Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục nghỉ hưu của Giáo phận Kontum, đã công bố một lá thư ngỏ ký ngày 16 tháng 6 năm 2018, gởi cho Trần Đại Quang, Chủ tịch nhà nước Việt Nam, để chỉ trích mạnh mẽ luật mới về Internet vừa được thông qua. Vị Giám Mục kêu gọi chế độ tôn trọng ý nguyện và quyền hợp pháp của công dân, đồng thời trả tự do cho tất cả những người bị bắt trong những ngày qua.

Trong khi đó, bất kể sự hiện diện dày đặc của cảnh sát tại các thành thị, hàng chục ngàn người Công Giáo ở Hà Tĩnh và Vinh (miền Trung Việt Nam) đã bày tỏ sự phản đối của họ một cách hòa bình vào ngày Chúa Nhật [17 tháng Sáu, 2018]. Họ chống lại luật an ninh mạng và dự luật “đặc khu kinh tế” nhằm “bán đứng đất đai cho Trung Quốc”.

Trong lá thư ngỏ gởi cho Chủ tịch nước đề ngày 16 tháng Sáu, Đức Cha Hoàng Đức Oanh, lên án một số tuyên bố hung hăng của các viên chức nhà nước và thúc giục họ ăn nói lễ độ để tạo sự hài hòa trong xã hội và tôn trọng quyền hợp pháp của công dân. Bình luận về những gì diễn ra trong các ngày qua, vị Giám Mục nói:

“Luật an ninh mạng nhằm ngu dân, và dự luật về các đơn vị hành chính và kinh tế đặc biệt là bán đất nước này cho Trung Quốc. Vào ngày Chúa Nhật 10 tháng 6, khi mọi người bày tỏ ý chí của họ chống lại hai dự luật, chính phủ đã tấn công họ dã man thay vì lắng nghe họ! Sau đó, hàng loạt người đã bị bắt tại Bình Thuận và những nơi khác!”

“Tôi yêu cầu ông Chủ tịch ra lệnh cho chính quyền các cấp trả tự do cho tất cả những người bị bắt, công bố luật mới về quyền biểu tình theo quy định của Hiến pháp, và tôn trọng ý nguyện của người dân”.

Trong một video đăng trên Internet, Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh cũng công khai khiển trách các linh mục là thành viên của Quốc hội. Tất cả những người này được tường thuật đã biểu quyết ủng hộ luật an ninh mạng vào ngày 12 tháng Sáu.

“Các linh mục đó phản bội đức tin của họ và phản bội đất nước của chúng ta, vì tiền và thế giá mà người ta ban cho họ,” vị Giám Mục nói.

Luật an ninh mạng của Việt Nam sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng năm 2019, nhưng ngay từ bây giờ nó đã làm giảm đáng kể số lượt truy cập vào các trang web Công Giáo. Người dùng phải giảm bớt các hoạt động của họ trên Internet, vì sợ bị truy tố. Trong một thông cáo báo chí được công bố cách đây vài ngày, Cha Paul Văn Chi, phát ngôn viên của Liên hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam đã chỉ trích tính chất hàm hồ và áp chế của luật này.

“Các điều khoản của luật an ninh mạng có thể giúp chính phủ dễ dàng xác định và truy tố mọi người về các hoạt động trực tuyến hòa bình của họ”, vị linh mục cảnh báo.

Cha Joseph Nguyễn, của tổng giáo phận Hà Nội, lo ngại rằng từ giờ trở đi, để truy cập thông tin, các tín hữu sẽ phải dựa nhiều hơn vào các cơ quan truyền thông do nhà nước chi phối, như tờ “Công Giáo và Dân tộc”, một tạp chí do nhà nước tài trợ và Đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ.

“Tờ báo này xem ra giàu nội dung. Nhưng hãy cẩn thận, mọi thứ đã từng và sẽ bị xuyên tạc thông qua lăng kính của chủ nghĩa cộng sản. Đừng quá ngây thơ khi nghĩ rằng cộng sản sẽ tài trợ cho người Công Giáo rao giảng Tin Mừng,” vị linh mục nói với AsiaNews.

Được thành lập vào năm 1975 bởi nhà cầm quyền cộng sản, như một phần trong nỗ lực tạo ra một Giáo Hội quốc doanh, tạp chí này hiện được điều hành bởi linh mục Phan Khắc Từ, một đảng viên cộng sản và là phó chủ tịch cái gọi là “Ủy ban Đoàn kết Công Giáo”, một cơ chế được thành lập với ý định tách Giáo Hội Việt Nam khỏi Vatican.

Từ công khai sống với một người phụ nữ trong nhiều thập kỷ qua và là cha của hai đứa con.

Giáo luật Công Giáo cấm các giáo sĩ không được giữ các chức vụ công quyền, ngoại trừ trong các trường hợp hết sức đặc biệt và phải được thẩm quyền Giáo Hội chấp thuận.

Trong một bức thư ngỏ gửi cho các vị lãnh đạo Giáo hội, nhiều linh mục, kể cả cha Nguyễn Văn Lý, một người bất đồng chính kiến đã bị cộng sản bỏ tù 15 năm, đã yêu cầu các giám mục kỷ luật các linh mục vi phạm giáo luật.

“Họ không góp phần vào việc cải thiện các điều kiện hoạt động của Giáo Hội”, cha Joseph Nguyễn nói. “Họ không bao giờ dám lên tiếng chống lại những đàn áp và các vụ chiếm đoạt đất đai tài sản của Giáo Hội.”

Hơn nữa, khi xảy ra các vi phạm về tự do tôn giáo trong nước, như các cuộc tấn công vào các linh mục bất đồng chính kiến, những linh mục quốc doanh này thậm chí còn kêu gọi “trừng phạt nặng hơn đối với các anh chị em của họ trong đức tin”.

“Sự hiện diện của những linh mục này trong chính phủ làm suy yếu tính chất khả tín và hiệu quả truyền giáo của Giáo Hội”, ngài cảnh báo.

Trong khi đó, hôm qua hàng ngàn người Công Giáo đã diễn hành một cách bình tĩnh trên đường phố, mặc dù bị cảnh sát quay phim, chụp ảnh với những cử chỉ đe dọa. Những người biểu tình đọc Kinh Mân Côi, cầm cờ Vatican và những biểu ngữ như “Không cho cộng sản Trung Quốc thuê đất, dù một ngày cũng không” hay “Luật an ninh mạng giết chết tự do”.

Các cuộc biểu tình vào tuần trước đã kết thúc với hàng ngàn vụ bắt giữ. Chưa bao giờ trong lịch sử của chế độ cộng sản Việt Nam đã có quá nhiều vụ bắt giữ như thế trong một thời gian ngắn, đặc biệt là ở miền Nam, nơi nhà cầm quyền đàn áp dân chúng thẳng tay.

Trong những ngày gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam thề sẽ trừng phạt người biểu tình, gọi họ là những kẻ “cực đoan”. Ba ngày trước, Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội lên án “các hành vi lạm dụng dân chủ, bóp méo sự thật, kích động, gây rối loạn xã hội và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân”.

Trên các phương tiện truyền thông nhà nước, thậm chí người ta còn thấy những lời đe dọa từ Đại tá cảnh sát Trần Anh Huy, người thề sẽ “bắn bể sọ” bất cứ ai dám tham gia vào các cuộc biểu tình chống lại luật an ninh mạng mới được thông qua.
Source: Asia News Il vescovo emerito di Kontum denuncia la legge su internet. Ondata di arresti e cattolici in piazza