Quay hướng nhìn về Chúa Giêsu  

Tôi đã trưng dẫn cái hiểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về đời sống chiêm niệm: hướng nhìn về Chúa Giêsu, trở về tâm điểm vì “tình yêu đích thực luôn có tính chiêm niệm.” Hướng nhìn về Chúa Giêsu (Tâm Điểm của ta) là lời Thánh Têrêxa khuyên ta. Theo tôi, một trong các bản văn đẹp nhất tổng hợp được đời sống chiêm niệm theo Thánh Têrêxa tìm thấy ở chương 26 cuốn Đường Trọn Lành.

“Nếu chị em tiến tới chỗ quen thuộc với việc có Người ở bên cạnh, và Người nhận thấy chị em làm thế vì tình yêu và chị em cố gắng làm vui lòng Người, thì chị em, như người ta thường nói, không thể nào rời xa Người được; Người sẽ không bao giờ làm chị em thất vọng; Người sẽ giúp đỡ chị em trong mọi cơn thử thách của chị em; chị em sẽ thấy Người ở khắp nơi. Chị em có nghĩ có một người bạn như thế ở bên cạnh là một chuyện nhỏ không?” (W.26.2)

Thánh Têrêxa cũng hỏi cùng một câu hỏi trên ở chương 22 cuốn Đời Sống của ngài: “Ta còn ước ao điều gì hơn là có một người bạn tốt như thế ở bên cạnh ta, người sẽ không bao giờ bỏ rơi ta trong các khó nhọc và khổ não của ta, như bạn bè ở thế gian vẫn thường bỏ rơi? Phúc cho ai yêu Người thực sự và luôn giữ Người ở bên cạnh!” (L.22.7)[1]

Đối với Thánh Têrêxa, chiêm niệm (đời sống chiêm niệm) là dán mắt ta vào Chúa Giêsu và để cái nhìn yêu thương của Người biến đổi ta. Điều này có nghĩa: nhận Chúa Giêsu làm bạn, vun sới tình bạn thân mật với Người, dành thì giờ ở một mình với Đấng “ta biết Người yêu ta,” và sánh bước với Người trong mọi khía cạnh của đời ta: trong cầu nguyện riêng tư, trong Thánh Thể, trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, trong lúc đọc sách thánh theo lối cầu nguyện, trong sinh hoạt anh em và chị em, và trong mọi biến cố và đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, để hỗ trợ một lối sống chỉ chăm chú đầy yêu thương tới Chúa Giêsu, Thánh Têrêxa còn lập ra nội cấm làm phương thế giữ cho cái nhìn của ta (đời ta) luôn dán chặt vào Chúa Kitô và mở lòng ra đón nhận trải nghiệm sâu sắc hơn về Thiên Chúa. Ta phải nhớ rằng ý tưởng của Thánh Têrêxa về đan viện Thánh Giuse là để sửa lại phong tục mừng Lễ Nhập Thể vốn cho phép ra ngoài nhiều quá vì các lý do khác nhau: nghèo khó, bệnh tật, an ủi các ân nhân, và du hành như ngài đã làm.

Đối với Thánh Têrêxa, trải nghiệm Thiên Chúa là một trải nghiệm về Chúa Kitô. Do đó, ngài khuyên ta duy trì cái nhìn của ta chú mục vào một mình Người.

“Tôi không yêu cầu chị em lúc này phải nghĩ đến Người hay rút tỉa nhiều ý niệm hoặc dùng tri thức, thực hiện các suy niệm lâu giờ và tinh tế. Tôi không yêu cầu chị em làm bất cứ điều gì khác ngoài việc nhìn ngắm Người. Vì ai có thể làm chị em thôi không hướng con mắt linh hồn của chị em về phía vị Chúa này, cho dù là làm thế trong giây lát nếu không thể làm hơn? Chị em có thể nhìn những điều rất xấu xa; há chị em lại không thể nhìn một điều đẹp đẽ không thể tưởng tượng được hay sao? Này, hỡi các con, Phu Quân của các con không bao giờ rời mắt khỏi các con. Người vốn đau khổ vì các con phạm cả ngàn vi phạm và những chuyện ghê tởm xấu xa chống lại Người, nhưng sự đau khổ này vẫn không đủ để Người thôi nhìn các con. Có quá đáng hay không khi yêu cầu các con đừng nhìn những sự vật ở bên ngoài nữa để đôi lúc có thể nhìn lên Người? Này, Người không chờ mong điều gì khác, như Người từng nói với nàng dâu, [2] hơn là ta nhìn Người. Càng ước muốn Người, các con sẽ càng tìm thấy Người. Người qúy việc ta nhìn Người đến nỗi Người sẽ không thiếu một lãng quên nào.” (W.26.3) “Nếu chị em đang vui, chị em hãy nhìn Người như Đấng Sống Lại. Chỉ tưởng tượng Người từ mồ chỗi dậy ra sao cũng đủ đem lại nềm vui cho chị em rồi... Nếu chị em đang gặp thử thách hay sầu buồn, chị em hãy nhìn Người trên đường tới thửa vườn: Người buồn rầu đến chừng nào trong linh hồn; Người sẽ quên các buồn rầu này để an ủi chị em trong cơn buồn rầu của chị em, chỉ vì chị em đã chạy tới với Người để được an ủi, và chị em sẽ quay đầu nhìn Người.” (W.26.4-5)

Chúa Giêsu Kitô là “cuốn sách sống” đối với Thánh Têrêxa. (L.26.5) Ta không thể hiểu việc cầu nguyện hay ý niệm sống chiêm niệm của Thánh Têrêxa nếu không có Chúa Giêsu Kitô. Ngài là một phép lạ của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Sống Lại. Việc ngài khám phá ra con người Kitô là khám phá vĩ đại nhất của đời ngài. Nó là chìa khóa dẫn tới các cuộc hồi tâm của ngài năm 1554 trước Đức Kitô đầy thương tích và năm 1556 nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Ngắm nhìn vẻ đẹp của Chúa Giêsu Sống Lại đã chữa lành cảm giới của ngài và giải thoát để ngài sống tự do không bị tính ích kỷ chi phối nữa. (L.37.4)[2]  Cầu nguyện như “làm bạn” với Chúa Giêsu đã thay đổi đời ngài một cách năng động. Mối liên hệ của ngài với Chúa Kitô là một trải nghiệm tiệm tiến đầy năng động, một trải nghiệm đã trở nên thâm hậu hơn, nội thẳm hơn, thực chất hơn, bản vị hơn, và nhân bản hơn.

“Một tình yêu và một lòng tin tưởng lớn hơn nhiều dành cho vị Chúa này bắt đầu lớn mạnh trong tôi khi tôi coi Người như Đấng tôi được chuyện trò liên tục.  Tôi thấy Người là một con người, dù Người là Thiên Chúa; Người không ngạc nhiên trước các yếu đuối của con người: Người hiểu bản chất khốn cùng của chúng ta, chịu nhiều sa ngã do tội lỗi đầu tiên mà Người tới để sửa chữa. Tôi có thể nói với Người như với một người bạn, dù Người là Chúa.” (L.37.5)   
  
Ngoài ra, Thánh Têrêxa muốn nối kết các chị em của ngài với các nguồn gốc nguyên thủy và ẩn sĩ của Dòng và do đó, chuẩn bị tư thế để họ trải nghiệm Thiên Chúa và các thực tại siêu nhiên một cách huyền nhiệm. Thánh Têrêxa thường hay gọi tinh thần này là “ẩn sĩ”. Đối với ngài, hình ảnh các vị ẩn sĩ cao niên trên Núi Carmel luôn hiện diện trước ngài. Ngài cảm thấy các nữ tu của ngài không những là các nữ tu mà còn là các nữ ẩn sĩ nữa.

Trở về Tâm Điểm

Quan niệm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô coi đời sống chiêm niệm như là cuộc huấn luyện cái nhìn của trái tim ta và việc ta trở về tâm điểm nhắc tôi nhớ đến một bản văn trong bài thơ Ngọn Lửa Sống Động của Tình Yêu. Trong mấy câu thơ đầu của bài này, Thánh Gioan Thánh Giá lấy ẩn dụ hòn đá để mô tả cuộc hành trình của ta tiến về tâm điểm con người mình nơi Thiên Chúa cư ngụ. Thiên Chúa là tâm điểm của ta, là cơ sở cho hữu thể của ta. “Tâm điểm linh hồn là Thiên Chúa.” (Fl.12) Giống hòn đá rơi xuống tâm điểm sâu xa nhất của nó trên trái đất, chúng ta, từ trong nội tại, cũng được đẩy về hướng Thiên Chúa vì chúng ta vốn được tạo nên vì Thiên Chúa, được tạo dựng từ tình yêu và cho tình yêu. Thánh Gioan nói với ta rằng hành trình tiến về tâm điểm chính là hành trình yêu thương. Tình yêu đem chúng ta vào tâm điểm của chúng ta. Trở nên hướng tâm là chuyện lớn lên trong tình yêu.

Thánh Gioan viết: “Tình yêu là xu hướng, sức mạnh, và lực lượng dành cho linh hồn trong việc thực hiện cuộc đi về với Thiên Chúa, vì tình yêu hợp nhất nó với Thiên Chúa. Mức độ yêu thương càng cao, nó càng đi sâu hơn vào Thiên Chúa và đặt tâm điểm nơi Người. Tình yêu càng lớn sự hợp nhất càng cao, và nhờ cách này, chúng ta có thể hiểu được nhiều biệt thự mà Con Thiên Chúa từng tuyên bố là có trong nhà Cha Người. (Jn. 14:2)

Do đó, để linh hồn có thể ở trong tâm điểm của nó là Thiên Chsúa, chỉ cần nó sở hữu một mức độ yêu thương, vì chỉ cần một mức độ yêu thương, nó cũng hợp nhất với Người nhờ ơn thánh. Nếu có đến hai mức độ, nó sẽ hợp nhất và tập trung vào Thiên Chúa ở một tâm điểm nữa, sâu xa hơn. Nếu đạt tới mức độ thứ ba, nó sẽ ở tâm điểm thứ ba. Nhưng một khi đạt tới mức độ cuối cùng, tình yêu Thiên Chúa sẽ đến làm linh hồn bị thương ở tâm điểm tối hậu và sâu xa nhất của nó, nghĩa là rực chiếu nó và biến đổi trọn cả hữu thể nó, lực lượng của nó, và sức mạnh của nó, và theo khả năng của nó, cho tới khi nó giống như Thiên Chúa.” (F1.13)

Càng trở nên yêu thương hơn, ta càng được hợp nhất với Thiên Chúa và đặt tâm điểm nơi Người, và càng đặt tâm điểm nơi Thiên Chúa, ta càng được chữa lành và biến đổi để có thể chiếu tỏa tình yêu Thiên Chúa khắp thế giới.     

Trong linh đạo của mình, ta thường dùng các kiểu nói “tâm điểm,” “đặt tâm điểm,” và “nội tâm,” cùng “nội tâm tính” để nói về cuộc hành trình thiêng liêng và đời sống chiêm niệm. Ta có khuynh hướng nghĩ tới việc đi vào tâm điểm hay bên trong như là việc đi vào một nơi ‘địa dư’ nào đó bên trong mình. Dán mắt nhìn vào “tâm điểm” và học cách trở thành “bên trong” đều là các ẩn dụ, không phải là nơi địa dư, nhưng để chỉ phẩm chất hữu thể và ý thức. Chúng diễn tả cách liên hệ với Thiên Chúa, với người khác và với sáng thế. Trong các Sách Tin Mừng, Chúa Giêsu nói tới Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa không phải là một nơi, nhưng là Một Người, tức Thiên Chúa được mặc khải nơi Chúa Giêsu Kitô. Do đó, vào Nước Thiên Chúa là bước vào mối tương quan liên ngã với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, và trong mối liên hệ này, ta được hồi tâm, biến đổi và học cách yêu thương như Thiên Chúa yêu thương. Trong Thư Gửi Tín Hữu Rôma, Thánh Phaolô nói với ta rằng Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, mà là chuyện “chính trực, bình an, và hân hoan của Chúa Thánh Thần.” (Rm. 14:17) Chính trực, bình an và hân hoan của Chúa Thánh Thần là các phẩm tính của hữu thể con người và lối họ liên hệ với đời sống và người khác.

Khi nói rằng hành trình tiến về tâm điểm của ta, tức cuộc hành trình của ta tiến về Thiên Chúa mà nơi Người ta sống, di chuyển, và có hữu thể của mình (Sách Công Vụ 17:28) là cuộc hành trình tình yêu, ta muốn hiểu tình yêu ra sao? Tình yêu luôn là một từ ngữ nguy hiểm, nhất là trong nền văn hóa của ta, vì có quá nhiều hiểu lầm liên quan tới bản chất tình yêu chân thực. Ta có khuynh hướng nghĩ đến tình yêu như một trạng thái được lý tưởng hóa, một cảm xúc lãng mạn hay một kinh nghiệm đầy an ủi lúc ta được khẳng nhận, hay cảm thấy được cần đến và chăm sóc. Ta có thể nói một cách hùng hồn và “huyền nhiệm” về tình yêu trong linh đạo. Trong Tự Sắc Thiết Lập Năm Thánh Đặc Biệt về Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng: “Dù sao, tình yêu cũng không bao giờ có thể chỉ là một điều trừu tượng. Do chính bản chất của mình, nó chỉ một điều cụ thể: ý định, thái độ, tác phong biểu lộ trong đời sống hàng ngày.” [3] Dorothy Day thường trích dẫn cuốn tiểu thuyết Anh Em Nhà Karamazov của Dostoevsky: “Tình yêu trong hành động là một điều khắc nghiệt và đáng sợ hơn là tình yêu trong mộng mơ.” Chúa Giêsu và các thánh của ta dạy ta ý nghĩa của tình yêu chân thực bằng chính cuộc đời của các ngài, chứ không bằng thứ “tình yêu trong mộng mơ.” Trong thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Thiên Chúa là Tình Yêu, ngài viết rằng nếu ta muốn biết ý nghĩa của tình yêu chân chính, thì ta phải bắt đầu chiêm niệm cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu. [4] Cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu bị đóng đinh là mẫu mực của tình yêu chân thực vì Chúa Giêsu hiến mạng sống của Người một cách tự ý, chỉ vì tình yêu mà thôi. Khi Phôngxiô Philatô tra vấn Chúa Giêsu, ông ta ráng đe dọa Người bằng cách nói rằng “tôi có thể cứu đời ông cũng như lấy nó đi.” Chúa Giêsu đáp lại rằng “Không ai có thể lấy mất đời tôi; tôi tự ý hiến nó.” (Jn. 19:10-11) [5]  Tình yêu và đau khổ đi đôi với nhau, tay trong tay, vì tình yêu bao hàm hy sinh.

Các Sách Tin Mừng dạy ta về tình yêu triệt để của Chúa Giêsu. “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, hãy chìa má bên kia, hãy đi thêm một dặm nữa, hãy cho mà đừng đòi đáp lại, hãy tha thứ thì anh em sẽ được tha thứ; đừng phán đoán để khỏi bị phán đoán; hãy có lòng thương xót như Cha trên trời của các con thương xót.” (Mt. 5:43-48) Mátthêu 25 vào tận cốt lõi của tình yêu Tin Mừng “Khi Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta trần truồng, các con đã mặc áo quần cho Ta; ta đau yếu các con đã thăm viếng Ta... Điều các con làm cho người hèn mọn nhất trong các anh chị em Ta, là các con làm cho Ta.”

Ở nơi Tòa Thứ Tư (Interior Castle) Thánh Têrêxa nói rằng cầu nguyện không phải là chuyện nghĩ nhiều, mà là yêu nhiều, “nên chị em hãy làm điều gì kích thích chị em yêu thương hơn cả.” Tuy nhiên, ngài thắc mắc không biết ta có hiểu bản chất của tình yêu hay không. Ngài viết: “Có lẽ ta không biết tình yêu là gì. Tôi không ngạc nhiên lắm, vì nó không hệ ở việc vui thích lớn lao nhưng hệ ở việc ước ao một cách rất cương quyết nhất định sẽ làm vui lòng Thiên Chúa trong mọi sự bằng cách cố gắng hết sức không xúc phạm đến Người, và bằng cách cầu xin Người ơn phát huy vinh dự và vinh quang của Con Người và việc tăng tiến của Giáo Hội Công Giáo. Đó là các dấu chỉ tình yêu. Chị em đừng nghĩ vấn đề hệ ở việc không nghĩ tới điều gì khác, và nếu chị em chia trí một chút thì sẽ đánh mất mọi sự.” (4D.1.7)

Điều đáng lưu ý là Thánh Têrêxa đã nhắc lại cùng một giáo huấn này trong chương năm cuốn Các Nền Tảng khi ngài viết rằng thực chất của việc cầu nguyện hoàn hảo không phải là nghĩ nhiều mà là yêu nhiều. (F.5.2)

Nhưng khi Thánh Têrêxa nói rằng thực chất của cầu nguyện hoàn hảo là tình yêu, chứ không ấp ủ các ý nghĩ thiêng liêng cao vời, ngài muốn mở rộng cái hiểu của ngài về cầu nguyện như việc yêu thương. Thánh Têrêxa đặt câu hỏi: “Người ta đạt được tình yêu này cách nào?” Ngài trở nên thực tế và mở rộng tình yêu như lời cầu nguyện cho đời sống, cho các đòi hỏi của đời sống hàng ngày, nhất là khi nó kéo theo đức vâng lời và đức ái.   
    
“Người ta đạt được tình yêu này cách nào? Bằng cách nhất quyết làm việc và chịu đau khổ, và làm thế khi có dịp. Qủa thực, bằng cách nghĩ đến những gì ta mắc nợ Chúa, Người là ai, và ta là ai, thì quyết tâm của linh hồn sẽ phát triển, và lối suy nghĩ này rất có công và thích hợp đối với những người mới bắt đầu. Nhưng phải hiểu rằng điều này đúng miễn là không điều gì cản trở đức vâng lời và phải gây ích cho người lân cận của mình. Khi nào một trong hai điều này hiện diện thì còn tùy thời gian, và cả việc từ bỏ điều ta hết lòng mong dành cho Thiên Chúa, tức việc, theo ý ta, được ở một mình nghĩ tới Người và vui thú trong những điều vui thú Người ban cho ta. Để qua một bên các vui thú này vì một trong hai điều kia là dành vui thú cho Người và làm việc cho Người, như Người từng nói: điều các con làm cho những người hèn mọn nhất này là các con làm cho Thầy.[2] và trong các vấn đề liên quan tới đức vâng lời, Người không muốn linh hồn nào thực sự yêu thương Người đi theo con đường nào khác hơn là con đường Người đã đi: vâng lời cho tới chết: obediens usque ad mortem.[3]” (F.5.3)

Nói cách khác, tình yêu như lời cầu nguyện không phải là việc thinh lặng nghỉ yên trong vòng tay Người ta Yêu Thương. Yêu là một động từ, một hành động. Ta đạt được tình yêu này bằng việc nhất quyết làm việc và chịu đau khổ trong bối cảnh vâng lời và yêu thương: vâng lời theo nghĩa gốc La Tinh có nghĩa là “ob-audire,” nghĩa là thận trọng lắng nghe, chú ý lắng nghe. Ta lớn mạnh trong tình yêu bằng cách thận trọng lắng nghe giây phút hiện tại, lắng nghe người khác và nhu cầu của họ, và lưu tâm tới các bổn phận trong ơn gọi của ta. Khi ta đáp ứng các nhu cầu của con người, thì ta có tình yêu chân chính, và do đó, việc cầu nguyện. “Người yêu đích thực yêu khắp mọi nơi và luôn nghĩ tới Người ta Yêu Thương! Sẽ là một điều khó có thể chịu đựng được khi ta chỉ có thể cầu nguyện lúc ở một góc nào đó.” (F.5.16)

Thánh Têrêxa đưa ra điều trên ở Tòa Thứ Năm trong đó, ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đức ái trong cuộc sống hàng ngày. 
   
“Khi tôi thấy các linh hồn tha thiết cố gắng hiểu việc cầu nguyện họ đang có và rất rầu rĩ khi đang làm việc này, vì dường như họ không dám để tâm trí họ di động hay khuấy động kẻo sự vui thích và sùng mộ thiêng liêng của họ bị mất đi, thì điều này làm tôi hiểu họ ít hiểu xiết bao về cách phải làm sao mới đạt được sự kết hợp; họ nghĩ trọn vấn đề hệ ở các điều này. Không đâu, thưa các chị em, tuyệt đối không; các việc làm là điều Chúa muốn! Người muốn nếu chị em thấy một chị bị bệnh, mà chị em có thể làm chị ấy bớt bệnh, thì chị em phải cảm thương chị ấy và đừng lo mất lòng sùng mộ kia; và nếu chị ấy bị đau, chị em cũng phải cảm nhận cái đau này; và, nếu cần, chị em phải nhịn ăn để chị ấy ăn, không phải vì chị ấy cho bằng chị em biết đấy đó là điều Chúa của chị em muốn. Đấy mới là sự kết hợp thực sự với thánh ý Người, và nếu chị em thấy người nào đó được ca ngợi, thì Chúa muốn chị em phải vui hơn là chính chị em được ca ngợi. Điều này, quả thực, là điều dễ dàng vì nếu chị em có lòng khiêm nhường, chị em sẽ cảm thấy buồn khi thấy chính chị em được ca ngợi. Nhưng hạnh phúc nào diễn ra khi người ta biết đến các nhân đức của Các Chị thì đó là điều rất tốt; và khi ta thấy một lỗi lầm nào đó nơi Các Chị, thì cũng sẽ là rất điều tốt nếu ta buồn và dấu lỗi lầm này như thể là của chính chúng ta.” (5M.3.11)

Khi ta nói tới đời sống chiêm niệm như là một cuộc huấn luyện để hướng cái nhìn tâm hồn ta về tâm điểm của ta, là chúng ta nói về việc lớn lên trong tình yêu Tin Mừng, nghĩa là, yêu như Chúa Giêsu yêu. Dĩ nhiên, để lớn lên trong tình yêu này, nghĩa là tình yêu Thiên Chúa, ta cần chính tình yêu của Người để thanh tẩy, chữa lành và biến đổi ta khỏi mọi điều kình chống và ngăn cản tình yêu Thiên Chúa khỏi chiếm hữu đời ta và chiếu sáng qua ta. Chính trong việc cầu nguyện chiêm niệm hiểu như “việc chia sẻ thân mật giữa bạn bè với Đấng chúng ta biết là yêu thương chúng ta” (L.8.5), hay như Thánh Gioan Thánh Giá từng mô tả: “như một việc Thiên Chúa chẩy tràn vào linh hồn để tẩy rửa và chữa lành các ngu dốt và thiếu sót của ta và bí mật dạy ta yêu thương, để ta lớn lên trong tình yêu Tin Mừng.” (2N.5.1) [6]   

Trong Ca Khúc Thiêng Liêng của Thánh Gioan Thánh Giá, ta có một đoạn văn tuyệt vời hỗ trợ cho học lý của Thánh Têrêxa. Thánh Gioan cho ta hay: song song với việc cầu nguyện và chiêm niệm, ta còn phải ráng đừng sai phạm trong tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và người lân cận bằng cách thực hành điều Thánh Phaolô dạy ta: điều đáng lưu ý là Thiên Chúa không đặt ơn thánh và tình yêu của Người trong linh hồn ngoại trừ theo ước muốn và tình yêu của nó. Những ai thực sự yêu mến Thiên Chúa phải ráng đừng sai phạm trong tình yêu này, vì nhờ thế họ sẽ khiến Thiên Chúa, nếu ta được phép nói như thế, yêu họ hơn nữa và thấy vui thú nơi họ. Và để đạt được đức ái này, ta nên thực hành điều Thánh Phaolô dạy:

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (phù hợp với đức ái) [1 Cor. 13:4-7].” (SC.13.12)

Kiên nhẫn, hiền hậu, khiêm nhường, tin, cậy, mến, đây là các nhân đức nâng đỡ, đồng hành, và thâm hậu hóa việc cầu nguyện chiêm niệm.

Kỳ sau: Cầu Nguyện và Dấn Thân