Năm 1982, Đài BBC cho tiến hành một cuộc phỏng vấn các tín hữu của 6 tôn giáo lớn có mặt tại Anh Quốc. Các cuộc phỏng vấn này đã được thu vào 300 giờ băng nhựa, và được John Bowker, chủ biên, in thành cuốn Worlds of Faith, Religious Belief and Practice in Britain Today (Các Thế Giới Niềm Tin, Tín Ngưỡng và Tập Tục Tôn Giáo tại Anh Quốc Ngày Nay). Đề cập đến sự chết, nét nổi bật của Ấn độ giáo, đạo Sikh và đạo Phật là tin rằng người ta còn trở lại trần thế này sau khi đã chết. Trái lại đối với Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, ta chỉ sống trên đời này có một lần duy nhất mà thôi. Nhưng câu hỏi là: các tôn giáo nghĩ gì về chính sự chết, chết là chi, điều gì xẩy ra ngay khi chết?



Bà Chatterji, một tín hữu Ấn độ giáo, sinh sống ở Coventry, cho hay: “Khi chết chúng tôi tin rằng linh hồn sẽ ra đi, và chúng tôi không nên làm khinh động đến linh hồn bằng cách khóc nhiều quá. Cho nên chúng tôi mới có nghi lễ gọi là shraddh, trong đó chúng tôi cho mời mọi người đến và chiêu đãi họ, và xin họ cầu nguyện cho linh hồn ấy...”

Ông Ladd, cũng theo Ấn độ giáo, thì cho hay: “Điều chúng tôi tin là cái linh hồn ở bên trong, tức tiểu ngã (atman) không bao giờ chết cả. Cũng như quần áo tôi có thể trở nên cũ, nên tôi phải lấy quần áo mới mặc vào. Đối với tiểu ngã atman cũng thế; nó chỉ thay đổi thân xác, đi từ thân xác này qua thân xác nọ...”

Liệu nó có thể đi vào thân xác một thú vật không? Ông Ladd cho hay: “có chứ, tùy lúc cuối đời người ta nghĩ đến điều gì. Đó là lý do tại sao khi một người sắp ra đi, chúng tôi đều ghé sát tai họ và nói ‘Ram, Ram’ để họ chú mục vào chữ đó mà thôi”.

Giáo sĩ Ấn độ giáo tên là Chimanlal Pandy, sống tại Leeds, cho hay: “Chết ư? Chết có tính chung cục. Do đó, điều tôi học được từ cái chết là phải sống thế này: khi sinh ra đời, ta phải khóc... nhưng phải sống sao để khi chết, ta có thể mỉm cười mà nói to với thần chết rằng: ‘đã đến lúc ngài đến để lãnh tôi đi, này đây, tôi đã sẵn sàng’”

Người Sikh, trái lại, có một thời gian khóc than khá dài (có khi đến cả 13 ngày). Ông Jagat Singh Nagra giải thích: “Chết là điều rất đau buồn cho gia đình, và trong nhiều ngày, thân bằng quyến thuộc kéo đến chia buồn cùng gia đình và cầu nguyện để gia đình có thể chịu đựng được sự mất mát người quá vãng”.

Nhưng sau đó là hết, không còn tưởng nhớ chi cả vì sự kiện luân hồi: người chết thực ra vẫn còn đang sống. Điều này được Ông Gurbachan Singh Sidhu cho hay: “chúng tôi không tưởng niệm người chết, mà tập trung tất cả yêu thương vào người đang sống. Người chết đã chết và ra đi rồi, chúng tôi chả còn làm gì được cho họ nữa”. Tuy nhiên, theo lời ông này, nhiều người Sikh, vì không thành thục đạo giáo, nên vẫn vay mượn tục lệ của Ấn độ giáo để tưởng niệm người quá vãng bằng những bữa ăn tại nhà.

Sự pha trộn giữa tín lý và phong hóa cũng tìm thấy nơi Phật Giáo. Vì khóc thương thực ra là sai lầm, nói lên ý nghĩa thường hằng vốn trái ngược với đạo lý Nhà Phật. Tiến sĩ Fernando cho hay: “Tất nhiên chúng tôi có các sư sãi đến để an ủi theo nghĩa làm cho chúng tôi hy vọng, nhắc chúng tôi nhớ đến tính vô thường...Và nếu phân tích cẩn thận, bạn sẽ thấy nước mắt là biểu hiệu của hối hận. Những người khóc tới khóc lui, khóc lui khóc tới, là những người thường đã thiếu sót chưa làm điều gì đó cho người chết, lúc họ còn sống... Chứ thực ra, không nên khóc, khi mình đã làm điều phải làm”.

Tưởng nhớ, trái lại, rất quan trọng đối với Do Thái giáo. Bởi vì ‘được tưởng nhớ’ sau khi chết có lẽ là sự sống duy nhất bên kia cái chết. Nó cho thấy sự liên tục giữa các thế hệ. Bởi thế, chỉ có hình thức chôn cất mà thôi. Ông Levy cho hay: “hỏa táng không phải là điều hợp lệ, vì tín lý dạy nếu bạn là một đống tro, thì khi Đấng Mêxia tới, rất khó cho bạn sống lại được”.

Đối với người Hồi Giáo, chết là trao trả một người nào đó cho Allah. “Chúng tôi coi sự chết như chiếc cửa, một lối vào. Khi bước qua cửa đó, là hết còn thoái lui. Bạn bước qua một giai đoạn khác”. Và cũng như Phật Giáo, Đạo Hồi không khuyến khích khóc than: “Khi một tín hữu Hồi Giáo chết, chúng tôi không nên khóc. Người ta chịu thế không được, cứ khóc, vì đó là điều bạn khó kiểm soát được. Nhưng đúng ra là không nên khóc, vì đối với ta, người đó chết, chứ đối với Allah, họ có chết đâu. Cho nên chúng tôi ráng chôn họ càng nhanh càng tốt, vì càng để lâu thì càng làm khổ họ: họ cứ phải nghe người ta khóc thương họ”.

Đối với Kitô hữu, niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu từ cõi chết đã đặt sự chết vào một viễn ảnh hoàn toàn khác. Bây giờ, vì tôi đã nhận Chúa Giêsu Kitô, nên tôi coi sự chết như giấc ngủ - Tôi muốn nói một bước tiến từ cõi chết bước vào sự sống: và sự chết chỉ là việc nghỉ ngơi chốc lát, cho tới khi Chúa Giêsu Kitô trở lại để tiếp nhận dân Người... Đối với tôi, đối với mọi Kitô hữu, chết là được đem đi, để ở với Chúa, để sống với Người, chết là như vậy – khuyết diện với cuộc đời nhưng hiện diện với Thiên Chúa.