vụ y tế trên toàn quốc, cảnh báo về các hoạt động mạng độc hại liên quan đến COVID-19.

Các nhân viên y tế Anh được hướng dẫn cách phát hiện các mưu toan tấn công của tin tặc để lừa các nhân viên nhấn vào các đường dẫn đưa đến các trang web độc hại hoặc mở các hồ sơ đính kèm cho phép bọn tội phạm xâm nhập vào hệ thống máy tính của họ.

Đội phản ứng trước các đe dọa tội phạm mạng của Interpol cho biết họ đã phát hiện một sự “gia tăng đáng kể” các loại tấn công như thế, đặc biệt là sự gia tăng số lượng các cuộc tấn công ransomware nhắm vào các tổ chức y tế trên thế giới. Cho đến nay Ukraine, Nga và Anh là các quốc gia bị tấn công tàn bạo nhất.

Interpol yêu cầu tất cả 194 quốc gia thành viên của mình hợp tác với ngành an ninh mạng để thu thập thông tin về các vụ tấn công cũng như hỗ trợ lực lượng cảnh sát quốc gia.

Jurgen Stock, thư ký của Interpol, đã cảnh báo rằng các cuộc tấn công có thể gây chết người vì chúng tấn công ngay trong tình trạng các tài nguyên đã bị trưng dụng đến mức tối đa để đối phó với trận đại dịch coronavirus kinh hoàng này.

“Khi các bệnh viện và các tổ chức y tế trên thế giới đang làm việc không ngừng nghỉ để bảo vệ sức khoẻ các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi coronavirus, thì thật không may là họ lại trở thành nạn nhân của những tội ác tàn nhẫn tìm kiếm lợi nhuận với giá phải trả là sinh mạng của các bệnh nhân,” ông nói.

“Việc khóa những hệ thống quan trọng của các bệnh viện sẽ không chỉ là làm trì hoãn các phản ứng y tế cấp bách trong thời gian chưa từng có này, mà nó còn có thể trực tiếp dẫn đến tử vong.”

NHS Digital cho biết 34 cuộc tấn công đã diễn ra trong tuần qua nhắm vào hệ thống y tế Anh quốc nhằm đòi tiền chuộc.

Ngoài các cơ quan y tế, Interpol cho biết các cơ quan khác cũng bị tấn công.

Các nhân viên của nhiều công ty nhận được email có chủ đề: “ALL STAFF: CORONA VIRUS AWARENESS” - “TẤT CẢ NHÂN VIÊN: NHẬN THỨC VỀ CORONA VIRUS” - nói với các nhân viên rằng “công ty hiện đang tổ chức một buổi hội thảo cho tất cả các nhân viên để nói về loại virus chết người này”, email này yêu cầu họ click vào một đường dẫn để đăng ký. Nhấn vào đó là dính ransomware.

Nhiều giáo xứ tại Anh cũng báo cáo với cảnh sát rằng giáo xứ nhận được một email từ YouTube cho biết thánh lễ trực tuyến của họ bị YouTube lấy xuống vì vi phạm copyright. Hốt hoảng nhấn vào đó là dính ransomware. Phát ngôn viên YouTube cho biết kẻ gian thường dùng một email từ YouTube.com.de, đó không phải là YouTube.

Trong thông báo chiều mùng 6 tháng Tư, FBI cho biết một trường trung học ở Massachusetts đã báo cáo rằng ai đó đã làm gián đoạn một lớp học ảo trên Zoom, hét lên những lời thô tục và tiết lộ địa chỉ nhà của các giáo viên. Một trường học khác ở cùng tiểu bang đó đã báo cáo một người truy cập vào một cuộc họp trên Internet của các giáo viên và hét lớn các khẩu hiệu chống Mỹ.

Trong thông báo hôm 4 tháng Tư, Interpol cũng đưa ra lời cảnh báo các gia đình và cá nhân về sự gia tăng các cuộc tấn công ransomware. Tình trạng lây lan rộng khắp toàn cầu đã khiến chính quyền các nước phải đưa ra những biện pháp kiểm dịch trên toàn thế giới. Điều này đã khiến mọi người phụ thuộc nhiều hơn vào internet để giao tiếp, làm việc, học hỏi và giải trí. Tín hữu các tôn giáo cũng gia tăng việc dùng internet để tham dự trực tuyến các cử hành tôn giáo. Trong bối cảnh đó, bọn tội phạm đã gia tăng các cuộc tấn công. Nếu quý vị và anh chị em nhận được email yêu cầu nhấn vào một đường dẫn nào đó, đừng nhấn. Đó là cách bảo vệ mình và gia đình đơn giản nhấn. Đừng nhấn, và chỉ vào các web sites quen thuộc.