Tin từ trong nước cho biết người dân tộc thiểu số đã tổ chức một cuộc biểu tình với số người tham gia khá lớn tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, chủ yếu là Daklak.

Một nhân chứng nói với đài BBC cuộc biểu tình bắt đầu từ sáng sớm, khoảng sau 6 giờ và cho tới quá trưa thì tạm lắng xuống.

"Người Thượng đã tiến vào trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột trên hàng trăm máy cày, máy kéo. Mỗi chiếc máy cày chở hàng chục người.

Con số tổng cộng không đếm được nhưng phải đến hàng trăm người.

So với lần trước (năm 2001) thì lần này nổi dậy có quy mô và tổ chức hơn. Thoạt tiên họ tiến vào một cách hòa bình, nhưng khi chính quyền bắt đầu có hành động ngăn cản, thì đã có đụng độ."

Những người biểu tình không nêu yêu sách gì, nhân chứng này nói. Cảnh sát và dân quân đã sử dụng hơi cay và xịt nước để giải tán.

Sau đó đã có ẩu đả, người của bên chính quyền thì dùng gậy gộc, còn người Thượng thì dùng những viên đá mà họ chở tới.

Con số thương vong hai phía sau nhiều giờ đụng độ hiện chưa kiểm chứng được, với các nguồn tin đưa ra khác nhau khá xa từ vài chục người bị thương và vài người bị chết tới vài trăm người thiệt mạng.

Cho tới cuối ngày thứ Bảy, tình hình tạm lắng xuống tại thành phố Buôn Mê Thuột. Thế nhưng theo Tổ chức Người Thượng (Montagnard Foundation) trụ sở tại South Carolina, Hoa Kỳ, thì Chủ nhật và các ngày sắp tới sẽ tiếp tục có biểu tình.

Tổ chức này nhận là đã tổ chức bạo loạn và kêu gọi người Thượng Tây Nguyên nổi dậy trong sáu ngày bắt đầu từ thứ Bảy nhằm vào Lễ Phục Sinh để phản đối việc chính quyền trong nước "đàn áp người dân tộc thiểu số".

Ông Kok Ksor, Chủ tịch Quỹ này nói họ huy động tới hàng trăm ngàn người biểu tình, không chỉ ở Daklak mà còn ở các tỉnh khác như Kontum Gia Lai, Bình Phước.

Đài BBC đã cố gắng liên lạc với giới chức chính quyền tỉnh Daklak nhưng không được trả lời.

Cuộc nổi dậy lần này được tổ chức ngay trước kỳ bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp sẽ tiến hành vào cuối tháng.

Lần bạo loạn vào đầu năm 2001 đã dẫn tới việc hàng ngàn người Thượng bỏ trốn sang Campuchia để xin tỵ nạn.

Chính phủ Việt Nam sau vụ đó đã bị chỉ trích là "đàn áp người dân tộc". (theo BBC)