Món quà Tết của nhà văn Trà Lũ



Hoàng Yên Lưu

Thế giới đầu năm 2009 và những ngày đầu của Tết Kỷ Sửu không mấy ai không cố giấu vẻ lo âu trước cảnh chiến tranh tàn khốc ở Gaza, tình trạng khủng hoàng nhà đất ở Mỹ, thế giới kim tiền Wall Street phá sản, kinh tế toàn cầu suy thoái và “đống xương Vô định” ở Afghanistan chồng chất thêm cao. Bầu trời tương lai xem ra không mấy sáng sủa. Hình như ai nấy đón tương lai bằng sự lạc quan gượng gạo và rủ nhau thắt lưng buộc bụng. Có kinh tế gia còn khuyên chúng ta nên ở nhà để tiết kiệm hơn là ra ngoài mua sắm.

Thực tâm, tất cả đều mong có chút tươi vui nhưng trời quá lạnh, hoa chưa nở, hơi ấm chưa tăng và chỉ thấy bầu trời màu xám trên đầu và chân trời mờ mờ trước mặt.

Lấy gì vui xuân? Lấy gì mà vui, để giải thoát tâm trạng “trong héo ngoài tươi”? May mắn thay một tác phẩm ra đời cuối năm 2008 và trở thành món quà Tết đầu năm Sửu cho mọi nhà: “500 Chuyện Cười” do Hoa Lư xuất bản của nhà văn quen thuộc Trà Lũ.

Đây là tuyển tập chuyện cười thứ hai của cây viết có khả năng viết vào loại phong phú nhất trong giới cầm bút hải ngoại. Độc giả biết tiếng ông qua 10 tác phẩm về Đất và họ đã say mê nghe ông kể chuyện về đất và con người ở nơi “đất lạnh tình nồng”. Họ bị lôi cuốn vì cái duyên của nhà văn khi kể chuyện trong lúc ngẫu hứng. Cái duyên này khởi từ nhiều yếu tố, mà một yếu tố quan trọng chính là khía cạnh trào lộng, một nét đậm trong văn phong của ông. Nếu đọc những tác phẩm về Đất của ông, độc giả cười chưa thỏa thích vì thế giới trong Đất đôi khi còn nhiều chi tiết khiến người ta bất bình vì thời thế, giận đời đổi trắng thay đen, và tiếc nuối dĩ vãng vàng son, nhất là bị mê hoặc bởi cuộc sống đa dạng, và con người tuyệt diệu nơi “đất hứa”.

Người thích văn chương và yêu quý Trà Lũ, khao khát tìm thêm nguồn vui, nguồn giải trí mang chất tươi chất hồng cho lên chút hương trong cuộc sống xô bồ và tất tả. Năm 2001, chúng ta vui mừng có “300 Chuyện Cười” của Trà Lũ hành thế. Mong đợi thêm và nôn nao thêm và đã có kết quả: Năm 2008 tủ sách gia đình đón nhận “500 Chuyện Cười” của cây viết độc đáo này.

Có người cho rằng chuyện cười không phải văn chương?

Thành kiến này sai lầm. Đã từ ngàn xưa người ta nhắc tới chuyện tiếu lâm. Tiếu lâm là từ ngữ Hán Việt có nghĩa là “rừng cười”.

Theo khảo cứu của Lỗ Tấn, chữ “tiếu lâm” có cách đây hơn một ngàn năm từ tác phẩm Tiếu Lâm do nhà văn đời Ngụy (Tam quốc) ở Hàm Đan có tên là Thuần (có tài liệu cho biết Thuần còn có tên Trúc, tên tự là Tử Thúc, người Dĩnh châu, Hà Nam). Tiếu Lâm thời Hán mạt gồm ba cuốn nhưng vì đại bộ phận đã thất truyền, và ngày nay chỉ còn hơn chục truyện và được coi như tài liệu văn học cổ của Trung Hoa.

Trong văn chương ta từ xưa đã có khuynh hướng trào phúng và nụ cười của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... đã trở thành bất hủ. Văn học cổ điển thì thế, văn học hiện đại và cận đại, chẳng mấy ai quên Tú Mỡ với Dòng Nước Ngược và Đồ Phồn với nhiều bài thơ phúng thế và tác phẩm Một Chuỗi Cười. Gần đây nhất là Tiếu Lâm Chính Trị của Trần Khốt. Truy tầm xa hơn nữa, các cụ ta xưa rất thích thể trào phúng nhưng nụ cười của cổ nhân chưa được cởi mở viên mãn như chúng ta vì họ thường bị khuôn thước tình cảm “trung hòa” của thuyết “trung dung” gò bó (hỉ, nộ, ai lạc chi vị phát vị chi trung, phát nhi giai trúng tiết vị chi hòa). Vì thế, đọc Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ, Nam Ông Mộng Lục của Hồ Nguyên Trừng và Lan Trì Kiến Văn Lục của Vũ Trinh... chúng ta thường gặp những mẩu chuyện châm biếm một cách kín đáo thói hư tật xấu của người đời với mục đích “phù thế giáo một vài câu thanh nghị”.

Phải tới cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, chúng ta mới có tuyển tập chuyện châm biếm đầy lý thú và đa sắc, đa dạng qua ngòi bút của các nhà văn tiền phong như Huỳnh Tịnh Của (tác giả “Chuyện giải buồn” gồm hai tập xuất bản năm 1880 và 1885) và Trương Vĩnh Ký (“Chuyện khôi hài” xb 1882). Tuy nhiên, nguồn chính chuyện cười của chúng ta phải kể từ văn học dân gian và những nhân vật Ba Giai-Tú Xuất và Trạng Quỳnh... và giai thoại về họ, đã giúp chúng ta “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Có người lại cho rằng kể chuyện cười không phải là sáng tác văn học mà chỉ là công việc sưu tầm các mẩu chuyện có sẵn.

Trong bài tựa trong “500 Chuyện Cười” nhà văn có viết: “Tôi không phải là tác giả các chuyện này. Chuyện cười giống như ca dao. Lúc đầu, có người làm ra vì được ưa thích và lan truyền rộng rãi, tác giả đã biến đi”.

Tác giả đã khiêm tốn chỉ nhận là người sưu tầm chuyện cười nhưng thực sự “500 Chuyện Cười” là một công trình văn học sáng giá và đầy sáng tạo.

Sáng giá ở điểm nào?

Trước hết là quy mô của tác phẩm. Chọn 500 câu chuyện dí dỏm khác nhau, bao quát được đủ cách cười, đủ giọng khôi hài, chan hòa châm biếm... không phải là chuyện dễ và như tác giả tiết lộ ông đã thu thập chúng trong 7 năm trời.

Cách chọn lựa những câu chuyện để trình bày lại trong “500 Chuyện Cười” cũng đòi hỏi khả năng thẩm mỹ tế nhị. Nên biết chuyện cười rất phong phú nên mới gọi là “tiếu lâm” hay “rừng cười”. Nhưng trong khu rừng bát ngát mịt mùng, gỗ tạp bên cạnh gỗ quý, người thưởng ngoạn phải biết “đãi cát tìm vàng” chọn chuyện nào và bỏ chuyện nào. Về mặt này Trà Lũ đã thành công trong việc chọn lựa, tiểu thuyết hóa và tân kỳ hóa các mẩu chuyện vui nhất.

Chọn chuyện đã khó, kể lại chuyện còn khó hơn. Việc này đòi hỏi có duyên, có tiểu xảo nghệ thuật tạo những bất ngờ cho người nghe khiến ai nấy khi nghe tới lời cuối mới vỡ lẽ câu chuyện và ngả nghiêng cười thích thú. Không kể mà viết lại, lại còn khó hơn vì lời văn phải giản dị, chữ dùng phải tạo ấn tượng, biến “cái tục” thành “cái thanh” để người đọc, khi đọc xong càng nghĩ càng ngấm, càng thích thú. Dùng nghệ thuật vị nhân sinh, làm đẹp được cái bị thành kiến cho là không đẹp, khéo léo phô bày được được điều người đời cố tình giấu giếm mà cũng cố tình khoe ra, tạo thành nụ cười dòn dã và Trà Lũ đã làm được việc này.

Tóm lại, bảo rằng kể chuyện cười chỉ làm công việc “thuật nhi bất tác” là sai đối với Trà Lũ. Nhà văn đã dùng cái tài kể chuyện duyên dáng, óc sáng tạo, văn phong giản dị để linh động hóa những mẩu chuyện vui mà nhiều người đã biết. Nhờ đó cái cũ biến thành cái mới, “tục” biến thành “thanh” và “thanh” biến thành “tục”, tạo cho người đọc lý thú bất ngờ, đỏ mặt vì cười, chau mày vì chua chát...

Ý hướng cho ra mắt chuyện cười của Trà Lũ cũng rất đáng quý. Ông đã tâm sự trong bài tựa: “Tôi chỉ có ý góp vui, vì tiếng cười là thuốc trường sinh, một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ.”

Cười là liều thuốc bổ như chúng ta đều biết, nhưng nụ cười còn gói ghém nhiều mục tiêu khác nhau. Trào phúng là khí giới của kẻ yếu, và từ ngàn xưa chúng ta đã dùng nụ cười để đối kháng kẻ mạnh, kẻ áp bức. Chuyện cười cũng là ngọn roi dư luận đối với thói hư tật xấu của người đời.

Chuyện cười của Trà Lũ như ông đã thanh minh: “Khi chọn đăng các chuyện cười, tôi không hề có ý xúc phạm tới bất cứ một giới nào”. Quả thực ông đã làm được việc này. Đọc kỹ tác phẩm của ông, ta không thể không thấy ý hướng xây dựng của nhà văn. Nhà văn muốn dùng tiếng cười hơn là lời chỉ trích bất cứ ai, nên không những làm vui người mà còn làm đời thêm vui. Ân, oán, hiềm nghi, chia rẽ và thành kiến nếu có, nhờ tiếng cười mà Trà Lũ cho chúng ta, phút chốc tan biến tất cả. Ta đoàn kết dấn thân vào hội cười.

Tác phẩm của Trà Lũ đánh đúng vào cái yêu chung của mọi người nên chắc chắn được mọi người mở rộng vòng tay tiếp đón và nối vòng tay thưởng thức nó.

Tuy nhiên, thế nào chẳng có nhà đạo đức cho rằng Trà Lũ chọn nhiều chuyện quá nhuốm mùi tục lụy trong “500 Chuyện Cười”. Xin thưa đã là chuyện cười thì chất tục khó tránh. Có mấy ai không cảm thấy hứng thú khi đọc vài chuyện rất tục nhưng lý thú trong “Chuyện khôi hài” của Trương Vĩnh Ký và bài thơ “Vũng lội Làng Ngang” của Nguyễn Khuyến? Còn Hồ Xuân Hương nữa, thiếu gì bài ý tục lời thanh.

Coi rẻ cái tục là sai, vì nó là một phần nhân bản nhưng do thói quen người ta vẫn kiêng nói ra miệng. Thực ra, tục, thanh ở tại lòng ta hơn là ở câu chuyện. Tài của nhà văn là biến cái “tục” thành “thanh”. Câu chuyện Trà Lũ kể lại nhờ lời bóng bảy, phép ẩn dụ, chữ gợi hình, thuật liên tưởng, đã không có ý gợi dục nơi người đọc mà chỉ có ý chọc cười cho mọi lứa tuổi, bất chấp giới tính.

Trà Lũ đã chọn lựa chuyện cười theo một tiêu chuẩn và trung thành với đường hướng này: giúp giải tỏa tâm lý bị dồn nén do hoàn cảnh kinh tế và chính trị gây nên, và mang lại bổ ích cho sức khỏe của mọi người. Nụ cười của ông đã thành công chinh phục độc giả và tác phẩm “500 Chuyện Cười” đã góp phần vào kho tàng văn học bên cạnh các công trình sưu tầm chuyện dân gian của Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Văn Ngọc...

Ngừng ở trang cuối tuyển tập gồm gần ba trăm trang, trình bày trang nhã và dí dỏm với chân dung của một kẻ yêu đời cười hể hả ở ngoài bìa. Xin khoan ngừng ở nụ cười, xin đừng vội coi tác phẩm chỉ là tuyển tập tiếu lâm đơn thuần mà nên đi sâu vào tấm lòng người kể chuyện. Cám ơn nhà văn vì yêu người, yêu đời, đã mang cái lạc quan của mình chia sẻ với chúng ta, giúp chúng ta có những phút tạm quên sầu đời, dịu bất bình vì đời và hy vọng nhờ nó nhiều người thoát khỏi chứng trầm cảm.

Hoàng Yên Lưu


ĐẦY TIẾNG CƯỜI- ĐẦY KIẾN THỨC


Nhà Xuất Bản HOA LƯ hân hạnh giới thiệu 2 sách mới của Nhà Văn TRÀ LŨ, tác phẩm thứ 11 và 12 vừa phát hành:

MIỀN ĐẤT AN LẠC

Những chuyện vui tươi dí dỏm nhất trong mấy năm qua và

500 CHUYỆN CƯỜI

những chuyện tiếu lâm đông tây kim cổ chọn lọc,
khác với 300 Chuyện Cười đã xuất bản năm 2001

Giá sách và bưu phí mỗi cuốn:
-gửi trong Canada: 25 Gia kim ( hay 23 Mỹ kim)
- gửi từ Canada sang Hoa Kỳ: 28 Gia kim ( hat 26 Mỹ kim)
- gửi từ Canada đi các nước khác: 33 Gia kim ( hay 30 Mỹ kim)
Ngân phiếu xin đề: TRÀ LŨ, 113 Kennedy Ave, Toronto, Ontario M6S 2X8 Canada

Đây là món quà trang nhã và đẹp nhất mừng Năm Mới
để tặng thân nhân và bằng hữu. Xin cho chúng tôi tên và địa chỉ.