Sự ra đi của cha Trần Công Nghị đến với tôi trong niềm thương tiếc sâu xa. Khi được tin cha đã hôn mê mà không thể đến thăm để có một lần được nắm tay cha cầu nguyện bên giường bệnh vào những ngày giờ cuối đời khiến lòng tôi ray rứt mãi.

Tôi gặp cha Nghị lần đầu tại trại tỵ nạn Fort Chaffee, bang Arkansas khi cha làm tuyến úy cho Người Việt tỵ nạn tại đây. Ngày lễ an táng cha lại rơi đúng vào ngày đau thương 30 tháng 4, 2021, làm tôi hồi tưởng những gì đã diễn ra 46 năm về trước.

Gia đình tôi đến Fort Chaffee ngày 8 tháng 5, 1975. Đây là một căn cứ quân sự có diện tích rộng 307 cây số vuông, được xây dựng năm 1941 để đáp ứng nhu cầu của Thế Chiến II. Trong căn cứ này có tổng cộng 2,800 ngôi nhà lớn nhỏ. Trong một cuộc thăm viếng chào đón người tỵ của thống đốc tiểu bang lúc ấy là ông David Hampton Pryor, ông cho biết bỗng dưng Fort Chaffee đã trở nên thị trấn lớn thứ nhì của tiểu bang, với gần 30,000 người cư ngụ. Theo tài liệu chính thức thì trong thời gian 1975-1976, Fort Chaffee đã đón tiếp tổng cộng 50,809 người Việt tỵ nạn.

Khi Miền Nam VN bị CS tấn chiếm tháng 4 năm 1975, đợt người tị nạn đầu được đưa đến các trại tạm trú trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Theo lịch trình thì những chuyến bay bốc người từ Orote Point, ở đảo Guam sẽ đến Camp Pendleton gần thị xã Oceanside, bang California. Nhưng khi máy bay gần đến California, thì phi hành đoàn thông báo chuyến bay này sẽ bay thẳng đến Fort Chaffee. Chúng tôi hơi lo lắng, không biết có chuyện gì xảy ra. Sau khi tìm hiểu thì được biết lúc ấy dân chúng ở San Diego biểu tình phản đối người tỵ nạn.

Đặt chân đến Fort Chaffee trong một buổi sáng mùa xuân nhưng trời khá lạnh và ảm đạm, lại mang tâm trạng buồn bã, thất vọng tột cùng; khung cảnh phi trường vắng vẻ, rõ ràng chúng tôi đang đến một nơi xa lạ! Xuống máy bay, chúng tôi được chào đón và hướng dẫn của một số bạn sinh viên VN du học tại Mỹ giúp đỡ nên cảm thấy được yên ủi phần nào.

Sau những thủ tục cần thiết, chúng tôi được xe buýt chở đến trại, được phân chia vào sống trong những ngôi nhà gỗ kiên cố xây cất giống nhau, mỗi nhà dành cho một đơn vị quân đội trước đây, trong nhà đã đặt sẵn những chiếc giường tầng. Phân chia giữa các gia đình là những tấm ván ép, nên âm thanh trao đổi có thể nghe được trong cả tòa nhà. Tại đây chúng tôi khởi đầu một cuộc sống mới.

Tỷ lệ người Công Giáo chiếm khoảng 30% trong đợt người tỵ nạn đầu tiên, nhưng dù theo tín ngưỡng nào, ở vào hoàn cảnh tháng 4 năm 1975, thì nhu cầu tâm linh hết sức quan trọng, nên việc ổn định đời sống tâm linh và nâng đỡ tinh thần cho người tỵ nạn được đặc biết chú ý. Trước sự mất mát, chia lìa, cô đơn, thương nhớ ấy, nhiều người đã có những biểu hiện rối loan tâm thần. Có người ủ rũ không muốn ăn uống nói năng gì, có người đang đêm bỗng khóc lớn la hét hoảng hốt, đánh thức cả building. Đối với người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng chưa quen với cách điều trị bệnh tâm thần bằng phương pháp tư vấn “counceling” đã khá phổ thông ở Mỹ; nên các vị sư sãi, linh mục, mục sư trở nên điểm tựa quan trọng cho người tỵ nạn lúc ấy

Thật may mắn, cha Nghị người vừa tốt nghiệp cao học (Master) về môn Xã Hội Học tại Đại Học Fordham, New York, cùng với một số linh mục khác đang du học tại Hoa Kỳ được phái đến Fort Chaffee để phục vụ đồng bào mình. Với tư cách là tuyên úy trưởng trong trại, lại là người có kiến thức chuyên môn và rất năng động, nhưng đối với một núi công việc trước mắt, khiên lúc nào cha cũng bận rộn tất bật ngày đêm. Cha Nghị lúc ấy như một thỏi nam châm, ai cũng muốn gặp để hỏi han đủ các vấn đề, nên các cuộc trao đổi thường rất ngắn ngủi. Tôi biết thế, nên thường đến trước giờ cha dâng lễ bằng Anh Ngư ít phút, hoặc chờ khi cha vừa dâng lễ xong liền tiến đến chào hỏi và trực tiếp đi vào đề tài ngay. Chính cha Nghị đã thị thực các giấy chứng chỉ rửa tội cho các con tôi và giấy hôn thú của chúng tôi. Từ những ngày sơ giao ấy mà tôi có cơ hội quen biết làm việc với cha thời gian sau này.

Tuy tạm trú để tìm người bảo lãnh, nhưng chỉ sau vài tuần thì các sinh hoạt trong trại đã được tổ chức khá qui củ. Trại Fort Chaffee được xem là một xã, chia ra làm nhiều ấp như ở VN, điều hành văn phòng xã là những viên chức Hoa Kỳ đã từng phục vụ ở VN, trong ấy có T.S. Edward Tone. Tôi quen T.S. Tone khi ông làm cố vấn giáo dục ở Tòa Tổng Lãnh Sự Vùng II Nha Trang, nên tôi đến tình nguyện ít giờ trong tuần, vừa để theo dõi tin thức thời sự, vừa có cơ hội tìm tin tức thân nhân và bạn hữu xem ai thoát được cái địa ngục CSVN.

Tuy gia đình tôi được ba gia đình Mỹ từ ba tiểu bang khác nhau bảo trợ, nhưng thật tình tôi chưa muốn rời xa trại tỵ nạn, vì cứ mỗi lần nghĩ đến cuộc sống ở một nơi xa lạ nào đó, chung quanh mình chẳng còn ai để được nghe và nói tiếng mẹ đẻ nữa, thì lòng mình lại chùng xuống. Lấn lá mãi, sau khi đã tìm được 3 gia đình trong cùng một thành phố nhỏ ở bang Tennessee bảo trợ cho ba nhóm, gồm gia đình một người bạn là trung úy hải quân VNCH, môt bảo trợ cho những đứa em tôi và một bảo trợ cho những người bạn của các em tôi. Sau khi ba nhóm này tới nơi định cư bình yên. Ngày 31 tháng 7, 1975 gia đình tôi mới rời Fort Chaffee trong nỗi buồn da diết. Ngày chia tay ấy cũng chẳng có dịp từ biệt cha Nghị.

Mặc dù không có dịp gặp, nhưng tôi vẫn theo dõi và biết các hoạt động của cha Nghị. Thời gian trôi qua nhanh, 9 năm sau, năm 1984 tôi mới có dịp gặp lại cha Nghị tại New Orleans khi tham dự Đại Hội 2 Liên Đoàn Công Giáo VN tại Hoa Kỳ, do cha Mai Thanh Lương, chánh xứ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo VN đứng tổ chức. Trọng đại hội này, LM Vũ Đình Trác đã được bầu làm Chủ Tịch Liên Đoàn.

Đến năm 1987 cha Nghị về làm việc tại Los Angeles, cũng là thơi gian chuẩn bị cho đại lễ phong thánh 117 vị Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988. Với tư cách là Chủ Tịch Cộng Đồng Công Giáo VN giáo phận San Diego, tôi cộng tác với cha Nghị trong việc tổ chức các đoàn hành hương và chịu trách nhiệm phối hợp 2 đoàn tại San Diego. Công tác hết sức hào hứng và rất vất vả. Suốt thời gian này cha Nghị đã làm việc cật lực nhưng phải hứng chịu những lời phàn nàn khi các đoàn hành hương gặp trục trặc bởi các công ty du lịch.

Ngoài việc lo cho các đoàn hành hương từ Mỹ, cha Nghị còn nhận khá nhiều việc khác giúp cho Ban Tổ Lễ Phong Thánh, do Đức Ông Phillip Trần Văn Hoài làm Trưởng Ban, người mới được bổ nhiệm làm Giám Đốc Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ cho người tỵ nạn VN. Nhờ ơn Chúa qua lời cầu bầu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, buổi lễ đã diễn ra rất tốt đẹp, và các đoàn hành hương đã có những ngày thật tuyệt vời với những kỷ niệm để đời.

Sau Đại Lễ Phong Thánh, Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ quyết định tổ chức Đại Hội kỳ 3 tại Orange County vào mùa Hè 1989. Thời gian này sinh hoạt của các cộng đồng CGVN tại Mỹ rất khởi sắc, lại có sự phối hợp giữa Tòa Thánh Vatican với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhằm tiến tới việc thiết lập một văn phòng mục vụ cho người CGVN bên cạnh HDGM/HK. Cha Nghị là một trong mấy LM được nhắc đến cho vị trí tương lai này.

Đại Hội 3 được tổ chức tại Đại Học Chapman; CDCGVN San Diego được giao nhiệm vụ giữ an ninh trật tự, nên với tư cách CT, tôi đã huy động 150 thanh niên từ San Diego lên Orange để thi hành nhiệm vụ. Trong những ngày ấy, tôi đã có dịp gặp gỡ và trao đổi nhiều chủ đề với cha Nghị, qua cha Nghị tôi lại hân hạnh quen biết cha Phạm Văn Tuệ và Trần Cao Tường. Nay thì cả ba vị chắc đã gặp lại nhau thân thiết như ngày nào còn tại thế.

Kết quả của Đại Hội này là một cơ chế 3 vị được bầu ra để điều hành Liên Đoàn gồm Đức Ông Mai Thanh Lương, LM Việt Châu, và GS Lê Tinh Thông. TTK là LM Nguyễn An Ninh. Rất tiệc những hoạt động tiếp theo sau của cơ chế này đã không diễn ra như Đại Hội mong muốn. Cũng từ năm đó Đ.O. Mai Thanh Lương được HDGMHK bổ nhiệm làm Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ Quốc Gia Cộng Đồng Việt Nam. Trong khi ấy cha Nghị về làm GS chủng viện tại Los Angeles và phục vụ nhiều giáo xứ tại TGP này. Đây cũng là thời gian cha Nghị khởi xướng những hoạt động liên quan đến lãnh vực truyền thông, trong ấy có tờ Thời Điểm Công Giáo, và đặc biệt là trang thông tin ViệtCatholic, kéo dài cho đến hôm nay.

Khi phong trào Cursillo tái khởi động tại HK từ năm 1981 rồi phát triển và lên cao độ vao thập niên 90 thế kỷ trước. Cha Nghị đã tham dự Khóa 3 Ngày tại đồi Marywood, trong khóa ấy còn có LM. Phạm Minh Thiện, DCCT và một LM khác tôi không nhớ tên. Khóa học này rất vui nhộn nhờ những câu đối đáp giữa cha Nghị và cha Thiện.

Song song với công việc mục vụ ở các giáo xứ, cha Nghị tham dự vào hầu hết các sinh hoạt của CĐCGVN. Ngoài việc chia sẻ trách nhiệm trong Liên Đoàn CGVN/HK, cha cũng là một thành viên lâu năm trong Hội Đồng Liên Tôn VN tại Hoa Kỳ. Cha cũng đưa ra những kê hoạch lâu dài cho người CGVN, một trong những dự án là thành lập một trung tâm sinh hoạt.

Trong năm 2000 khi ấy Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận đang làm Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình tại Tòa Thánh Vatican, cha Nghị đã tiếp xúc với Đức Hồng Y để nêu ra nguyện vọng là Hoa Kỳ muốn đón tiếp Đức Hồng Y khi Ngài về hưu. Không rõ Đức Hồng Y đã nói gì với cha Nghị, nhưng cha đã cho tôi biết hiện nay đã có mấy nơi ngỏ ý đón Đức Hồng Y khi Ngài về hưu, trong ấy có Úc và Pháp, vì vậy chúng ta phải gấp rút có ngay một dự án cụ thể và khả thi để trình cho Ngài. Thế là mấy tuần sau cha Nghị gọi vợ chồng tôi cùng với mấy người khác đi xem môt khu đất nằm phía bắc cách Los Angeles 25 dặm đường chim bay, nhưng lái xe thì mất khoảng một giờ. Khu đất khá rộng, hình như rộng 650 acres, có con suối chảy ngang, đất này của một mục sư người Nam Hàn đã khai thác một phần rồi bỏ dở, nên có thể mua với giá rẻ.

Cha Nghi đã phác hoa sơ đồ xây dựng trung tâm này. Để thực hiện được giấc mơ ấy, cha kêu gọi 10 người có khả năng, thay vì cho mượn tiền thì mỗi người lấy 10 mẫu đất, hình như 5 ngàn đồng một mẫu, trong ấy cha nghị là một trong số 10 người. Số tiền ấy làm nền cho việc mua bán, còn phần xây dựng sẽ có kế hoạch chi tiết sau.

Cha Nghị cũng như chúng tôi rất phấn khởi tin tưởng rằng, nếu những năm tháng cuối đời mà Đức Hồng Y Thuận hiện diện tại nơi đây, thì chắc chắn nó sẽ thu hút nhiều người hưởng ứng, và trở thành một trung tâm sinh hoạt lý tưởng trong tương lai. Nhưng rõ ràng việc của Chúa thì Chúa đã an bài rồi. Ngày 16 tháng 9, 2002 Đức Hồng Y đã được Chúa gọi về ở tuổi 74. Cá nhân tôi cũng rất may mắn được thăm viếng Ngài chỉ một ngày trước khi Ngài mất.

Tóm lại trong 46 năm sống trên đất Hoa Kỳ này, tôi đã dấn thân vào nhiều sinh hoạt và đã làm việc với nhiều thành phần khác nhau, nên có người thương kẻ ghét, người thân kẻ sơ, đó cũng là chuyện bình thường ở đời. Riêng đối với cha Trần Công Nghị, tôi kính trọng vì trước hết đó là một linh mục, một giáo sĩ trong Hội Thánh. Tôi quí mên và kính trọng cha vì con người dấn thân, nhiệt thành, phục vụ không biết mệt mỏi. Tôi rất thích cách xử thế sằng phẳng, thẳng thắn, có khi tranh luận nảy lửa, nhưng sau đó việc ai người ấy làm, chẳng có chuyện gì vương vấn nữa.

Nguyễn xin lòng Chúa thương xót, đưa linh hồn Gioan Trần Công Nghị vào nước Thiên Đàng, và xin cha cầu bầu cho những bạn hữu của cha còn tại thế.

Đỗ Như Điện.