1. Ấn Giáo cực đoan xông vào nhà thờ ca hát đánh đập, bắt bớ các tín hữu

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, trong bản tin hôm thứ Ba 19 tháng 10 ghi nhận rằng tình trạng bất khoan dung chống Kitô Giáo đã có một bước ngoặt mới ở bang Karnataka, Ấn Độ. Bây giờ đã là một thông lệ, mỗi Chúa Nhật hàng tuần, những người theo Ấn Giáo cực đoan vào nhà thờ để hát những bài hát Ấn Giáo khiêu khích nhằm đe dọa những người thờ phượng có mặt tại đây.

Hôm Chúa Nhật 17 tháng 10, các thành viên của Bajrang Dal và Vishwa Hindu Parishad, hai tổ chức Ấn Giáo cực đoan hung hăng, đã tiến vào Nhà thờ Bairidevarkoppa, Hubbali, hát bhajans, tức là các bài hát tôn giáo của Ấn Giáo.

Các chiến binh thánh chiến Ấn Giáo này cho rằng hành động của họ được thúc đẩy bởi các cuộc cải đạo cưỡng bức được cho là được thực hiện trong nhà thờ đó.

Một đoạn video quay lại vụ việc cho thấy vài chục người ngồi hát thánh ca Ấn Giáo với hai tay giơ cao trên đầu cầu nguyện.

Linh mục Somu Avaradhi nói rằng họ đã bị tấn công khi cố gắng ngăn chặn hành động khiêu khích. Nhiều người bị thương nhẹ và sau đó được điều trị tại bệnh viện.

Cuối cùng, cảnh sát địa phương đã bắt giữ linh mục Avaradhi sau đơn kiện của một người Ấn Giáo mơ hồ nào đó. Anh ta tuyên bố rằng anh ta đã được đưa đến nhà thờ để được cải đạo.
Source:Asia News

2. Đức Tổng Giám Mục Toledo cử hành nghi thức phạt tạ tại nhà thờ chính tòa thành phố

Hôm Chúa Nhật 17 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Francisco Cerro Chaves của Toledo đã thực hiện nghi thức phạt tạ tại nhà thờ chính tòa của thành phố, sau khi cha sở cho mượn nhà thờ để quay một video ca nhạc bao gồm các cảnh khiêu vũ nóng bỏng và các cử chỉ dâm ô trong nhà thờ.

Nghi thức phạt tạ diễn ra tại nhà thờ chính tòa Toledo vào ngày 17 tháng 10 khi bắt đầu giai đoạn khai mạc của đại hội đồng giáo phận do Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập. Đức Tổng Giám Mục cầu xin sự tha thứ cho “sự cẩu thả trong việc chăm sóc và tôn trọng nhà thờ.”

Tangana, ca sĩ nhạc ráp người Tây Ban Nha đã phát hành một video âm nhạc cho bài hát “Ateo”, nghĩa là Người vô thần vào ngày 7 tháng 10, được thực hiện với ca sĩ người Á Căn Đình Nathy Peluso. Trong video, cả hai thực hiện những vũ điệu gợi dục và khiêu khích bên trong thánh đường, cùng các cử chỉ dâm ô khác.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Cerro cũng đề cập đến “sự lạm dụng những người dễ bị tổn thương” và “những tội lỗi chống lại sự hiệp nhất và hiệp thông trong Giáo hội, do những lời chỉ trích mang tính phá hoại, cố ý hoặc thiếu suy nghĩ và hời hợt”.

Bên cạnh đó, Đức Tổng Giám Mục còn cầu xin sự tha thứ vì “sự vô luân và đồi bại đã tạo điều kiện và đẩy các cá nhân vào sự suy thoái về đạo đức hoặc thể chất, làm tan rã các mối quan hệ gia đình, và làm mờ đi các giá trị đích thực của cuộc sống.”

Cha Juan Miguel Ferrer Grenesche, cha sở của nhà thờ chính tòa Toledo, đã từ chức từ ngày 16 tháng 10 vì đã nhận 15,000 euro, tức là 17,000 Mỹ Kim để đổi lấy việc cho mượn thánh đường quay video âm nhạc. Số tiền này đã không được báo cáo cho tổng giáo phận cho đến khi nội vụ vỡ lở. Số tiền trên đã được giao cho các hoạt động bác ái dành cho người nghèo của tổng giáo phận.

Trước khi ra đi, Cha Juan Miguel nói với Europa Press:

“Tôi thừa nhận tất cả những lời chỉ trích và nhìn nhận là tôi đã sai, nhưng khi họ sửa chữa cho tôi, tôi thích nó được thực hiện với lòng bác ái và sự tôn trọng.”

Tuy nhiên, trước đó, vị linh mục đã tỏ ra mất bình tĩnh và phê phán nặng lời anh chị em giáo dân. Ngài lớn tiếng chỉ trích “một số thái độ không khoan dung, trái ngược với sự hiểu biết và đón nhận Giáo hội, như được thể hiện trong các cảnh cuối cùng của video.”

Theo Cha Juan Miguel, “video trình bày câu chuyện về sự hoán cải nhờ tình người. Lời ca của bài hát này như sau: ‘Tôi là một người vô thần, nhưng bây giờ tôi tin rằng, bởi vì một phép lạ như thế nên Ngài đã phải từ trên trời xuống thế’”.

Đối với nhiều người, câu hát được Cha Juan Miguel trích dẫn là hời hợt, chẳng ra ngô ra khoai gì, thậm chí là vô nghĩa. Anh chị em giáo dân cho rằng bất kể chuyện phim là gì, việc thực hiện các hành vi dâm ô bên trong nhà thờ là không thể chấp nhận được.


Source:Catholic News Agency

3. Các nhà lãnh đạo Giáo hội Á Châu tuyên bố sẽ lắng nghe các tín hữu khi tiến trình thượng hội đồng bắt đầu

Các nhà lãnh đạo Giáo hội trên khắp Á Châu hứa hẹn sẽ lắng nghe các tín hữu khi giai đoạn cấp giáo phận của Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị chính thức bắt đầu vào hôm Chúa Nhật, ngày 17 tháng 10.

“Chúng ta hãy tạo cơ hội để lắng nghe và đối thoại ở cấp địa phương thông qua Thượng hội đồng này,” Đức Hồng Y Jose Advincula, Tổng Giám mục Manila, nói trong bài giảng của ngài trong Thánh lễ khai mạc.

Ngài nói rằng bằng cách lắng nghe, Giáo hội sẽ có thể chia sẻ sứ mệnh của mình với mọi người đồng thời biến quan điểm của mọi người trở thành một phần của “cuộc hành trình đồng nghị”.

Đức Hồng Y Advincula nói: “Trong gia đình của Thiên Chúa, bạn có tiếng nói và tiếng nói của bạn có giá trị,” và nhấn mạnh rằng quá trình này sẽ liên quan đến càng nhiều người càng tốt”.

Ở Ấn Độ, Matters India dẫn lời Đức Hồng Y Oswald Gracias của Bombay kêu gọi mọi người “cùng nhau đi trên một con đường” trong tiến trình thượng hội đồng.

Ngài nói trong bài giảng: “Chúng ta phải gặp gỡ Chúa Giêsu qua lời cầu nguyện và các nghi thức tôn thờ và hãy lắng nghe những gì Thánh Linh muốn nói với Giáo Hội.

Đức Cha Emmanuel Trance của Catarman ở miền trung Phi Luật Tân nói với Veritas 846 do Giáo hội điều hành trong một cuộc phỏng vấn rằng Thượng hội đồng nên là một “cuộc gặp gỡ và khởi động tiến trình hiệp nhất trong Giáo hội địa phương của chúng ta”.

Ngài khuyến khích các tín hữu “không chỉ lắng nghe bên tai mà còn lắng nghe trong trái tim chúng ta”.

“Lắng nghe trong tiến trình thượng hội đồng này là lắng nghe những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, chúng ta hãy lắng nghe ngay cả các cộng đồng không phải là Kitô hữu”

Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân trước đó đã thông báo rằng “các vòng nhỏ” sẽ tập hợp tại các giáo xứ, trường học và cộng đồng giáo hội để “cùng nhau cầu nguyện” và thảo luận về các vấn đề ảnh hưởng đến Giáo hội trong tiến trình thượng hội đồng.

Thượng hội đồng hiện tại không phải là lần đầu tiên được tổ chức tại Phi Luật Tân. Năm 1582, Manila đã có thượng hội đồng đầu tiên dưới quyền giám mục đầu tiên của quốc gia này, là Đức Cha Domingo de Salazar, dòng Đa Minh, để thảo luận về quyền của các dân tộc bản địa dưới sự cai trị của Tây Ban Nha.

“Một Thượng hội đồng không chỉ là một hội đồng theo quan điểm của việc quản lý; đó là một sự triệu tập được hướng dẫn bởi Thánh Linh đối với thử thách của sứ mệnh,” một tuyên bố do Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles của Davao, chủ tịch hội đồng giám mục, công bố đầu tháng này.

Ngài nói rằng trong số các vấn đề sẽ được thảo luận trong các cuộc họp có “những thách thức” do đại dịch COVID-19 gây ra, cũng như các vụ tai tiếng lạm dụng tính dục và tài chính trong Giáo hội và trong chính phủ, chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa vật chất, cũng như sức mạnh của thế giới kỹ thuật số”.

Trong bài giảng hôm Chúa Nhật, Đức Hồng Y Advincula nói rằng các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, người già, những người trong lĩnh vực kinh doanh, các quan chức chính phủ, các thành viên của cộng đồng LGBTQ+, và những người lao động bình thường, trong số những người khác, sẽ được thảo luận trong suốt quá trình này.

“Chúng tôi muốn lắng nghe bạn. Chúng tôi muốn đồng hành cùng các bạn,” Đức Hồng Y nói. “Bất kể bạn cảm thấy mình đang ở bao xa với Giáo hội và thậm chí là xa Chúa, bạn vẫn có điều gì đó để đóng góp.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức khởi động tiến trình thượng hội đồng tại Vatican vào ngày 9 tháng 10 để thu hút toàn thể Giáo hội chuẩn bị cho kỳ họp thường lệ tiếp theo của Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 2023.
Source:Catholic News Agency