Điểm tiếp xúc thứ hai mà tôi muốn đề cập là việc bảo vệ những người yếu thế nhất. Theo lời Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục: “Chúng tôi lên tiếng thay cho người nghèo, người bị khinh miệt, người bất hạnh và những người khao khát công lý, một cuộc sống đúng phẩm giá, tự do, thịnh vượng và tiến bộ”. [6]

Giáo Hội vẫn luôn dấn thân trong việc cứu giúp những người quẫn bách và chính Tòa Thánh, trong những năm qua, đã cổ võ nhiều dự án bênh vực những người yếu thế nhất, những dự án ấy cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều tác nhân quốc tế. Trong số những dự án này, tôi muốn đề cập đến sáng kiến nhân đạo tại Ukraine cho dân chúng đang đau khổ, nhất là tại miền Đông của nước này, vì cuộc xung đột kéo dài gần 5 năm qua, và có những biến chuyển đáng lo âu gần đây trong khu vực Biển Đen. Nhờ sự tham gia tích cực của các Giáo Hội Công Giáo ở Âu Châu và của các tín hữu tại các nơi khác trên thế giới, theo lời kêu gọi của tôi hồi tháng 5 năm 2016, cùng với sự cộng tác của các cộng đoàn Giáo Hội khác và các tổ chức quốc tế, nhằm đáp ứng một cách cụ thể những nhu cầu cấp thiết của người dân tại những vùng bị nạn, là những nạn nhân đầu tiên của chiến tranh. Giáo Hội và các tổ chức khác nhau của mình sẽ theo đuổi sứ mệnh này, với hy vọng thu hút sự chú ý lớn hơn đến các vấn đề nhân đạo khác, bao gồm cả việc đối xử với con số đông đảo các tù binh. Qua các hoạt động và sự gần gũi với các dân tộc liên hệ, Giáo Hội cố gắng khích lệ, trực tiếp hay gián tiếp, những nẻo đường hòa bình dẫn đến một giải pháp cho cuộc khủng hoảng, những nẻo đường tôn trọng công lý và luật pháp, bao gồm cả công pháp quốc tế là cơ sở cho an ninh và sự sống chung trong toàn khu vực. Hướng đến mục tiêu này, những khí cụ bảo đảm việc tự do thi hành các quyền tự do tôn giáo vẫn rất quan trọng.

Về phần mình, cộng đồng quốc tế và các cơ quan phối thuộc được kêu gọi để lên tiếng cho những người không có tiếng nói. Trong số những người không có tiếng nói trong thời đại chúng ta, tôi muốn đề cập đến những nạn nhân của các cuộc chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt là ở Syria với con số thương vong quá cao. Một lần nữa, tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy một giải pháp chính trị cho một cuộc xung đột mà tối hậu chỉ cho thấy hàng loạt những thất bại. Điều quan trọng là phải chấm dứt các hành vi chà đạp luật nhân đạo, gây ra những đau khổ khôn tả cho thường dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, và tấn công vào các cấu trúc thiết yếu như bệnh viện, trường học và trại tị nạn, cũng như các cơ sở tôn giáo.

Chúng ta cũng không thể quên nhiều người bị di dời do cuộc xung đột này; điều này đã gây ra khó khăn lớn cho các nước láng giềng. Một lần nữa, tôi bày tỏ lòng biết ơn của mình đến Jordan và Li Băng vì đã đón nhận con số đông đảo những người tị nạn trong một tinh thần huynh đệ, với một sự hy sinh đáng kể. Đồng thời, tôi cũng hy vọng rằng những người tị nạn sẽ có thể trở về quê hương trong những điều kiện sống an toàn và đúng phẩm giá. Suy nghĩ của tôi cũng hướng đến nhiều quốc gia Âu châu đã hào phóng trao ra lòng hiếu khách cho những người gặp khó khăn và nguy hiểm.

Trong số những người bị ảnh hưởng bởi sự mất ổn định ghi dấu lên Trung Đông trong nhiều năm qua, tôi đặc biệt nghĩ đến các cộng đồng Kitô đã cư ngụ ở những vùng đất này từ thời các thánh tông đồ, và xuyên suốt nhiều thế kỷ đã đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển của những vùng đất ấy. Điều hết sức quan trọng là các Kitô hữu phải có một vị thế nhất định trong tương lai của khu vực này, và vì vậy tôi khuyến khích tất cả những người đã tìm nơi ẩn náu ở những nơi khác hãy làm mọi cách để trở về quê hương mình và trong mọi biến cố hãy duy trì và củng cố những liên hệ với các cộng đồng nguồn gốc của mình. Đồng thời, tôi bày tỏ hy vọng rằng các nhà lãnh đạo chính trị sẽ bảo đảm an toàn cho họ và cho tất cả những ai cần được bảo vệ, sao cho họ có thể tiếp tục sống trong các quốc gia này với đầy đủ quyền công dân, và đóng góp cho sự tăng trưởng của họ.

Đáng buồn thay, trong những năm qua, Syria và nói chung là toàn bộ Trung Đông đã trở thành một chiến trường cho nhiều lợi ích đối kháng. Ngoài những lợi ích có bản chất chính trị và quân sự, chúng ta không nên xem thường những nỗ lực gây ra sự thù địch giữa người Hồi giáo và các Kitô hữu. Bất kể là “trong nhiều thế kỷ, nhiều cuộc tranh cãi và bất đồng đã nảy sinh giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo”, [7] tại các khu vực khác nhau của Trung Đông, họ đã sống trong hòa bình với nhau. Trong tương lai gần, tôi sẽ có dịp đến thăm hai quốc gia nơi người Hồi giáo chiếm đa số là Marốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hai chuyến đi này tiêu biểu cho hai cơ hội quan trọng để thúc đẩy đối thoại liên tôn và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tín hữu của hai tôn giáo, trong năm kỷ niệm tám trăm năm cuộc gặp lịch sử giữa Thánh Phanxicô thành Assisi và Quốc Vương al-Malik al-Kāmil.

Trong số những người dễ bị tổn thương trong thời đại chúng ta, cộng đồng quốc tế được kêu gọi bảo vệ không chỉ những người tị nạn thôi mà cả những người di cư nữa. Một lần nữa, tôi kêu gọi các chính phủ cung cấp các trợ giúp cho tất cả những người bị buộc phải di cư vì tai ương nghèo đói và các hình thức bạo lực và đàn áp đa dạng, cũng như vì thảm họa thiên nhiên và những xáo trộn khí hậu, và tạo điều kiện cho các biện pháp nhắm đến việc hội nhập xã hội của họ ở các nước tiếp cư. Những nỗ lực cũng cần được thực hiện sao cho các cá nhân không bị buộc phải từ bỏ gia đình và đất nước của họ, và cho phép họ trở về an toàn với một sự tôn trọng hoàn toàn nhân phẩm và nhân quyền của họ. Tất cả mọi người đều mong muốn có một cuộc sống tốt hơn và thịnh vượng hơn, và thử thách di cư không thể được giải quyết với một não trạng bạo lực và thờ ơ, hay đơn thuần là các giải pháp nửa vời.

Do đó, tôi không thể không bày tỏ sự đánh giá cao về những nỗ lực của tất cả các chính phủ và các tổ chức, được thúc đẩy bởi một ý thức quảng đại về tình liên đới và bác ái Kitô giáo, hợp tác trong tinh thần huynh đệ vì lợi ích của người di cư. Trong số này, tôi muốn đề cập đến Colombia, cùng với các quốc gia khác trong lục địa, đã chào đón trong những tháng gần đây, một dòng người đông đảo đến từ Venezuela. Đồng thời, tôi nhận ra rằng làn sóng di cư trong những năm gần đây đã gây ra sự lúng túng và lo ngại của người dân ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Âu Châu và Bắc Mỹ, và điều này đã khiến nhiều chính phủ hạn chế nghiêm ngặt số người nhập cư, thậm chí cả những người quá cảnh. Tuy nhiên, tôi không tin rằng các giải pháp nửa vời như thế có thể tồn tại lâu dài đối với một vấn đề quá phổ quát như vậy. Các sự kiện gần đây đã cho thấy sự cần thiết phải có một phản ứng chung, được phối hợp bởi tất cả các quốc gia, không có ngoại lệ nào và tôn trọng mọi nguyện vọng chính đáng, cho dù là của các quốc gia hay của người di cư và người tị nạn.

Về vấn đề này, Tòa Thánh đã tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán và ủng hộ việc thông qua hai Hiệp định Toàn cầu về Người tị nạn và Di cư An toàn, Trật tự và Điều hòa. Đặc biệt, Hiệp định Di dân thể hiện một bước tiến quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, mà giờ đây, là một tài liệu có tầm quan trọng trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên giải quyết ở cấp độ đa phương chủ đề này. Bất kể thực tế là các hiệp định này không có những ràng buộc về mặt pháp lý và một số chính phủ đã vắng mặt trong các Hội nghị Liên Hiệp Quốc gần đây ở Marrakesh, hai hiệp định này sẽ đóng vai trò là các điểm tham chiếu quan trọng cho cam kết chính trị và hành động cụ thể đối với các tổ chức quốc tế, các nhà lập pháp và các chính trị gia, cũng như tất cả những người làm việc cho việc giải quyết một cách có trách nhiệm hơn, phối hợp hơn và an toàn hơn trong các tình huống liên quan đến người tị nạn và người di cư các loại. Trong trường hợp của cả hai Hiệp định này, Tòa Thánh đánh giá cao ý định và tính cách của chúng, tạo điều kiện cho việc thực hiện chúng; nhưng đồng thời, Tòa Thánh cũng bày tỏ sự dè dặt đối với các tài liệu được nêu ra bởi Hiệp định về di cư trong đó chứa đựng các thuật ngữ và những hướng dẫn không phù hợp với các nguyên tắc của Tòa Thánh về sự sống và nhân quyền.

Trong số những người dễ bị tổn thương khác, Đức Phaolô Đệ Lục nói tiếp rằng: “Chúng tôi lên tiếng cho thế hệ trẻ ngày nay, những người đang tiến về phía trước với niềm tin tưởng, với mọi quyền để mong đợi một nhân loại tốt hơn.” [8] Những người trẻ tuổi, những người thường cảm thấy hoang mang và bất định về tương lai, là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên thứ 15. Họ cũng sẽ ở tuyến đầu trong chuyến tông du mà tôi sẽ thực hiện tại Panama trong vài ngày nữa trong khuôn khổ Ngày Giới trẻ Thế giới thứ 34. Giới trẻ là tương lai của chúng ta, và nhiệm vụ của các chính trị gia là mở đường cho tương lai của họ. Vì thế, cần khẩn cấp đầu tư vào các sáng kiến có thể cho phép các thế hệ sắp tới định hình tương lai của họ, với khả năng tìm được việc làm, thành lập gia đình và nuôi dạy con cái.

Cùng với những người trẻ tuổi, cần đặc biệt chú ý đến trẻ em, đặc biệt là trong năm nay, là năm kỷ niệm ba mươi năm ngày thông qua Công ước về Quyền trẻ em. Đây là một dịp tốt để suy tư một cách nghiêm chỉnh về các bước cần thực hiện để bảo vệ phúc lợi của những người nhỏ bé của chúng ta cũng như sự phát triển xã hội và trí tuệ của họ, cùng với sự phát triển về thể chất, tâm lý và tinh thần của các em. Ở đây tôi không thể không nói về một trong những tai họa của thời đại chúng ta, điều đáng buồn là cũng có sự tham gia của một số thành viên trong hàng giáo sĩ. Lạm dụng trẻ vị thành niên là một trong những tội ác ghê tởm và tàn bạo nhất có thể tưởng tượng được. Sự lạm dụng như vậy vô tình cuốn đi những gì tốt đẹp nhất mà cuộc sống nhân loại dành cho những đứa trẻ vô tội này, và gây ra những thiệt hại không thể khắc phục và kéo dài suốt đời chúng. Tòa Thánh và toàn thể Giáo hội đang nỗ lực chống lại và ngăn chặn những tội ác và sự che giấu những tội ác này, để xác định sự thật về các sự kiện liên quan đến hàng giáo sĩ và đem lại công lý cho những trẻ vị thành niên đã phải chịu đựng bạo lực tình dục gia trọng thêm bởi sự lạm dụng quyền hành và lương tâm. Cuộc gặp gỡ của tôi với các giám mục của toàn thế giới vào tháng Hai tới là một bước tiến nữa trong những nỗ lực của Giáo Hội nhằm làm sáng tỏ sự thật và làm giảm bớt những vết thương do những tội ác đó gây ra.

Thật đau đớn khi nhận thấy rằng trong các xã hội của chúng ta, quá thường bị ghi dấu bởi các tình huống gia đình bấp bênh, chúng ta thấy sự gia tăng bạo lực đối với phụ nữ, mà nhân phẩm đã được nhấn mạnh trong Tông Thư Muliers Dignitatem, được công bố ba mươi năm trước bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đối mặt với tai ương lạm dụng thể xác và tâm lý phụ nữ, có một nhu cầu cấp thiết cần phải khôi phục lại các hình thái quan hệ đúng đắn và cân bằng, dựa trên sự tôn trọng và công nhận lẫn nhau, trong đó mỗi người có thể thể hiện một cách chân thực căn tính của chính mình. Đồng thời, [cần phải cảnh giác rằng] việc thúc đẩy một số hình thái nhất định nhằm xóa nhòa sự khác biệt về giới tính có nguy cơ làm sai lệch bản chất của nam tính và nữ tính.

Mối quan tâm đối với những người dễ bị tổn thương nhất thúc đẩy chúng ta cũng phải suy nghĩ về một vấn đề nghiêm trọng khác trong thời đại chúng ta, đó là tình trạng của người lao động. Trừ khi được bảo vệ đầy đủ, công việc không còn là phương tiện tự hiện thực hóa của con người mà trở thành một hình thái nô lệ hiện đại. Một trăm năm trước nhân loại đã chứng kiến sự thành lập Tổ chức Lao động Quốc tế, nhằm tìm cách thúc đẩy các điều kiện làm việc phù hợp và đề cao phẩm giá của chính người lao động. Đối mặt với những thách thức của thời đại chúng ta, trước hết là sự tăng trưởng công nghệ, là điều đang loại bỏ nhiều công ăn việc làm và đang làm suy yếu các bảo đảm kinh tế và xã hội của người lao động, tôi bày tỏ hy vọng rằng Tổ chức Lao động Quốc tế sẽ tiếp tục, vượt lên trên những lợi ích đảng phái, để trở thành một tấm gương cho đối thoại và những nỗ lực phối hợp nhằm đạt được các mục tiêu cao cả của nó. Trong nhiệm vụ này, cùng với các cơ quan khác của cộng đồng quốc tế, tổ chức này được mời gọi để đối phó với tội ác lạm dụng lao động trẻ em và các hình thái nô lệ mới, cũng như một sự suy giảm giá trị của tiền lương, đặc biệt là ở các nước phát triển, và tình trạng tiếp tục phân biệt đối xử với phụ nữ tại nơi làm việc.

[6] Phaolô Đệ Lục, Diễn từ trước Liên Hiệp Quốc (4/10/1965), 1
[7] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh về Quan hệ của Giáo Hội với các tôn giáo không Kitô Nostra Aetate (28 Tháng 1965), 3.
[8] Phaolô Đệ Lục, Diễn từ trước Liên Hiệp Quốc (4/10/1965), 1