Tờ báo chính thức của Tòa Thánh, L’Osservatore Romano, trong ấn bản tiếng Anh hàng tuần, ra ngày 20 tháng Bẩy 2018, có đăng tải một bài của Tác Giả Lejla Demiri, hiện là giáo sư môn Học Lý Hồi Giáo tại Đại Học Tübingen, Đức, tựa là Đức Maria trong Qur’an. Chúng tôi xin chuyển bài viết qua tiếng Việt dưới đây:



Qur’an tôn vinh Đức Maria bằng tước hiệu siddiqa (Q 5:75), ‘người đàn bà của sự thật’, có ý nói đến lòng thành thật của ngài trong tư cách một tín hữu chân thật và một người đàn bà chính trực. Trong truyền thống Hồi Giáo, Sidq, hay sự chân thật, là mức thánh thiện rất được tôn vinh, và thậm chí còn là một trong các phẩm tính biện biệt của tư cách tiên tri. Không lạ gì dưới con mắt của một số nhà thần học Hồi Giáo sáng chói thời Trung Cổ, Đức Maria thực sự xuất hiện như một tiên tri đích thực của Thiên Chúa. Nổi tiếng trong các nhà bình luận này là các tác giả vùng Andalusia như Qurtubi, Ibn Hazm, và cả Ibn Hajar al-Asqalani của Palestine nữa, một trong những nhân vật sáng chói của thời trung cổ Hồi Giáo. Tuy nhiên, quan điểm thần học nổi bật vẫn luôn coi ngài không như một tiên tri, nhưng như một người đàn bà thánh thiện, waliyya, "bạn” thân của Thiên Chúa. Ngài được ca ngợi trong Qur’an vì đã khẳng định lời lẽ của Chúa mình và Sách Thánh của Người (Q 66:12). Niềm tín thác không hề nao núng của ngài nơi Thiên Chúa và việc ngài tuyệt đối tùng phục đối với thánh ý và mệnh lệnh của Người mãi là tấm gương trong lòng đạo Hồi Giáo, vì chính danh xưng của đạo đã có nghĩa là “tùng phục Thiên Chúa” rồi. Điều đáng lưu ý là giống như siddiqa, sadiq/a, ‘người bạn’ trong tiếng Ảrập, cũng lấy gốc từ s-d-q, ngầm hiểu rằng lòng thành thật là chất xúc tác thực sự đối với mối dây nối kết tình thân hữu. Không những Đức Maria đề cao sự thật mà vì mối liên hệ thành thật và lòng sùng mộ trung thành với Chúa của ngài, ngài còn đáng hưởng tình bạn thân thiết của Người nữa.

Chương ba của Qur’an tựa là Al Imran , hay ‘gia đình Imran’, theo tên của thân phụ Đức Maria. Chính trong chương này, câu truyện về Đức Maria đã xuất hiện lần đầu tiên trong bản văn Qur’an. Trình thuật tuổi thơ của Đức Maria khởi đầu với việc hiền thê của Imran cầu nguyện và hứa với Thiên Chúa rằng con trẻ trong lòng mình sẽ được dâng hiến và thánh hiến cho Người (Q 3:35). Khi con trẻ sinh ra, bà đặt tên cho con là Maryam và cầu xin Thiên Chúa che chở con và con cháu của con khỏi tay qủy dữ Satan (Q 3:36). Qur’an sau đó thuật lại rằng Chúa chấp nhận Maria “với một sự chấp nhận trọn vẹn và làm cho ngài lớn lên trong sự tốt lành”, và ngài trải nghiệm nhiều ơn sủng lạ lùng của Thiên Chúa trong lúc lớn lên tại đền thờ dưới sự giám hộ của Giacaria (Q 3:37). Phần thứ hai trong câu truyện của Đức Maria nói với chúng ta về việc Truyền Tin: thiên thần thông báo cho ngài hay Thiên Chúa đã chọn ngài, làm ngài trở thành tinh tuyền, và chọn ngài trên hết mọi người đàn bà trên thế giới (Q 3:42). Sau đó, ngài được thiên thần hướng dẫn để sốt sắng tuân phục Chúa của mình, sấp mình và “cúi đầu với những người cuí đầu thờ phượng” (Q 3:43). Rồi ngài nhận được tin vui có con, đứa con sẽ được vinh dự lớn lao ở đời này và ở đời sau, “một trong những người được đem tới gần Thiên Chúa, và là một trong những người chính trực” (Q 3:45-46). Ngài rất ngạc nhiên khi được biết rằng ngài sẽ mang thai một đứa con dù không một người đàn ông nào đụng đến ngài, nhưng câu trả lời phát xuất từ Thiên Chúa hết sức rõ ràng: “Sẽ là như thế; Thiên Chúa tạo dựng điều Người muốn. Nếu Người đã phán điều gì, Người chỉ cần nói với nó: Hãy có! Thì nó liền có” (Q 3:47).



Trình thuật về Đức Maria của Qur’an được lặp lại một lần nữa với một nhấn mạnh khác ở chương 19, một chương được đặt tựa theo tên của ngài, và quả là chương duy nhất trong Qur’an mang tên một người đàn bà. Đàng khác, Đức Maria còn là người đàn bà duy nhất được nhắc đến tên trong Qur’an. Có nhiều cá nhân nữ được thuật truyện trong sách thánh Hồi Giáo (như các bà vợ của Adam, Abraham, Lot và Muhammad, mẹ và em gái Moses, vợ Pharaoh, Nữ Hoàng Sheba và nhiều người nữa), nhưng không ai trong số này được nhắc đến tên. Đức Maria là ngoại lệ duy nhất. Điều lý thú là tên ngài xuất hiện 34 lần trong Qur’an, nhiều hơn trong Tân Ước.

Trong chương này, câu truyện truyền tin xuất hiện lần thứ hai, nhưng nay với một trình thuật về sự đau đớn và đau khổ Đức Maria phải chịu lúc chuyển bụng một mình trong cảnh hoang dã cũng như trong sự khinh miệt xã hội lúc trở về giáp mặt với lân bang hàng xóm tay ẵm đứa con thơ (Q 19:16-29). Câu truyện sinh con của ngài rất thấm thía và giầu chi tiết; bà mẹ trẻ, người vốn tự ý xa gia đình nay gặp các đau đớn sinh con, một mình, trên vùng đất hoang; ngài buồn khổ đến nỗi có lúc đã thốt lên “tôi muốn chẳng thà chết và bị quên lãng cho rồi trước những điều này!” (Q 19:23); nhưng rồi tin vui xuất hiện, vì thức ăn và thức uống được trực tiếp và lạ lùng đem đến từ Chúa để an ủi ngài trong cơn buồn khổ (Q 19:24-26). Con trẻ ngài sinh ra vốn được Thiên Chúa có ý cho trở thành dấu lạ hay phép lạ (aya) cho nhân loại và là lòng thương xót của Thiên Chúa (Q 19:21). Mọi ơn phúc của Thiên Chúa mà ngài vốn được hưởng từ thời tấm bé nay được đội triều thiên với phép lạ cả thể là sinh ra đúa con, Chúa Giêsu, một trong các tiên tri chính trực của Thiên Chúa. Điều này rõ ràng là một biểu thức tối hậu của quyền năng và sắc chỉ Thiên Chúa, vì Người có khả năng tạo ra một đứa con mà không cần nhân tố từ một người cha nhân bản, như một thách thức tiềm ẩn đối với nền văn hóa thượng tôn tổ phụ. Không lạ gì, trong lòng đạo bình dân của Hồi Giáo, Đức Maria là biểu tượng của mắn con, của tình yêu mẫu thân và của nữ tính nói chung, đến nỗi Sura Maryam thường được đọc bởi các người đàn bà cầu mong khỏi bệnh hiếm muộn, được an ổn lúc mang thai, bớt đau đớn khi sinh con và xin chúc phúc cho trẻ sơ sinh và người mới làm mẹ.



Ngoài Qur’an ra, sách thánh thứ hai của Hồi Giáo gọi là Hadith đã dành cho Đức Maria một địa vị thiêng liêng cao cấp. Trong một câu nói vốn được gán cho chính Đấng Tiên Tri, Đức Maria được mô tả như là một trong bốn người đàn bà trên thế giới đã đạt tới sự hoàn thiện thiêng liêng. Ba người kia là Khadija (vợ Đấng Tiên Tri), Fatima (con gái Đấng Tiên Tri) và Asiya (người vợ bị áp chế của Pharaoh lúc Xuất Hành), mỗi người đại diện cho một loại đời sống thánh thiện nữ giới chuyên biệt. Một truyền thống tiên tri khác nữa mô tả Fatima như là “Trưởng thục nữ (sayyida) của nhân dân Nước Trời, ngoại trừ Maria”. Cũng có một trình thuật, do sử gia Azraqi lưu giữ, mô tả lòng tôn kính của Đấng Tiên Tri và cộng đồng Hồi Giáo tiên khởi đối với Đức Maria. Trình thuật này kể rằng trong cuộc chiếm đóng Mecca, Đấng Tiên Tri ra lệnh phải phá hủy mọi ngẫu tượng và hình ảnh, trừ bức ảnh Trinh Nữ Maria bồng hài nhi Giêsu đặt tại Kaaba từ trước thời Hồi Giáo.

Như thế, Đức Maria quả là một loại hình phụ nữ được hết sức qúy yêu trong các sách thánh, thần học, linh đạo và lòng đạo bình dân Hồi Giáo. Tuy nhiên, không như Kitô Giáo, Hồi Giáo không gọi ngài là Theotokos , mẹ, hay người “cưu mang” Thiên Chúa. Ngài được chào kính như nữ tỳ chân thật của Thiên Chúa, mẹ Chúa Giêsu Đấng Được Xức Dầu, mà sự chính trực và tư cách tiên tri đã được khẳng định. Mỗi lần tên Giêsu được nhắc đến trong Qur’an, nó đều được đi kèm với tên mẹ của Người, đến nỗi, Người được nhận diện là “Giêsu, con trai Maria”. Mặt khác, chúng ta thấy rằng câu truyện Truyền Tin và Giáng Sinh xem ra nói về Đức Maria và nỗi đau đớn của ngài nhiều hơn là về Chúa Giêsu. Ngài nằm ở tâm điểm trình thuật Qur’an. Tương tự như thế, việc Chúa Giêsu sinh ra cách lạ lùng, theo truyền thống, không được coi như chỉ là phép lạ của Chúa Giêsu mà thôi, mà của cả Đức Maria nữa. Thực vậy, các nhà thần học thời trung cổ, những người coi Đức Maria như một nữ tiên tri, coi việc này như một bằng chứng ngài là tiên tri. Đức Maria và Chúa Giêsu được coi là làm các phép lạ, nhưng trong chính cuộc sống của các ngài, các ngài cũng là các dấu lạ của Thiên Chúa. Do đó, Qur’an mô tả cả Đức Maria lẫn Chúa Giêsu như các dấu lạ và phép lạ (aya) của Thiên Chúa (Q 21:91; 23:50), phản ảnh quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa và quyền tối thượng của Người.

Khi nhấn mạnh tới nhân tính và tư cách tôi trung Thiên Chúa của Chúa Giêsu, một sự so sánh giữa Chúa Giêsu và Ông Ađam thường xuất hiện trong các trước tác thần học của người Hồi Giáo, được gợi hứng bởi câu (3:59) của Qur’an là câu nói với chúng ta rằng “dưới mắt Thiên Chúa, Chúa Giêsu như là họa ảnh của Ađam: Người tạo nên ông từ bụi đất, và nói với ông, ‘hãy có’, và ông có”. Một số nhà thần học trung cổ (Jahiz, Baqillani, Qurtubi, Ibn Taymiyya, Tufi và Ibn Qayyim alJawziyya) cũng so sánh việc tạo nên Chúa Giêsu và việc tạo nên Evà. Bộ ba Ađam, Evà và Chúa Giêsu đã được khai triển thêm thành 4 loại hình sáng tạo ra con người. Loại hình Ađam không cha không mẹ, rồi sau đó là toàn bộ nhân loại được cha mẹ sinh ra, với 2 ngoại lệ: Evà, được tạo nên từ một mình người đàn ông mà thôi, và Chúa Giêsu được ban cho sự sống bởi một mình người đàn bà mà thôi. Trong mô thức sáng tạo này, Ađam và Đức Maria đứng ở cùng một bình diện. Ađam là căn bản để tạo ra Evà, trong khi Đức Maria là căn bản để tạo ra Chúa Giêsu. Các song hành thần học cũng đã được đưa ra giữa Đức Maria và Muhammad trong đức tính tiếp nhận lời Thiên Chúa. Sự trinh khiết của Đức Maria đôi lúc được so sánh với sự mù chữ của Muhammad, chính nhờ sự tinh tuyền của mình, các ngài đã trở thành phương tiện của lời Thiên Chúa.

Trong việc xa lánh thế gian của ngài, tận hiến cho việc cầu nguyện, tuyệt đối chấp nhận các mệnh lệnh của Thiên Chúa và việc ngài quên mình chu toàn thánh ý Thiên Chúa, Đức Maria luôn luôn là nguồn ca ngợi và gợi hứng cho các nhà huyền nhiệm Hồi Giáo; nơi ngài, họ tìm thấy một mô thức linh đạo để bước theo. Việc Đức Maria xa khỏi gia đình của ngài (Q 19:16) được coi là biểu tượng cho việc ngài xa lánh các khoái cảm và sao lãng trần tục để trái tim ngài hoàn toàn trở thành nơi tiếp nhận linh ứng Thiên Chúa. Trải nghiệm của Đức Maria khi đau đớn sinh con cũng như những tủi buồn xã hội ngài gặp phải được người Sufi coi như tóm tắt các đau khổ mà những người tìm kiếm Thiên Chúa trên đường thanh luyện thiêng liêng phải chịu đựng. Trái tim cần được giải thoát khỏi các lo lắng trần tục và được thanh luyện để có thể phản chiếu các phẩm tính đẹp đẽ và uy nghi của Thiên Chúa. Chính sự quyến rũ đối với con đường linh đạo của Đức Maria này đã dẫn thi sĩ Rumi thốt lên những lời lẽ này: “Chỉ tới khi các đau đớn sinh con hiện rõ nơi ngài, Đức Maria mới đạt tới cấp cao nhất. [...] Thân xác giống như Đức Maria. Mọi người chúng ta đều có một Giêsu ở trong mình, nhưng chỉ tới khi các đau đớn hiện rõ nơi ta, Chúa Giêsu của chúng ta mới sinh ra. Nếu các đau đớn không bao giờ xuất hiện, thì Chúa Giêsu sẽ trở về nguồn của Người qua cùng một lối bí mật như Người đã đến, để chúng ta bơ vơ và không có chút gì của Người”.

Lòng đạo của Hồi Giáo liên tục được gợi hứng bởi linh đạo, lòng khiêm nhường và sự tự hiến của Đức Maria. Thành thử không lạ gì, khi cuốn phim của Iran, Maryam - e moqaddas (Thánh Maria), ngày nay, trở thành nổi tiếng giữa người Hồi Giáo khắp thế giới. Ngài vẫn là nguồn gợi hứng không những cho các trước tác uyên bác, mà còn cho các vần thơ và văn xuôi bình dân nữa. Một trong các ấn phẩm này (Patrick Ali Pahlavi, La Fille d’Imran, 1991) đề xuất một hình thức “Thánh Mẫu Học Giải Phóng”, cho rằng nhờ tính tự chủ, sức mạnh và linh đạo của ngài, Đức Maria nên được coi như “tiên tri của thiên niên kỷ thứ ba”. Với lòng sùng kính thành thật đối với Thiên Chúa và chuyên chăm cầu nguyện của ngài, Đức Maria luôn là một mẫu mực thiêng liêng sống động cho các tín đồ Hồi Giáo.