Lần chuỗi mân côi năm sự mừng nơi ngắm thứ tư suy niệm ca ngợi: „Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.“.

Đâu là ý nghĩa đạo đức thần học: Đức Mẹ Maria được Chúa đưa về trời?

Chúa Jesus theo phần thân xác là người sinh ra từ cung lòng Đức Mẹ Maria, nhưng Chúa Jesus là Thiên Chúa, nên ngài trở về trời do sức mạnh quyền năng của riêng mình, tiếng Latinh : Ascensio Christi. Giáo hội mừng lễ Chúa thăng thiên hằng năm, 40 ngày sau khi sống lại từ cõi chết .

Đức Mẹ Maria trái lại, là loài thụ tạo được Thiên Chúa tạo dựng trong công trình sáng tạo thiên nhiên, không có quyền năng sức mạnh như Thiên Chúa. Nên Đức Mẹ Maria được Chúa thâu nhận đưa về trời, tiếng Latinh “Assumptio Mariae“. Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ hồn xác về trời hằng năm vào ngày 15 tháng Tám.

Lễ mừng kính Đức Mẹ Maria được đưa về trời theo truyền thuyết thuật lại có nguồn gốc từ năm 431 sau Chúa giáng sinh bên Giáo hội Đông phương, vào khoảng cuối thế kỷ 4. bên Syria, và giữa thế kỷ 5. ở Jerusalem. Vào thế kỷ 6. ngày lễ mừng kính Đức Mẹ Maria có tên theo truyền thuyết là „Dormition - Đức Mẹ ngủ!“. Vì tin rằng Đức Mẹ Maria là đấng rất thánh. Maria là người đầu tiên đã có kinh nghiệm cùng cảm nghiệm về sự thánh thiêng của Thiên Chúa do mang thai sinh hạ nuôi dưỡng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Vì thế, Maria được Chúa Giêsu trực tiếp đưa về trời ngay cả xác hồn.

Bên Giáo hội Roma lễ này được mừng kính từ thế kỷ 7. Công đồng Trient (1545-1563) đã bàn thảo về Đức Mẹ được thâu nhận đưa về trời trong Giáo huấn của Giáo hội, nhưng mãi đến 1950 mới được ấn định là một tín điều dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio XII.

Trong Kinh thánh không có chương đoạn nào nói về việc Đức Mẹ Maria lên trời hay được đưa về trời. Như thế không có chứng từ Kinh thánh nào làm căn cứ cho tín điều Đức Mẹ Maria hồn xác về trời. Đức Giáo Hoàng Joseph Ratzinger Benedickt XVI. đã chiết giải cắt nghĩa về tín điều này dưới ánh sáng Bí tích rửa tội:

Tôi đã nhờ thần học về phép rửa của thánh Phaolo để hiểu, khi thánh nhân nói: Thiên Chúa đã cho ta sống lại với đức Giesu và cho ta cùng ngồi trên nước trời trong đức Giesu (Epheso 2,6). Có nghĩa là khi lãnh nhận phép rửa, tương lai của chúng ta đã được báo trước rồi.

Như vậy, tín điều chỉ nói lên điều này là hệ qủa của phép rửa: được ở (ngồi) bên Chúa (Chúa là nước trời!)- đã ứng nghiệm đầy đủ nơi Maria. Phép rửa (cùng ngồi với đức Kitô) đã đạt đầy đủ hiệu năng của nó. Nơi chúng ta, việc cùng ngồi với đức Kito, việc được sống lại với Ngài còn bất cập, còn rất mong manh. Nhưng nơi Maria thì khác. Ngài không thiếu gì nữa. Ngài đã bước vào cùng cộng đoàn toàn đầy với đức Kitô. Và một khi ở trong cộng đòan này thì ngài cũng có một cuộc sống thân xác mới, mà chúng ta không thể mường tượng được nó như thế nào.

Tóm lại, căn bản của tín điều này là Maria đã hoàn toàn là một „tín hữu Kito.“ (Joseph Ratzinger Benedickt XVI., Gott und die Welt - Thiên Chúa và trần thế - trao đổi với Peter Seewald , Phong trào Giáo Dân Việt Nam hải ngoại 2008, tr. 314-315).

Mỗi người được Thiên Chúa tạo dựng một lần trong công trình thiên nhiên vũ trụ với những giới hạn. Một trong những giới hạn đó là cuộc sống trên trần gian có ngày khởi đầu sinh ra và cũng có ngày sau cùng qua đời, như Thiên Chúa đã nói “Từ bụi đất con được tạo thành, và sau cùng con sẽ trở về với bụi đất!“ (St 3,19)

Nhưng người Công Giáo chúng ta xác tín „Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại“.

Và chúng ta hằng suy ngắm nguyện cầu: „Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.“.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long