Theo CNA, trong bản tin ngày 10 tháng 6, nhà thần học có ảnh hưởng được coi là gần gũi với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng ngài “rất lo lắng” về “Con Đường Đồng Nghị” đang gây tranh cãi của Giáo Hội Công Giáo Đức.

Vị Hồng Y đó chính là Đức Hồng Y Walter Kasper. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 8 tháng 6 với Passauer Bistumsblatt, ngài cho biết rằng ngài hy vọng lời cầu nguyện của các tín hữu Công Giáo sẽ có thể sửa chữa tình huống đó.



Vị Hồng Y 88 tuổi người Đức nói: “Tôi vẫn chưa từ bỏ hy vọng rằng những lời cầu nguyện của nhiều tín hữu Công Giáo sẽ giúp đưa Con Đường Đồng Nghị ở Đức đi đúng hướng Công Giáo.”

Con Đường Đồng Nghị là một tiến trình kéo dài nhiều năm, quy tụ các giám mục và giáo dân để thảo luận về bốn chủ đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội; luân lý tính dục; chức linh mục; và vai trò của phụ nữ.

Thoạt đầu, các giám mục Đức nói rằng diễn trình này sẽ kết thúc với một loạt các cuộc bỏ phiếu "ràng buộc" - làm dấy lên lo ngại tại Vatican rằng các nghị quyết có thể thách thức giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội.

Đức Hồng Y Kasper nói với tờ báo hàng tuần của Giáo phận Passau, ở đông nam nước Đức, rằng các nhà tổ chức Con Đường Đồng Nghị đáng lẽ phải chú ý hơn đến bức thư năm 2019 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi cho Giáo hội Đức.

Trong bức thư, Đức Giáo Hoàng cảnh cáo những người Công Giáo Đức không được khuất phục trước một “cơn cám dỗ” đặc thù.

Ngài viết: “Trên cơ sở cơn cám dỗ này, có niềm tin rằng giải đáp tốt nhất cho nhiều vấn đề và thiếu sót đang tồn tại là tổ chức lại mọi thứ, thay đổi chúng và 'đặt chúng lại với nhau' để mang lại trật tự và làm cho đời sống Giáo hội dễ dàng hơn bằng cách thích ứng nó cho phù hợp với luận lý hiện thời hoặc của một nhóm đặc thù".

Đức Hồng Y Kasper hỏi: “Tại sao Con Đường Đồng Nghị không xem trọng bức thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hơn và, như một thượng hội đồng, hãy xem xét các câu hỏi quan trọng dưới ánh sáng của Tin Mừng?”

Đức Hồng Y, người từng là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hợp nhất Kitô giáo của Vatican từ năm 2001 đến năm 2010, cũng nhận xét về khuôn mạo truyền thông của Con Đường Đồng Nghị.

Ngài nói, “Nó thực sự không cho ta một hình ảnh tốt trước công chúng. Tôi rất lo lắng, nhưng tôi thận trọng trong việc đưa ra phán đoán tổng thể cuối cùng".

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, tường trình rằng Đức Hồng Y Kasper nhận định rằng những tiếng nói ồn ào của các cá nhân và các nhóm chiếm ưu thế trong cuộc thảo luận công khai.

Ngài nói, “Thoạt đầu, có thể để cho các ý kiến khác nhau lên tiếng mà không bị sàng sẩy. Nhưng điều ra ngoài sức tưởng tượng của tôi, là các đòi hỏi như bãi bỏ lối sống độc thân và phong chức linh mục cho phụ nữ cuối cùng đã tìm được đa số 2/3 của hội đồng giám mục hoặc thu được sự đồng thuận trong Giáo hội hoàn vũ”.

Đức Hồng Y chỉ trích không những nội dung của Con Đường Đồng Nghị mà cả cấu trúc của nó, cho rằng nó bị cản trở bởi một “dị tật bẩm sinh”. Ngài nói diễn trình này đứng "trên đôi chân yếu ớt."

Ngài nhận xét: “Nó không phải là một thượng hội đồng hay một quá trình đối thoại đơn thuần. “Ban đầu đây là một quá trình đối thoại, sau đó hội đồng giám mục có cơ sở và cuối cùng, theo như yêu cầu của Giáo hội hoàn vũ, thì đến lượt Đức Giáo Hoàng.”

“Hơn nữa, mọi giám mục được tự do chấp nhận bất cứ điều gì các ngài thấy phù hợp với giáo phận của các ngài. Xét vì có bất đồng rõ ràng giữa các giám mục Đức, nên thật khó có thể tưởng tượng làm thế nào tất cả những điều này có thể quy về một mẫu số chung”.

Nhà thần học, người từng là giám mục của Rottenburg-Stuttgart từ năm 1989 đến năm 1999, nói rằng sự đổi mới chỉ có thể đến từ sự phát triển bên trong của đức tin, đức cậy và đức mến.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Kasper cũng cho rằng có một vấn đề nghiêm trọng trong việc dạy giáo lý trong Giáo hội Đức.

Ngài nói: “Khi tôi thấy những gì đang xảy ra ở các giáo xứ Rôma và ở Hoa Kỳ, và trong những điều kiện hoàn toàn khác ở Châu Phi, nơi việc dạy giáo lý diễn ra, thì chúng ta là một vùng thảm họa về giáo lý”.

“Ý tôi không phải là việc dạy tôn giáo trong các trường học, một việc, trong điều kiện trường học ngày nay, thường không phải là giáo lý. Điều tôi muốn nói đến là việc dạy giáo lý trong giáo xứ, vào dịp rửa tội, xưng tội lần đầu, Rước lễ lần đầu và thêm sức, chuẩn bị hôn nhân, và dạy giáo lý gia đình”.

“Ở những nơi thực hiện tốt điều này, ta có thể tìm thấy những người trẻ tuổi, các gia đình trẻ có con, mà ta thường đếm được trên đầu ngón tay ở Đức, tại các buổi phụng vụ Chúa nhật”.

Bình luận về lời mời gần đây của Vatican gửi tới tất cả các giáo phận Công Giáo tham gia vào Thượng hội đồng sắp tới về tính đồng nghị, Đức Hồng Y Kasper nhấn mạnh rằng người ta “không thể tái sáng chế ra Giáo hội,” nhưng đúng hơn, phải góp phần đổi mới Giáo hội trong Chúa Thánh Thần.

Ngài nói: “Các Thượng hội đồng không phải là quốc hội, không phải là ‘nhà máy sản xuất bài vở’ vẽ ra những bài vở dài mà hầu như không ai đọc sau đó, cũng không phải là một trung đoàn Giáo Hội để cho biết phải đi đâu”.

“Thượng hội đồng là những cuộc tụ họp, trong đó, trong những tình huống khủng hoảng, giám mục,linh mục đoàn của ngài và các tín hữu cùng nhau đối đầu với các dấu chỉ của thời đại, nhìn lên Tin Mừng và lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói với các cộng đoàn trong cầu nguyện và trao đổi lẫn nhau”.

Ngài nói thêm: “Như Công đồng [Vatican II] đã phán quyết, nếu một ‘sự hài hòa độc đáo’ giữa các nhà lãnh đạo và các tín hữu xuất hiện, thì đó là dấu Chúa Thánh Thần cho ta thấy chúng ta đang đi đúng đường".

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra dấu chấp thuận Đức Hồng Y ngay sau khi đắc cử năm 2013. Phát biểu vào Chúa nhật đầu tiên sau khi đắc cử, ngài ca ngợi cuốn sách của nhà thần học này, tựa là “Lòng thương xót: Yếu tính của Tin Mừng và Chìa khóa mở cửa Đời sống Kitô hữu”.

Đức Giáo Hoàng đã mời Đức Hồng Y Kasper phát biểu trước một mật nghị Hồng Y vào năm 2014 về vấn đề cho phép những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn dân sự được Rước lễ trong một số trường hợp nhất định.

Sự can thiệp của vị Hồng Y này đã ảnh hưởng đến cuộc tranh luận sau đó tại các Thượng hội đồng về gia đình năm 2014 và 2015, dẫn đến việc, năm 2016, công bố Amoris laetitia, tức tông huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về tình yêu thương trong gia đình.

Trong cuộc phỏng vấn với Passauer Bistumsblatt, Đức Hồng Y Kasper đã giải thích cách tiếp cận của ngài với những Kitô hữu ngoài Công Giáo đang tìm cách rước lễ trong các nhà thờ Công Giáo - một vấn đề thời sự trong các giới Giáo hội Đức.

Đức Hồng Y nói rằng ngài chưa bao giờ quay lưng lại với một người nào “vì tôn trọng các quyết định của lương tâm bản thân của các Kitô hữu”.

Vị cựu chuyên gia về đại kết của Vatican nói, “Điều này hiện đã trở thành thực hành mục vụ khá phổ biến ở Đức và được các giám mục chấp nhận rộng rãi. Nó không hoàn hảo, nhưng bạn có thể và phải sống với nó trong lúc này”.

Nhưng ngài bày tỏ sự dè dặt về một đề xuất gây tranh cãi liên quan đến “việc thông công tiệc Thánh Thể” giữa người Công Giáo và người Thệ phản ở Đức.

Đề xuất được đưa ra bởi Nhóm Nghiên cứu Đại kết gồm các nhà Thần học Thệ phản và Công Giáo (ÖAK) trong một tài liệu năm 2019 có tựa đề “Cùng nhau tại Bàn tiệc của Chúa”.

Ngài mô tả bản văn, một bản văn đã khiến có sự can thiệp của Vatican, chủ yếu như "một tài liệu học thuật" và chỉ trích việc áp dụng thực tế của nó tại Đại hội Giáo hội Đại kết ở Frankfurt vào tháng trước.