1. Ðức Thánh Cha Phanxicô tôn vinh sự hy sinh của các nhân viên y tế đã chết trong đại dịch Covid-19.

Ngày 20 tháng 2 năm 2021, trong thư gửi Đức Cha Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự Sống, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh của các nhân viên y tế, đặc biệt là những người đã qua đời khi phục vụ trong đại dịch Covid-19.

Thư đã được Đức Cha Paglia đọc trong một nghi thức được Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống cử hành trực tuyến để tưởng niệm các nhân viên y tế đã qua đời trong đại dịch Covid-19. Sự kiện này được tổ chức nhân dịp một năm phát hiện ca nhiễm coronavirus ở thị trấn Codogno của Ý. Hồi tháng 11 năm 2020, chính phủ Ý đã thiết lập ngày này, ngày 20 tháng 2, là ngày toàn quốc dành cho các nhân viên y tế.

Trong thư Ðức Thánh Cha khen ngợi các nhân viên y tế đã thực hành nghề nghiệp cách quảng đại, đôi khi anh hùng, như sống một sứ vụ. Ngài viết: “Tấm gương của rất nhiều anh chị em của chúng ta, những người đã chịu nguy hiểm đến mức hy sinh mạng sống, khơi dậy lòng biết ơn sâu sắc trong tất cả chúng ta, và là lý do để chúng ta suy ngẫm. Trước sự tự hiến như vậy, toàn thể xã hội được thử thách để làm chứng ngày càng vĩ đại hơn về tình yêu thương tha nhân và quan tâm đến người khác, đặc biệt là những người yếu đuối nhất”.

Ðức Thánh Cha nói rằng “sự cống hiến của các nhân viên y tế, ngay cả hiện nay, đang làm việc trong các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe là một 'thuốc chủng ngừa' chống lại chủ nghĩa cá nhân và vị kỷ, và thể hiện ước muốn chân thực nhất ở trong trái tim con người: được gần gũi với những người khốn khổ nhất và hy sinh bản thân vì họ.”

Ðức Thánh Cha cũng bảo đảm sự gần gũi thiêng liêng với những người tham gia sự kiện tưởng niệm: “Tôi tham gia cách thiêng liêng với tất cả những người tụ họp cho sự kiện kỷ niệm quan trọng này, và tôi gửi lời chúc lành đến quý vị.”

Trong năm qua, Ý đã ghi nhận gần 3 triệu trường hợp nhiễm Covid-19 và hơn 95,000 trường hợp tử vong. Theo Liên đoàn Quốc gia về bác sĩ phẫu thuật và nha sĩ, tính đến ngày 18 tháng 2 năm 2021, ước tính có 324 bác sĩ đã chết ở Ý do đại dịch coronavirus.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận nhân đức anh hùng của các nữ tu tử vong trong đợt bùng phát dịch Ebola

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận nhân đức anh hùng của ba nữ tu người Ý đã chết vì bệnh Ebola ở Phi Châu trong đợt bùng phát dịch năm 1995.

Sơ Floralba Rondi, Sơ Clarangela Ghilardi, và Sơ Dinarosa Bellerini là thành viên của dòng Nữ tu Người nghèo Palazzolo, và được cử đi truyền giáo tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ở đó, khi đang phục vụ người nghèo, các sơ đã mắc bệnh và chết vì sốt xuất huyết Ebola trong vòng ba tuần, khi dịch bệnh bùng phát ở Kikwit. Các sơ ở độ tuổi 50 và 60.

Trong sáu tháng, 245 người chết vì dịch bệnh bùng phát, bao gồm cả các thành viên khác của dòng Nữ tu Người nghèo Palazzolo.

Hôm 20 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận các nhân đức anh hùng của ba nữ tu. Với sắc lệnh này, giờ đây các nữ tu được gọi là các “Bậc Đáng Kính”.

Đức Thánh Cha cũng ghi nhận nhân đức anh hùng của Elisa Giambelluca, sinh năm 1941 và qua đời năm 1986, một nữ giáo dân người Ý và là thành viên của Phong trào Teresiana; Sơ Maria Felicita Fortunata Baseggio, sinh năm 1752 và qua đời năm 1829, một nữ tu người Ý của Dòng Thánh Augustinô; và Cha Ignatius Spencer, sinh năm 1799 và qua đời năm 1864, một linh mục người Anh của Dòng Thương khó Chúa Giêsu Kitô đã cải đạo từ Anh giáo sang Công Giáo.

Cha Albino Alves da Cunha e Silva, một linh mục người Bồ Đào Nha ở thế kỷ 20 cũng được công nhận là đã sống một cuộc đời với nhân đức anh hùng.

Vài năm sau khi Cha Silva được thụ phong linh mục, cuộc cách mạng năm 1910 bùng nổ ở Bồ Đào Nha và Chính phủ lâm thời theo xu hướng bài giáo sĩ lên nắm quyền, trục xuất các tu sĩ Dòng Tên và các linh mục dòng khác, đóng cửa các hội dòng, cấm giảng dạy tôn giáo trong trường học và thể chế hóa việc ly hôn hợp pháp.

Không chịu khuất phục, Cha Silva bị bắt, nhưng trước khi bị đày sang châu Phi, ngài đã trốn thoát, sau đó được bí mật đưa vào Tây Ban Nha, cuối cùng được đưa lên thuyền sang Brazil.

Ở đó, ngài phục vụ với tư cách là một linh mục quản xứ ở Catanduva, nơi ban đầu ngài không được chào đón cho lắm. Cha Silva cuối cùng đã chiếm được tình cảm và sự tin tưởng của cộng đồng. Ngài đã xây dựng một nhà thờ mới, một bệnh viện và một ngôi nhà cho người già.

Cha Silva cũng thành lập các trường đại học, bao gồm một khoa y để đào tạo các bác sĩ làm việc trong bệnh viện của ngài.

Trong những năm cuối đời, sức khỏe yếu, Cha Silva thường trú tại bệnh viện, đích thân giúp đỡ bệnh nhân và các công việc khác. Ngài mất năm 1973, hai ngày trước sinh nhật lần thứ 91 của mình.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha công nhận phép lạ diệu kỳ liên quan đến tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Ý

Vào ngày 20 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chấp thuận một phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của Bậc Đáng Kính Armida Barelli, một nữ giáo dân người Ý từng là thành viên vĩnh khấn của Dòng Ba Phanxicô và là người đồng sáng lập Học viện những Người Truyền bá Vương quyền của Chúa Kitô.

Bậc Đáng Kính Barelli được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 15 bổ nhiệm làm chủ tịch của tổ chức Thanh niên Nữ sinh Công Giáo Quốc gia vào năm 1918, và vào năm 1921, cô thành lập “ Hiệp hội những người bạn của Đại học Công Giáo”, một lần nữa theo yêu cầu của Đức Bênêđíctô 15.

Bậc Đáng Kính Barelli đã dành phần lớn cuộc đời mình để truyền bá đặc sủng Dòng Phanxicô. Barelli mất năm 1952, vài năm sau khi bắt đầu chịu ảnh hưởng của một căn bệnh ngày càng trầm trọng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y việc nhìn nhận một phép lạ nhờ sự chuyển cầu của Bậc Đáng Kính Barelli, vì thế Barelli sẽ được phong chân phước.

Điều kỳ diệu xảy ra ở Prato, Ý vào năm 1989. Một phụ nữ 65 tuổi, tên là Alice Maggini, bị chấn động mạnh khi bị xe tải tông khi đang đạp xe. Tai nạn nghiêm trọng đến mức các bác sĩ dự đoán bà Alice Maggini không thể nào sống nổi và nếu có sống cũng khật khùng vì bị tổn thương não nghiêm trọng.

Khi bà qua được thời kỳ nguy hiểm đến tính mạng, các bác sĩ dự đoán Maggini sẽ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về thần kinh do vụ tai nạn này, nhưng sau khi gia đình bà cầu nguyện nhờ sự chuyển cầu của Barelli, bà đã bình phục hoàn toàn một cách khó hiểu và tiếp tục sống khoẻ mạnh cho đến năm 2012 thì chết vì nguyên nhân tự nhiên là già yếu, thọ 88 tuổi.


Source:Catholic News Agency

4. Năm 2021 ngân sách Tòa Thánh thiếu hụt gần 50 triệu Euro.

Ngân sách năm 2021 của Tòa Thánh, dự kiến sẽ bị thiếu hụt 49.7 triệu Euro.

Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh, công bố hôm 19 tháng 2 năm 2021, cho biết ngân sách năm 2021 đã được Hội đồng Kinh tế của Tòa Thánh thảo luận và chấp thuận trong cuộc họp trực tuyến hôm 16 tháng 2 năm 2021, và được Đức Thánh Cha phê chuẩn chiều 18 tháng 2 năm 2021, theo đó số thu nhập năm 2021 của Tòa Thánh là 260.4 triệu Euro và số chi sẽ là 310.1 triệu Euro, và như vậy sẽ hụt 49.7 triệu Euro, tương đương với 60 triệu Mỹ kim, do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế vì đại dịch.

Lần đầu tiên, theo chủ trương minh bạch và cải tổ, Ngân sách năm 2021 của Tòa Thánh bao gồm cả ngân khoản gọi là “Ðồng tiền thánh Phêrô” và các khoản thu nhập khác. Nếu không kể các khoản tiền này, thì số thiếu hụt của Tòa Thánh trong năm 2021 sẽ lên tới 80 triệu Euro.

Vì đại dịch, số thu nhập của Tòa Thánh bị giảm 21% trong năm 2020 so với năm 2019 trước đó. Thu nhập này đến từ các hoạt động thương mại, dịch vụ, tiền cho thuê nhà, cũng như số tiền các tín hữu dâng cúng hoặc đóng góp.

Ngân sách năm 2021 của Tòa Thánh cũng phản ánh cố gắng lớn để giảm chi: ngoại trừ tiền lương nhân viên, các chi phí khác giảm bớt 24 triệu Euro tức là ít hơn 14% so với năm 2019. Một trong các ưu tiên được Đức Thánh Cha nhấn mạnh là duy trì công ăn việc làm trong thời buổi khó khăn nay.

Phần lớn tài nguyên của Tòa Thánh, tương đương với 68%, được dành cho các hoạt động tông đồ, 17% dành cho việc quản lý gia sản và các tài sản khác, 15% cho việc quản trị và các dịch vụ. Nếu số tiền dâng cúng vẫn ở mức độ như dự kiến, thì số thiếu hụt sẽ được bù đắp bằng cách sử dụng tiền dự trữ của Tòa Thánh.


Source:Catholic World News