Suy tư của một Kitô hữu hải ngoại



Là một tín hữu Công giáo Việt Nam đã tỵ nạn và đang sống ở Hoa kỳ 28 năm, cũng với những ưu tư chung và mơ ước căn bản cho quê hương và Giáo hội có ngày được tự do tôn giáo và dân chủ thật sự, tôi không khỏi bứt rứt nhiều trong mấy tháng qua, sau khi đọc và nghe nhiều ý kiến phê bình hoặc chỉ trích hàng giáo phẩm Công giáo Việt nam (Hội Đồng Giám mục Việt Nam – HĐGMVN) sau khi có những phiên tòa Cộng sản xử và tuyên án Cha Nguyễn Văn Lý và các nhà tranh đấu cho tự do dân chủ Việt Nam mới đây. Tựu trung lại thì vấn đề được đặt ra là”Tại sao HĐGM VN từ trước đến nay dường đã không lên tiếng công khai hoặc trực tiếp bênh vực về trường hợp của Cha Nguyễn Văn Lý, nhất là sau khi Ngài bị bỏ tù?”

Có những ý kiến phê bình công khai cho rằng hàng giáo phẩm chắc đã thông đồng, cộng tác hoặc ít là làm ngơ với chế độ thống trị độc tài để được dễ dãi hơn trong công việc hoạt động mục vụ của mình; tệ hại hơn nữa, coi như Giáo hội Việt Nam đã bị “thuần hóa” và “bịt miệng”! Mặt khác, theo kinh nghiệm của người viết, cũng có những ý kiến phản hồi, tuy không được viết nhiều trên báo chí hải ngoại, nhưng thường được đưa ra trong những chuyện trò, bàn luận giữa nhóm nhỏ bạn bè, thân nhân tín hữu quen biết, rằng chắc làHĐGM VN có đường lối đối phó khôn ngoan và “im lặng” thích ứng riêng trong hòan cảnh tại nước nhà, tin tưởng vào sự luôn hiện diện và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội qua hàng giáo phẩm!

Tôi nhớ lại khoảng 6 năm trước, khi Cha Lý bị công an bắt đi tù năm 2001, cũng có những bài viết phê bình HĐGM VN về sự im lặng hoặc không bênh vực công khai cho Cha Lý. Lúc đó khẩu hiệu của Cha “Tự do tôn giáo hay là chết” đã gây nhiều tiếng vang và hứng khởi đặc biệt trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Vì thế, một số các giám mục Việt Nam cũng đã gặp ít nhiều biểu tình chống đối trong những chuyến viếng thăm hải ngoại, phần lớn là do sự ủng hộ một trong những Lời Kêu Gọi của Cha Ly, rằng việc các Đức giám mục đi ra nước ngoài như là ân huệ chính quyền Cộng sản ban cho và sẽ dễ có thể bị họ bắt phải nhượng bộ những việc khác.

Tuy nhiên, một thời gian sau, việc thăm viếng của các Đức cha hầu như không còn là vấn đề, đặc biệt sau khi có những phổ biến nhận định chính xác của Đức hồng y Phạm Minh Mẫn phê bình cơ chế “Xin – Cho” và so sánh biểu tượng sự tự do tôn giáo ở Việt Nam chỉ to bằng một cái đĩa trên một cái bàn. Thêm vào đó, những bài viết khác cũng được phổ biến về thái độ thẳng thắn và can đảm của một số Nhà dòng, tổ chức giáo hội tại quê nhà kêu gọi Nhà Nước Việt Nam trả lại đất đai, cơ sở của Giáo hội, phần nào đánh dấu một bước ngoặc mới về sự tranh đấu cho quyền lợi của Giáo hội, từ phía giáo quyền trong nước (không kể đến các Cha Lý, Phan Văn Lợi, Chân Tín, Nguyễn Hữu Giải).

Thế mà sau phiên tòa xử Cha Lý tháng 3 năm 2007 mới đây, một làn sóng mới lại nổi lên, nhưng với cường độ phê bình chỉ trích nhắm vào toàn thể hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam, có vẻ quyết liệt và cấp bách hơn bao giờ hết.

Bức hình Cha Lý bị “bịt miệng” trước vòng móng ngựa của tòa án chính quyền Cộng sản dường như đã nhắc nhở lương tâm cộng đồng nhân lọai nói chung và người Việt yêu chuộng tự do nói riêng, không phân biệt tôn giáo, về thực trạng không có tự do thật sự tại Việt Nam. Phản ứng của nhiều người, trong đó có cả người viết, đã không dừng ở chỗ “thương tâm” đối với Cha, nhưng đã biến thành sự “phẫn nộ” đối với chế độ áp dụng luật pháp tùy tiện tại Việt Nam. Nhưng tiếc thay, một số ít bài viết dưới danh nghiã Công giáo lại có những lời miệt thị và chỉ trích qúa đáng đối với toàn thể cơ cấu của HĐGM Việt Nam; và đây là việc mà người viết và có lẽ đại đa số tín hữu hoàn toàn không tán thành hoặc chấp nhận!

Cùng với cộng đồng Việt Nam hải ngoại, đang được sống trong tự do dân chủ và quen dần với những sinh hoạt chính trị trong môi trường có cả sự bảo vệ pháp lý này, chúng ta thường rất mong mỏi và kỳ vọng một sự lên tiếng trực tiếp, công khai và tức thời của giới lãnh đạo, đưa ra những nhận định hướng dẫn hoặc tham khảo để rộng đường dư luận, chẳng hạn như những thông tin báo chí (“press release”) khi có những vấn đề thời cuộc nóng hoặc quan trọng. Trong vấn đề đang đề cập này, là những giáo dân, người viết cũng như các tín hữu đồng đạo rất mong được biết ý kiến hoặc nhận định công khai của HĐGM Việt nam về sụ tranh đấu kêu gọi cho tụ do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam noí chung và của nhóm Cha Lý nói riêng, với cùng một ý hướng và mục đích để hiểu rõ thêm và rộng đường dư luận. Biết rằng hoàn cảnh chế độ ở Việt Nam sẽ có thể tạo vấn đề cho Giáo quyền khi có những tuyên bố về vấn đề này, nhưng kỳ vọng để có những thông tin chính thức và công khai về quan tâm hàng đầu này của nguời giáo hữu Công giáo Việt nam, nhất là ở hải ngoại hiện nay, cũng là sự mong mỏi dễ thông cảm và phải lưu tâm đến.

Tuy nhiên, như trên đã nói, người viết và có lẽ đa số tín hữu hoàn toàn không đồng ý và chấp nhận những lời tuyên bố và bài viết dưới danh nghĩa Công giáo chỉ trích, vơ đuã cả nắm, để phỉ báng đường lối tổng quát của HĐGM Việt Nam là “thông đồng” với Nhà Nước Cộng sản Việt Nam, hoặc “Giáo hội Công giáo Việt Nam bị thuần hoá”. Theo thiển ý người viết, nếu bất cứ người Kitô hữu nào đồng ý và chấp nhận như thế, phải chăng họ đã nghĩ rằng sức mạnh và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần đã KHÔNG đủ và khiến cho toàn thể HĐGM VN đi sai đường con đường của Chúa trong suốt thời gian này! Và hơn thế nữa, phải chăng họ đã dám nghĩ rằng Chuá Thánh Thần đã bỏ rơi, không ở trong lòng tất cả các giám mục Việt Nam!

Riêng tôi, một Kitô hữu, xin luôn được xác quyết và vững tin vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo hội, như Lời Chúa Giêsu Kitô hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thánh Thần sự thật, …. Người luôn ở giữa anh em và trong anh em.” (Jn 14:16-17)

San Jose, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2007

Giuse Chu Quang Định