CHÚA GIÊSU MỈM CƯỜI



(Nguyên bản: Le Sourire de Jésus
par Pierre Descouvemont
Bản tiếng Việt của Vũ Văn An
)



PHỤ LỤC: Cười và Mỉm Cười

Người ta có thể cười vì một câu truyện buồn cười hoặc bằng lòng mỉm cười vì nó một cách kín đáo hơn, theo lối người lịch thiệp có thói quen từ lúc còn rất trẻ không bao giờ để mình đi đến chỗ cười ồn ào. Quả những câu truyện của người Anh chứa thứ hài hước ít khi làm ta phá lên cười...

Nhưng chúng tôi muốn nhắc lại đây sự khác nhau về bản chất vốn phân biệt cái cười với nhiều hình thức khác nhau của cái mỉm cười.

1.Cười

• Nó được kích thích bởi tri nhận một tương phản về mặt tri thức. Bergson giải thích như sau: sự tương phản này phát xuất từ sự kiện một hữu thể sống động, hẳn đã sống ở trên đời một cách uyển chuyển, có vẻ phản ứng như một người máy.

Ta cười mỗi lần ai đó xem ra cư xử như một người máy trong khi người ta lưu ý tới điều người này cư xử với sự uyển chuyển đầy quan tâm và sự linh hoạt sống động của một con người. Chính vì thế, việc lặp đi lặp lại gần như tự động trong một cử chỉ hay một câu nói nơi một diễn giả có tính buồn cười tuyệt vời, việc một anh hề leo thang theo cách của một con rối khiến ta cười, việc một người lãng trí đụng gương phản xạ đến bị thương ở mũi khiến ta buồn cười hay việc bắt chước một chính trị gia của một ca sĩ ứng tác khiến cả nước Pháp cười theo đúng mức độ người ca sĩ ứng tác này thành công trong việc nêu bật được từ người này điều ít có tính bản thân nhất: các chứng tật, các phát biểu đặc trưng, âm điệu giọng nói, nói tóm là cái phần máy móc vô tình diễn ra trong tác phong có tính bản thân nhất.

Bergson vốn nhận xét, “Bắt chước ai là nêu bật cái phần máy móc họ để cho du nhập vào con người họ”.

• Như thế, cười không phải là biểu thức của tình cảm bản thân hay liên ngã lâu bền. Thực vậy, nó giả thiết ta phải tạm thời "vặn nhỏ" ngọn đèn cảm giới của ta. Bergson từng nhận xét “cái cười vô cảm [insensible]”. Tôi chỉ có thể cười một viên cảnh sát trượt vỏ chuối nếu tôi tạm thời quên cái đau có thể có của ông ta. Nếu tôi tắt âm thanh của máy truyền hình nhưng tôi vẫn tiếp tục coi hình ảnh nhà báo đang nói, tôi có khi thấy ông ta tức cười vì nói đủ âm tiết trong các câu chữ nhưng không ai nghe được, nhưng tôi đâu có khinh bỉ ông ta.

Đó là một thứ tiêu khiển không kéo dài: giống như người cười thứ sáu, khóc chúa nhật vậy. Nó cũng giống như anh chàng chuyên mua vui cho thiên hạ (boute-en-train) rất thành công trong việc chọc cười quần chúng nhưng trong đời sống bản thân anh ta rất buồn. Người ta vốn nhận xét rằng những anh hề có tiếng đều là những người buồn rầu, thiết tưởng ta nên nghĩ đến Molière hay Charlie Chaplin, và họ hay sáng chế ra các trò hài hước đột xuất và những chữ tức cười để che đậy nỗi thất vọng sâu xa trong đời họ. Nụ cười có thể là một loại ma túy vô hại làm tôi quên đi nét độc điệu của nhân sinh.

• Tuy nhiên, nụ cười phát sinh các thiện cảm tập thể tuy hời hợt,

-giữa khán giả và người diễn,
-giữa các khán giả của cùng màn hài hước: “Cười cùng một chuyện với nhau, đó là chín phần mười của thiện cảm”,
-giữa bạn bè nói cho nhau những chuyện ngồi lê đôi mách, trừ khi người ta không cố ý không cười trước câu chuyện do một người trong số họ kể lại, bởi vì người ta không muốn nhượng bộ đối với phản xạ thiện cảm này hoặc người ta muốn thể hiện sự khinh bỉ của mình.

Nụ cười chân thực của con người không xẩy ra ở nơi nào khác ngoài trong một nhóm: nó giả thiết phải có sự hiện diện của những người cười khác. Những nhà sản xuất các dĩa hài hước biết rõ điều đó, họ luôn ghi âm các kịch ngắn của một tác giả trong một căn phòng: chúng ta phải có thể tham gia các nụ cười của căn phòng. Phương châm có câu “càng có những người vui nhộn, người ta càng cười”.

Các thánh chưa bao giờ là những người cuối cùng kể các câu truyện làm người ta cười, nhưng cũng để ngài bớt căng thẳng. Thánh Têrêxa thành Lisieux vốn nhại rất tuyệt bác sĩ Cornière, người săn sóc ngài hay tu viện trưởng Baillon, vị giải tội phi thường của cộng đoàn. Và thánh nữ rất yêu mến Théophane Vénard (tử đạo tại Việt Nam, phong thánh năm 1988) vì tính vui vẻ của ngài. Thánh Philippe Néri hết sức tức cười và Cha Thánh Padre Pio rất tuyệt kể lại những chuyện vui.

2. Mỉm cười

Nếu cười là một phản xạ của trí khôn sung sướng nắm được nét tương phản trong thế giới, thì mỉm cười có thể phát biểu nhiều tình cảm cực kỳ đa dạng, đi từ niềm vui sống đơn giản đến niềm vui chào đón một con người trong tâm hồn mình, dù chỉ là khoảnh khắc.

a. Cái mỉm cười thanh thản của em bé đang ngủ, “cười với các thiên thần”

Ngoại trừ khi em khóc, khuôn mặt của bé thơ tươi cười một cách tự nhiên. Nó “giãn nở ra”, mở rộng ra. Chính khi lớn lên, em mới bắt đầu “khép” khuôn mặt lại, co nó lại, do sự kiện em dần dần tự tri nhận rằng thế giới có thể độc ác và do đó, em phải tự khép kín trước ảnh hưởng của nó.

b. Cái mỉm cười thản nhiên của Bút Đa

Nhờ từ từ triệt bỏ mọi dục vọng ích kỷ, nhà hiền triết Phật Giáo tiến tới chỗ sung sướng thản nhiên đối với mọi vọng động của một thế giới không ngừng biến hóa. Khuôn mặt của ngài “được giải thoát”: không một đam mê nào còn đến khuấy động nội tâm thanh thản của ngài.

Trong một thế xích lại gần đầy gợi ý, A. Malraux đã làm ta nhận xét sự tương tự đáng ngạc nhiên hiện hữu giữa các bức tượng Bút Đa của Viễn Đông và bức tượng nổi tiếng của Reims mà người ta quen gọi là “thiên thần mỉm cười”: cả hai bên, đều là cái mỉm cười của một hữu thể không còn biết nỗi đau khổ của con người, một là vì chưa bao giờ biết nó... hai là vì không còn biết đến nó nữa.

c. Cái mỉm cười bình an của một bức tượng gôtích

Nhưng, đàng khác, các nghệ sĩ của thế kỷ 13 đã thành công trong việc phát biểu bằng đá một trong các đặc điểm chủ yếu của nền linh đạo Kitô giáo, tức việc cùng hiện hữu trong trái tim con người, và trên khuôn mặt, một nỗi đau khổ rất lớn lao và một niềm vui lớn lao không kém.

A.Malraux nghĩ rằng các điêu khắc gia Gôtích đã tìm được một nghệ thuật tạo hình có khả năng phiên dịch đức tin Kitô giáo vào mầu nhiệm Cứu Chuộc: các khuôn mặt họ điêu khắc ở cửa ra vào các nhà thờ chính tòa của họ có những khuôn mặt đầy đau khổ, đầy thử thách, đôi khi nhăn nheo, nhưng tất cả được soi sáng bởi đức tin vốn cư ngụ trong họ: các đau khổ này họ có thể dâng lên cho phần rỗi thế giới. Trong trường hợp ấy, họ không được giải thoát khỏi mọi đau khổ, nhưng khỏi sự đau đớn cùng cực là đau khổ “mà không được gì cả”. Trong một công thức tinh lược mà chỉ ông mới có bí quyết, A. Malraux kết luận: “những chiếc miệng gôtích xinh đẹp nhất xem ra giống những vết thẹo của cuộc đời” (Les Voix du silence, NFR, 1951, tr.215).

Người ta có thể áp dụng vào các khuôn mặt trên hoàn toàn in dấu một sự thanh thản, điều mà Bergson từng viết về niềm vui: “Nó luôn công bố rằng cuộc sống đã thành công, cuộc sống đã chiếm được trận địa, cuộc sống đã đem lại chiến thắng”.

d. Cái mỉm cười của hài hước

Bắt chước chữ “humeur” của tiếng Pháp, chữ Anh “humour” đã được sử dụng bên kia biển Manche từ thế kỷ 17 để chỉ một câu truyện nhằm tố cáo các tật xấu hiện có trong đời sống xã hội. Một tật xấu người ta tham dự và do đó không thể bi thảm hóa.

Bài hát xưa sau đây của các thủy thủ Anh là một bằng chứng:

“Good bye! Margarita!
Tạm biệt, Margarita
Anh lên đường ra hải ngoại.
Em luôn luôn nghĩ đến em,
Anh luôn luôn nghĩ đến anh!”

Người ta cũng tìm thấy cùng một nét hài hước ấy trong suy tư của một người chồng nói với vợ: “này cưng, hãy nói đi, khi một trong hai đứa mình chết, anh tin rằng anh sẽ về hưu ở nhà quê!”

Khiêm tốn thừa nhận phần ích kỷ hiện có trong tôi, tôi tự cấm mình không được phán đoán một cách nghiêm khắc tác phong của anh em mình. Ta không nên lẫn lộn hài hước với nụ cười hay mỉa mai. “Nụ cười chỉ nắm được sự tương phản, mỉa mai không bao giờ thiếu sự khinh bỉ nào đó. Hài hước vượt lên trên cả hai thứ này, vì nó hàm nghĩa hai đặc điểm giao thoa nhau: niềm vui được thấy nhược điểm của con người và thiện cảm đối với nhược điểm của một người khác mà cũng là nhược điểm của tôi” (E. Rouleau, Humour dans Vie Chrétienne, Avril 1968, tr. 14).

Do đó, hài hước chỉ thái độ của ai đó không coi mình là nghiêm trọng. Họ biết cười các thiếu sót của chính họ. Nhưng khác với kẻ khuyển nho (cynique), họ không cam chịu. Họ tin rằng mọi con người đều có thể hoàn thiện được.

Trong một tập thơ ý vị, Madeleine Delbrêl đã dành cho “Alcide”, “đầu óc nhỏ hoàn hảo”, cả một loạt lời khuyên để ông đừng bao giờ tự coi mình là nghiêm trọng trong những nhiệm sở ông có thể đảm nhiệm:

“Nếu ông thích sa mạc, ông đừng quên rằng Thiên Chúa thích con người hơn nó.
Một ngày kia Alcide lần tràng hạt trong xe điện.

Nếu ông khám phá ra mình nhỏ bé, đừng vì thế kết luận ông là viên ngọc trai
Theo những ánh sáng khó quên trên sự nhỏ bé của ông.

Tự nói mình cực kỳ nhỏ bé, là họa hiếm mới nhỏ bé;
Những người thực sự nhỏ bé, từ đầu, đã biết mình nhỏ bé.
Một ngày, nói chung, trong đó, ông tỏ ra bị xóa mờ.

Chói sáng không phải là soi sáng.
Alcide một ngày hùng biện.

Đừng yêu cầu người khác đoán định tình trạng thần kinh ông.
Một ngày trong đó người ta nói với ông không cần giữ ý tứ”.

(La joie de croire, Seuil, 1967, tr.241-266)

Hài hước, do đó, giả thiết phải yêu mình và yêu người cách chân chính. Nhà hài hước đích thực bác bỏ việc chỉ nhìn thấy bóng tối cuộc đời. Họ biết rằng người ta đoạt chiến thắng lẫy lừng trên ma quỉ, cha dối trá và ông hoàng buồn bã, khi họ chấp nhận việc nhìn nhận là tốt điều thực sự tốt, bắt đầu bằng một ly trà đơn giản. Lúc đó, họ đã vượt qua vòng hy vọng đầu tiên và họ mất hút đối với ma quỉ. Lewis nói với họ rằng “Người nào, với đức khiêm nhường hòan tòan và không hề vụ lợi, được vui hưởng một điều duy nhất ở trên đời, không bận tâm tới điều người khác nói, đã được trang bị chống lại phần lớn các cuộc tấn công chúng ta một cách tinh tế nhất” (Tactique du diable, Cerf, tr. 51).

Không thiếu các vị thánh thành công trong việc đưa ra những mẩu hài hước vào ngay những giờ phút thống thiết nhất của đời họ. Bị kết án trảm quyết theo lệnh của Henri VIII, quan chưởng ấn Thomas More thấy mình đứng dưới dàn máy chém. Thấy nó không vững lắm, ngài nói một cách vui vẻ: “Thưa trung úy, tôi xin ông giúp tôi leo lên; còn chuyện đi xuống, tôi sẽ lo liệu một mình”. Ngài xin đám đông cầu nguyện cho ngài, rồi qùi xuống đọc kinh Miserere (Thương xót). Ngài tự cột lấy mắt, và, để kết thúc, ngài vạch râu ra khỏi tấm ván mà nói những lời sau hết “quả là tội nghiệp bị chặt đầu mà không hề phạm tội phản bội”. Trước khi bị hành quyết, ngài yêu cầu người ta trả cho lý hình một đồng tiền vàng để thưởng công một việc phục vụ tuyệt vời mà anh ta sắp làm cho ngài: đó là đưa ngài thẳng về thiên đàng. Một người gác cổng như thế đáng được hưởng tiền thưởng xứng đáng!

Nhiều thế kỷ trước ngài, Thánh Cyprianô, Giám Mục Carthage bị hành quyết năm 258, cũng đã đưa ra cùng một lời yêu cầu như thế.
Còn về phần các nữ tu Cát Minh của Compiègne bị kết án máy chém, trong nhà tù ngày 16 tháng 7 năm 1794, hôm trước ngày bị hành quyết, các vị đã tìm ra phương thế hát một bài ca mà một trong các vị vừa sáng tác theo điệu nổi tiếng của thời ấy:

“Hãy phó tâm hồn cho hân hoan,
Ngày ta chiến thắng đã tới gần.
Hãy xa ta ra mọi yếu đuối
Thanh kiếm đầy máu đã vung lên (2 lần)
Ta hãy chuẩn bị mừng chiến thắng
Dưới ngọn cờ Thiên Chúa thương vong
Mỗi người hãy quân hành chiến thắng
Hãy chạy, hãy bay về vinh quang:
Làm sống lại bầu nhiệt huyết ta,
Thân xác ta thuộc về Thiên Chúa!
Hãy leo, leo lên dàn máy chém
Và Chúa sẽ là Đấng khải hoàn”.

e. Mỉm cười chào đón

Hơn cả lời nói, mỉm cười phát biểu cả một thang âm tình cảm mà con người có thể hoặc mong cảm nhận được khi gặp gỡ người khác: có nụ mỉm cười của vị giám khảo nhân từ chào đón một thí sinh và muốn cho thí sinh này cảm thấy thoải mái, có nụ mỉm cười của hai người bạn biết nhau đã từ lâu và phát biểu trên khuôn mặt rằng họ sung sướng được gặp lại nhau, nụ mìm cười của người cuốc bộ sung sướng được cám ơn người lái xe hơi vừa cho họ quá giang... Đời sống trong xã hội sẽ dễ chịu hơn nhiều nếu người ta dành thì giờ để mỉm cười với nhau, để chào đón lẫn nhau. Ước chi người ta đừng nói những nụ mỉm cười thoáng qua này giả hình, vì chúng có thể nói lên một ước nguyện thành thực muốn “thừa nhận” mọi hữu thể nhân bản, dù là một người xa lạ hay một người lân cận tự nhiên có ác cảm. Vả lại, hơn cả nụ cười, mỉm cười còn có tính hay lây: khi mỉm cười với người khác, tôi giúp họ mỉm cười đáp lại. Không có gì hạ khí giới bằng một nụ mìm cười đích thực.

Thực thế, khi mỉm cười với những người ta gặp, ta chứng tỏ với họ, dù chỉ trong chốc lát, rằng sự hiện hữu của họ không hể dửng dưng đối với ta. Alain nhận xét rằng: “Ngờ vực phát sinh ngờ vực thế nào, mỉm cười phát sinh mỉm cười như vậy: nó làm người khác an tâm về mình và mọi vật bao quanh” (Eléments de philosophie, tr. 288).

Trong nụ cười, tôi vui khi nắm được tính bất hòa hợp buồn cười trong thế giới những con người vây quanh tôi; trong nụ mỉm cười, tôi vui được sống hòa hợp với những người tôi gặp gỡ.

Tóm lại, con người tự biểu lộ mình ra trong nụ mỉm cuời nhiều hơn trong nụ cười rất nhiều. Chắc chắn, mỗi người chúng ta có cách đặc biệt để cười, gần đặc trưng như cách họ đi đứng vậy, nhưng cười chỉ phát biểu được cái phần hời hợt nhất trong tinh thần của ta, cũng như niềm vui được rung cùng nhịp với những người cùng sống. Nụ mỉm cười trái lại phát biểu các tình cảm sâu xa nhất của cá tính ta, thái độ sâu sắc của ta trước những người như ta và trước cuộc hiện sinh. Chính theo chiều hướng này người ta có thể nói như Leonard de Vinci rằng “Lúc 40 tuổi, người ta chịu trách nhiệm đối với khuôn mặt mình”... nghĩa là đối với nụ cười mỉm của mình.

f. Mỉm cười ranh mãnh

Thay vì mỉm cười với ai, người ta có thể mỉm cười về họ! Đó là nụ cười mỉm chế nhạo, thay vì làm an tâm và tăng sức, chỉ muốn gây thương tích cho người nhận lãnh nó. Có lẽ người ta muốn nói “anh làm tôi phát cười” nghĩa là “anh làm tôi thương hại”! Thay vì người khác có là thế nào, ta chào đón họ như thế, nụ cười mỉm mỉa mai này muốn làm họ cảm thấy rằng ta khinh bỉ bác bỏ họ, ta cười vào mũi họ. Quả là tai hại khi người ta sử dụng chữ “mỉm cười” (sourire) để chỉ thứ thái độ khinh miệt đối với người lân cận của ta này; thiết tưởng chỉ nên dùng động từ “cười khẩy” (ricaner), một chữ, mà trong tiếng Pháp, phát xuất từ động từ “recaner” nghĩa là “kêu bebe như con lừa”.

Đúng là tôi có thể dẫn đến chỗ lịch sự chế riễu các thiếu sót của một người bạn, nhưng nụ mỉm cười đi kèm nhận xét của tôi làm anh ta hiểu đúng là tôi chế riễu như chế riễu một tàn dư trong anh một ám ảnh xưa thực sự không còn là cá tính của anh nữa.

Cũng có thứ mỉm cười miễn cưỡng, ít nhiều giả hình, của người tự tuyên bố là “rất hân hạnh” được làm quen với bạn, trong khi chế riễu nó hoàn toàn. Đó là nụ mỉm cười ước lệ không đánh lừa được ai. Người ta cũng có thể nói về nó như nụ mỉm cười lẳng lơ của người muốn làm bạn sa vào lưới của họ.

Nụ mỉm cười đích thực không cần có hạn từ bổ nghĩa: đó là cái mỉm cười của người bạn có thế nào họ chào đón bạn như thế, người tôn trọng tự do của bạn một cách sâu xa, trong khi dành cho bạn tình bạn của họ...dù giây phút này chỉ là “một cuộc gặp gỡ vắn vỏi”.

Ơn biết mỉm cười

Nó không tốn chi cả nhưng phát sinh rất nhiều.
Nó làm giầu người nhận lãnh nó, mà không làm nghèo người cho nó đi.
Nó chỉ kéo dài một lúc, nhưng kỷ niệm về nó đôi khi bất tử.
Mỉm cười là sự nghỉ ngơi đối với người mỏi mệt.
Là sự can đảm đối với linh hồn bị đánh qụy,
Là sự an ủi của tâm hồn tang chế.
Là thuốc giải độc đích thực mà thiên nhiên lưu giữ chữa mọi đau đớn.
Nếu người ta từ chối bạn nụ mỉm cười bạn đáng hưởng
Bạn hãy rộng lượng: cho đi nụ mỉm cười của bạn.


Thực vậy, không ai cần một nụ mỉm cười bằng người không biết cho nó cho người khác.

Những chữ viết tắt
Cho các tác phẩm của Thánh Têrêxa

A Bản tự truyện viết tay, dành cho Mẹ Agnès Chúa Giêsu (1895).
B Thư cho nữ tu Marie Thánh Tâm (1896)
C Tự truyện viết tay, dành cho Mẹ Marie de Gonzague (1897)
CJ Vở mầu vàng của mẹ Agnès Chúa Giêsu, trong đó có “các đàm thoại cuối cùng”
28.8.3 = Lời thứ 3 ngày 28 tháng 8 năm 1897
CG Correspondence Générale (Thư từ tổng quát) cerf-DDB, 1972-1974. Tái duyệt và tái xuất bản trong “nouvelle Édition du Centenaire”, 1972, 8 tập.
CSG Conseils et souvenirs publiés par soeur Geneviève (Céline), Cerf, coll “Foi vivante”, 1973.
DE Derniers Entretiens, Cerf-DDB, 1971
DE/G Những cuộc đàm thoại sau cùng, thu thập bởi nữ tu Geneviève
DE/MSC Những cuộc đàm thoại sau cùng, thu thập bởi nữ tu Marie Thánh Tâm
HA98 Lịch sử một linh hồn, ấn bản năm 1898
LT 1,2... Các Thư của Thánh Têrêxa, có đánh số
PN 1,2... Các vần thơ của ThánhTêrêxa, có đánh số
RP 1,2... Các Tiêu khiển đạo đức của Thánh Têrêxa, có đánh số
Pri 1,2... Các lời cầu nguyện của Thánh Têrêxa, có đánh số.
VT Vie thérésienne, Lisieux (Tam cá nguyệt san, từ 1961)

CÁC GHI CHÚ

(1). A 51
(2) Le sacrements de l’autel, II,1, Sources chrétiennes, No 93, Cerf, 1963, tr.183
(3) Les Livres des dialogues, Seuil, 1953, chương 68 tr.252
(4) Colloques, tờ số 368-369
(5) DE 6.7
(6) Chemin de la perfection, chương 26, Oeuvres complètes, cuốn 1, Cerf, 1995, tr.795.
(7) VIème Demeures, chương 7, tr. 1108
(8) Surpris par la certitude, cuốn 2, Cerf, 1980, tr.144
(9) Franis TROCHU, Le Curé d’Ars, E. Vitte, 1925, tr.223-224.
(10) Ecrits spirituels, Spiritualité orientale, No 5, Abbaye de Bellefontaine, 1994, tr.67
(11) Autobiographie, Saint-Paul, 2000, tr.414-415
(12) PN 17, 3
(13) Trời Của Tôi dành cho tôi. Có ý nói đến một nữ tu Dòng Thánh Vincent-de-Paul. Chính chị dòng này, mấy tuần trước khi Thánh Têrêxa qua đời, đã nói: “Đây quả là một nữ tu bé nhỏ hiền dịu, nhưng người ta có thể sẽ nói gì về chị sau khi chị qua đời?”
Để nói lên niềm vui của ngài được mỉm cười với Chúa Giêsu “trong đêm đen đức tin”, Thánh Têrêxa thường nhắc đến giấc ngủ của Chúa Giêsu trong thuyền của thánh Phêrô: “Nụ mỉm cười của Chúa rạng rỡ xiết bao khi Chúa thiếp ngủ”. PN 42,4 (tháng 12 năm 1896).
(14) Les Anges à la crèche de Jésus, RP 2,5v
(15) A 3r
(16) LT 87
(17) N’aie pas peur (Đừng sợ) (G.249). Lời và nhạc của Georges Lefebre. Đó cũng là tựa đề của dĩa nhạc SM 3P 1059, trong đó, bài ca này được ghi âm.
(18) LT 95
(19) PN 33,3
(20) PN 17
(21) Les Oeuvres spirituelles du bienheureux Père Jean de là Corix, bản dịch của Cha Lucien-Marie, str. 11 et 12, DBB, 1949, tr.695
(22) PN 20,6
(23) RP 1, 10v; RP 3,23bis
(24) Ed Grasset, 1932 tr.46
(25) Une movice de sainte Thérèse, Souvenirs et témoignages de soeur Marie de la Trinité, par Pierre Descouvemont, cerf, 1985, tr.41
(26) PN 30,4. 30/4/1896
(27) Pri 6
(28) Les Anges à la crèche de Jésus, RP 2, 7, 2
(29) VT, tháng 1, 1980, tr.52
(30) Mon Ciel ici-bas! PN 20,5
(31) Oeuvres complètes, Cerf, 1990, str.33, tr.1395
(32) Oeuvres complètes, Cerf, 1991, tr.1012
(33) P. 1032
(34) L’autre Soleil, Stock, 1975, tr.127-128
(35) LT 164
(36) LT 81
(37) HA 98, tr. 192
(38) CJ 18.4.1
(39) Ma joie, PN 45,5
(40) CSG tr.58
(41) Une novice, tr.102
(42) Une novice, tr.101
(43) Le courage d’avoir peur, Cerf, 1975, tr. 68-69
(44) LT 89
(45) DE/G 21,8
(46) Dường như suy tư này thực hiện ngày 22 tháng 8 năm 1897. Xin xem G. Gaucher, La passion de Thérèse de Lisieux, Cerf, 1972, tr. 85 ghi chú t.
(47) CJ 28.8.3
(48) CJ 6.7.4
(49) CJ 9.5.3
(50) C 7 r
(51) DE/MSC tr. 641-642
(52) Colloques, tờ 230
(53) Tờ 33
(54) Tờ 485-486
(55) Tờ 447
(56) Pri 2
(57) Pri 6
(58) 21 tháng 1, năm 1897. PN 45,6
(59) B 4 v
(60) P. Descouvemont, Sculpteur de l’âme, un trappiste au service de Thérèse, Ed. Gieldé, 2000, tr.115
(61) LT 127
(62) B 4 v
(63) “Je cherche le Visage du Seigneur tout au fond de vos coeurs” ( Tôi tìm khuôn mặt Chúa tận đáy lòng các bạn), SM 2, Disque Amen, SM 30 M-361. Khởi điểm của bài ca này là suy tư của một bệnh nhân được Odette Vercruysse săn sóc tại bệnh viện Seclin (gần Lille): “tôi tin điều các Kitô hữu nói, khi họ sẽ có khuôn mặt khác!”
(64) Mère Teresa, La joie du don, Seuil, 1975, tr.55
(65) C 12 r
(66) C 29 v
(67) C 14 r
(68) C 28 r
(69) CG II, tr.1176
(70) Trích dẫn trong L, Desrousseaux et G-H. Baudry, On ne meurt pas seul, Centurion, 1980, tr.140
(71) LT 258, 18 tháng 7 năm 1897
(72) Thánh Têrêxa dễ dàng nghĩ tới nụ mỉm cười của các thánh cúi xuống ngài: “các thánh biết con, các ngài yêu con, các ngài mỉm cười với con từ trên cao và mời con làm theo các ngài” (CJ 26.5). Nụ mỉm cười đầy âu yếm của mẹ Anne Chúa Giêsu mà thánh nữ thoáng thấy trong một giấc mơ hồi tháng 5 năm 1896 đã gây ấn tượng nhiều nơi ngài (B 2 r; CJ 26.5). Thánh Têrêxa biết rằng khi lên trời, ngài sẽ không bắt gặp dù chỉ một cái nhìn dửng dưng (CJ 15.7.5). Nhưng, trên hết, ngài sống trong niềm hy vọng sẽ được nhìn lại nụ mỉm cười thật tuyệt diệu của Đức Maria, đấng đã chữa thánh nữ lúc còn xuân xanh.
(73) RP 5, 2 v
(74) Phó thác là hoa trái dịu ngọt của Tình yêu, 31 tháng 5 năm 1897, PN 52,14.
(75) Xem B. Bro, La beauté sauvera le monde, Cerf, 1990, tr. 115-147
(76) LT 87
(77) LT 134
(78) Pri 16
(79) Pri 11