GIÁM MỤC TRUYỀN GIÁO PHÊRÔ MARIA PHẠM NGỌC CHI (1909-1988)

Mở đầu sứ vụ truyền giáo ở Bùi chu (1950-1954)

Ngày 27- 11-1948, ĐC Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn qua đời. Tòa thánh đặt cử ĐC Lê Hữu Từ, Giám Mục Phát Diệm làm giám quản Bùi Chu. Mãi đến ngày 3-2-1950, ĐGH Pio XII mới đặt cử Cha Phạm Ngọc Chi làm Giám Mục Bùi Chu, hiệu tòa Sozopolis. Tuy chưa thụ phong, thì ngày 21-3-1950, ĐC đã vội về nhậm chức, bằng tàu Hòa Bình. Vì Bùi Chu trống tòa đã lâu. Lễ tấn phong ngày 4-8-1950, nhằm lễ thánh Đa Minh, quan thày ĐC Hồ Ngọc Cẩn. Lễ tấn phong Giám mục tại lễ đài trước nhà thờ chính tòa Bùi Chu, do ĐC Lê Hữu Từ chủ phong, và ĐC Ngô Đình Thục phụ phong, với sự tham dự hàng ngàn quan khách và hơn 20.000 giáo dân.

ĐC Phạm Ngọc Chi về địa phận trong tình hình chính trị và quân sự phức tạp và chiến tranh ngày càng ác liệt. Nhiều vùng ‘‘xôi đậu’’... Ngài khôn khéo đưa đời sống giáo dân vào trật tự và yên ấm. Trước hết là sắp xép lại nhân sự, rồi song song, liên tục và lâu dài là mở mang dòng tu.

Về mặt truyền giáo, ĐC đã tìm cách phát triển, gia tăng nếp sống đạo của giáo dân. Để giúp giáo dân sống đức tin, ĐC tổ chức tuần cấm phòng luân phiên tại các xứ. Do đoàn giảng phòng hướng dẫn và tổ chức, hàng năm hay các dịp đặc biệt. Kết quả rất tốt. Nhiều người khô khan trở lại sống đạo tốt. Tại nhà thờ chính tòa Bùi Chu, hàng tháng có tổ chức các buổi thuyết trình về Đức Mẹ. Lôi cuốn và gây thích thú cho nhiều người trí thức lẫn giáo dân. Từ đây, hội Mẫu Tâm được thành lập để cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ.

Chú trọng tới truyền giáo. ĐC thành lập ‘‘Đoàn Truyền Giáo’’ gồm những giáo dân trẻ thiện chí có khả năng dạy giáo lý. Họ được các linh mục chuyên môn hướng dẫn đem về các miền nhiều tân tòng, ở miền biển Hải Hậu. Từ 1950-1954, có 40.000 trở Iại.

Mở mang văn hóa. Từ 1949, Trung Học Hồ Ngọc Cẩn được thành lập, ĐC lo cho trường thành công lập. Dùng tiền nhà xứ để mở trường tiểu học cho giáo xứ. Từ 1950-1954, 50 trường tiểu học và 259 trường sơ cấp. Tuần báo ‘‘Thời Mới’’ phát hành năm 1950, cơ quan thông tin của giáo phận.

Những năm di cư chuyển tiếp ở Sài Gòn (1954-1957)

Hiệp định Genève tạo thành cuộc di cư vĩ đại. Gần một triệu người từ bắc di cư vào nam. Tại Sài gòn, Đức Khâm Sứ Dooley ủy thác cho Ngài việc coi sóc hàng giáo sỹ di cư. ĐC Cassaigne ủy toàn quyền cho ngài phụ trách di cư trong giáo phận Sàigòn. Thực tế, ngài phụ trách đồng bào di cư toàn miền nam. Chính phủ yêu cầu và đặt ĐC làm chủ tịch ủy ban Hỗ Trợ Định Cư, trực thuộc Tổng Ủy Di Cư. Công việc của UB này là liên lạc với cơ quan viện trợ công giáo Mỹ. Văn phòng này có linh mục Louis Trần Phúc Vỵ, giáo sư chủng viện Phát Diệm, cùng làm việc. Hai nhiệm vụ quan trọng là coi sóc hàng giáo sỹ di cư và định cư cho gần một triệu người từ Phú Quốc Cà Mau kéo dài tới Quảng Trị Bến Hải. Tìm đất định cư, cung cấp lương thực và phương tiện vật liệu xây dựng nhà cửa. Người ta thấy ĐC có mặt những nơi thăm dò tìm đất, hay khánh thành nhà thờ trường học.

Hết khó khăn này đến khó khăn khác. Toàn là bắt đầu. Ngày 5-1-1957, Thánh Bộ Truyền Giáo Tòa Thánh ủy nhiệm ĐC thành lập Công Giáo Tiến Hành. Ngày 18-1-1957, ĐC đã mua ngôi nhà bốn tầng làm trụ sở, ở số 72/12 Nguyễn Đình Chiểu, Tân Định. Mua ngôi nhà này do tài trợ của Tòa Thánh qua Đức Khâm Sứ Giuse Caprio, công giáo Tây Đức và công giáo Hoa Kỳ. Sau này đã trở thành Trung Tâm Công Giáo VN. Khi ĐC Chi đi Qui Nhơn, ĐC Lê Hữu Từ thay cho đến 1961. Sau này, lần lượt làm giám đốc là : Cha Nguyễn Viết Cư (gốc Vinh), Cha Nguyễn Quang Trọng (Cần Thơ). Trung tâm còn có ba sinh hoạt khác : Bác Ái, Giáo dục công giáo, và Thông Tin Báo Chí Công Giáo.

Cánh Đồng truyền giáo ở Qui nhơn (1957-1963)

Ngày 5-7-1957, Tòa Thánh đặt Đức Cha Phạm Ngọc Chi làm giám quản giáo phận Qui Nhơn và năm 1960, trở thành giám mục chính tòa Qui Nhơn. Từ 1944, vì chiến tranh, ĐC Marcel Piquet Lợi quản nhiệm Qui Nhơn, nhưng Ngài luôn ở Nha Trang. Từ Sàigòn ra, ĐC Chi về nhậm chức, không có ai bàn giao, không có tiền bạc. Các chủng viện đóng cửa từ lâu. Tòa giám mục do Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến xử dụng. ĐC Chi tạm trú ở đại chủng viện bỏ trống. Nhiều linh mục, tu sỹ gốc Phát Diệm Bùi Chu xin theo làm việc với ĐC. Về tài chánh nhờ Tòa Thánh, Caritas quốc tế và ân nhân.

Có thể nói, Qui Nhơn mới là địa bàn đem lại kết quả nhiều nhất về truyền giáo.

Từ 1958, phong trào tòng giáo sâu rộng lớn mạnh, ước lượng từ 50. 000 lên đến 100.000 người. Qui Nhơn phải huy động đào tạo 200 giáo lý viên nhờ Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đồng Công và một số linh mục Phát Diệm cộng tác như Cha Lucas Mai Học Lý, cựu giám đốc Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc, cha Nguyễn Đức Nhung, cha Trần Văn Hòa.

Qua tài liệu di cảo của Cha Mai Học Lý, nhà văn Phạm Đình Khiêm ghi bút hiệu Đức Khiêm đã viết trong cuốn Thánh Giuse, ghi lại : Phong trào tân tòng ở địa phận Qui Nhơn hồi ấy phát triển kỳ diệu, riêng khu Đông Mỹ (Phù Mỹ) của cha chính Mai Học Lý với một số linh mục Phát diệm mở rộng tới 40 họ đạo mới.(trang 101)

Ba vùng truyền giáo lớn:

- Vùng Châu Ổ (Quảng Ngãi), do các cha DCCT đảm trách, có 26 địa điểm, với 2.300 dự tòng.

- Vùng Mỹ Chánh (Bình Định), do dòng Đồng Công, có 7 địa điểm, với 1.492 dự tòng

- Vùng Đông Mỹ (Phú Yên), do các cha Phát Diệm, có 40 địa điểm, với 3.200 dự tòng.

Kết quả thật bất ngờ, có lần rửa tội cho 1. 500 hay 3.000 người. ‘‘Mẻ cá rất lớn’’ không thể tưởng tượng. Hàng trăm nhà thờ được xây cất. Qui Nhơn quá rộng. Nên Đức Cha xin Tòa Thánh phân Qui Nhơn làm hai. Ngài xung phong đi địa phận mới Đà Nẵng.