SAIGÒN -- Ngày Chúa nhật, 22/ 4/ 2007, nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh đã cùng với các y bác sĩ, điều dưỡng của một số bệnh viện tại Sài Gòn đến ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang để khám bệnh và phát thuốc cho 500 người dân ở đây.

Các bác sĩ đang khám bệnh cho người nghèo
Từ sáng sớm, các bạn trẻ tham gia đoàn công tác đã có mặt trước cái sân rộng của một bệnh viện với những thùng thuốc lớn nhỏ và tấm giấy có ghi hàng chữ “Đoàn công tác từ thiện” được dán trước chiếc xe ba mươi chỗ khá đẹp.

Khi xe lăn bánh cũng là lúc một bác sĩ trẻ giới thiệu các thành phần của đoàn hôm nay. Chi trưởng nhóm Bông Hồng Xanh cũng giới thiệu vài nét về những hoạt động của nhóm với các bạn trẻ. Đoạn đường trở nên ngắn hơn khi anh tài xe, có tướng tá như Alain Delon cho mọi người trên xe thưởng thức ca nhạc tạp kỷ hài qua màn ảnh nhỏ của ti vi.

Qua ngã ba Trung Lương độ 20 km, xe rẽ vào con đường nhựa nhỏ Ap Phú Thạnh hiện ra đằng sau cái chợ quê thưa thớt. Những người dân đã tụ tập trong khuôn viên Uy ban Nhân dân xã. Quang cảnh trở nên sinh động khi đoàn tiến vào sân. Những cái ghế, cái bàn được tận dụng tối đa. Có bốn nhóm cho các công việc: nhóm hướng dẫn, nhóm nhận bệnh đo- huyết áp, nhóm khám bệnh và nhóm phát thuốc. Bốn cái phòng nhỏ được mười hai bác sĩ chia ra khám bệnh; còn cái phòng phát thuốc thì nhỏ xíu, nóng nực chật chội.

Những cụ ông cụ bà run rẩy, chống gậy mong được khám trước. Khuôn mặt những bà mẹ có độ tuổi khác nhau ẩn dưới vành nón lá có một nét gì đó rất Nam bộ. Hai mươi hai y bác sĩ và tám bạn trẻ Bông Hồng Xanh lúc đầu có vẻ lúng túng trước lượng người, sau đó độ nửa giờ, công việc mới trật tự, nhịp nhàng hơn.

Đây là chuyến công tác được chuẩn bị trước một tháng. Đoàn công tác đã đưa ra một kế hoạch cụ thể là các bác sĩ khám bệnh còn Bông Hồng Xanh phát quà cho dân. Số quà cần là 500 phần mà nhóm chỉ có 200 phần nên chính quyền địa phương đã đề nghị là chuyển những phần quà thành hiện kim để giúp cho các em học sinh nghèo, cũng là con em của những người đến khám bệnh mà thôi.

Các bác sĩ cho biết, chi phí cho việc khám bệnh, phát thuốc hôm nay được quyên góp từ những ân nhân, nhà thuốc…còn quà của nhóm Bông Hồng Xanh đợt này do anh Phan Văn Tinh, chị Kim Loan, chị Thiên Hương là độc giả ViêtCatholic hỗ trợ và các thành viên cũng đóng góp thêm nữa. Số thuốc phát cho bà con là những thuốc mới được chia thành những nhóm thuốc như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tâm thân kinh, kháng sinh, kháng viêm giảm đau hạ sốt, thuốc bổ Vitamine các loại.

Có tham gia một chuyến thế này, chúng tôi mới thấy nhu cầu khám chữa bệnh cũng cần thiết như kiếm việc làm và học hành.

Khi số người khám bệnh đã vơi bớt, chúng tôi được ông chủ tịch xã, anh phó ấp và một anh lo đời sống xã hội cho dân, dẫn đến thăm một trường trung học cơ sở, cách đó độ 200 mét. Trường có khung cảnh đơn sơ thoáng mát, có một mặt tiếp giáp với dòng sông nên sân trường thường bị ngập nước. Ban giám hiệu tiếp đón chúng tôi niềm nở và trình bày những khó khăn vốn có của nhà trường, cùng nói lên niềm vui khi nhận được sự trợ giúp của một nhóm công tác xã hội.

Sau đo, chúng tôi được dẫn đi thăm một số nhà dân. Ở đây, bà con sinh sống bằng việc trồng cây ăn trái mà ba loại cây chủ lực là sầu riêng, vú sữa và Sa-bô-chê. Cây vú sữa, sầu riêng cho lợi ích cao, còn Sa-bô-chê cho nhiều trái nhưng rẻ hơn và trước khi lái buôn đến mua thì người trồng phải chùi phấn từng quả cũng khá cực rồi mới bán được. Kèm theo đó là trồng xen kẽ cam bưởi và một vài thứ rau để ăn như rọc mùng…nhìn chung thì đủ sống nhưng khi có bão thì quả rụng hết, là thất mùa.

Chúng tôi còn được thăm vài gia đình nghèo trong số 400 căn nhà lá của xã. Vào cái nhà tranh kia, chỉ có một đứa bé ở trần. Nhà nó đã nghèo thì chớ, ông ngoại nó đi ăn giỗ bị xe tông, thế là mẹ nó phải nuôi ông nó ở bệnh viện. Anh lo về xã hội chép miệng: “Thiệt xui hết biết!”

Anh chủ tịch xã nói chuyện rất bộc trực: “Ở xã này có cái nhà thờ cách đây một cây số. Ong cha sở rất dễ thương! “Bên cha” có cái gì là mời “bên xã” tụi tui; còn bên xã có gì dzui cũng mời bên cha qua. Thỉnh thoảng cha cũng hỗ trợ này nọ” Chị trưởng nhóm đỡ lời: “Dạ, mời qua mời lại như vậy cũng hổng hao mà nhậu lại thấy vui anh ạ!”

Để có bữa cơm trưa thơ mộng, ngon lành, đoàn chúng tôi phải lên xe, đi qua phàNgũ Hiệp. Rong ruỗi nhiều nơi thế mà lần đầu tiên chúng tôi mới được đi qua phà này. Phà rộng và sạch hơn nhiều nơi khác; qua phà là con đường dẫn đến Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nơi chúng tôi đã một lần đến thăm nhà dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn vào khoảng đầu năm 1999. Qua phà độ 30 mét, bên cánh phải có giáo xứ Ngũ Hiệp đẹp đến bất ngờ. Một số thiếu nhi đang xếp hàng ở đó nhưng chúng tôi không thể tìm hiểu được gì hơn vì phải đi nhanh cùng các bạn trẻ.

Chúng tôi được ăn cơm tại nhà một bác sĩ trong đoàn. Bàn ăn đặt cạnh vườn sầu riêng lớn. Các bạn trẻ thích thú và để mặc cho cái nắng chói chang cứ vô tư chiếu xuống con đường đất đỏ chạy dài. Ở nơi này có những vườn sầu riêng lớn đến mấy ngàn mét vuông; cây cao lớn có nhiều trái to với gai nhọn hoắt. Người ta để sầu riêng vào những cái giỏ nhựa lớn, đưa qua phà đem về thành phố hay đi các nơi.

Ngồi nghỉ trưa ở đây, tôi được nghe câu chuyện thế này: cách đây hai năm, bác sĩ trẻ ở nhà này tốt nghiệp trường đại học Y Dược Sài Gòn. Cầm tấm bằng tốt nghiệp mang về quê, cả nhà vui vẻ ăn mừng. Có ai đó mời bac sĩ ba chung rượu nhỏ; thế là tối hôm đó anh bị nhức đầu và hôn mê, phải đi cấp cứu. Nhờ sự tận tình của các đồng nghiệp, anh thoát khỏi bàn tay tử thần; từ ngày đó, anh bác sĩ trẻ đẹp trai vừa ở trong vai trò người thầy thuốc vừa mời mọi người chung tay làm từ thiện.

Có nhiều trường hợp, sau một biến cố nào đó, cái tâm người ta được đánh thức và biến thành hành động một cách mạnh mẽ. Khi biết nhóm chúng tôi làm công tác xã hội từ thiện khá lâu và chuẩn bị kỷ niệm mười lăm năm thành lập, anh bác sĩ trẻ tròn xoe mắt còn chúng tôi chỉ cười.

Trước khi về Sài Gòn, đoàn chúng tôi còn ghé vào một nơi để uống nước dừa và chính thức lên xe về vào lúc trời đã tối hẳn. Cái xe có vẻ nặng nề vì mấy bao sầu riêng của chúng tôi mua về làm quà.



Ai cũng có vẻ mệt sau chuyến công tác phủ đầy cái nắng tháng tư. Những người trẻ độc thân tự nguyện quên đi một ngày Chúa nhật riêng tư để làm thành một ngày Chủ nhật chung; ở đây, cái chung nặng đầy sự quan tâm đến người khác và chắc là có một niềm vui nào đó đang đong đầy vào lòng những người trẻ, dẫu có mệt nhoài, dẫu có hao mòn sức trẻ thế nào đi nữa.