Chúa Nhật I Vọng C

Phụng vụ Giáo hội đã bước vào năm mới với khởi đầu là Mùa Vọng.

Từ Chúa Nhật I mùa vọng đến ngày 16.12, Phụng vụ nói lên niềm mong đợi ngày Chúa đến khi kết thúc thời gian. Tám ngày cuối cùng, trực tiếp nói đến ngày Giáng Sinh.

Có người nghĩ rằng, trong Mùa Vọng phụng vụ phải đọc những bài sách Thánh báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Thế nhưng, những bài sách Thánh và đặc biệt bài Tin Mừng Chúa Nhật I lại báo tin Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Giáo Hội muốn cho chúng ta hiểu ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến. Hàng năm vào Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi con cái chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Thực ra, Chúa đã đến rồi khi sinh ra tại hang đá Bêlem cách nay hơn hai ngàn năm. Tuy nhiên chúng ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến hằng ngày và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Giáo Hội mời chúng ta hãy hướng nhìn về ngày Ðức Giêsu Kitô sẽ đến trong vinh quang để vĩnh viễn thiết lập Trời Mới Ðất Mới cho loài người. Tin Mừng hôm nay gợi lại trước mắt chúng ta quang cảnh tươi sáng về ngày Chúa quang lâm, Giáo Hội đưa chúng ta về với cuộc sống và trách nhiệm hiện tại của mình và nhắc lại lời căn dặn của Chúa Giêsu: Hãy Tỉnh Thức!

Vì thế, Mùa Vọng âm vang những lời loan báo.

1. Mùa Vọng - Mùa loan báo.

Mùa vọng là mùa của những lời loan báo. Loan báo Chúa Giêsu sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày trở lại của Chúa Kitô. Những lời loan báo này được công bố rõ ràng trong các bài đọc Sách Thánh ngày Chúa Nhật.

Bài đọc 1, trích trong sách Isaia, đó là những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế mà đỉnh cao là Chúa Nhật IV, loan báo một trinh nữ sẽ sinh hạ tại Bêlem một Hài Nhi thuộc chi tộc Đavit và Ngài sẽ được gọi là Emmanuel.

Bài Phúc Âm: Chúa Nhật I mùa vọng nói lên niềm mong đợi ngày Chúa Kitô trở lại với lời nhắn nhủ: Hãy tỉnh thức; Chúa Nhật II, III dành cho Gioan tiền Hô với lời mời gọi: Dọn đường cho Chúa; Chúa Nhật IV là Chúa Nhật Truyền tin cho Đức Mẹ và Thánh Giuse.

Các bài đọc 2 là các bài Thánh thư Phaolô, Giacôbê, Phêrô, đặc biệt làm cho Mùa Vọng trở thành một mùa loan báo việc Chúa Kitô trở lại lần thứ hai.

2. Mùa Vọng - Mùa chờ đợi

Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Từ ngữ “Chúa đến” thường được hiểu bằng bốn cách:

- Chúa đến trong lịch sử nhân loại.
- Chúa đến trong ngày phán xét chung.
- Chúa đến trong giờ chết của mỗi người.
- Chúa đến trong ơn thánh hằng ngày.

Chúa đến lần thứ nhất: Chúa đã làm người trong nghèo hèn và đau khổ. Chúa được sinh hạ tại hang đá Belem. Chúa đến thế gian để trao ban Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Ngày nay nhân loại đợi chờ và hân hoan kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh.

Chúa đến lần thứ hai: Chúa Giêsu sẽ đến thế gian lần thứ hai để hoàn tất công cuộc cứu độ, gọi là Tận Thế hoặc Cánh Chung. Lần này Chúa đến trong vinh quang với tư thế là Vua Thẩm phán để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Không ai biết được ngày đó sẽ xẩy ra khi nào. Chỉ biết chờ đợi trong hy vọng.

Chúa đến giữa hai lần: Chúa đến với từng người. Đó là giờ chết. Không ai biết được Chúa gọi mình lúc nào và ở đâu. Không ai có thể chọn cho mình ngày giờ ra đi. Lần giữa này là lần thật quan trọng với từng người.

Chúa đến trong ơn thánh: Hàng ngày Chúa đến với ta trong ơn thánh qua các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể.

Mùa Vọng chính là mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi Chúa đến.

3. Mùa Vọng - Mùa tỉnh thức

Chúa Giêsu nói đến tư thế của người tỉnh thức là luôn: “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Chúa cũng nói đến thái độ sống của người tỉnh thức là không để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”, không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ, không quá mê say danh lợi thú.

- Đứng thẳng: đây là động thái hiên ngang dũng cảm vượt trên mọi đam mê tội lỗi. Đứng thẳng mới khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn mời mọc hấp dẫn trong cuộc đời.
- Ngẩng đầu lên: đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả.

Chúng ta sống cuộc đời hiện tại trong tinh thần tỉnh thức. Tại các ngã ba ngã tư của đường phố đều có đèn đỏ đèn xanh rõ ràng, nhắc hướng cần đi vào và cấm vượt ranh giới. Trong lương tâm, chúng ta không thấy rõ hệ thống đèn đỏ đèn xanh. Mình phải tự phán đoán, chọn lựa. Không tỉnh thức là đôi khi mình tự cho phép mình vượt đèn đỏ vô hình, và cũng không đi theo hướng đèn xanh chỉ dẫn. Vài lần thấy quen. Rồi thấy xung quanh vô số người cũng làm như vậy. Thế là thành thói quen phạm lỗi trên hành trình cuộc đời.

Không bao giờ được quên ngày Chúa đến trong thời gian kết thúc của thế giới và đến trong ngày cuối cùng của đời ta. Tích cực dùng thời gian hiện tại để chuẩn bị cho tương lai vĩnh cữu của mình.

Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Chúa đến rất bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa, chúng ta phải tỉnh thức.

Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn minh hoạ bài học tỉnh thức.

a. Dụ ngôn người đầy tớ đợi chủ về:

Tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới không biết về lúc nào. Thái độ tỉnh thức là “thắt lưng cho gọn” và “thắp đèn cho sẵn”. Luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ. Như thế, tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhẹn. Tỉnh thức để “đợi chủ về”. Người Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm, chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Vì thế, người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại một cách rất nghiêm chỉnh, họ cố gắng làm phận sự ở đời một cách hết sức tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay bây giờ.

b. Dụ ngôn người quản gia trung thành.

Quản gia chỉ là quản lý mà “ ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Mỗi người chúng ta là người quản lý của Thiên Chúa. Cần phải trung thành trong nhiệm vụ được giao. Sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp…tất cả đều là do Chúa ban tặng. Những gì mà ta có đều là của Chúa. Người quản lý khôn ngoan phải biết nhìn xa, làm sao cho sự sống, trí tuệ, tài năng… giúp ta hướng tới những giá trị vĩnh cửu.

Người ta kể chuyện rằng ngày kia Thánh Luy Gonzaga còn chơi với bạn bè, thình lình cha bề trên đến tập họp tất cả lại và hỏi thử: "Giả sử như chúng con đang chơi mà Chúa đến báo cho chúng con biết chúng con chỉ còn sống 5-10 phút nữa thôi, thì chúng con sẽ làm gì?". Bấy giờ mọi người bổng trở nên căng thẳng. Người thứ nhất trả lời: " Con sẽ đi gặp cha linh hướng" Người thứ hai nói:"Con sẽ vào nhà thờ cầu nguyện trước Nhà Tạm". Riêng Luy vẫn bình thản trả lời:" Thưa cha, con sẽ tiếp tục chơi".

Ðó là câu trả lời của một đấng thánh và đáng lý mỗi người kitô hữu đều phải có thể trả lời như thế. Chơi đùa, giải trí cũng làm đẹp lòng Chúa nếu đó là việc phải làm theo nhu cầu đúng đắn hoặc theo bổn phận. Vậy không phải chỉ bằng đọc kinh, cầu nguyện, mà bằng cả yêu thương, đau khổ, lao động, nghỉ ngơi, giải trí, nghĩa là bằng cả cuộc đời mà chúng ta đón chờ Chúa và chuẩn bị cho hạnh phúc đời đời của chúng ta.

Tỉnh thức là tâm trạng của một con người luôn bình an, thư thái. Thái độ sống này giúp người Kitô hữu luôn làm cho mọi công việc hàng ngày trở thành lời nguyện tạ ơn chân thành.

Người tỉnh thức là người luôn cố gắng và nhiệt thành, biết thực thi những gì là chân thật, ngay chính và đáng quý chuộng.

Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Thời gian hiện tại là thời gian quyết định đối với số phận đời đời của con người. Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta sống ở trần gian là vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cữu.

Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp hoặc vui mừng là tùy cách sống hiện tại của mỗi người. Mọi hành động, mọi tư tưởng đều được phơi bày ra trước ánh sáng của công lý, không ai có thể che dấu một chi tiết nào.

Ngày Chúa đến trong vinh quang để xét xử muôn dân sẽ là ngày cứu độ cho những ai tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng, nhưng sẽ là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi.

Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu bên Nhà Tạm, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa. Xin dạy chúng con biết luôn “đứng thẳng” trong một nếp sống chân thành, tốt lành và thánh thiện. Xin hướng chúng con biết luôn “ngẩng đầu lên” để hướng về Quê Hương Thiên Quốc, nơi chúng con hy vọng sẽ được chung hưởng hạnh phúc muôn đời bên Chúa. Amen.