Cơn Lốc Đi Qua – Tình Người Ở Lại !

Chẳng hiểu tại sao tôi lại được đặt chân đến thành phố Joplin - tiểu bang Missouri của Mỹ để được tận mắt nhìn tận cảnh một Joplin phải đón nhận quá nhiều đau thương do cơn lốc vừa xảy đến trong tuần cuối tháng 5 vừa qua. Tôi đến đây có lẽ nhờ cơn “lốc” tình thương của Chúa vì tự sức mình, tự bản thân mình không thể hiện diện trên mảnh đất thân yêu này được.

Xem cơn lốc tàn phá

Tranh thủ giờ trống của kỳ Đại Hội Thánh Mẫu, gia đình một người quen đã đưa tôi đến thăm hiện trường sau cơn lốc.

Như báo giới đã đưa tin, gió xoáy giết chết ít nhất 2 người ở Kansas và làm “nhiều trăm người bị thương” trước khi di chuyển theo hướng đông và làm thiệt mạng 3 người khác ở Arkansas. Dù vậy bão vẫn còn ở Missouri, Arkansas và nam Illinois.

Sau đó bão tiến vào Kentucky, Tennessee và Mississippi. Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ cũng đã ra báo động cho hai tiểu bang Illinois và Indiana. Vận tốc gió trong trận tàn phá thành phố Oklahohoma lên tới hơn 240km/giờ. Các trận bão lốc kèm theo mưa đá lớn đã lật đổ cây cối, phá hủy xe cộ và gần như mọi thứ cản đường đi của chúng.

Giờ khắc bi thương nhất là tối ngày 22 tháng 5, một trận lốc xoáy kinh hoàng đã đến với thành phố nhỏ Joplin (tiểu bang Missouri).

Theo con số thống kê chính thức, đã có ít nhất 126 người ở riêng thành phố này thiệt mạng. Ba phần tư thành phố với 50.000 dân cư này đã bị phá hủy hoàn toàn trong cơn lốc xoáy có tốc độ lên tới 320km/giờ. Đây là trận lốc xoáy gây nhiều chết chóc nhất ở Mỹ kể từ năm 1947.

Nhìn thực tế hiện trường thấy sao kinh khủng thế ! Không thể tưởng tượng được chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ thôi mà ra nông nỗi như thế này. Thật sự không thể hiểu nổi.

Vừa được xem hiện trường vừa được kể lại những câu chuyện hết sức cảm động ở nơi này. Người dân ở đây sau khi bị nạn thì được nhiều người cấp tốc phụ giúp. Chẳng kể ngày, chẳng kể đêm và cũng chẳng cần ai bảo ai, ai làm được gì có thể đều về đây để cứu người, phụ dọn dẹp. Đến mảnh đất này, thấy tan thương thật nhưng bên dưới sự tan thương ấy chính là tình người. Tình người ở lại khi cơn lốc dữ đã qua đi.

Đến nay, cơn lốc đi qua hơn 2 tháng nhưng còn đó ngỗn ngang của những ngôi nhà, ngôi trường, bệnh viện, nhà thờ đổ nát. Để dọn dẹp, để làm mới lại thành phố này người ta dự đoán phải mất hơn 2 năm.

Chuyện thời tiết, chuyện thiên nhiên đều xảy ra ngoài tầm kiểm soát của con người. Con người phải làm gì, phải đối xử với nhau như thế nào đó mới là chuyện quan trọng.

Đến thăm vùng nạn này lại nghĩ đến những vùng nạn nào đó ở chỗ nọ chỗ kia. Ở chỗ nọ chỗ kia thi thoảng cũng gặp bão, cũng gặp gió, cũng gặp lũ, cũng gặp lụt nhưng rồi sự trợ giúp, sự nâng đỡ nó làm sao đó. Kẻ có công, người có của mang đến nhưng làm gì được đến tận chỗ, phát tận nơi chút tấm lòng người ta góp lại. Có chăng là phải chuyển cho những người có trách nhiệm để rồi người có trách nhiệm phân phát cho dân chúng. Nhưng kỳ thực, để đến tay với những người bị nạn thì họ được bao nhiêu ? Đau lòng hơn nữa là sau những lần bị nạn đó, người dân luôn nhận được những mặt hàng quá quen thuộc là mì gói và gạo. Biết rằng mì gói và gạo rất cần cho cuộc sống sau cơn lũ nhưng điều đáng buồn là nhận toàn đồ hết “đát”. Bên cạnh đó còn có những bao quần áo cũ mà khi moi ra làm giẻ rách cũng chẳng đặng đừng.

Vấn đề lớn của cứu trợ, của sự nâng đỡ cho những người gặp nạn vẫn là ở tấm lòng. Khi lòng người ta khép lại thì người ta cho đi những gì là không dùng đến, cho đi những gì là sắp qua hạn hay đã qua hạn cho sạch cửa sạch kho.

Nhớ lại những vùng vốn đã nghèo mà còn tình thương còn bị đánh cắp nữa sao thấy thương quá ! Những con người ở những vùng đó đã bị thiên nhiên tàn phá đã đành, nay khi được cứu trợ họ lại bị con người vô tâm tàn phá một lần nữa bởi những phần hàng cứu trợ chẳng ra làm sao cả.

Những ai rơi vào cảnh khó của sự tàn phá của thiên nhiên vẫn cần lắm, cần lắm một tấm lòng.

Nhìn những người ở Joplin, dù sao họ cũng còn may mắn hơn những người ở chỗ khác là họ được tình thương chia sẻ thật sự. Cơn lốc dữ đã đến, cơn lốc dữ đã làm mất đi biết bao nhiêu tiền, bao nhiêu của và bao nhiêu con người nhưng rồi khi cơn lốc dữ đi qua thì tình người lại lộ lên một cách mãnh liệt.

Chẳng lẽ trước khi đi mua nhà phải dò hỏi nơi đấy có tình thương hay không rồi mới mua hay sao ? Chẳng lẽ được chọn đến để ở một thành phố, một đất nước mà có đời sống an sinh xã hội cao, tình thương và lòng người cao hay sao ? Phận đời, phận người đâu được chọn như thế !

Với những người kém may mắn chắc có lẽ họ phải tập, phải tập để đón nhận tất cả những khổ đau do con người mang lại ngoài cái khổ đau đến tự thiên nhiên.

Đời nhiều người đã kém may mắn mà còn gặp những nơi thiếu tình thương, thiếu lòng nhân hậu thì quả thật là đắng cay.

Vũ Hưu Dưỡng