Đọc Đất Nhà của Trà Lũ



Trong năm qua độc giả chỉ gặp nhà văn Trà Lũ một vài lần trên vài tờ tuần báo, nguyệt san ở Bắc Mỹ nên thèm đọc thêm và chẳng ai bảo ai tự hỏi cùng một câu: «Bao giờ cây viết duyên dáng này cho ra đời tác phẩm mới? Đầu năm hay cuối năm? Vào mùa tuy-lip nở hay mùa cúc đơm bông?»

Tin mừng cho người thích văn chương. Đất Nhà, tác phẩm mới nhất của Trà Lũ ra đời trong tháng tư và vào lúc trời còn lạnh nên độc giả có dịp nằm trong chăn đọc loại «tiếu ngạo giang hồ» thời đại rất thú vị. Cuốn sách in rất đẹp, trang nhã, hình bìa mỹ thuật : đất phủ lá phong, màu vàng của lá màu thẫm của đất quấn lấy nhau tạo thành biểu tượng Đất Nhà, mảnh đất gần gũi với mọi người.

Đất Nhà lại một phen lôi cuốn người đọc, một phần của một trường thiên văn chương nhiều tập mang tên Đất.

Người đọc lại nhớ Một Ngàn Một Đêm Lẻ, truyện Ả Rập của thế kỷ IX du nhập vào Văn học Chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ 20 từ bản tiếng Pháp của Antoine Galland. Ngày ấy người ta đọc nó say mê chẳng khác vị vương giả, ông hoàng xứ Samarkand trong truyện mỗi đêm lắng nghe cô gái có tên là Scheherazade mà quên việc giết một trinh nữ khi bình minh trở lại.

Cô gái có duyên, có nghệ thuật kể chuyện nên mỗi câu chuyện thường kết lơ lưng khi đêm tàn và khiến cho kẻ hiếu sát có uy quyền tò mò muốn biết hồi sau ra sao và tạm ngừng dập liễu vùi hoa. Kết quả nàng đã thắng sau 1001 đêm kể chuyện và ông hoàng hiếu sát đã quên việc giết người và lấy nàng làm vợ.

Văn nghệ đã chiến thắng bạo tàn. Câu chuyện ly kỳ hấp dẫn người nghe nhưng cũng cần nghệ thuật kể. Xem thế mới biết nhà văn có thể là những chiến sĩ hòa bình đắc lực nhất và nghệ thuật kể chuyện và cái duyên của người kể là võ khí hữu hiệu chinh phục nhân tâm và gieo đức nhân vào lòng người.

Ngày nay sát khí nặng bao trùm thế giới nên vai trò văn học, nhất là thứ văn học nhân bản, nhẹ nhàng tươi sáng, gieo rắc yêu thương, hóm hỉnh xây dựng càng cần thiết. Trà Lũ và tác phẩm của ông đã góp phần giải quyết nhu cầu tinh thần thời đại.

Trà Lũ đã kể chuyện Đất và cho đến nay đã có 9 tuyển tập về Đất và cứ đà này thì hy vọng ông sẽ cho độc giả 1001 chuyện về Đất. Đất Nhà là bộ thứ chín cùng một đề tài, cùng một cách kể chuyện, cùng là kho tư liệu và câu chuyện biến hóa đa dạng và mới mẻ.

Tuy nhiên, Một ngàn một đêm lẻ cần có những câu chuyện ly kỳ để lôi cuốn người nghe, Trà Lũ không cần, ông đã dựng chuyện từ những điều tai nghe mắt thấy trong đời sống hàng ngày và biến chúng thành những mẩu chuyện mang sức thu hút chẳng khác chi những câu chuyện cổ tích thần kỳ. Nghệ thuật biến không thành có là nghệ thuật của Trà Lũ.

Đất nhà gồm 29 mục, có những mục có tiêu đề là đất hay địa danh như Toronto Nắng Vàng, Thăm Đất Anh Em, Nơi Có Quê Hương, Đất Hạnh Phúc, Cám Ơn Canada, cũng có những đề mục không phải là đất nhưng là sản phẩm của đất như Lễ Hiền Phụ, Lễ Hiền Mẫu, Mùa Thu Cuộc Đời, Bữa Ăn Tân Niên và Măng Non Việt Nam... Nói xa, nói gần nhà văn vẫn xoay quanh đề tài đất, con người của đất và gắn bó với đất, mảnh đất mà ông đã gọi bằng nhiều tên khác nhau, Đất Quê Ngoại, Đất Thiên Đàng, Miền Đất Hạnh Phúc, Đất Mới và Đất Yêu Thương.

Đất vốn vô tình. Đất Canada băng giá vào mùa đông và nóng bỏng vào mùa hè nhưng Trà Lũ đã tạo ra môi trường đất nâng niu, che chở cho con người và khiến con người gắn bó với đất.

Kể chuyện đất rất khó vì đất đã được tạo dựng hàng triệu năm và có hàng ngàn, hàng vạn tác phẩm ca tụng đất và viết về đất. Chuyện «xưa như trái đất» như thế mà kể hay mới gọi là nghệ thuật, mới coi là đặc sắc. Tác phẩm của Trà Lũ ở dạng nói chuyện phiếm về đất hay thường được gọi là tùy bút. Trà Lũ không nặng về việc mô tả mà nghiêng về mặt kể chuyện. Kể chuyện đất nếu không khéo sẽ trở thành trình bày những bài học về địa lý, lịch sử và phong tục khô khan và dĩ nhiên khó mà lôi cuốn người đọc vì đa số độc giả muốn tìm cái Mỹ, cái Thiện bên cạnh điều Chân. Trong lối kể chuyện cần một bút pháp đặc biệt, trong sáng, nhiều hình ảnh và biến đổi theo nhịp câu chuyện, có lúc dài dòng, có khi cần ngắn gọn, đôi lúc cảm thán nhưng nhiều lúc hùng hồn như trống khua, chuông giục làm người đọc cùng cảm xúc với mình. Trà Lũ có lối kể chuyện gọn mà bóng bẩy, ngôn ngữ khi pha Nam, khi pha Bắc khi xen Huế, lại có nhiệt nghĩa là kể bằng giọng say mê và cái nhiệt của ông truyền vào chữ, vào câu trong sáng, nhiều hình ảnh, biến chữ trước mắt thanh lời bên tai nên dễ tới tim óc độc giả.

Nhiệt mới là là một yếu tố thành công, Trà Lũ kể chuyện hay còn nhờ tếu. Đất của Trà Lũ là những bức hoạt họa. Hoạt họa hiểu theo cả hai nghĩa, những bức tranh cười và cũng là những bức tranh linh hoạt về đất.

Trước hết nụ cười toát ra từ những nhân vật của ông. Nhân vật thực đa dạng và độc đáo. Từ Cụ Chánh, ông Từ Hòe, ông ODP, ông H.O., Cụ B.95, tới chàng John và chị Ba Biên Hòa...mỗi người mỗi vẻ và cứ ra sân khấu là đã thấy buồn cười rồi. Đấy là diễn viên chủ. Còn diễn viên khách thì rất nhiều. Chủ thì vui nhộn, giễu ngọt, cười cay chua, còn khách thì như kiểu Lý Toét, Xã Xệ và Bang Bạnh mà khi xưa tờ Phong Hóa và Ngày Nay thường dùng làm đối tượng châm biếm. Chủ trực tiếp ra sân khấu, khách được gián tiếp châm chọc. Khách càng ngộ nghĩnh, chủ càng sắc xảo, nụ cười càng tươi, càng sâu và tất cả tô son điểm phấn cho hình ảnh trung thực và sống động của đất và của thời đại. Đừng nên quên, chúng là những bức tranh cười thời đại, thói hư tật xấu cũng như cái ngộ nghĩnh của thời đại chứ không phải kho tàng tiếu lâm xưa cũ.

Đặc biệt nữa là tính cách của các nhân vật của Đất nhất quán trong các tác phẩm của Trà Lũ. Trong bất cứ tác phẩm nào của ông, cá tính của một diễn viên vẫn chuyên nhất vì hình như nhân vật nặng phần hư cấu của Trà Lũ đã trở thành một con người thực sự có yêu, có ghét, có giận, có buồn và bên cạnh nụ cười là tiếng thở dài vì thế sự.

Họ là thành viên của một đoàn hát tài ba được huấn luyện chu đáo hợp xướng bài ca về đất mà nhà nhạc trưởng hay đạo diễn khéo léo chính là Trà Lũ. Có thể tìm ra nét chung của những nhân vật này, họ đều đóng vai giễu rất giỏi và kiến thức rất sâu Nhưng ở mỗi người có nét riêng, người thâm thúy, người hời hợt hay giả bộ hời hợt, có vai chính, có vai phụ trong một vở tuồng. Nhưng sang vở tuồng khác thì vai thay đổi, chính trở thành phụ, phụ trở thành chính, hô ứng, biến hóa đa đoan. Nhân vật ODP là một bồ chữ và hay kể chuyện tiếu lâm thu góp được trong những ngày đi tù...Cụ chánh là tiên chỉ, bề ngoài có cái vỏ nghiêm trang, vì thường được giao cầm cân nảy mực trong một màn tấu hài, nhưng bản chất cụ « gừng càng già càng cay » hễ mở miệng là khiến độc giả cười không khép miệng lại được. Có Cụ chánh, có ông Từ Hòe, ông HO và ông ODP thì trò vui càng xôm tụ, câu chuyện càng giòn và người đọc càng được biết nhiều điều mới lạ. Có người tung thì có kẻ hứng, nụ cười mới hồn nhiên. Anh John thường phụ họa, chị Ba Biên Hòa hay xen vào và cần có cụ bà B.95 cười chảy cả nước mắt nước mũi và có lần cụ kêu lên thích chí khi nghe ông Từ Hòe tiếu lâm: «Ối giời ơi cái nhà bác Từ Hòe này!» Đó là lúc nhà hát nổ tung vì những tràng cười giòn giã như pháo đón xuân của chúng ta. Chỉ cần đọc màn kịch «chuyện con gà» trang 203 là thấy gánh hát Trà Lũ diễn xuất rất thành công.

Đề tài là đất nhưng chất trào lộng nhất quán trong toàn bộ tác phẩm của Trà Lũ từ những câu chuyện nghiêm trang nhất cho tới những mẩu chuyện dí dỏm nhất. Người đọc có cảm tưởng tác giả lúc nào hồn nhiên, lạc quan và yêu đời và qua cái lăng kính màu hồng này ông nhìn mọi việc thế gian, ông vẽ những nét thắm tươi cho cuộc đời và ngay khi ông châm biếm đời cũng thường bằng nụ cười tròn trặn ít khi hàm ý độc địa.

Tuy nhiên trong cái cười của Trà Lũ có nhiều chất «đục.» Đọc chuyện Đất của Trà Lũ có người ngờ rằng nhân vật của ông bị ám ảnh bởi tình dục như một đại biểu khẳng định «phe đàn ông chúng tôi máu dê đầy người!»

Tục không có nghĩa là dở. Những chuyện tục mà thanh, thanh mà tục trong Đất Nhà khó thống kê. Độc giả thường gặp trận cười bất ngờ. Đang tưởng nghe kinh nghiệm của một kẻ đã ra ngoài cái tuổi «tòng tâm sở dục bất du củ» như Cụ Chánh, nào ngờ kết luận lại một ám ảnh libido. Nhưng nghĩ cho cùng, cái tục là chất liệu tạo nên nụ cười, cũng như men làm nên rượu. Nhưng sử dụng chất liệu này phải có nghệ thuật nếu không «tục» biến thành «tục tĩu» chứ không biến thành trào lộng. Trà Lũ đã theo gót được Chuyện khôi hài, Chuyện giải buồn và Chuyện đời xưa của các nhà văn tiền bối Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của hay xa hơn nữa là thơ của nữ sĩ họ Hồ.

Yếu tố bất ngờ để mở nút một mẩu chuyện làm cho nó thêm lôi cuốn là sở trường của Trà Lũ Nhiều người chưng hửng khi nghe tới ba chữ Chung Vô Diệm vì đấy là tên một người đàn bà xấu, sao lại có nghiã là «liệt dương» ? Thì ra «Chung Vô Diệm» chẳng phải là Chung Ly Xuân, cô gái xấu xí nhưng tài ba trong hoàng cung nước Tề, mà nếu «nói lái» nó sẽ là... «chim vô dụng.» Còn «đụng bất ngờ» là gì ? 4M mà Cụ chánh nói có nghĩa ra sao? Mỗi câu trả lời là một tràng cười thỏa thích và hãy đọc Đất Nhà sẽ rõ.

Trà Lũ có một kho chuyện tiếu lâm, cả kim lẫn cổ, cả văn chương bình dân lẫn văn chương bác học, và ông chọn rất khéo dẫn vào chuyện rất tự nhiên. Nhiều mẩu chuyện cười, nhiều giai thoại văn chương có thể chúng ta đã nghe qua nhưng đưa vào văn chương một cách thi vị phải kể cái công của Trà Lũ.

Nhưng có phải Trà Lũ là người vô tâm hay không ? Hiển nhiên là không, ông buồn nên cười, cười mà rồi buồn. Nhân vật Cụ chánh đã có một nhận xét dù là đùa cợt nhưng nghe sao thấm thía và sâu sắc quá. Cụ phân tích : « Trong Nam chúng tôi sung sướng hơn ngoài Bắc. Cứ xem việc đánh vần chữ KHỔ thì đủ rõ : trong Nam chúng tôi đánh vần là ca hát ô khô hỏi khổ, khổ mà vẫn còn ca hát, còn ngoài Bắc đánh vần là khờ ô khô hỏi khổ. Chưa gì đã khờ người ra rồi nên mới khổ »

Một điểm không nên quên Trà Lũ là con người tình cảm. Tình cảm bén nhậy nên ông dễ yêu, dễ mến những gì nhân bản, thân thương và dễ ghét những cái phi nhân và lố lăng. Khi nói tới quê hương cũ, sản vật từ đất mẹ, tiếng Việt, tục xưa, đồng bào, bạn bè Trà Lũ thường dùng những chữ phong phú cảm xúc như: xúc động quá, thương tâm đứt ruột, thích lắm, tấm tắc khen và tán hay quá, phục quá. Ông nói tới bè bạn hay nhưng nhân vật khả kính bằng giọng tự hào nhưng đối với những biểu tượng gian tà thì giọng Trà Lũ đôi lúc cũng trở nên cay độc. Ở mặt này tính chất đạo đức trong tác phẩm của Trà Lũ được khuyên son.

Chuyện Trà lũ lôi cuốn người đọc không phải chỉ nhờ tài kể chuyện duyên dáng, mà sức lôi cuốn còn ở kiến thức thông thái của tác giả. Ông đọc nhiều hiểu rộng nên cung cấp cho độc giả hiếu tri nhiều điều bổ ích. Có nhiều người ở Canada hàng chục năm nhưng làm sao biết cái làng câu trên sông Ste Anne ở Quebec và loại cá tomcod dài khoảng 20 phân nặng chừng 50g vào mùa đông kéo về hàng triệu con nhung nhúc duới băng và dân làng ngồi trong nhà vừa nhậu nhẹt vừa câu. Có những vị từng giảng dạy tiếng Việt nhưng «cái bóp da» là gì và tại sao lại nói «một cái bóp da bằng ba cái bóp giấy» ? Phải nhờ Trà Lũ giải thích. Cụ Nguyễn Du làm thơ ca tụng thịt chó? Điều này mới lạ! Ngay Toronto cũng có cái bất ngờ. Đường Roncesvalles mới đây đổi tên là gì có mấy người biết kể cả những người dùng xe bus di chuyển. Các bà nội trợ cũng phục sát đất khi Trà Lũ bàn về nấu phở chẳng khác gì một tay nấu phở chuyên nghiệp.

Trà Lũ thành công nhờ có tài kể chuyện và nhờ nhiệt tình khi kể chuyện. Trà Lũ là một người tình cảm, một nhà giáo vì đời, một nghệ sĩ tôn thờ cái đẹp, tha thiết với đời, với tạo vật nên tác phẩm mới của ông hy vọng sẽ làm hài lòng nhiều lớp độc giả khác nhau đi tìm cái mình ưng ý nhất trong một tác phẩm văn học.

Đọc Đất Nhà cũng như đọc các tác phẩm về đất trước đó của Trà Lũ lại nhớ tới nhà thơ Lư Đồng đời Đường nói về thú uống trà. Trong bài Thất Uyển Trà (Bảy chén trà) nổi tiếng trong giới nghiền trà, họ Lư đã ca tụng những chén trà có tác dụng kỳ diệu đối với tinh thần con người. Uống chén thứ nhất làm cổ họng nhuận lại, chén thứ hai phá nỗi buồn, chén thứ ba như năm ngàn thiên văn chương tưới vào ruột gan khô héo, chén thứ tư làm toát hết nỗi bất bình chất chứa trong lòng...và chén thứ bảy như nách mọc cánh đập thành gió mát. Lư Đồng ngừng lại ở chén thứ bảy nhưng tác phẩm của Trà Lũ còn mãi mãi và Đất Nhà là chén thứ chín làm người đọc cười hể hả và trân trọng cám ơn tác giả.

(Nguồn: www.dunglac.net)