Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Linh mục có thể đứng xa bàn thờ bao nhiêu mét để truyền phép Mình Máu Chúa, và ngài có thể chủ trì bao nhiêu bàn thờ cùng một lúc? Trường hợp mà con chứng kiến là ở trong một hội trường lớn, nơi đó bánh và rượu được chuẩn bị sẵn tại mỗi bàn, có tám người ngồi xung quanh mỗi bàn, và linh mục ngồi ở một bàn khác ở cuối phòng. Con đặt câu hỏi về tính hợp lệ của việc truyền phép ở mỗi bàn, ngoại trừ ở bàn có linh mục. Nếu điều này là hợp lệ, thì liệu một nhà truyền giáo hoặc Giám mục có thể truyền phép hai hình trên tất cả các bàn thờ tại một thời điểm nhất định ở giáo xứ hoặc giáo phận của mình chăng? Một số người nói rằng vị trí hợp lệ là dựa vào ý định, vì vậy nếu bạn có một ý định rất rộng, thì được; đúng không, thưa cha? - D. H., Salem, Missouri, Hoa Kỳ.


Đáp: Có nhiều điểm cần được giải quyết trong câu hỏi của bạn đọc này.

Không cần phải nói, tình hình được bạn mô tả trình bày một sự lạm dụng rất nghiêm trọng cho các quy định phụng vụ, và cho thấy sự bất kính đối với phép Thánh Thể, và sự hiểu biết thần học rất nghèo nàn. Sẽ là quá mức để liệt kê tất cả các vi phạm luật phụng vụ ở đây. Nhưng sau đó, không chắc rằng lòng trung thành với luật phụng vụ là mối quan tâm cao nhất đối với vị linh mục đã thực hiện nghi thức này.

Xét về một khía cạnh mà thôi, chức năng này chắc chắn đã đi ngược lại huấn thị "Redemptionis Sacramentum" (Bí tích Cứu độ), số 38 và 77:

"38. Giáo lý không thay đổi của Giáo Hội về bản tính của Phép Thánh Thể, được xem chẳng những như là một bữa tiệc, mà còn và trước hết là một hy tế, một cách chính xác được coi như là một trong những chìa khoá chính để hiểu và thực hiện việc tham gia đầy đủ của tất cả các tín hữu vào một Bí Tích cao trọng dường ấy. “Bỏ đi giá trị hy tế của nó, Thánh Thể chỉ có ý nghĩa và giá trị của một cuộc gặp gỡ thân hữu trong một bữa tiệc thông thường mà thôi”

"77. Tuyệt đối không có trường hợp nào được phép kết hợp việc cử hành Thánh Lễ với một bữa ăn bình thường, cũng không được phép kết hợp Thánh Lễ với một bữa ăn lễ lạt loại này. Ngoại trừ trường hợp cần thiết quan trọng, không được phép cử hành Thánh Lễ trên một bàn ăn, hoặc trong một nhà cơm, hay trong một nơi được dùng vào mục đích ăn uống, hoặc bất cứ nơi nào có thức ăn, những người tham dự Thánh Lễ cũng không được phép ngồi vào bàn ăn trong lúc cử hành. Nếu, trong trường hợp cần thiết quan trọng, nếu Thánh Lễ phải cử hành cùng nơi được dự trù sau đó làm phòng ăn, thì phải dự trù có một khoảng thời gian đủ giữa lúc cuối Thánh Lễ và đầu bữa ăn, và cấm không được trao của ăn cho các tín hữu trong khi cử hành Thánh Lễ” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Một điểm trầm trọng hơn liên quan đến tính hợp lệ của sự truyền phép ở các bàn khác. Ở đây, chúng ta phải xem xét nhiều điểm, vì một câu trả lời rõ ràng là không dễ dàng.

Theo giáo lý của Công đồng Trentô, ý định bí tích phải được thực hiện như Hội Thánh làm, bất cứ khi nào Hội Thánh thực hiện nghi thức này. Điều này có nghĩa rằng linh mục phải ít nhất có ý định truyền phép bánh và rượu.

Điều này không có nghĩa là ngài dự định tuân theo tất cả các quy định của Hội Thánh khi làm như vậy. Với điều kiện là chất thể và mô thức chính xác được thống nhất với ý định, Hội Thánh thường công nhận tính hợp lệ của một cử hành Thánh lễ bị lạm dụng, nơi đó nhiều quy định đã bị bỏ qua.

Đồng thời, các hành vi lạm dụng có thể đạt tới mức độ mà chúng sẽ chứng minh rằng chủ tế không còn có ý định làm như Hội Thánh dạy nữa. Và do đó, bí tích sẽ là không hợp lệ mặc dù chất thể và mô thức chính xác được sử dụng.

Vì vậy, thí dụ, Hội Thánh đã chính thức tuyên bố rằng Hội Thánh không công nhận phép rửa tội của một số phái như Nhân Chứng Giê-hô-va hoặc Mormon. Mặc dù các phái này có thể sử dụng một công thức rửa tội chính xác, họ không tin vào Chúa Ba Ngôi - và vì vậy đó không phải là phép rửa tội như Ki tô hữu hiểu điều đó.

Trong trường hợp do bạn đọc trình bày, người ta có thể lập luận rằng mức độ lạm dụng là quá mức, đến nỗi ý định không còn tương thích với ý của Hội Thánh nữa. Lập luận này là khả dĩ, nhưng không hoàn toàn chắc chắn.

Vấn đề khoảng cách cũng phải được giải quyết. Như bạn đọc nêu ra, nếu ý định một mình là đủ, điều gì sẽ ngăn cản sự truyền phép từ xa? Ở đây các lời truyền phép sẽ giúp chúng ta. Có một ý nghĩa rõ ràng cho các từ "Các con hãy nhận lấy", và "Này là Mình (Máu) Ta". Từ "này" không giống như từ "kia" hoặc từ "đàng kia".

Các quy định phụng vụ thường đòi hỏi rằng tất cả những gì được truyền phép phải ở trước mặt vị linh mục, ở trên bàn thờ và trên một khăn thánh (corporal). Trong các trường hợp rất đặc biệt, chẳng hạn như Thánh Lễ đông người có Giáo Hoàng chủ sự, các bình thánh đựng bánh lễ đã các linh mục và phó tế cầm, và các vị này đang đứng xung quanh hoặc ngay phía sau bàn thờ trong phần Kinh nguyện Thánh Thể. Do đó, một quan hệ nào đó giữa bàn thờ và bánh lễ sắp được truyền phép luôn được duy trì, mặc dù trong một số trường hợp khoảng cách vật lý có thể là tương đối lớn.

Thỉnh thoảng, khi số người là quá đông đến nỗi các linh mục xung quanh bàn thờ không thể cho Rước lễ cho tất cả mọi người từ Bánh thánh được truyền phép trong thánh lễ, Bánh thánh đã được truyền phép trong một thánh lễ khác và được lưu giữ trong một nhà thờ gần đó, được dùng để cho các người đứng xa nhất Rước lễ. Ngay cả Đức Thánh Cha cũng không tin rằng Ngài có thể truyền phép tử một khoảng cách xa.

Điểm này cũng sẽ làm cho dễ hiểu hơn rằng sự truyền phép cố ý tại các bàn khác là không hợp lệ. Một lần nữa, lập luận không phải là chắc chắn, nhưng là khả dĩ thôi. Và do đó, linh mục không nên tiến hành như ngài đã làm, vì chúng ta không thể đùa giỡn với tính hợp lệ của các bí tích.

Trường hợp như trên nên được báo cáo cho Giám mục, vì ngài chịu trách nhiệm cho việc đảm bảo rằng linh mục ấy hoàn toàn hiểu được sự nghiêm trọng của hành động của mình, và để đảm bảo rằng sự việc ấy sẽ không còn được lặp lại nữa.

Sau khi tôi trả lời như trên đây, một số bạn đọc gửi thêm các thắc mắc liên quan, trong đó nổi ra thêm hai chủ đề khác.

Một số linh mục đã đề cập đến việc họ tham dự Thánh Lễ Giáo hoàng, mà ở đó họ đã cầm bánh lễ sẽ được truyền phép, mặc dù họ đứng khá xa bàn thờ.

Điểm cần hói ở đây không phải là khoảng cách vật lý xa, vốn do bản chất của một số bục đứng có thể là tương đối lớn, nhưng là mối tương quan mà các linh mục cầm bánh lễ để truyền phép có với bàn thờ.

Trong phần lớn các trường hợp, các linh mục cầm bình thánh tại Thánh lễ Giáo hoàng có tương quan trực tiếp với bàn thờ. Thường không có ai khác giữa các linh mục và các vị đồng tế ở bàn thờ, và vị chủ tế biết được sự hiện diện của họ.

Nếu ở dịp nào đó, khía cạnh này không được tuân giữ, thì có lẽ là do thiếu sự tổ chức hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc hoạch định hậu cần của Thánh Lễ Giáo hoàng, đặc biệt là trong các năm đầu tiên của trièu giáo hoàng lưu động của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Trong trường hợp mà chúng ta kiểm tra, không có mối tương quan giữa các bánh lễ sắp được truyền phép và "bàn thờ".

Một bạn đọc chu đáo từ New Haven, Connecticut, Hoa Kỳ, đã nắm bắt một sự thiếu chính xác thần học trong một thí dụ, mà tôi đưa ra liên quan đến việc không công nhận phép rửa tội của phái Mormon.

Bạn này viết: "Tôi nhớ lại việc đọc nhiều hơn một lần rằng niềm tin như vậy, về phía người rửa tội, là không cần thiết để ban phép rửa tội một cách hợp lệ, công thức ấn tượng của việc rửa tội là ngay cả một người vô thần cũng có thể làm phép rửa tội. Tuy nhiên, không người vô thần nào tin vào Chúa Ba Ngôi; như tôi nhớ lại công thức truyền thống, chính việc người vô thần có ý định làm những gì Hội Thánh làm (tuy nhiên động lực của người vô thần là mù mờ) làm cho việc ban phép rửa tội là hợp lệ.

“Trong trường hợp của phái Mormon và phái Nhân Chứng Giê-hô-va, thì không phải là việc họ không tin vào Chúa Ba Ngôi làm cho phép rửa tội của họ là không hợp lệ, nhưng là hệ quả rằng, do họ thiếu niềm tin này, họ không có ý định, như một luật, làm điều Hội Thánh làm khi ban phép rửa. Bí tích không thành vì thiếu ý định.

"Hơn nữa, vì các người vô thần có thể làm phép rửa mặc dù là người vô thần, nhưng cũng có thể về mặt kỹ thuật người phái Mormon và phái Nhân Chứng Giê-hô-va cũng có thể làm phép rửa, mặc dù họ có xác tín tôn giáo riêng của họ, nếu trong các trường hợp đặc biệt (vì bất kỳ lý do gì) họ cố tình chọn kết hiệp ý định của họ với ý định của Hội Thánh Công Giáo trong việc rửa tội".

Các nhận xét của bạn đọc này về cơ bản là chính xác do có sự phân biệt giữa niềm tin và ý định, và liên quan đến các lý do cho việc không công nhận phép rửa tội được thực hiện trong phái Mormon. Sự không hợp lệ của các phép rửa tội này đã được chính thức tuyên bố trong một văn bản ngắn có chữ ký của Đức Hồng Y Giuse Ratzinger, với sự phê chuẩn đặc biệt của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào ngày 5-6-2001. (Zenit.org 21-11 và 5-12-2006)

Nguyễn Trọng Đa