1. Nhận định về việc Nga mất 40 hệ thống pháo trong một ngày

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 40 Artillery Systems in One Day: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga mất 40 hệ thống pháo trong một ngày.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Lực lượng Nga đã mất 40 hệ thống pháo trong 24 giờ qua, quân đội Ukraine cho biết vào chiều thứ Ba.

Kể từ ngày 17 tháng 5, Mạc Tư Khoa đã mất gần 170 hệ thống pháo, theo số liệu cập nhật do Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine công bố hôm thứ Ba.

Hôm thứ Hai, Bộ Tổng tham mưu cho biết 20 hệ thống pháo binh của Nga đã bị phá hủy, với 29 thiệt hại được ghi nhận theo thống kê của Kyiv, được công bố vào Chúa Nhật. Điều này đưa tổng thiệt hại về pháo binh của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện lên tới 3.318, trên tổng số do Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo.

Pháo binh và nguồn cung cấp của nó đã đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực chiến tranh của cả 2 bên kể từ khi xung đột bùng nổ vào tháng 2 năm 2022.

“Cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành cuộc chiến bằng pháo binh”, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ cho biết hồi Tháng Giêng năm nay. Ukraine thường xuyên yêu cầu cung cấp pháo binh từ những người ủng hộ phương Tây.

Hoa Kỳ đã ưu tiên cung cấp pháo binh trong các đợt viện trợ quân sự của mình, bao gồm cả gói được hứa hẹn gần đây nhất do Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Lloyd Austin, công bố vào hôm Chúa Nhật. Bộ Quốc phòng cho biết trong một thông cáo báo chí rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm đạn dược cho HIMARS - hay Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao - mà họ đã gửi tới Ukraine, cũng như nhiều loại đạn pháo 155ly và 105ly.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tính đến ngày 21/5, Mỹ đã cung cấp hơn 160 khẩu pháo 155ly cũng như 72 khẩu 105ly và 38 HIMARS, cùng với hàng trăm hệ thống súng cối.

Vào ngày 8 tháng 4, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, một cơ quan cố vấn của Hoa Kỳ, cho biết các lực lượng Nga đang sử dụng pháo binh để “bù đắp khả năng tấn công đã xuống cấp của họ”.

ISW cho biết các chiến binh của Mạc Tư Khoa “vẫn phụ thuộc nhiều vào pháo binh để bù đắp những thiếu sót chính” của lực lượng họ ở các khu vực khác.

Quân đội của Điện Cẩm Linh sử dụng hàng loạt pháo binh để “san bằng các khu định cư trước khi chiếm giữ chúng”, ISW cho biết, bù đắp cho những thất bại như thiếu lực lượng không quân và kỹ năng tấn công kém.

Cũng trong ngày thứ Ba, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, Hanna Maliar, cho biết “số lượng các vụ pháo kích luôn ở mức cao” tại thành phố Bakhmut đang bị tranh chấp ác liệt của Ukraine. Lực lượng lính đánh thuê Wagner và Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã chiếm được khu định cư bị san bằng, nhưng Kyiv khẳng định giao tranh vẫn đang tiếp diễn.

“Chúng tôi có những bước tiến ở sườn phía bắc và phía nam của Bakhmut,” Maliar cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng giao tranh vẫn đang tiếp diễn ở các khu vực ngoại ô của thành phố.

Hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Nga đã lặp lại tuyên bố khẳng định việc chiếm được Bakhmut, nói rằng Kyiv đã “chịu thất bại ở thành phố Artemovsk,” ám chỉ khu định cư có tên thời Liên Xô.

2. NATO cho biết đào tạo phi công Ukraine trên F-16 không thể khiến họ trở thành một bên trong cuộc xung đột

Tổng thư ký của liên minh Jens Stoltenberg cho biết việc hỗ trợ Ukraine bằng cách đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu F-16 “không thể khiến NATO và các đồng minh của NATO trở thành một bên trong cuộc xung đột”.

Phát biểu với các phóng viên tại Brussels trước cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu, người đứng đầu liên minh hoan nghênh quyết định của một số đồng minh NATO bắt đầu đào tạo phi công Ukraine trên máy bay chiến đấu F16.

“Đây là một bước quan trọng, một phần sẽ cho phép chúng ta giao máy bay chiến đấu ở một số giai đoạn nhưng cũng gửi một tín hiệu rất rõ ràng rằng chúng ta sẽ ở đó lâu dài và Nga không thể chờ đợi chúng ta nản chí,” ông nói.

Stoltenberg nói tiếp rằng “quyền tự vệ được ghi trong hiến chương Liên Hiệp Quốc. Chúng ta giúp Ukraine duy trì quyền đó. Đó là quyền của chúng ta giúp họ bảo vệ luật pháp Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, chống chiến tranh xâm lược. Điều đó không khiến NATO và các đồng minh NATO tham gia vào cuộc xung đột, nhưng chúng ta đang hỗ trợ Ukraine tự vệ trước một cuộc chiến tranh xâm lược, một cuộc xâm lược tàn bạo của Putin.”

Tổng thống Joe Biden đã thông báo với các nhà lãnh đạo G7 hôm thứ Sáu rằng Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực chung với các đồng minh và đối tác để đào tạo phi công Ukraine trên máy bay thế hệ thứ tư, bao gồm cả F-16, một quan chức chính quyền cấp cao nói với CNN.

Sau khi Biden ủng hộ đào tạo phi công Ukraine lái máy bay F-16, Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã cảnh báo các nước phương Tây về “rủi ro to lớn” nếu Ukraine được cung cấp máy bay chiến đấu F-16, hãng truyền thông nhà nước Nga TASS đưa tin hôm thứ Bảy.

“ Trong mọi trường hợp, điều này sẽ được tính đến trong tất cả các kế hoạch của chúng tôi và chúng tôi có tất cả các phương tiện cần thiết để đạt được các mục tiêu đã đề ra,” Alexander Grushko nói.

3. Một phần của Bakhmut vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, quan chức an ninh quốc gia hàng đầu nói

Một phần của thành phố Bakhmut vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, cố vấn an ninh quốc gia của nước này Oleksiy Danilov nói với CNN hôm thứ Ba.

“Nếu người Nga tin rằng họ đã chiếm được Bakhmut, tôi có thể nói rằng điều đó không đúng. Tính đến ngày hôm nay, một phần của Bakhmut vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi,” Danilov nói với Phóng viên quốc tế cấp cao của CNN Frederik Pleitgen trong một cuộc phỏng vấn độc quyền hôm thứ Ba. “Tôi không thể nói tất cả, nhưng một phần của Bakhmut vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi.”

Danilov tiếp tục bảo vệ quyết định của Kyiv là giữ thành phố càng lâu càng tốt.

“Khi nói đến Bakhmut, đây là những quyết định được đưa ra ở cấp độ chiến lược. Công tác phòng thủ liên tục được kiểm soát tại các cuộc họp của Bộ Tổng tư lệnh. Chúng tôi hiểu lý do tại sao chúng tôi làm điều đó. Ở hướng Bakhmut, một số lượng lớn binh lính Nga đã thiệt mạng, không chỉ quân Wagner, mà cả lực lượng đặc nhiệm, lính dù và đại diện của các nhánh khác của quân đội Nga. Một lượng lớn thiết bị đã bị phá hủy, và họ đã sử dụng một lượng lớn đạn dược ở đó.”

“Đó là chiến dịch phòng thủ chiến lược của chúng tôi, đã thành công đối với chúng tôi, vì chúng tôi đã nắm giữ lãnh thổ trong 10 tháng, nơi chúng tôi tiêu diệt quân xâm lược hàng ngày,” ông nói thêm. “Họ không thể chiếm Bakhmut trong 10 tháng. Họ có thể khoe khoang về điều gì?”

Trùm Wagner, Yevgeny Prigozhin, tuyên bố vào cuối tuần qua rằng quân đội của ông đã chiếm được “tất cả các vùng lãnh thổ mà chúng tôi đã hứa sẽ chiếm được, đến từng cm vuông cuối cùng”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết các lực lượng Ukraine vẫn giữ được “một phần thành phố”

Về thời điểm phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine, Danilov cho biết Tổng thống Volodymyr Zelenskiy sẽ có tiếng nói cuối cùng.

“Chúng tôi đang làm việc theo kế hoạch của mình, chúng tôi có kế hoạch. Chúng tôi nhận thức rõ ràng khi nào, ở đâu, như thế nào và những gì nên bắt đầu,” ông nói. “Quyết định cuối cùng tùy thuộc vào Tổng thống, và cuộc họp của Bộ Tổng Tham Mưu.”

Ông kết luận: “Khi quyết định được đưa ra, Nga chắc chắn sẽ cảm nhận được điều đó.”

4. Nga cho biết máy bay phản lực của họ đã chặn 2 máy bay của Không quân Hoa Kỳ ở Biển Baltic

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Ba cho biết hai máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã bị các máy bay phản lực của Nga chặn ở Biển Baltic gần biên giới Nga.

Trong khi đó, Ngũ Giác Đài đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vụ việc và cho rằng đây là một “sự tương tác an toàn và chuyên nghiệp”.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết:

“Vào ngày 23 tháng 5 năm 2023, cơ quan kiểm soát không phận của Nga trên Biển Baltic đã phát hiện hai mục tiêu trên không tiếp cận Biên giới Nhà nước của Liên bang Nga”

“Để ngăn chặn vi phạm biên giới quốc gia của Liên bang Nga, một máy bay chiến đấu Su-27 của lực lượng phòng không Hạm đội Baltic đã được phóng lên không trung. Phi hành đoàn của máy bay chiến đấu Nga đã phân loại các mục tiêu trên không là hai máy bay ném bom chiến lược B-1B của Không quân Hoa Kỳ và việc nhanh chóng chiếm lĩnh vùng giám sát trên không đã được thực hiện.”

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hoạt động này được thực hiện “tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế về sử dụng không phận”.

Ngũ Giác Đài xác nhận rằng có một “sự tương tác” giữa hai máy bay ném bom B-1 của họ và các máy bay phản lực của Nga.

“Tôi hiểu rằng đó là một sự tương tác an toàn và chuyên nghiệp với máy bay Nga. Vì vậy, không có gì đáng kể để báo cáo về chuyện này,” Thư ký Báo chí Ngũ Giác Đài Không quân Brig. Tướng Pat Ryder cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba.

5. Tuyên truyền viên của Putin gợi ý các cuộc tấn công khủng bố chống lại phương Tây nhằm ngăn cản viện trợ cho Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Propagandist Floats Terrorist Attacks Against West Over Ukraine Aid”, nghĩa là “Tuyên truyền viên của Putin gợi ý các cuộc tấn công khủng bố chống lại phương Tây nhằm ngăn cản viện trợ cho Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một nhà phân tích truyền hình nhà nước Nga kêu gọi tấn công khủng bố chống lại phương Tây vì họ ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ đô la viện trợ và vũ khí để giúp nước này đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 2 năm 2022, mà các nhà phê bình cho là vô cớ và phi lý. Viện trợ quân sự của phương Tây được tường trình đã giúp các lực lượng Ukraine lật ngược tình thế của cuộc chiến, cho phép họ tiến hành các cuộc phản công để giành lại lãnh thổ bị tạm chiếm và ngăn chặn Nga đạt được những thành tựu đáng kể.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ này đã vấp phải sự lên án từ Mạc Tư Khoa khi các nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh cho rằng phương Tây đã vượt quá ranh giới bằng cách cung cấp cho Ukraine vũ khí mạnh mẽ, đặc biệt là những vũ khí cho phép quân đội của họ tiến hành các cuộc tấn công sâu bên trong Nga. Sự hỗ trợ đã thúc đẩy các mối đe dọa từ các nhà lãnh đạo và nhà phân tích Nga.

Mối đe dọa mới nhất đến từ nhà phân tích Igor Shishkin, giám đốc Viện các nước cựu Liên Xô, là người đã nói trong một lần xuất hiện trên truyền hình nhà nước Nga rằng “máu nên đổ” ở phương Tây vì sự ủng hộ của họ đối với Ukraine. Video về nhận xét của ông đã được dịch và đăng lên Twitter bởi nhà báo Julia Davis.

Shishkin cáo buộc phương Tây trở nên “trơ trẽn” hơn khi cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí mạnh hơn so với gói viện trợ ban đầu vì không có “sự trả đũa” nào từ phía Nga.

“Sức mạnh và nỗi sợ hãi là những thứ duy nhất hoạt động. Họ sẽ không dừng lại cho đến khi họ cảm thấy sợ hãi. Do đó, có hai lựa chọn,” ông ta nói. “Hoặc là hoàn thành thắng lợi chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhưng nếu điều đó không thể thực hiện được ngay bây giờ vì một lý do nào đó, thì những kẻ tiếp sức cho Kiev phải bắt đầu chịu tổn thất ngay bây giờ.” Người Nga gọi thủ đô Ukraine là Kiev trong khi chính người Ukraine gọi là Kyiv.

Ông nói tiếp: “Nếu Pháp cung cấp vũ khí giết người Nga, máu sẽ đổ trên đường phố Pháp. Nếu Đức gửi xe tăng giết lính Nga, máu sẽ chảy trên đường phố Đức.”

Shishkin cho biết các cuộc tấn công này nên được tiến hành thông qua “các lực lượng ủy nhiệm”, gợi ý rằng một “chiến binh chống lại chủ nghĩa thực dân” có thể tiến hành các cuộc tấn công này thay mặt cho Mạc Tư Khoa mà không nêu tên bất kỳ tổ chức khủng bố cụ thể nào.

Ông chỉ nhận được phản hồi từ một nhà phân tích khác, Dmitry Lekuh, người thay vào đó đề nghị Nga nên tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân chống lại phương Tây như một hình thức trừng phạt khác.

“Nếu chúng ta tham gia vào những hành động này, chúng ta sẽ không tấn công giới tinh hoa. Nếu chúng ta trở thành một quốc gia khủng bố, điều đó sẽ có hại cho chúng ta chứ không phải cho họ. Nếu đột nhiên chúng ta cảm thấy mình giống như một quốc gia khủng bố, tôi thà đánh bom hạt nhân vào London,” ông nói.

Newsweek đã liên hệ qua email tới Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

Những người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga đã đưa ra một số lời đe dọa hoặc kêu gọi bạo lực chống lại phương Tây kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Luận điệu được sử dụng trên truyền hình nhà nước thường đi xa hơn so với luận điệu của các quan chức Nga, những người đã đưa ra những tín hiệu lẫn lộn về việc liệu họ có ủng hộ các hành động chống lại phương Tây hay không. Tuy nhiên, những phương tiện truyền thông này được coi là đi theo đường lối của Điện Cẩm Linh, vì nhà cầm quyền Nga đã đàn áp tất cả những người bất đồng chính kiến trong chiến tranh.

6. Nguyên soái không quân đã nghỉ hưu nhận định Nga sẽ phải 'lo lắng' về F-16 vì hai lý do

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Will Be 'Nervous' Over F-16s for Two Reasons: Retired Air Marshal”, nghĩa là “Nguyên soái không quân đã nghỉ hưu nhận định Nga sẽ phải 'lo lắng' về F-16 vì hai lý do.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo một cựu Thống chế Không quân Anh, Nga có lẽ “đã lo lắng” về khả năng tầm xa mới của Kyiv, đây có thể là một trong hai lợi ích chính của việc Ukraine có máy bay chiến đấu F-16.

Ukraine từ lâu đã kêu gọi các máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất từ những người ủng hộ quốc tế. Việc cung cấp máy bay phản lực F-16 cũng được đưa ra như một nghị trình hàng đầu và là trung tâm của một loạt các cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào cuối tuần.

Các máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất sẽ giúp nâng cấp đáng kể năng lực không quân của Ukraine. Quân đội Kyiv hiện đang vận hành các loại máy bay như máy bay chiến đấu hai động cơ MiG-29, và họ đã nhận được những chiếc máy bay phản lực thời Liên Xô này từ các quốc gia như Ba Lan và Slovakia. Tuy nhiên, việc trang bị cho lực lượng không quân Ukraine những máy bay phản lực nhanh hơn do phương Tây sản xuất trước đây đã bị coi là không thể bàn cãi.

Nhưng Tổng thống Joe Biden cho biết trong hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản rằng Hoa Kỳ đang “khởi động một số nỗ lực chung mới với các đối tác của chúng tôi để đào tạo phi công Ukraine trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như F-16.” Các quốc gia như Vương quốc Anh đã cam kết đào tạo quân nhân Ukraine về các máy bay chiến đấu tiên tiến của phương Tây.

Hôm thứ Bảy, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói rằng khi khóa huấn luyện diễn ra “trong những tháng tới, chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh của mình để xác định thời điểm máy bay sẽ được chuyển giao, ai sẽ giao và số lượng chúng”.

“Khi các phi công của chúng tôi biết về F-16 và khi những chiếc máy bay này xuất hiện trên bầu trời của chúng tôi, điều đó sẽ không chỉ quan trọng đối với Ukraine,” Zelenskiy nói trong một bài phát biểu tại Hiroshima. “Đây sẽ là một thời khắc lịch sử đối với toàn bộ cấu trúc an ninh ở Âu Châu và thế giới.”

Theo cựu chỉ huy cấp cao của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh và Thống chế Không quân Greg Bagwell, lợi ích của F-16 đối với Ukraine là gấp đôi. Ông nói với Newsweek rằng máy bay hiện đại hơn có “lợi ích chiến thuật” được trang bị hệ thống điện tử hàng không ưu việt, nhưng chúng cũng có thể đi kèm với các hệ thống vũ khí nâng cao.

Bagwell lập luận: “Giả sử rằng chúng được cung cấp cùng với máy bay, thì nó cũng mang đến một bộ hệ thống vũ khí hoàn toàn mới mà chúng có thể tích hợp và sử dụng, nhiều thứ trong số đó tinh vi hơn và có tầm bắn xa hơn những hệ thống mà người Ukraine đã có”.

Ngày 11 tháng 5, Bộ Quốc phòng Anh xác nhận đã gửi một số lượng hỏa tiễn hành trình tầm xa Storm Shadow không nói rõ là bao nhiêu tới Ukraine, trang bị cho quân đội Kyiv những hỏa tiễn tầm xa nhất cho đến nay. Đề cập đến những khả năng mới này, Bộ trưởng Quốc phòng Vương Quốc Anh Ben Wallace nhận định tầm hoạt động xa hơn của các lực lượng vũ trang Ukraine “sẽ thay đổi cách Nga có thể bố trí và chiến đấu bên trong Ukraine”.

Theo David Jordan, đồng giám đốc Viện Hàng không và Vũ trụ Freeman tại Đại học King's College London, Vương quốc Anh, những chiếc F-16 mà Ukraine nhận được có thể sẽ mang nhiều loại vũ khí không đối đất. AIM-120, hỏa tiễn không đối không tầm trung hoặc Đạn tấn công trực tiếp chung (JDAM) tầm mở rộng, cũng như hỏa tiễn chống bức xạ không đối đất AGM-88 HARM.

Tuy nhiên, các máy bay chiến đấu đa năng một động cơ, với tất cả các ưu điểm của chúng, cũng gây ra những vấn đề cho lực lượng không quân Ukraine. Việc đào tạo về F-16 cho tất cả các nhân viên tham gia cần có thời gian và phải đối mặt với một loạt các cân nhắc về hậu cần và bảo trì. Trong một tuyên bố được đăng lên Telegram vào sáng thứ Hai bởi Đại sứ quán Nga tại Hoa Kỳ, Đại sứ Mạc Tư Khoa tại Washington, Anatoly Antonov, cho biết “không có cơ sở hạ tầng cho việc sử dụng F-16 ở Ukraine, và không có số lượng phi công và nhân viên bảo trì cần thiết.”

Tuy nhiên, các chuyên gia lập luận rằng bất chấp sự cân nhắc này, việc cung cấp F-16 cho Ukraine là một cam kết dài hạn cần thiết để bảo vệ đất nước trong tương lai.

Bất chấp hàng loạt rào cản, “về lâu dài, nó sẽ xứng đáng,” Bagwell nói. “Nga sẽ lo lắng về những thay đổi đang diễn ra và ý nghĩa của nó đối với cách họ có thể chiến đấu.”

Ông cũng cho biết Ukraine sẽ sử dụng học thuyết quân sự phương Tây được thiết kế để chống lại Nga.

Bagwell cho biết việc cung cấp F-16 không phải là sự bảo đảm mặc nhiên cho việc Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến. Tuy nhiên, Nga sẽ không còn có thể hoạt động như trước đây, buộc Mạc Tư Khoa phải thay đổi tính toán của mình và kết thúc bằng “việc lùi lại”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

7. Nhóm Nga chống Putin nói tấn công Belgorod là một phần trong mục tiêu giải phóng nước Nga

Một nhóm người Nga chống Putin, tuyên bố đã vượt qua biên giới từ Ukraine và tấn công vùng Belgorod của Nga, cho biết mục tiêu của họ là “giải phóng hoàn toàn nước Nga”.

Quân đoàn Tự do cho Nga đã gọi cuộc tấn công ở khu vực Belgorod là “hoạt động gìn giữ hòa bình” trên Telegram hôm thứ Ba. Họ cho biết mục tiêu là tạo ra một “khu phi quân sự giữa Nga và Ukraine, để tiêu diệt các lực lượng an ninh phục vụ chế độ Putin và chứng minh cho người dân Nga thấy rằng có thể tạo ra các nhóm kháng chiến và chiến đấu chống lại chế độ Putin thành công..”

Quân đoàn Tự do, liên minh với quân đội Ukraine, cũng tuyên bố họ đã tiêu diệt một đại đội súng trường cơ giới của Quân đội Nga hôm thứ Ba, phá hủy các phương tiện bọc thép.

Quân đoàn Tình nguyện Nga, gọi tắt là RDK, một nhóm người Nga chống Putin thứ hai cũng tuyên bố đã tham gia vào các cuộc tấn công xuyên biên giới, đã đăng video lên Telegram vào thứ Ba cho thấy các chiến binh của họ ở bên trong khu vực Belgorod.

8. Thống đốc khu vực cho biết hoạt động chống khủng bố ở Belgorod đã kết thúc

Theo thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov, hoạt động chống khủng bố ở khu vực biên giới Belgorod của Nga đã kết thúc.

Gladkov cho biết trên Telegram hôm thứ Ba: “Quyết định đã được đưa ra nhằm hủy bỏ chế độ pháp lý của hoạt động chống khủng bố trên lãnh thổ của vùng Belgorod.

Trước đó, thống đốc Belgorod cho biết không có cuộc xâm nhập mới nào của các chiến binh vượt biên giới Ukraine vào quận Borisovsky của vùng Belgorod.

“Các báo cáo đến từ quận Borisovsky: làng Bogun-Gorodok, trang trại Lozovaya Rudka và làng Tsapovka. Theo thông tin của chúng tôi, đã có các cuộc pháo kích từ Lực lượng Vũ trang Ukraine, đã có các cuộc tấn công,” ông nói trên Telegram.

“Thật không may, chúng tôi bị thiệt hại. Một thường dân từ Kozinka đã chết dưới tay Lực lượng Vũ trang Ukraine,” Gladkov cho biết trên Telegram hôm thứ Ba. “Xin gửi lời chia buồn chân thành nhất tới tất cả gia đình và bạn bè. Tôi biết rằng vợ anh ấy đang ở trong bệnh viện của chúng tôi với những vết thương.”

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết các chiến binh vượt biên từ Ukraine vào khu vực Belgorod phía tây của Nga hôm thứ Hai đã bị đẩy lùi vào lãnh thổ Ukraine.

Hôm thứ Hai, một nhóm công dân Nga chống Putin – những người có liên kết với quân đội Ukraine – đã nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công ở khu vực Belgorod phía tây nam của Nga.

Trong một bài đăng trên Telegram, các nhóm tự gọi mình là “Quân đoàn Tự do cho nước Nga” và “Quân đoàn tình nguyện Nga” cho biết họ đã “giải phóng” một khu định cư ở vùng Belgorod, giáp Ukraine.

9. Thống đốc nói thiết bị nổ làm hỏng xe ở vùng Belgorod của Nga

Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết một thiết bị nổ rơi từ máy bay không người lái đã làm hỏng một chiếc xe hơi ở vùng Belgorod của Nga vào cuối ngày thứ Ba.

Gladkov cho biết: “Ở Belgorod, một thiết bị nổ đã được thả xuống đường từ một máy bay không người lái. Theo thông tin ban đầu, không có thương vong. Có thiệt hại cho chiếc xe. Các dịch vụ khẩn cấp đang hoạt động ngay tại chỗ.”

10. Cựu giám đốc tình báo Ukraine nói nhà sản xuất hỏa tiễn Kinzhal đã 'lừa dối' Putin

Đại Tướng Valerii Zaluzhny, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Ukraine, cho biết trong đêm 15 rạng sáng 16 Tháng Năm, Nga đã tấn công từ ba góc độ bằng cách sử dụng hỏa tiễn trên không, trên biển và trên đất liền. Tất cả 18 hỏa tiễn Nga bắn vào Thủ đô Kyiv đều bị bắn hạ. Sỉ nhục lớn nhất đối với Putin là trong số 18 hỏa tiễn này có 6 hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal được Putin khoe khoang là không thể đánh bại vì nó bay ở tốc độ hơn 10 lần tốc độ âm thanh.

Trước sỉ nhục này, Putin ra lệnh truy tố tất cả các nhà khoa học phát triển hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kinzhal Missile Makers 'Deceived' Putin, Says Ukrainian Ex-Intel Chief”, nghĩa là “Cựu giám đốc tình báo Ukraine nói nhà sản xuất hỏa tiễn Kinzhal đã 'lừa dối' Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Theo cựu giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài của Ukraine, các nhà phát triển chương trình hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal, nghĩa là “Dao găm”, của Nga đã “lừa dối” Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mykola Malomuzh, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Ukraine cho đến năm 2010, nói với truyền thông Ukraine rằng các nhà phát triển đã quảng cáo hỏa tiễn này như một “siêu vũ khí”, nhưng hiệu quả của nó đã không đáp ứng được sự cường điệu này. Khả năng của nó cũng đã bị các nhà phân tích phương Tây nghi ngờ.

Điều này xảy ra sau khi Điện Cẩm Linh cho biết các nhà khoa học làm việc trong quá trình phát triển hệ thống hỏa tiễn Kinzhal đã bị bắt và sẽ phải đối mặt với “những cáo buộc rất nghiêm trọng” nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin.

Trong một bức thư ngỏ được công bố trực tuyến, các đồng nghiệp của Anatoly Maslov, Alexander Shiplyuk và Valery Zvegintsev đã phản đối việc bắt giữ “ba nhà khoa học khí động học xuất sắc”.

Bức thư từ các thành viên của Viện Cơ học Lý thuyết và Ứng dụng Khristianovich ở Siberia tại thành phố Novosibirsk cho biết ba người đàn ông đã bị bắt ngay cả trước khi Ukraine bắn hạ các hỏa tiễn Kinzhal vì bị nghi ngờ phản quốc. Shiplyuk bị bắt vào tháng 8 năm 2022 và Maslov bị chính quyền Nga giam giữ vào tháng 6, theo truyền thông nhà nước Nga.

Vụ bắt giữ Zvegintsev không được báo cáo trước đó, nhưng diễn ra vào ngày 7 tháng 4, theo Reuters, trích dẫn phương tiện truyền thông địa phương.

Nhà vật lý người Nga Dmitry Kolker, một nhà khoa học khác từ Novosibirsk, người đã bị bắt ở Siberia vào mùa hè năm ngoái vì tội phản quốc, được cho là đã chết vì bệnh ung thư giai đoạn cuối ở Mạc Tư Khoa sau khi được cơ quan an ninh Nga chuyển trại.

“Cả xã hội bị sốc và phẫn nộ” trước cái chết của ông, bức thư ngỏ viết.

Hệ thống hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal được Putin ca ngợi là “bất khả chiến bại trên thế giới”. Nga cho biết hỏa tiễn phóng từ trên không, còn được NATO định danh là “Killjoy”, có thể tăng tốc gấp 10 lần tốc độ âm thanh và có tầm bắn vượt quá 2.000 km, tương đương 1.250 dặm. Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây đã đặt câu hỏi về khả năng của Kinzhal và tên gọi của nó như một loại vũ khí siêu thanh.

Tuần trước, quân đội Ukraine cho biết họ đã bắn hạ thành công 6 chiếc Kinzhal được bắn trong một cuộc tấn công qua đêm. Kyiv trước đó cho biết họ đã đánh chặn một chiếc Kinzhal bằng cách sử dụng hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất, nhưng Nga phủ nhận.

Malomuzh cho biết các nhà khoa học đã bị bắt sau khi một cuộc tấn công bằng Kinzhal không gây ra thiệt hại như dự kiến.

Các nhà phát triển Kinzhal đã “xác định rõ ràng” Kinzhal là một “siêu vũ khí không tồn tại”, Malomuzh cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Hai, đồng thời nói thêm rằng họ “thực sự đã lừa dối Putin”.

Các báo cáo về các cuộc tấn công Kinzhal bị chặn lại cho thấy các cuộc tấn công “đã kết thúc trong thất bại hoàn toàn,” Malomuzh nói với hãng tin TSN của Ukraine. “Vì vậy, số phận của những nhà phát triển hỏa tiễn siêu thanh này cũng sẽ kết thúc trong sự thất bại hoàn toàn, bởi vì họ đã làm suy yếu cơ sở chiến lược về khả năng chiến đấu của Nga,” ông Malomuzh nói thêm.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Viện Khristianovich để nhận xét qua email.

Trong bức thư ngỏ, đồng nghiệp của ba nhà khoa học cho biết họ “biết mỗi người trong số họ là một người yêu nước và một người tử tế, những người không có khả năng làm những gì mà cơ quan điều tra nghi ngờ họ”.

“Chúng tôi không chỉ lo sợ cho số phận của các đồng nghiệp của mình,” bức thư ngỏ tiếp tục. “Chúng tôi chỉ không hiểu làm thế nào để tiếp tục làm công việc của mình.”

Kinzhal đã được Putin tiết lộ vào năm 2018 như một phần của gói vũ khí tiên tiến và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết vào tháng 8 năm 2022 rằng hỏa tiễn này đã thể hiện “những đặc điểm tuyệt vời” của nó ở Ukraine.

Chuyên gia quân sự David Hambling trước đây đã nói với Newsweek rằng một hỏa tiễn siêu thanh thực sự sẽ rất khó bị hệ thống phòng không đánh chặn, nhưng nhấn mạnh rằng “tất cả các dấu hiệu cho thấy Kinzhal chỉ đơn giản là một hỏa tiễn đạn đạo phóng từ trên không” với khả năng điều chỉnh hướng đi rất hạn chế.