Khóc Cha Gioan Trần Công Nghị

“Cha Gioan Trần Công Nghị đã kết thúc cuộc lữ hành trần thế” đã làm nhiều người giật mình thảng thốt và đau buồn. Cha Nghị đã kết thúc cuộc lữ hành theo nghĩa thần học và cũng là cuộc lữ hành theo nghĩa thông thường.

Cuộc đời trần thế của ngài là những chuyến đi thật xa và thật phong phú. Năm 1954 từ Bắc vào Nam rồi sang châu u du học, về phục vụ ở Hoa Kỳ trong nhiều sứ vụ khác nhau.

Người ta nhắc đến Cha như một tiến sĩ thần học, làm giáo sư giảng dạy ở nhiều nơi. Người ta nhắc đến Cha như một mục tử phục vụ ở các cộng đoàn khác nhau, từ trại tỵ nạn đến các cộng đoàn khác nhau và nhiều giáo xứ ở Mỹ.

Và đặc biệt người ta nhắc đến Cha như một nhà tiên phong trong việc áp dụng truyền thông kỹ thuật số để thông tin về Giáo hội và để rao giảng Tin Mừng.

Người ta nhắc đến Cha và thương tiếc vô vàn. Nhiều giọt nước mắt của bao người trên khắp thế giới đã đổ xuống khi nghe tin Cha ra đi. Cha được yêu mến vì nhiều lý do, nhưng có lẽ lời Cha Giuse Trần Văn Kiểm có thể được xem là câu tóm tắt đầy đủ: “Cha Gioan Trần Công Nghị đã nhận được sự quý mến này, bởi vì cha đã đáp lại lời mời gọi của Chúa, để phụng sự Chúa trong mọi người.”

Cách đây 5 năm, nhân kỷ niệm 20 năm Vietcatholic, một số cộng tác viên từ Việt Nam và các nơi trên thế giới được cha Giám đốc Gioan Trần Công Nghị mời đến Hoa Kỳ để chung vui. Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt không đi tham dự được, đã gửi lời chúc mừng ngắn gọn và đầy đủ: “Nhân dịp Vietcatholic kỷ niệm 20 năm phục vụ, xin cám ơn Cha Giám đốc và các cộng tác viên đã nhiệt thành và quảng đại phục vụ. Cầu chúc Vietcatholic không ngừng hoàn thiện đem Tin Mừng đến mọi miền đất nước và thế giới.”

Lời cầu chúc ấy đã tóm tắt đầy đủ sứ mạng của Vietcatholic va của riêng Cha Giám đốc Gioan.

Tôi có cơ duyên được quen biết với ngài trên mạng đã khá lâu. Khi sang Hoa Kỳ, tôi được ngài lái xe ra tận phi trường Los Angeles để đón về nhà ngài cũng là trụ sở Vietcatholic ở Garden Grove. Trong phi trường, khi thấy tôi đứng một mình, viên cảnh sát Mỹ hỏi tôi có cần liên lạc với ai không, tôi nói là cần gọi cho Cha John, anh ấy bảo cứ dùng điện thoại của cảnh sát. Khi tôi vừa gọi thì nghe tiếng ngài trả lời ngay bên cạnh, thì ra ngài đã vào trong phi trường tìm tôi từ lúc nào.

Sự tận tụy, chân tình và nhân hậu của ngài làm tôi cảm được sâu xa những lời Cha Giuse Trần Văn Kiểm (giáo phận Orange) là người anh đồng môn của tôi khi cha Kiểm dùng chính lời Kinh Hòa Bình để viết về Cha Gioan Trần Công Nghị: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 50, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “chính chúng ta phải sẵn sàng đón nhận hơi ấm của Mẹ Hội Thánh và chia sẻ cho mọi người, để họ nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu. Hơi ấm ấy làm cho những lời đức tin được vững vàng và thắp lên “ánh lửa” trong lời rao giảng và chứng tá làm cho chúng trở nên sống động”.

Trong suốt 25 năm qua, Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic mà Cha Gioan Nghị là Giám đốc sáng lập, đã “đón nhận hơi ấm của Mẹ Hội Thánh và chia sẻ cho mọi người” một cách hữu hiệu. Nhiều nơi đã đón nhận giáo huấn và thông tin của Hội Thánh nhờ website Vietcatholic của Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam.

Từ khi ngày còn đi học, tôi rất muốn viết bài cho báo chí Công Giáo. Tôi còn nhớ năm ấy tôi mới vào đại học. Tôi viết một bài ngắn về thiếu nhi, và nghĩ báo Công Giáo Dân tộc là báo Công Giáo thật nên tôi đem bài đến tòa soạn gửi. Người ta gọi một ông to con, phó tổng biên tập hay thư ký tòa soạn gì đó ra gặp tôi. Ông ấy đọc hai bài tôi viết rồi nói rõ ràng:

“Cậu hãy nhớ, báo chúng tôi là báo Công Giáo và Dân tộc, nhưng không phải của Công Giáo, mà là báo đảng, có mục đích động viên người Công Giáo đi vào chủ nghĩa xã hội. Do đó, bài viết của cậu trình bày cái tốt cái đẹp của Đạo là chưa phù hợp vì làm cho người ta tưởng Đạo Công Giáo tốt hơn các tổ chức khác”.

Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn nhớ lời “tự thú” ấy. Mà lúc đó thì ít ai biết thông tin về Giáo hội, đọc ở đâu cũng thấy tin bị bóp méo. Để biết thông tin, thỉnh thoảng tôi chạy xuống nhà thờ Đakao, đi với tu sĩ các Dòng đến nghe “ké” cha Vinh sơn Nguyễn Huy Lịch OP chia sẻ thông tin về Giáo Hội mỗi tháng một hai giờ đồng hồ. Hồi đó chưa có Vietcatholic, chứ nếu có rồi thì thông tin một tháng chắc phải nghe trong vài ngày mới hết!

Mấy năm sau đó thì Internet bắt đầu phổ biến. Những tin tức Giáo Hội bắt đầu loan truyền một cách chính xác và hữu hiệu. Hỏi tin ở đâu ra thì người ta bảo “vào website Vietcatholic mà xem”. Thế là chúng tôi vào đọc bài vở một cách ngấu nghiến, đủ các thể loại, từ tin tức cho đến phóng sự, từ mẩu chuyện cho đến các bài suy niệm. Và dĩ nhiên, một giáo lý viên như tôi thì hưởng lợi từ website ấy không biết bao nhiêu mà kể.

Sự chuyên nghiệp, tính phong phú và nhất là lòng trung thành đối với Hội Thánh nơi Vietcatholic, cùng với chủ trương đi chung con đường với Hội Thánh tại Việt nam, đồng thời đồng hành với người nghèo của Thiên Chúa là những điều làm cho Vietcatholic có một chỗ đứng vững vàng chính trong lòng Hội Thánh.

Khi viết bài cho Vietcatholic thì những suy tư, những tin tức và cả những tâm tình tôn giáo khi viết ra không còn sợ phải “định hướng” gì ngoài một hướng: yêu mến Thiên Chúa và Hội Thánh.

Tôi cũng có niềm hân hạnh được Cha Giám đốc Vietcatholic giao cho việc phỏng vấn các Đức Cha hay các Cha có trách nhiệm trong những dịp đặc biệt, nên nhờ đó biết thông tin về Giáo Hội nhiều hơn và giúp độc giả biết thông tin, thêm lòng yêu mến Giáo Hội và các chủ chăn. Có một chuyện cũng khá thú vị. Một Cha ở Bùi chu vào Sàigòn có việc. Tôi có nghe tên ngài lâu rồi như chưa có dịp diện kiến. Lần đó gặp ngài, tôi vừa nói “Con là cộng tác viên của Vietcatholic” thì ngài linh hoạt hẳn, bắt tay thật chặt và nói: “Xin lỗi nhé, tôi có mắt mà không thấy núi Thái Sơn”. Dĩ nhiên ngài đùa, nhưng cám ơn Chúa, tôi thấy rõ Vietcatholic đang ở trong lòng Hội Thánh.

Có thể nói Vietcatholic là chiếc cầu nối hữu hiệu giữa Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội địa phương, giữa Giáo hội và thế giới cũng như giữa các tâm hồn thiện chí với nhau.

Vietcatholic cũng có người ghét, cũng như Cha Gioan Trần Công Nghị cũng bị một số người không ưa thích. Điều này cũng dễ hiểu. Có lẽ chúng ta dùng lời của Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen để giải thích: “Thế gian đối xử với Giáo hội y hệt như đã đối xử với Chúa Kitô. Người cũng được yêu mến, nhưng cũng bị ghét bỏ. Không có ai được quí trọng như Người, nhưng cũng không có ai bị khinh dể như Người”. Cha Gioan Nghị đi đúng đường lối của Chúa Kitô và Giáo hội, bảo vệ sự thật và công lý, bảo vệ người nghèo thì chắc chắn thế gian phải ghét ngài. Còn ai được thế gian tung hô tâng bốc, kẻ ấy hẳn là người của thế gian.

“Cha kính yêu,

Cha đã ra đi. Cha từ giã cõi đời khi công việc còn dang dở. Con mở lại những email của Cha. Trong những dòng email Cha gửi, có những lịch trình mục vụ, truyền thông hay hành hương dày đặc. Chúa ban cho Cha trí tuệ thông thái, học cao hiểu rộng và có lòng đạo đức, có tấm lòng nhân ái cũng như lòng yêu mến công lý vô cùng.

Con vẫn nhớ nụ cười nhân hậu và thân thiện của Cha, nụ cười luôn tươi tắn dù Cha luôn tất bật với bao nhiêu công việc mỗi ngày.

Những gì Cha đã thực hiện cho Giáo hội Việt Nam và cho Giáo hội hoàn vũ sẽ còn lưu lại mãi. Cha ra đi, đem theo những giọt nước mắt của bao nhiêu người dù đã gặp Cha hay chưa.

Cha còn một ước mong: về thăm quê hương VN, nhưng người ta không cho Cha vào quê hương yêu dấu của mình, nên vẫn cứ phải ngóng chờ. Bây giờ Cha về Quê hương thật của chúng ta rồi, chắc chắn Cha chuyển cầu cho quê hương trần thế.

Giữa khuya con viết mấy dòng này mà lòng nhớ Cha. Cha là một linh mục tận tâm, chân tình và chu đáo, quan tâm đến người khác từng li từng tí.

Con nguyện xin Chúa nhân từ đón nhận Cha sau cuộc lữ hành trần thế quá nhiều những vất vả lo toan. Xin Mẹ Fatima dắt Cha về Thiên cung. Con còn nợ Cha một lời tự hứa sẽ trở lại thăm Cha, nhưng lần sau con đến, chỉ còn lặng lẽ bên hình ảnh Cha thôi.

Giọt nước mắt từ xa, con gửi đến thánh đường St Columban ở Garden Grove, con biết là Cha sẽ nhìn thấy và mỉm cười, vẫn là nụ cười nhân hậu bao dung…”

Gioan Lê Quang Vinh (Saigon, VN)