Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Các nữ tu dòng kín thời Internet

Cuộc sống của những nữ tu chiêm niệm, đặc trưng bởi tính chất viện tu, trong thời hiện đại này đang phải đối mặt với những hiện tượng như sự loại trừ niềm tin Kitô trong xã hội, cuộc khủng hoảng ơn gọi, cũng như các thực tại mới, chẳng hạn như sự lan rộng các kỹ thuật truyền thông xã hội và sự cần thiết phải có các mối quan hệ lớn hơn giữa các tổ chức trong Giáo Hội.

Đây là một số khía cạnh được đề cập đến trong huấn thị “Cor orans” của Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Các Hiệp Hội Tông Đồ được công bố hôm 15 tháng 5. Trình bày tài liệu này tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục José Rodríguez Carballo, O.F.M., tổng thư ký của Bộ nói rằng tài liệu này “phản ánh chính xác những gì các nữ tu nêu ra trong những câu trả lời cho bản câu hỏi đã được gửi đến tất cả các tu viện trên thế giới cách đây vài năm”.

Tài liệu khẳng định rằng: “Một trái tim cầu nguyện trong Giáo hội và cho Giáo hội là tâm điểm cuộc sống của các nữ tu chiêm niệm”

Do đó, đặc tính và mục đích của đời sống ẩn tu là sống tách biệt khỏi thế giới “không gian tu viện phải tách biệt với thế giới bên ngoài và dành riêng cho các nữ tu, trong đó sự hiện diện của người lạ chỉ có thể được chấp nhận trong trường hợp tối cần thiết. Đó phải là một không gian im lặng và suy ngắm, nơi sự tìm kiếm thường hằng thánh nhan của Thiên Chúa có thể được phát triển, theo đặc sủng của nhà dòng”.

Chỉ thị đề cập đến quyền tự chủ của các tu viện, liên đoàn các tu viện, sự tách biệt khỏi thế giới, vấn đề đào tạo, và cũng giới thiệu những luật mới liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội (số 168), trong tất cả các hình thái của chúng. Những luật này “nhằm mục đích bảo vệ sự chiêm ngắm và im lặng: vì trên thực tế, đời sống chiêm niệm có thể thành ra trống rỗng khi tu viện tràn ngập tiếng ồn ào của tin tức và các phát biểu. Chiêm ngắm và im lặng có tầm quan trọng lớn trong cuộc sống chiêm niệm như một không gian cần thiết để lắng nghe và làm sáng tỏ Lời Chúa và là điều kiện tiên quyết để có một cái nhìn đức tin về sự hiện diện của Chúa trong lịch sử cá nhân của một người và trong các chị em của mình, trong các sự kiện của thế giới.

Vì thế, huấn thị nêu bật phải có sự tỉnh táo và những quyết định quyết liệt, không chỉ đối với nội dung mà còn về số lượng thông tin và loại thông tin nào phục vụ cho việc hình thành đời sống chiêm niệm, và không phải là dịp để co cụm hoặc trốn tránh đời sống cộng đồng trong tình chị em.

2. Giáo Hội cử hành lần đầu tiên trên toàn thế giới lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội vào ngày 21 tháng 5

Giáo Hội Công Giáo thường không thêm các lễ kỷ niệm mới vào lịch phụng vụ đã quá dầy đặc của mình, nhưng năm nay Giáo Hội đã thêm một ngày lễ mới, lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội vào ngày 21 tháng 5.

Ở một số nơi trên thế giới, ngày lễ này không mới. Lịch Phụng Vụ của các Giáo Hội Ba Lan, Á Căn Đình, tại Đền Thờ Thánh Phêrô và một số dòng tu đã dành riêng Thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống để kính nhớ Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội.

Trong một sắc lệnh được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích công bố hôm thứ Bảy 3 tháng Ba, Đức Hồng Y Robert Sarah viết rằng từ nay trở đi, thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, toàn thể Giáo Hội sẽ cử hành lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng cử hành mới này “sẽ giúp chúng ta nhớ rằng sự tăng trưởng trong đời sống Kitô cần phải ăn rễ sâu nơi mầu nhiệm Thánh Giá, nơi hy tế của Chúa Kitô trong Bàn Tiệc Thánh Thể, nơi Mẹ Đấng Cứu Chuộc và Mẹ của những người được cứu chuộc, nơi Đức Trinh Nữ đã dâng mình cho Chúa”.

Lễ nhớ này sẽ xuất hiện trong tất cả các lịch và sách phụng vụ cho việc cử hành Thánh Lễ và cho các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” của Mẹ Maria đã trở nên phổ biến trong những thập kỷ gần đây. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã long trọng công bố tước hiệu này của Đức Maria vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vatican II. Trước đó, tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” của Mẹ Maria cũng đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14 và Đức Giáo Hoàng Leo thứ 13 sử dụng.

Năm 1975, Tòa Thánh đã chuẩn bị một thánh lễ Ngoại Lịch (Votive Mass) cho danh hiệu này và một số Hội Đồng Giám Mục đã được cấp phép để thêm tước hiệu này vào Kinh Cầu Đức Bà (Litany of Loretto).

Một số quốc gia và các giáo phận đã được cấp phép để thêm ngày lễ này vào lịch Phụng Vụ địa phương của họ.

Giờ đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thêm ngày lễ này vào lịch Phụng Vụ chung của Giáo Hội Hoàn Vũ để “khuyến khích sự gia tăng cảm thức của các vị mục tử, các tu sĩ và tín hữu về Mẹ Giáo Hội, cũng như lòng kính mến chân thành đối với Đức Mẹ.”

3. Vài suy tư nhân dịp lần đầu tiên trong lịch sử GH mừng Lễ Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội.

Nhân dịp Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ mừng lễ Mẹ Maria, Mẹ Giáo hội mà Đức Thánh Cha Phanxicô mới thêm ngày lễ mừng Mẹ Maria, Mẹ Giáo hội vào ngày 21 tháng Năm hàng năm. Nhân dịp này chúng ta hãy tìm hiểu một chút về ý nghĩa của ngày lễ mới này.

Ngày lễ mới này được mừng hàng năm vào ngay sau Lễ Hiện Xuống, mà Ủy ban Phụng tự và Bí tích công bố trong một sắc lệnh ngày 3/3/2018 vừa qua. Sắc lệnh cho biết Đức Thánh Cha đã chấp thuận cho lễ này vào niên lịch Phụng vụ của toàn Giáo hội để phát động thêm tầm ý thức về vai trò của Mẹ Maria trong lòng Giáo hội đối với các vị chủ chiên, tu sĩ và giáo dân, cũng như lòng tôn sùng Đức Maria.'

Linh mục Gloria Falcao Dodd, giám đốc chương trình nghệ thuật học của Viện nghiên cứu quốc tế về Đức Maria tại Đại học Dayton, Ohio, đã viết về danh hiệu Mẹ Maria này vào năm 2006 trong một bài báo của ngài. Nghiên cứu của cha cho hay một Đức Giám Mục trong những năm 1100 đã dùng tên Maria, Mẹ

Giáo hội và Đức Giáo Hoàng Leo XIII trong Thông điệp kinh Mân Côi cho hay rằng trong ngày Lễ Hiện Xuống Đức Maria thật sự đã trở thành Mẹ Giáo hội, là thầy dạy và là nữ hoàng của các thánh tông đồ.'

Vào năm 1981, danh hiệu 'Maria, Mẹ Giáo hội' được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ghi hàng chữ 'Mater Ecclesiae' ('Mẹ của Giáo hội') vào một tượng gắn trên bức tường ngôi nhà ở của Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã bày tỏ lòng biết ơn vì Mẹ đã gìn giữ Ngài thoát chết dưới lằn tên mũi đạn của kẻ bắn Ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô năm đó! Cha Falcao Dodd còn cho hay Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói về Đức Maria như một người nữ hòa giải, hoặc như một người nữ nguyện cầu cho chúng ta.

Ý tưởng Mẹ Maria can dự vào Giáo hội, như một người mẹ hiền là điều thật tuyệt, đặc biệt sau ngày chúng ta vừa mừng ngày nhớ ơn mẹ, ngày hiền mẫu nữa. Lễ này được mừng ngay sau ngày Lễ Hiện Xuống, nhắc nhớ chúng ta ngay từ những giây phút ban đầu, Mẹ Maria 'đã luôn thể hiện những gì mà một người mẹ làm cho con cái mình, như Mẹ cùng hội họp cầu nguyện với các tông đồ tại phòng tiệc ly.' Cũng như dưới chân Thập giá của Chúa Giêsu, Chúa công khai trao phó Đức Mẹ cho thánh Gioan và truyền cho Thánh Gioan, đại diện chúng ta làm con cái của Đức Mẹ.

4. Thánh Lễ An Táng Đức Tổng Giám Mục Leonard A. Faukner nguyên TGM giáo phận Adelaide Nam Úc

Thánh lễ an táng Đức Tổng Giám Mục Leonard Faulkner nguyên TGM giáo phận Adelaide tiểu bang Nam Úc được long trọng cử hành tại nhà thờ chính tòa Saint Francis Xavier vào lúc 11giờ 00 sáng, thứ Hai, ngày 14.5.2018 do Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson Tổng giáo phận Adelaide chủ tế.

Đoàn đồng tế trong lễ phục màu trắng ngoài Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson chủ tế, cùng đồng tế có 11 Giám Mục, các Đức Ông và gần 100 Linh mục, Phó tế thuộc TGP Adelaide và các giáo phận trong toàn Úc Châu.

Đến tham dự thánh lễ an táng của Đức Tổng Giám Mục Leonard Faulkner ngoài thân quyến còn có rất đông nam nữ tu sĩ, tín hữu Kitô giáo và những người thuộc các tôn giáo khác. Đặc biệt có sự tham dự của Ông Lê Văn Hiếu toàn quyền tiểu bang Nam Úc, Thủ Hiến Steven Marshall và một số các vị chức sắc cao cấp trong chính quyền tiểu bang Nam Úc.

Trong suốt thánh lễ an táng, rất nhiều bài thánh ca được ngân vang trong bầu khí trang nghiêm như những lời trìu mến tiễn biệt Đức Cố Tổng Giám Mục.

Cuối thánh lễ, trước khi tiến hành nghi thức di quan, Cha Maurice Shinnick Trưởng Ban Nghi Lễ đã có bài tiễn biệt Đức Tổng Giám Mục Leonard Faulkner, thật sâu sắc và cảm động.

5. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc khủng bố tại Nam Dương

Trong buổi đọc kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” ngày Chúa Nhật 13/5/2018 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của các vụ khủng bố ở Indonesia, và kêu gọi hãy chấm dứt bạo lực.

Đức Thánh Cha Phanxicô đảm bảo với “những người thân yêu của các nạn nhân tại Indonesia,” đặc biệt các Kitô hữu ở thành phố Surabya, rằng Đức Thánh Cha “đặc biệt gần gũi” với họ sau những cuộc tấn công chết người vào Chúa Nhật trước.

Ba nhà thờ ở thành phố lớn thứ hai của Indonesia đã bị đánh bom trong các cuộc tấn công dường như có kế hoạch, khiến ít nhất 11 người chết và hơn bốn mươi người khác bị thương. Đây là cuộc tấn công khốc liệt nhất tại Indonesia kể từ năm 2005.

Trong những nhận xét của Đức Thánh Cha sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đảm bảo rằng ngài đã và đang cầu nguyện cho các nạn nhân và những người thân yêu của họ.

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy cùng nhau khẩn cầu Thiên Chúa của hòa bình, hãy dập tắt những hành động bạo lực này; và nhóm lên trong tâm lòng, trái tim của tất cả chúng ta ở mọi nơi tâm tình yêu thương hòa giải trong tình huynh đệ. “

Cho đến nay, không có nhóm nào tuyên bố nhận trách nhiệm cho các cuộc tấn công này vào ngày Chúa Nhật tuần trước. Ngoài ba vụ nổ bom trên, chính quyền địa phương cho hay đã phá tan được những kế hoạch tấn công khác.

6. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Jakarta về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng gây ra bởi các gia đình Hồi Giáo

“Lập kế hoạch và thực hiện một cuộc tấn công tự sát cùng với con cái của họ là một hình thức bạo lực mới. Đó là một bi kịch gia đình”, Đức Cha Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng giám mục Jakarta và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Dương đã nhận định như trên về cuộc tấn công nổ bom tự sát tại 3 nhà thờ ở Surabaya, thủ phủ của tỉnh Đông Java, hôm Chúa Nhật 13 tháng 5.

Sau cái chết của Nathanael, một bé gái Công Giáo tám tuổi, số nạn nhân trong vụ tấn công đồng loạt này đã lên tới 28 người và 57 người khác bị thương.

Những kẻ khủng bố thuộc về cùng một gia đình khủng bố. Người cha, Dita Oeprianto, một doanh nhân giàu có, là hung thủ tự sát tại nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành Ngũ Tuần, trong khi hai đứa con trai đều ở tuổi vị thành niên đã thực hiện cuộc tấn công từ trên một chiếc xe máy, nhắm vào nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Người mẹ và hai cô con gái nhỏ, một đứa 9 tuổi và một đứa 12 tuổi, đã thực hiện cuộc tấn công tự sát tại nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành Nam Dương.

Đức Tổng Giám Mục Suharyo nói: “Tôi tin rằng hai đứa bé gái không biết điều gì sẽ xảy ra. Điều này là không thể hiểu nổi và tôi nghĩ những chuyện như thế này không nên xảy ra nữa, nó tạo ra một đám mây trên tình nhân loại của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục tuyên bố rằng cuộc tấn công tại Surabaya “không đơn thuần là một vấn đề tôn giáo, nhưng vấn đề là sự tồn tại của Cộng hòa thống nhất Nam Dương”.

Ngài nhận xét rằng không chỉ các Kitô hữu, mà cả các nhân viên an ninh cũng bị những kẻ khủng bố nhắm vào. “Cảnh sát thường là những người phá hủy kế hoạch của họ và phát hiện ra âm mưu của họ. Vì lý do này, các nhân viên an ninh nằm trong tầm ngắm của họ”

Một vài giờ sau các cuộc tấn công vào cộng đồng Kitô hữu, ba thành viên của một gia đình khủng bố khác đã bị giết trong một vụ nổ bất ngờ trong một căn nhà ở Sidoarjo, gần Surabaya. Các nhà chức trách nói những kẻ này đang chế bom cho một cuộc tấn công khác.

Sáng thứ Hai 14 tháng 5, một gia đình năm người lái hai chiếc xe máy đến cổng trước của trụ sở cảnh sát Surabaya nổ bom tự sát làm bị thương 10 người

Tướng cảnh sát Tito Karnavian, Chỉ huy trưởng các lực lượng cảnh sát Nam Dương, xác nhận rằng ba gia đình này thuộc cùng một mạng lưới khủng bố và họ biết nhau. Họ nằm trong số 800 người đã từng sang Syria chiến đấu cho bọn IS và nay quay lại Nam Dương.

7. Án tuyên thánh cho cha Raghiid Ganni và 3 phó tế Iraq bị giết có thể được khởi sự.

Bộ Tuyên thánh đã tuyên bố Nihil Obstat (không có gì ngăn trở) trong việc cho phép bắt đầu tiến trình xét án tuyên thánh cho linh mục Raghiid Ganni của Giáo hội Canđê Iraq và 3 phó tế. Cha Ganni và 3 phó tế - Basman Yousef Daud, Wahid Hanna Isho và Gassan Isam Bidawid - bị giết vào ngày lễ Chúa Thánh Thần, 03 tháng 06 năm 2007, bởi một người có võ khí, ở Mosul, gần nhà thờ Canđê dâng kính Chúa Thánh Thần, sau khi dâng Thánh lễ.

Hôm mùng 1 tháng 5 năm 2018, Ðức Hồng Y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ tuyên thánh, và Ðức Tổng Giám mục Marcello Bartolucci, Tổng Thư ký của Bộ này, đã ký lá thư xác nhận không có ngăn trở đối với việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho cha Ganni và 3 phó tế bị giết cùng với cha, theo tiến trình được quy định. Lá thư có đề cập đến yêu cầu trước đó, vào tháng 11 năm 2017, của Ðức Giám mục Francis Yohana Kalabat của giáo phận Canđê thánh Tôma Tông Ðồ ở Detroit.

Nguồn tin địa phương cho hãng tin Fides biết rằng thẩm quyền của án tuyên thánh, với sự cho phép cần thiết từ Tòa Thánh, đã được chuyển từ tòa tổng giáo phận Canđê ở Mosul đến giáo phận Canđê có trụ sở tại Detroit, Hoa Kỳ. Do tình hình bất an ở miền Bắc Iraq và hoàn cảnh khó khăn mà tổng giáo phận Canđê ở Mosul gặp phải sau nhiều năm bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS chiếm đóng, việc tiến hành án tuyên thánh theo tiến trình được yêu cầu cũng như việc thu thập các chứng tá gặp nhiều khó khăn.

Án tuyên thánh để tuyên chân phước cho cha Ganni và 3 phó tế cùng bị giết với cha, trước hết có thể tuyên bố cha và các bạn là các vị tử đạo vì đức tin, sẽ phải xác minh và chứng thực rằng bốn ứng viên chân phước là các vị tử đạo bị giết vì đức tin vào Chúa Kitô.

Cha Fabio Rosini, giám đốc ơn gọi của giáo phận Roma, đã nói rằng trong cuộc sống của cha Raghiid Ganni, có những điều chỉ có ơn Chúa mới có thể thực hiện được... Theo cách con người, chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang đứng trước một vị anh hùng, một người có thể làm những điều phi thường, nhưng như thế chúng ta sẽ gặp nguy hiểm là biến Kitô giáo thành chủ nghĩa anh hùng. Một vị tử đạo không phải là một anh hùng, nhưng là một chứng nhân. Ngài biết điều đó nếu ân sủng hoạt động trong ngài. Trong Giáo hội, các anh hùng gây nên những vấn đề, sự chia rẽ, các cá nhân chủ nghĩa, bởi vì họ nói về mình. Ngược lại, các vị tử đạo nói về Chúa kitô, làm chứng cho Người.”

8. Các Giám Mục Malawi kêu gọi toàn dân thay đổi não trạng để thăng tiến đất nước.

Nhân kỷ niệm 54 năm độc lập ngày 29 tháng 4 năm 2018 Hội Ðồng Giám Mục Malawi đã công bố thư mục vụ kêu gọi mọi công dân thay đổi tâm thức, tận dụng các tài nguyên phong phú của quốc gia để thăng tiến phát triển và đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới thịnh vượng, công bằng, và hạnh phúc ấm no cho mọi người.

Thư mục vụ mang chữ ký của 2 Tổng giám mục và 6 Giám Mục và gồm ba chương. Chương một đề cập tới sự cấp thiết của một kỷ nguyên mới với một nhận thức thực thi dân chủ cao độ với tất cả tinh thần trách nhiệm. Chương hai đề cập tới việc phục vụ xã hội qua các chương trình y tế, giáo dục, phát triển nông nghiệp kỹ nghệ, các cơ cấu hạ tầng và việc tôn trọng môi sinh. Chương ba đề cập tới các cuộc bầu cử vào năm 2019, các đức tính cần thiết của các ứng cử viên, và việc thay đổi tâm thức của người dân Malawi.

Cộng hòa Malawi rộng 118,480 cây số vuông có 16,3 triệu dân, được độc lập khỏi Anh quốc năm 1964. Tên quốc gia là tên hồ Malawi trong tiếng Bantu cũng gọi là Niassa là hồ lớn hàng thứ ba của đại lục Phi châu. Trên tổng số dân có 95% là gốc phi châu da đen gồm nhiều chủng tộc khác nhau như: Nyanja, Yao, Tumbuka, Lomwe, Sena, Tonga, Ngoni, Ngonde. Cũng có các nhóm thiểu số da trắng, đông nhất là gốc Angloxason, Á châu và Ấn độ. Chủng tộc Chewa là nhóm đông nhất. Tiếng Chewa là ngôn ngữ được nói trong toàn nước. Tuy tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, nhưng chỉ được nói và hiểu tại thủ đô và trong các thành phố. Trên binh diện tôn giáo 75% tổng số dân theo Kitô giáo, trong đó có 55% là tín hữu tin lành và 20% là tín hữu Công Giáo, 15% còn lại theo Hồi giáo.

Malawi có nền kinh tế dựa trên nông nghiệp chiếm 38.6% tổng sản lượng quốc gia, cung cấp 80% công việc làm và 80% việc xuất cảng. Bốn sản phẩm chính là thuốc lá, chè, đường mía và bắp.