Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng Chúa Nhật 25 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá, khởi sự Tuần Thánh, là tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng Vụ Công Giáo.

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá này cũng là ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 33 được cử hành ở cấp giáo phận.

Trong sứ điệp gởi đến tất cả các bạn trẻ trên thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài đối với những lời của Thiên Thần Gabriel, “Đừng sợ!”, khi truyền tin cho Đức Maria như được thuật lại trong Tin Mừng của Thánh Luca, Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu những người trẻ hãy nêu đích danh những nỗi sợ hãi của họ. Hôm nay, ngài nói, có rất nhiều thanh thiếu niên liên tục “photoshop” những hình ảnh của họ hoặc ẩn giấu đàng sau những bản sắc giả tạo, nhằm cố gắng thích nghi với các tiêu chuẩn nhân tạo và không thể đạt được. Sự bấp bênh của thị trường việc làm, một cảm giác không phù hợp với thế giới chung quanh và sự thiếu vắng việc bảo vệ tình cảm của mình là những nỗi sợ hãi khác đang làm tổn thương những người trẻ.

Các bạn trẻ của giáo phận Rôma và đoàn đồng tế từ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô đang tiến ra quảng trường Thánh Phêrô với những nhành lá trên tay. Các vị hướng về tháp bút ở giữa quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha sẽ làm phép các cành lá.

Một phó tế đang kính cẩn rước sách Phúc Âm.

Sau lời chào Phụng Vụ, Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi cộng đoàn như sau:

Anh chị em thân mến, chúng ta tụ họp nơi đây, để cùng toàn thể Giáo Hội khai mạc tuần thánh tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua, tức là cuộc thương khó và Phục Sinh của Ðức Ki-tô. Ðể chuẩn bị Tuần Thánh, trong suốt mùa chay, chúng ta đã cầu nguyện, thống hối, chia sẻ tình thương và cơm áo cho nhau.

Chúa Nhật lễ lá hôm nay là ngày kỷ niệm Ðấng Cứu Thế vào thành thánh Giê-ru-sa-lem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại cho loài người ơn cứu độ, chúng ta hãy đem cả niềm tin mà hăng hái bước theo Người. Xin Người ban ơn để chúng ta thông phần đau khổ Người đã chịu trên thập Giá, hầu được chia sẻ vinh quang Phục Sinh và sự sống của Người.

Rồi Đức Thánh Cha thinh lặng rảy nước thánh trên lá.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

“Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa.”

Khi Ðức Giê-su và các môn đệ đi gần tới thành Giê-ru-sa-lem, lúc sắp vào làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi cây Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó về đây. Nếu có ai bảo: “Tại sao các anh làm như vậy?” thì cứ nói là: “Thầy có việc cần dùng, rồi sẽ trả về ngay”. Hai môn đệ ấy ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra. Mấy người đứng đó hỏi: “các ông cởi lừa người ta ra làm gì vậy?” Hai ông trả lời như Ðức Giêsu đã dặn. Và họ để cho đi. Hai ông dắt con lừa về cho Ðức Giêsu, trải áo choàng của mình lên lưng nó, và Ðức Giêsu cỡi lên. Nhiều người trải áo xuống mặt đường, môt số khác lại chặt cành chặt lá ngoài đồng rải lên lối đi. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Ða-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô Chúa trên các tầng trời!”

Ðó là lời Chúa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau bài Tin Mừng, cuộc rước lá đã bắt đầu. Đoàn rước hướng về lễ đài chính được đặt trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô như ta vẫn thường thấy trong các thánh lễ đại trào do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự.

Trước sự hiện diện của khoảng 50 ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự cuộc rước lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Jerusalem, và thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa sau đó.

Các cành lá dừa các bạn trẻ cầm trong cuộc rước lá do các Cộng đoàn Con đường Tân dự tòng trao tặng; còn các cây và cành ô liu trang trí bàn thờ và Quảng trường thánh Phêrô do miền Puglie nam Italia tặng. Sau cùng 2 ngàn cành lá dừa màu vàng được kết bện rất nghệ thuật, do các chính quyền ở thành phố San Remo và Bordighera và một số tổ chức khác ở miền Liguria trao tặng theo một truyền thống có từ thế kỷ 16. Các cành lá này được Đức Thánh Cha, các Hồng Y, Giám Mục, kinh sĩ đoàn Đền thờ Thánh Phêrô và đoàn giúp lễ và một số người khác cầm trong tay.

Đồng tế với Đức Thánh Cha và tham dự cuộc rước lá có 30 Hồng Y và 50 Giám Mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa thánh, còn có ca đoàn và ban nhạc của giáo phận Roma và ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha Phanxicô đang xông hương bàn thờ chính. Ngài cúi chào Đức Mẹ được đặt bên phải lễ đài và xông hương bàn thờ này.

Trong lời chào đầu lễ Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn như sau.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Ðấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 50, 4-7

“Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.

(Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

Ðó là lời Chúa.

Bài Ðọc II:

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Ba phó tế đang tiến lên trước Đức Thánh Cha xin ngài ban phép lành cho họ để họ xứng đáng công bố Lời Chúa. Trong khi đó ca đoàn hát những lời sau:

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

Phúc Âm

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

C. Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô. Philatô hỏi Người:

S. "Ông có phải là vua dân Do-thái không?"

C. Chúa Giêsu đáp:

J. "Ông nói đúng!"

C. Và các thầy thượng tế cáo Người nhiều điều. Philatô lại hỏi Người rằng:

S. "Ông không trả lời gì ư? Hãy coi họ tố cáo Ông biết bao nhiêu điều!"

C. Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến Philatô ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ, quan có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Bấy giờ trong khám có tên Baraba bị giam cùng với những kẻ phiến loạn, vì chúng đã giết người trong cuộc khởi loạn. Dân chúng tiến lên Philatô xin ân xá theo như quan quen làm. Vậy Philatô hỏi:

S. "Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do-thái không?"

C. (Vì quan đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người). Nhưng dân xin quan phóng thích Baraba cho họ. Philatô bảo dân chúng rằng:

S. "Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do-thái?"

C. Nhưng chúng lại kêu lên:

S. "Ðóng đinh nó đi!"

C. Philatô đáp lại:

S. "Người này đã làm gì nên tội?"

C. Song chúng càng la to hơn:

S. "Ðóng đinh nó đi!"

C. Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Quân lính điệu Người vào sân tiền đường và tập họp cơ đội lại. Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. Ðoạn chào Người rằng:

S. "Tâu Vua dân Do-thái".

C. Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Chúng gặp một người qua đường, tên là Simon, quê ở Xyrênê, là thân phụ của Alexanđrô và Rôphô vừa ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Người. Chúng điệu Người đến nơi kia gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Chúng cho Người uống rượu pha mộc dược, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi chúng chia nhau áo Người bằng cách bắt thăm xem ai được phần nào.

Vào lúc giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh Người vào thập giá. Và có bản án ghi rằng: Vua dân Do Thái! Và cùng với Người, chúng đóng đinh hai tên trộm cướp vào thập giá, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Người. Như vậy là ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác. Những người qua đường sỉ nhục Người, lắc đầu và nói:

S. "Kià! Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi!"

C. Các thượng tế với các luật sĩ cũng nhạo báng Người và nói với nhau:

S. "Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình! Bây giờ Ðấng Kitô Vua Israel, hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào!"

C. Cả những kẻ cùng chịu đóng đinh với Người cũng lăng nhục Người. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm toàn thể lãnh thổ. Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:

J. "Eloi, Eloi, lema sabachtani!"

C. Nghĩa là:

J. "Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!"

C. Có mấy người đứng đó nghe thấy liền nói rằng:

S. "Kìa, nó gọi Elia!"

C. Bấy giờ có kẻ chạy đi nhúng miếng bông biển đầy dấm và cuốn vào cây sậy và đưa lên cho Người uống mà rằng:

S. "Hãy đợi xem Elia có đến đem nó xuống không?"

C. Nhưng Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Viên sĩ quan đứng trước mặt Người thấy Người kêu lên và trút hơi thở như thế, liền nói rằng:

S. "Ðúng người này là Con Thiên Chúa!"

Bài có liên quan

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta chia sẻ trong niềm vui và bầu khí tưng bừng của dân chúng đang ca ngợi Chúa của họ; một niềm vui sẽ mờ dần và để lại một hương vị cay đắng và sầu buồn vào cuối trình thuật cuộc Thương khó. Buổi lễ này dường như kết hợp những câu chuyện vui mừng và đau khổ, sai lầm và thành công, là những mảng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong tư cách là các môn đệ của Chúa. Bằng cách nào đó, nó diễn tả những cảm xúc trái ngược nhau mà cả chúng ta, những người nam nữ ngày hôm nay, cũng cảm thấy: đó là khả năng yêu mến thật bao la... bên cạnh lòng căm thù tận xương tủy; khả năng can đảm hy sinh quên mình, lẫn với khả năng “rửa tay” đúng lúc; bên cạnh năng lực trung thành, còn có sự bỏ rơi và phản bội.

Chúng ta cũng thấy rõ xuyên suốt Tin Mừng rằng niềm vui Chúa Giêsu khơi dậy, đối với một số người, lại là căn cớ cho sự tức giận và khó chịu.

Chúa Giêsu tiến vào thành vây quanh bởi dân Ngài và những tiếng ca hát reo hò huyên náo. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng giữa những tiếng hò reo ấy, có tiếng hô của người con trai được tha thứ, của người phong cùi được chữa lành, hoặc tiếng kêu be be của con chiên lạc. Rồi cũng có tiếng hát của người thu thuế và của người đàn ông từng bị ô uế; lẫn với tiếng kêu của những người sống bên lề thành phố. Và cũng có những tiếng kêu của những người nam nữ đã đi theo Chúa Giêsu vì họ cảm nhận được lòng từ bi của Ngài trước những đau đớn và bất hạnh của họ... Những tiếng reo hò ấy là bài hát và là niềm vui tự phát của tất cả những ai bị bỏ lại phía sau và bị người đời chê chối, những người, sau khi đã chạm được vào Chúa Giêsu, có thể hô vang lên: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”. Làm sao họ có thể không ca ngợi Đấng đã phục hồi nhân phẩm và hy vọng của họ? Niềm vui của họ là niềm hân hoan của cơ man những người tội lỗi được tha thứ, là những người giờ đây có thể tin tưởng và hy vọng một lần nữa.

Tất cả niềm vui này và sự tán tụng này là căn cớ gây khó chịu, gây ra tai tiếng và tức tối cho những người tự coi mình là công chính và “trung thành” với lề luật và các khuôn mẫu nghi lễ của lề luật. [1] Đó là một niềm vui không thể chấp nhận được của những ai lòng chai dạ đá trước những đau thương, chịu đựng, và bất hạnh. Một niềm vui không thể chấp nhận được đối với những người đã quên bao nhiêu những cơ hội được trao ban cho chính bản thân họ. Thật khó biết bao cho những người tự mãn và tự coi mình là công chính có thể hiểu được niềm vui và cử mừng lòng thương xót của Thiên Chúa! Thật khó biết bao cho những người chỉ tin tưởng vào bản thân mình, và coi thường người khác, để có thể chung chia niềm vui này. [2]

Còn đây là nơi xuất phát một loại la hét khác, đó là tiếng gào quyết liệt của những kẻ đang hét to: “Đóng đinh nó đi!” Những tiếng kêu ấy không phải là tự phát nhưng đã được vũ trang bởi những lời phỉ báng, vu khống và làm chứng dối. Đó là tiếng nói của những người uốn nắn thực tại và chế tác ra những câu chuyện vì lợi ích riêng của họ, mà không cần quan tâm đến danh thơm tiếng tốt của người khác. Đó là tiếng gào của những người không thấy có vấn đề gì trong việc tìm kiếm mọi cách để đạt được quyền lực và để bịt miệng những tiếng nói trái chiều với mình. Tiếng kêu đó xuất phát từ việc “nhào nặn” các sự kiện và tô vẽ chúng để làm biến dạng khuôn mặt của Chúa Giêsu và biến Người thành ra một tên “tội phạm”. Đó là tiếng nói của những người muốn bảo vệ vị trí của mình, cách riêng là bằng cách làm mất uy tín của những người vô phương tự vệ. Đó là tiếng gào thể hiện sự tự mãn, tự hào và kiêu ngạo của những kẻ không thấy có vấn đề gì khi hét lên: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó”.

Và vì thế, cuối cùng, việc cử mừng của người dân bị dập tắt. Hy vọng bị tắt ngấm, giấc mơ bị chôn vùi, niềm vui bị vùi dập; con tim bị đóng lại và lòng mến ra nguội lạnh. Đó là tiếng kêu “hãy cứu mình đi”, làm thui chột cảm thức về tình liên đới của chúng ta, hạ giảm những lý tưởng của chúng ta, và làm mờ tầm nhìn của chúng ta... đó là tiếng gào muốn xóa sạch lòng thương cảm.

Đối mặt với những người như thế, phương dược tốt nhất là nhìn vào thập giá của Chúa Kitô và để mình được thách thức bởi tiếng kêu cuối cùng của Người. Ngài chết đi khi đang thốt lên tình yêu của mình cho mỗi người chúng ta, người già người trẻ, những bậc thánh nhân và những kẻ tội lỗi, những người trong thời của Người và những người trong thời đại của chính chúng ta. Chúng ta đã được cứu bởi thập giá của Người và không ai có thể đè nén niềm vui của Tin Mừng; không ai trong bất kỳ tình huống nào, bị tách biệt khỏi cái nhìn thương xót của Chúa Cha. Nhìn lên cây thập giá có nghĩa là để những ưu tiên của chúng ta, những lựa chọn và hành động của chúng ta bị thử thách. Nó có nghĩa là chất vấn mình về sự nhạy cảm đối với những ai gặp khó khăn. Trái tim của chúng ta tập trung vào đâu? Liệu Chúa Giêsu có còn tiếp tục là một nguồn mạch của niềm vui và tán tụng trong trái tim của chúng ta, hay những ưu tiên và những mối quan tâm trong lòng làm cho chúng ta xấu hổ khi nhìn vào những người tội lỗi, những người rốt cùng và những người bị lãng quên?

Các bạn trẻ thân mến, niềm vui mà Chúa Giêsu đánh thức trong các bạn là căn cớ cho sự tức giận và khó chịu đối với một số người, vì khó mà thao túng được một người trẻ tuổi vui tươi.

Nhưng hôm nay, một loại la hét thứ ba có thể đang vang lên: “Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pharisêu nói với Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!’ Người đáp: ‘Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!’” (Lc 19: 39-40).

Sự cám dỗ muốn bịt miệng những người trẻ luôn luôn tồn tại. Chính những người Pharisiêu đã quở trách Chúa Giêsu và đòi Ngài bắt họ phải im lặng.

Có rất nhiều cách để bịt miệng những người trẻ và làm cho họ thành ra vô hình. Có nhiều cách để gây tê họ, để làm cho họ im lặng, không hỏi gì, không thắc mắc điều chi. Có rất nhiều cách để làm họ vô cảm, để giữ cho họ không dự phần vào, để biến ước mơ của họ thành nhạt nhẽo và tầm thường, vụn vặt và ảm đạm.

Vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá này, khi chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, chúng ta hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho tất cả những người Pharisêu xưa và nay: “Nếu họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19:40).

Các bạn trẻ thân mến, trong lòng các bạn có điều để gào lên. Tùy thuộc vào các bạn lựa chọn tiếng hô vang “Hosanna” của ngày Chúa Nhật, để khỏi phải gào lên tiếng hét “Đóng đinh nó đi!” của ngày thứ Sáu... tùy thuộc vào bạn đừng giữ im lặng. Ngay cả khi những người khác giữ im lặng, nếu những người già chúng tôi và các nhà lãnh đạo giữ im lặng, nếu cả thế giới này giữ im lặng và đánh mất đi niềm vui của mình, tôi hỏi các bạn: Liệu các bạn có kêu lên không?

Xin vui lòng lựa chọn, trước khi sỏi đá sẽ kêu lên.

[1] Cf. R. Guardini, The Lord, Chicago, 1959, 365.

[2] Cf. Apsotolic Exhortation Evangelii Gaudium, 94.